Đau khổ và Sự chết

Đau khổ và sự chết, một thực tại hiển nhiên mà không ai dám chối cãi, nhưng tâm lý chung thì ai cũng sợ và muốn quên nó. Chân lý hiển nhiên nhất lại là chân lý dễ quên nhất, để đến khi con người đối diện với sự chết thì mới giật mình tỉnh thức, như một khẩu ngữ trong dân gian: “chưa thấy quan tài thì chưa đổ lệ”.

Đau khổ và Sự chết gắn liền với nhau như hình với bóng, nó là mối dây hệ lụy với nhau như nhân với quả hoặc như quả với nhân. Vậy con người nói chung nhìn vào đau khổ và sự chết như thế nào, nó có ý nghĩa và giá trị ra sao, cũng như con người cần phải chấp nhận đau khổ và sự chết bằng cách nào?
*****

Với cách nhìn nhận thông thường thì chết là một cuộc vĩnh biệt đơn độc và hãi hùng nhất. Không ai có thể đau khổ và chết thế cho nhau, cho dù đó là người thân yêu nhất. Các triết gia xưa nay đều mải miết đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Con người từ đâu đến và đi về đâu? Tại sao con người lại đau khổ và phải chết? Nhiều triết thuyết đã ra đời để lý giải cho câu hỏi này. Những triết thuyết mang chữ “duy” không giải đáp được gì về nguyên lý của sự chết. Những thuyết không tìm ra ý nghĩa đích thực của đau khổ và sự chết thì thấy cuộc đời chỉ toàn bế tắc, có muôn vàn  mâu thuẫn và xáo trộn.

Khi con người không nhận thức đúng đắn về nó thì tất nhiên họ chỉ lao vào danh  lợi, lao vào sự tranh chấp để được thỏa mãn những khát vọng về thống trị và hưởng thụ, hoặc khinh thường sự sống đi đến sự khắc kỷ lệch lạc mất quân bình. Dù là tổng thống, là tỉ phú hay ăn mày thì cũng chỉ là kiếp người, để khi đối diện với sự chết cũng phải run giùng sợ hãi trở về tay không với bao tiếng khen chê, tốt xấu hay đáng nguyền rủa.

Đời được gắn liền với nước mắt: “Thoắt sinh ra thì đà khóc choé / Trần có vui sao chẳng cười khì” (Nguyễn Công Trứ), ngay từ lúc sinh ra là đã phải đối diện với đau khổ rồi. Có lẽ không có sách nào suy xét, phân tích kỹ lưỡng và sâu sắc về đau khổ của con người cho bằng “Tứ Diệu Đế” trong kinh điển nhà Phật, nó xoay quanh một kiếp sống trong “Sinh-lão-bệnh-tử”, để rồi phải kết luận bằng một câu bất hủ: “nước mắt chúng sinh nhiều hơn đại dương”. Con người luôn luôn gặp đau khổ hằng ngày, trong mọi nơi mọi lúc, và đau khổ tột cùng là sự chết. Đau khổ do mình bị lầm lỡ, do con người làm khổ lẫn nhau, do không được như ý muốn, do bị chia lìa người thân yêu, do tính toán thất bại, thất vọng, do bị hiểu lầm, bị phản bội, do tai nạn, do Tham-Sân-Si hoành hành… Đau khổ do nghèo đói, bệnh tật, thiên tai, động đất, chiến tranh, do quy luật sinh tồn, luật đào thải, do muôn vàn những khắc nghiệt của nhiều sự dữ đang hiện diện.

Có sống được trăm tuổi cũng chẳng ra sao: Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy / cảnh phù du trông thấy cũng nực cười (C.B.Quát).  Như Hoàng đế Napoleon bị đày ở đảo St. Helena, chỉ có con rùa làm bạn với ông, cuối đời ông thốt lên: “Ôi nước Pháp! Ôi Josephine”. Đau khổ dẫn ông về cõi ngàn thu. Cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của ông đã tiêu ma. Lev Tolstoi, nhà qúy tộc, bá tước, đại văn hào Nga, ông chết trên bãi tuyết, trong túi ông có mảnh giấy ghi câu: “Đừng để tôi gặp mặt vợ tôi”. Ôi thảm thương biết bao. Cũng như vua Salômôn, một Hoàng đế giàu sang, quyền thế, khôn ngoan và được toàn dân kính trọng, khi về cuối đời đã phải thốt lên: “phù vân, quả là phù vân, tất cả chỉ là phù vân – Vanitas vanitatum, ommia, vanitas”(GV 1, 2-3). Salômôn đã cảm nghiệm được cuộc đời chỉ có đau khổ và tất cả chỉ là ảo tưởng, ông đã “ngộ” ra chân lý đời đời.

