Trong cách nhìn mang tính dự báo, ai cũng nhận ra một nguy cơ trước mắt. Trên các phương tiện truyền thông đã dấy lên hàng ngàn ý kiến của các nhà chuyên môn giáo dục và phụ huynh đã bày tỏ mối quan ngại trước đề án dùng học sinh đầu cấp làm vật thí nghiệm. Và mới đây, trên các báo bắt đầu cảnh báo nạn nghiện thiết bị số của trẻ em từ 1 đến 6 tuổi.
Ngoài rối loạn thể chất, các em sẽ bị ảnh hưởng về tâm hồn, nhân cách. Đó là điều không tránh khỏi. Quá nhiều hệ lụy khi những đứa trẻ thu mình vào thiết bị số. Điều đáng buồn là các bậc cha mẹ không biết trì hoãn thỏa mãn của trẻ, chính mình tiếp tay, đẩy con em mình vào ngõ cụt của những màn hình phẳng. Nguy hại trước mắt mà chúng ta nhìn thấy là một thế hệ trẻ em không biết chào người lớn đang là điều có thật. Những tác phẩm văn học được in bằng sách giấy trong tương lai là những thứ bị bỏ quên trong góc khuất mỗi gia đình. Tôi rùng mình trước viễn cảnh những đứa trẻ thay vì được học những kiến thức cơ bản nhất để đi tiếp chặng đường học tập dài dằng dặc của đời người, cứ phải cắm đầu vào những màn hình vô cảm. Trong khi đó, thế giới thật bên ngoài màn hình có biết bao điều kỳ diệu. Loay hoay với những thiết bị điện tử, liệu còn có thầy cô nào còn thời gian giúp các em nhìn ra vẻ đẹp của giọt nước lăn trên lá sen phản chiếu dưới ánh nắng như viên kim cương lấp lánh, những bông hoa cuối mùa, sức sống của cỏ xanh. Có thầy cô nào còn thời gian để nhận ra những giọt nước mắt ứa ra từ nỗi niềm, uẩn khúc của các em học sinh từ những cảnh đời dị biệt, ngang trái, thống khổ?... Tất cả đều co cụm, chú mục vào màn hình, quẹt quẹt, bấm bấm; thể như thế giới này không còn gì khác ngoài mấy chục centimet mặt phẳng lạnh lùng.
Tôi nghiệm ra những trẻ em nghiện game phần lớn là những đứa trẻ ích kỷ, bởi các em không mấy quan tâm đến cảm xúc người khác, chỉ sống với thế giới ảo của mình. Chúng ta đã đắng lòng khi vào cơ quan, chứng kiến hàng ngày cảnh nhân viên vừa trả lời thủ trưởng vừa cúi xuống màn hình điện thoại, iPad bấm bấm, quẹt quẹt. Mặt trái những tiện ích của thời đại bùng nổ kỹ thuật số là con người dường như cô đơn, lạnh lùng, vô cảm hơn với đồng loại. Năm 1981, đại văn hào García Márquez viết Ký sự một cái chết được báo trước, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh sự vô cảm của con người. Và cũng thật tình cờ, đọc truyện ngắn Tại sao? trên báo Tuổi Trẻ ngày 31-8-2014 cách đây ít lâu, tim tôi thắt lại với câu chuyện lên án sự thờ ơ của đồng loại, với sự tiếp tay của internet, đã đẩy một cô bé trong phút nông nổi đã đánh, lột áo cô bạn tìm đến cái chết để giải thoát sự xấu hổ, hối hận. Trước khi chết, cô bé đã thống thiết kêu lên: “Cô ơi, chú ơi, thầy ơi, chị ơi, các bạn của mình ơi! Tại sao không ai tới với mình vào lúc đó? Sao để mình cô đơn lao vào cái trò khốn nạn ấy, sao không ai ngăn mình, tại sao?”. Không ai đến để an ủi, kéo em ra khỏi cái chết, bởi con người thời hiện đại quá bận rộn, mải mê dán mắt vào mấy in-sơ màn hình vô cảm. Một xã hội sẽ về đâu, khi những công dân lớn lên từ “thành tựu” màn hình phẳng tương tác, bấm bấm, quẹt quẹt?!
