Không “mê sảng” trong sự tự huyễn hoặc mình, không tự ti đến mức “chê bai, dè bỉu” chính mình. Cách tốt nhất là chúng ta vừa có quyền tự hào về truyền thống cha ông để lại và cả những gì chúng ta đã và đang làm được hôm nay, song chúng ta cũng phải biết xấu hổ vì những yếu kém, thua thiệt của đất nước mình, dân tộc mình.
“Tôi tự hào là người Việt Nam”, diễn đàn do báo Lao động vừa tổ chức đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Cái khái niệm “tự hào dân tộc” thì bất cứ người dân của dân tộc nào trên thế giới này cũng đều có niềm tự hào về dân tộc họ, đất nước họ.
Cho nên có lẽ, điều quan trọng không nằm ở câu hỏi: Người Việt Nam có đáng tự hào không? Dân tộc Việt Nam có đáng tự hào không?... mà ở chỗ nên tự hào mức nào hay nói cụ thể, chúng ta nên tự hào về những điều gì và ngược lại, cũng nên biết xấu hổ về những điều gì.
Cụ Phan Bội Châu đã từng chỉ ra 5 điều dở (nguyên văn lời cụ là “ngu”) của dân ta lúc bấy giờ.
Một, hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả. Hai, tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm. Ba, chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần. Bốn, thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung. Năm, biết có thân mình, nhà mình mà không biết có nước.
Những lời tự phê nghiêm khắc của Nhà chí sỹ yêu nước họ Phan tiếc thay dù đau xót, chúng ta cũng không thể nói khác.
Gần một thế kỉ sau, tại Diễn đàn nói trên, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã thẳng thắn đặt ra những câu hỏi cần trả lời: “Chúng ta là ai? Tôi là ai? Như thế nào là người Việt Nam? Bởi mình phải biết mình là ai thì mới mới có thể tự hào được. Còn nhắm mắt mà tự hào thì thật nguy hiểm… Khi mình cố gắng tư duy, trăn trở để biết mình là ai thì tôi nghĩ dứt khoát mình sẽ có cái đáng để tự hào thật sự và cũng có cái đáng để xấu hổ”.
Quá đúng!
Quá đúng bởi chúng ta đã từng có thời mê mẩn chính mình đến mức “Ta là ta mà lại cứ mê ta” như một câu thơ của thi sỹ Chế Lan Viên. Cái niềm “tự hào mê mẩn” này đã khiến nhiều khi chúng ta ngộ nhận mà trong một bài viết trên Dân trí cách đây ít lâu, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã bày tỏ thẳng thắn:
“Chúng ta đã từng đi qua một thời mà có người gọi là “thời ngạo mạn”. Trong cái "thời ngạo mạn", chúng ta nói: Người Việt ta yêu nước nhất thế giới, người Việt ta anh hùng nhất thế giới, người Việt ta thông minh nhất thế giới. Chúng ta nói: Người Việt ta nhân đạo nhất thế giới. Chúng ta nói: Thủ đô ta nhiều cây xanh nhất thế giới…
Nhưng đến một ngày, chúng ta nhận ra sự thật không phải hoàn toàn như vậy. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử của dân tộc chúng ta trước đó cho dù ông cha ta đã làm nên những điều kỳ vỹ”.
Thế nhưng gần đây, lại xuất hiện xu hướng tự ti dân tộc. Không chỉ sính hàng ngoại, chuyên gia ngoại và cả… lấy chồng ngoại mà cứ hễ nói đến đất nước Việt Nam, nói đến người Việt Nam là không ít người Việt Nam chúng ta tự chê bai mình không tiếc lời.
“Chúng ta tự vẽ lên chân dung chúng ta xấu xí đến không tưởng. Không ít người nước ngoài trố mắt kinh ngạc khi nghe chính người Việt nói về người Việt. Một số bạn bè nước ngoài của tôi nói: Người Việt Nam có rất nhiều đức tính đẹp nhưng sao tôi nghe không ít người Việt nói về người Việt cứ như người Việt là những người kém cỏi và xấu xí nhất thế giới này? Chúng ta đã đi từ cái nhất này đến cái nhất khác một cách dễ dàng. Trạng thái này cho thấy sự bất ổn về nhân cách của chúng ta”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tâm sự.
Vâng! Tính ngạo mạn hay sự tự ti đều biểu hiện “sự bất ổn về nhân cách”.
Vì vậy cũng trên Dân trí, GS. Ngô Bảo Châu từng viết: “Thay bằng việc tự gặm nhấm cái tự ti cá nhân, mỗi người nên cố làm tốt việc của mình và cố nhìn ra điểm mạnh điểm tốt của những người xung quanh để hợp tác và hỗ trợ”
Không “mê sảng” trong sự tự huyễn hoặc mình, không tự ti đến mức “chê bai, dè bỉu” chính mình. Cách tốt nhất là chúng ta vừa có quyền tự hào về truyền thống cha ông để lại và cả những gì chúng ta đã và đang làm được hôm nay, song chúng ta cũng phải biết xấu hổ vì những yếu kém, thua thiệt của đất nước mình, dân tộc mình.
Không “mê sảng tự hào”, cũng “không gặm nhấm tự ti”, đó mới là phương cách hành xử hiện nay, phải không các bạn?