Xưa nay, con người  tìm đủ cách để chấp nhận hoặc để giải thoát đau khổ. Đạo gia Á đông đã thấy quy luật rất tổng quát và tương đối: “Hữu sinh tất hữu diệt; Hữu thành tất hữu huỷ”, và “Thuận thiên tri thiên mệnh”. Đức Phật muốn giải thoát chúng sinh qua khỏi biển khổ bằng cách tiêu diệt mọi ước muốn (diệt dục) để vào Niết Bàn, vì Ngài thấy rằng sự vật, sự việc ở đời chỉ là “giả huyễn”, để rồi sinh sinh tử tử nối tiếp nhau trong một đại dương đầy nước mắt do bị nô lệ vào dục vọng. Trang tử nhìn cuộc sống hư hư thực thực, ông thấy mình là bướm rồi lại thấy bướm là mình. Khi vợ chết, Trang tử lấy đàn ra gảy, ông thấy có cũng như không và không cũng như có.

Lão tử lại thấy cuộc sống đầy rẫy những mầm loạn trong cái mê muội, nên ông chống lại mọi ý chí đấu tranh để chủ trương một đạo “vô vi”, tìm đến một lẽ sống tự nhiên về đạo an tịnh, để sống cũng như chết, mọi sự không thể tác động để gây đau khổ cho con người. Còn Khổng tử thì chủ trương một lối sống thực tế rất nhân bản và cao đẹp, một lối sống quân tử, vì “quân tử bất ưu bất cụ” (người quân tử không buồn lo, không sợ) và “quân tử thản đãng đãng” (người quân tử có sự bằng an thanh thản lồng lộng), nhờ đó tạo nên một trật tự mang lại an hoà cho con người và xã hội. Hiền triết Sorcates suốt đời tranh đấu cho sự thật, mong muốn cho con người thoát khỏi mê muội bằng cách “hãy tự biết mình”, ông rất thản nhiên trước đau khổ và sự chết. Ông tình nguyện (bị ép) uống thuốc độc rồi nhìn cái chết đến từ từ như nhìn một công việc đến hồi kết thúc phải có trong cái quy luật của nó.

Và dĩ nhiên, còn nhiều cá nhân, tín ngưỡng, tôn giáo từ đông tây kim cổ có những quan điểm hoặc niềm tin khác nhau về đau khổ và sự chết qua những ý niệm với nhãn quan riêng biệt.
*****

Con người đã tốn rất nhiều nước bọt và giấy bút để bàn về vấn đề này, nhưng đề tài này vẫn không có đoạn kết. Xét rằng con người hầu như bất lực để hiểu thấu hay ít ra cũng không thể nói về nó một cách rốt ráo, dù rằng qua lịch sử, nhiều triết thuyết, nhiều tôn giáo đã tung hứng đủ lý lẽ để lý giải về vấn nạn này. Con người chỉ biết rằng nó đang hiện diện, như một chân lý không thể chối cãi. Con người chưa biết rằng hai với hai là bốn từ đâu mà có, cũng như bóng tối xuất hiện vì không có ánh sáng, đau khổ hiện diện vì thiếu hạnh phúc, sự dữ có mặt vì vắng bóng sự thiện… Nào ai có thể chứng minh được nó từ đâu mà có? Nó xuất hiện với mục đích gì? có phải để tàn phá? để hủy diệt? Để tồn tại và phát triển? Để làm quân bình hay xáo trộn như trong quy luật đào thải? Và muôn vàn vấn nạn trong những chuyện tương tự.

Con người nhận thấy rõ rằng, quy luật sinh tồn, quy luật đào thải là vô cùng khắc nghiệt, sinh muôn vàn đau khổ và sự chết cho mọi sinh vật. Ngay cả vũ trụ được ổn định cũng nhờ tiếng nổ vĩ đại làm vỡ tung khối hỗn mang (Big Ben), và thiên nhiên cũng chẳng khác: Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàn. Mỗi bước chuyển tiếp là một cơn đau đớn, trong cái đã đến, đang đến và sẽ đến. Từ vi sinh vật, côn trùng, thú vật cho tới con người đều nằm trong quy luật sát phạt này. Nhưng đặc biệt, ai cũng nhận thấy rằng quy luật này rất hợp lý và hữu ích, vì nếu chỉ có yên lặng trong sự tĩnh mịch thì đồng nghĩa với sự chết, chẳng sản sinh ra được điều gì. Cá lớn nuốt cá bé, sinh vật này giết sinh vật kia để sống, nhờ thế hệ sinh thái mới được quân bình.

Ai cũng thấy rằng, muốn đạt được điều gì tốt, phải vượt qua những khó khăn thử thách. Mỗi cá nhân muốn đạt được ước mong nào thì buộc phải trải qua gian nan thử thách, sau đó mới gặt hái được hạnh phúc của điều mà mình đã trả giá (ai nên khôn không khốn một lần). Người giàu có, người thành công hay thành đạt thì buộc phải chiến đấu qua gian khổ. Thế giới được nhiều thành quả và tốt đẹp như hôm nay, chính nhờ vào bao cố gắng, bao gian nan, bao đau khổ của nhiều cá nhân, của những cộng đồng tập thể qua nhiều thế hệ… Nếu không có đau khổ, chắc rằng con người không cần cải thiện, như thế sẽ bất chấp tất cả, sẽ tự bị hủy diệt, vì đâu còn lý do để khắc phục và xây dựng nữa. Nhất là không có đau khổ và sự chết thì con người sẽ mặc sức sống theo thú tính để thỏa mãn mọi sự ngạo mạn của mình, mọi dục vọng nơi con người sẽ ngự trị, và như thế con người thành nô lệ, tàn sát lẫn  nhau, trở thành sự nghịch lý không thể có được.

Song song với nó là những dục vọng nơi con người, mà nhà Phật cho rằng đây là nguyên nhân chính tạo nên mọi nghiệp, mọi kiếp. Những thất tình (hỉ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục), lục dục-lục tặc (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) dẫn con người đến đau khổ và sự tiêu ma.

Quy luật sinh tồn và đào thải từ đâu mà ra, cũng như dục vọng nơi con người từ đâu mà có? Có thể nói đó là một bí nhiệm. Bí nhiệm như ánh sáng và bóng tối từ đâu. Chỉ biết chắc rằng quy luật mâu thuẫn luôn phải có thì mới sản sinh ra được điều kỳ diệu, nó nương tựa và đun đẩy nhau để phát triển(âm thịnh dương suy và dương thịnh âm suy). Đối cực này giải nghĩa và làm rõ cho đối cực kia chứ không thể lý giải hơn được.

Triết lý Á đông nhận rằng đây là sự khiếm khuyết của trời đất nhưng lại mang được ý nghĩa để chấp nhận cặp đối lập trong niềm lạc quan tích cực.

Nếu đứng ở góc độ lý trí con người, thì Đức Phật được xưng tụng là đại trí, Khổng tử là “vạn thế sư biểu”, Lão tử có trí huệ nhìn xuyên suốt được mọi quy luật để  thấy được cái “Đạo” là nguyên ủy và cứu cánh của mọi sinh vật, dù rằng bản thể của “Đạo” chưa ai giải thích và hiểu thấu được…, chỉ biết rằng đau khổ và sự chết bởi chính cặp mâu thuẫn mà ra, chứ không nhất thiết phải giải thích, càng không thể giải thích hơn được nữa, “ra sống thì vào chết; vào chết thì ra sống” (Lão) chính là vậy. Cũng như “Vật cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” (kinh dịch) là như thế.

Theo Hàn Cư Sĩ
Previous Post
Next Post