Tôi chợt nhớ đến tuổi thơ của mình cách đây 4 thập kỷ. Thời ấy, chúng tôi đi học được cấp sách giáo khoa miễn phí. Trường sơ học (lớp 1,2,3) của tôi được xây dựng trong một xã xa xôi, vùng giao tranh giữa hai chiến tuyến, nơi thi thoảng vẫn diễn ra những trận đánh, không tránh được thương vong cho thường dân. Nhưng nơi nguy hiểm ấy vẫn không thiếu vắng những người giáo viên tràn đầy tâm huyết. Nhờ không có máy tính bảng mà cô giáo lớp ba của tôi phát hiện ra khả năng tiềm tàng của một đứa học trò luôn nhận điểm “hột vịt lộn”, lem luốc, rụt rè như tôi. Cô đã cất công tìm hiểu chỗ vướng của học trò để khai thông trí não cho tôi, đi từ cái dễ đến cái khó, giản đơn đến phức tạp để tôi yêu thích môn học mà mình kinh sợ nhất. Cô đã kiên trì giúp tôi chiến thắng nỗi sợ hãi của chính mình. Cô đã giúp cho những đứa học trò nơi cái làng nghèo đìu hiu, xa xôi vùng cuối đất hiểu được giá trị làm người, giúp chúng tôi đam mê, khao khát, ước vọng. Ngày ấy, chưa có phong trào “vở sạch chữ đẹp”. Thấy chữ của học trò quá xấu, cô nghĩ ra cách rèn chữ độc đáo cho chúng tôi. Cô dùng tiền lương của mình mua 40 quyển tập đẹp, phát cho 40 đứa học trò chúng tôi. Cô yêu cầu chúng tôi ghi lại những câu hát ru, ca dao, dân ca từ những người bà, người mẹ của mình. Em nào ghi được nhiều, rõ ràng, dễ đọc, cô sẽ phát thưởng. Dưới ánh đèn leo lét, bên bếp lửa nấu bắp, khoai; mẹ đã đọc cho tôi những câu ca, hò vè có sức truyền cảm dữ dội. Một trong những bài hát ru tôi còn nhớ mãi từ mẹ là bài Mười tay:
“Bồng bồng con ngủ cho ngoan
Dưới sông cá lội, trên ngàn chim bay
Ước gì mẹ có mười tay
Tay kia bắt cá, tay này bắt chim
Một tay xe chỉ luồn kim
Một tay hái lúa, tay tìm hái rau
Một tay ôm ấp con đau
Một tay vo gạo, tay cầu cúng ma
Một tay vung vãi đàng xa
Một tay bếp núc, cửa nhà nắng mưa
Một tay quơ củi, muối dưa
Một tay để vâng lệnh, để bẩm thưa đỡ đòn
Tay này mẹ giữ lấy con
Tay nào lau nước mắt…mẹ còn thiếu tay”
Cô giáo trao giải nhất cho tôi vì tôi ghi được nhiều bài ca dao, hò vè nhất. Phần thưởng tôi còn nhớ là mười quyển tập trắng tinh. Cô chọn bài Mười tay đọc cho chúng tôi nghe. Một đứa bạn xì môi nói: “Thấy ghê, mẹ của bạn ấy là quỷ nên mới có nhiều tay như vậy!”. Cô giáo nghiêm mặt, giảng cho cả lớp hiểu nghĩa bóng của bài thơ là thân phận làm dâu khổ cực của người phụ nữ thời xưa. Người mẹ chỉ có hai tay mà phải làm ngần ấy việc, lại bị bạc đãi, đánh đập; đến nỗi không còn tay để lau nước mắt… Cô liên hệ đến những câu chuyện tủi nhục của phụ nữ thời xưa khi đi làm dâu, nỗi bất công người phụ nữ phải chịu đựng dưới chế độ thực dân phong kiến... Từ những gợi mở, phân tích, liên tưởng của cô; tôi hiểu thêm nỗi khổ về cuộc đời làm dâu đầy nước mắt của bà tôi, mẹ tôi. Những uốn nắn của cô, gieo mầm cảm xúc của cô về thân phận con người, về lòng đa cảm đã đi theo suốt cuộc đời tôi. Sau này, tôi trở thành một nhà văn, viết nhiều thân phận phụ nữ là có sự gieo mầm của cô từ tuổi thơ khốn khó. Nếu ngày ấy học bằng máy tính bảng, tôi đâu có được những rung cảm làm người như vậy. Thời ấy, không có nhiều lý luận dạy và học nhưng cô giáo của tôi ngoài việc dạy chữ, dạy làm toán còn dạy chúng tôi biết rung cảm trước vẻ đẹp con người, biết nghĩ sâu hơn về những giọt nước mắt. Cô còn sửa cho chúng tôi dáng ngồi để không bị vẹo lưng, bắt chúng tôi tuân thủ khoảng cách giữa mắt và tập sách khi ngồi viết để tránh bị tật cận thị. Nhờ vậy, thế hệ chúng tôi, lớp học rất hiếm người đeo kính cận. Thời dạy học bằng tương tác máy tính bảng, liệu các em còn có được những người thầy nhân văn như tôi đã được học không? Tôi may mắn vì tuổi thơ mình không có máy tính bảng, để nhận ra sự tương tác kỳ diệu của thiên nhiên và con người. Tôi đã được học làm người từ những năm tháng tuổi thơ như thế.
Một xã hội sẽ về đâu khi người và chiếc màn hình phẳng gần gũi nhau, thiết thân không thể tách rời. Con người với con người, ngay cả những người thân tình máu thịt, trở nên rời rã, xa lạ, vô cảm gia đình sẽ vô vị, lạnh lẽo đến mức nào?! Không có sự tương tác, gắn kết, đồng cảm giữa con người với con người; con người với thiên nhiên; thế hệ tương lai sẽ vô cảm đến mức nào?! Câu hỏi ấy dành cho tất cả những bậc làm cha mẹ chúng ta, đặc biệt là những người làm công tác sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật!