Kiếp người, tôn giáo và vài cách nhìn viễn tưởng

Kiếp Người - Sinh-Lão-Bệnh-Tử là tiến trình sống bình thường của một kiếp người. Với một lý do nào đó nếu con người bị chết lúc còn trẻ như chết vì tai nạn hoặc chết bất thường khi chưa tới tuổi già, thì tiến trình sống kia chỉ còn Sinh-Tử hoặc Sinh-Bệnh-Tử. Trong suốt cuộc đời, cũng có lúc ta tự hỏi tại sao ta phải sinh ra ở thế giới này?

Con người được sinh ra trong cõi đời này thường không biết lý do tại sao mình được sinh ra. Khi đến một khoảng độ tuổi nào đó trong cuộc đời, Con Người tự tìm lại cội nguồn và mong tìm cho ra lý do vì sao mình được sinh ra. Cho đến cuối đời, cuộc tìm kiếm đó vẫn chỉ có tính cách phỏng đoán, không có gì là chắc chắn và chân lý đích thực vẫn còn để mở và vẫn chưa có câu trả lời chính xác.

Trong văn chương, nhà văn Vũ Trọng Phụng nhận định trong cuốn tiểu thuyết Giông Tố, con người được sinh ra một cách hài ước nhưng thực tế, đại khái: Tôi sinh ra chỉ vì bố tôi có ham muốn một phút điên rồ của xác thịt. Con người cũng tìm lại được chính mình ở trong phạm vi tôn giáo nếu có Đức Tin mãnh liệt. Dưới lăng kính của tôn giáo, như Công Giáo con người được sinh ra vì ý của Chúa (đấng Tạo Hoá); như Phật Giáo, nói nôm na, con người sinh ra là để trả nợ đời theo luật Nhân-Quả. Dưới lăng kính của tự nhiên, âm-dương sinh vạn vật! Dưới lăng kính của tiểu tuyết viễn tưởng, Con Người được sinh ra là thuộc về trò chơi của Đấng Sáng Tạo. Diễu cợt hơn nữa, tiểu thuyết dựng một bối cảnh cho rằng: Đấng Sáng Tạo dùng Khủng Long làm thú tiêu khiển như Con Người có thú vui khi nuôi cá cảnh trong lồng kính. Sau này, Đấng Sáng Tạo chán nên dùng Người làm thú vui, do đó, Con Người được sinh ra và Khủng Long bị diệt vong!

Một kiếp người được ví như là những đoạn phim ngắn, nó được dựng lên theo mốc thời gian để trở thành những tác phẩm có một không hai. Nếu đem ghép những đoạn phim đó gộp thành một thì chúng đúng là một bức tranh sống động vô tiền khoáng hậu. Ở mỗi chặng đường của cuộc đời, con người ta có những thú vui buồn riêng và không ai giống ai, nhưng tựu chung: Họ lớn lên, lấy vợ lấy chồng, sinh con, và đến tuổi già rồi thác. Trong tiến trình đó đối với một đất nước văn minh, tuổi thiếu thời là tuổi đẹp nhất có nhiều ước mơ; tuổi thanh niên là tuổi tạo công danh, nhiều hẹn hò, trai gái tìm kiếm nhau thành mái ấm; tuổi trung niên tuổi săn sóc gia đình con cái và dự tang lễ của người thân hay của ông bà bạn bè; tuổi già là tuổi mọi ham muốn đã xế chiều, nhìn đời thật nhẹ và xum vầy với con cháu vào những dịp lễ. Và lâu lâu lại tiễn đưa vài ông bạn già hoặc người thân trên xe tang để về an nghỉ bên kia thế giới; cuối cùng rồi cũng đến lượt mình, nói cách khác đó cũng là tuổi đang nằm chờ chết!

Nếu cuộc đời con người được giàn xếp và trôi chảy như vừa mô tả ở trên thì quá hạnh phúc rồi phải không? Vâng, nó đúng là mẫu mô hình lý tưởng và hạnh phúc cho mọi người. Nhưng xét kỹ lại, nếu sinh ra để được như vậy, thì thà đừng được sinh vì cuộc đời nó thật nhạt nhẽo và phũ phàng làm sao! Vì cuộc vui nào mà không tàn, mà phần lớn trong suốt cuộc đời thường để lại những trống vắng. Đến khi gần kề đến cái chết, mới thấy cái phũ phàng trong thân phận làm kiếp người. Nhưng trên thực tế, có những thú vui mà chúng ta chưa biết đấy thôi. Nếu tinh ý, ta cũng thấy rằng: Mọi thứ trên đời này đều phải có nguồn gốc, tức là phải có ai đó phát sinh ra hay dựng ra nó. Ví dụ, ta có thể hiểu ai đó mà xây dựng vũ trụ quan và thế giới quanh ta dưới cái tên nào đó, tùy theo ngôn ngữ hay tập quán, ta có thể gọi người đó là Trời, Thượng Đế hay Đấng Sáng Tạo hoặc tên nào đó gọi theo địa phương. (Người viết không có nhã ý thuyết phục người đọc phải tin vào thần thánh được cho là dị đoan hay chứa ít nhiều tính chất Đạo.) Bạn sẽ thấy những thú vui vì sao các nhà nghiên cứu hay khoa học lao vào làm việc không biết mệt mỏi.

Đến đây, người viết tạm gọi tên người Đấng Sáng Tạo là ông A nào đó đi, để tránh mang tính duy tâm. Thế thì khi truy tìm lại nguồn gốc của vạn vật, ví dụ khi nhìn một bông hoa dưới kính hiển vi, bạn thấy cấu trúc kỳ lạ và được sắp sẵn hoàn hảo theo tính đối xứng và nét văn của nó trên bông hoa theo một tính toán rất tinh tế. Nếu có phương tiện, bạn thử tiếp tục khảo sát đến đơn bào (tạm gọi là nhỏ nhất), bạn sẽ thấy gì trong đó? Đây là kết quả của nhà khoa học đã nghiên cứu về đơn bào vì họ muốn chế tạo ra đơn bào nhân tạo: Lần đầu tiên nhà khoa học nhìn đơn bào đó bằng kính hiển vi, họ thấy có những đơn bào khác đang hoạt động trong đơn bào mà họ đang quan sát, không những một vài đơn bào mà là nhiều triệu đơn bào. Chưa hết, họ lại thử tiếp tục quan sát bên trong một vài đơn bào nhỏ kia bằng kính hiển vi cực đại hơn, họ ngạc nhiên bên trong của một trong nhiều triệu đơn bào kia, nhà khoa học lại thấy nhiều vô số (triệu) đơn bào khác nằm bên trong một đơn bào đó và chúng đều đang hoạt động. Cứ tiếp tục quan sát tiếp bằng kính hiển vi cực đại hơn, họ vẫn thấy được nhiều cỗ máy nằm trong mỗi đơn bào ở các tầng bên trong, cứ thế và mãi mãi! Sau cùng, các nhà khoa học kết luận rằng: Rất khó cho con người (nhà khoa học) tự tạo ra một đơn bào.

Các nhà thần học mới đặt câu hỏi: Ai là người tạo ra đơn bào? Từ những câu hỏi đơn giản, đã đưa con người ta tiếp cận và tìm hiểu đến người tạo ra nó. Nói cách khác, chính sự phát hiện đó đã đem đến cho các khoa học gia một nguồn cảm hứng vừa tự hào và luôn có một niềm kính sợ và kính phục người sáng tạo ra đơn bào. Chúng ta nghe nói nhiều về nhân bản (clone), và ta tưởng là người ta (khoa học gia) "chế tạo" và làm sinh ra con cừu hay con bò. Không, họ chỉ làm lại quá trình đã có sẵn trong tự nhiên bằng cách đặt vào trong đó một bản sao DNA của vật nào mà họ muốn nhân bản, chứ đâu có sáng tạo hay chế tạo gì đâu vì đơn bào mà còn làm chưa được nữa mà. Chính thiên nhiên đã ban tặng cho con người nhiều vạn vật và mang đến nhiều nguồn cảm hứng để giúp con người gián tiếp cận với ông A nào đó (người sáng tạo) mà con người tự cổ chí kim chưa bao giờ gặp mặt. Để trịnh trọng, người viết từ đây gọi ông A đó là Đấng Sáng Tạo.

Chính Đấng Sáng Tạo mới là nguồn cảm hứng để con người ta mới thấy cuộc sống có ý nghĩa đích thực và con người sẽ thấy mình thật nhỏ bé trước vũ trụ bao la. Trong thiên nhiên có chứa nhiều mẫu mô hình tuyệt vời mà con người cần phải tìm hiểu và ứng dụng. Đấng Sáng Tạo không che dấu điều chi, vì các mô hình đó đã có tự bao giờ và chỉ vì con người không tìm kiếm nên không thấy, nhưng nếu tìm kiếm cũng phải trả một giá thật đắt, hy sinh cả cuộc đời!

Ví dụ, cách đây 500 năm, nhà toán học người Đức ông Johannes Kepler đã thiết lập ra định luật về chuyển động của thiên thể (laws of planetary motion). Ông hy sinh cả cuộc đời và thức trắng nhiều đêm quan sát bầu trời để tìm ra định luật này. Vào thời điểm đó, thuyết của ông được coi là dị giáo và bị cấm. Nhưng vì ông thấy dáng dấp của Đấng Sáng Tạo đã sắp đặt mô hình và quỹ đạo các thiên thể trong vũ trụ, ông tin mạnh mẽ rằng thuyết của ông là đúng dựa vào sự hiển nhiên của các phương trình toán học. Trước khi chết trên tay ông còn nâng niu quyển sách ở dạng bản thảo vừa được in ấn xong và mong nó được chuyển đến những thế hệ sau. Đó cũng là ước mơ cuối cùng trong đời ông, với niềm tin mạnh mẽ rằng phần lý thuyết của ông sẽ được phục vụ nhân loại.

Thời nay, nhà vật lý lừng danh đương đại ông Stephen Hawking và cũng là cha đẻ của thuyết dây (String Theory), trước đây đã từng tuyên bố là ông không tin có Đấng Sáng Tạo hay Trời (God). Sau này ông đã rút lại lời tuyên bố đó và cho xuất bản cuốn sách "God Created the Integers", tạm dịch, Chúa Tạo Ra Những Số Nguyên. Phải chăng những ai một khi đã tiếp cận về khoa tự nhiên, họ có nhiều cơ may phát hiện ra Đấng Sáng Tạo là có thật chứ không phải nghe đồn hoặc nói suông vì người khôn thường không nghe lời đồn. Trong một nước văn minh như Hoa Kỳ, chữ "God" đã được in trên các đồng tiền qua hàng chữ "In God We Trust", và trong các bài kết thúc diễn văn của các diễn giả hay nhậm chức của tổng thống, ta thường nghe "God Bless America". Như vậy kiếp người thật không phũ phàng nếu tự đi tìm để có niềm vui mà không cần phải là một khoa học gia. Ví dụ, xây dựng một mái ấm gia đình và nhất là khi thấy có những đứa trẻ lớn khôn khi chúng hiểu được sự vật quanh ta một cách khéo léo và tài tình thì cũng là một hạnh phúc đích thực của cuộc sống.

 Nếu dựa vào nhận định trên, con người sinh ra là tìm kiếm điều chưa biết, tìm cách tiếp cận đến Đấng Sáng Tạo làm nguồn cảm hứng. Kết quả của công việc tìm kiếm đó sau cùng cũng là phục vụ con người. Nói cách khác, kiếp người được sinh ra chính là để phục vụ tha nhân.

Tôn giáo gắn liền con người

Nếu chúng ta nhìn thoáng hơn khi đứng trên phương diện xã hội nhân sinh quan, tôn giáo là cái cần và có nhằm để ổn định xã hội. Con người ai cũng có ít nhiều dục vọng riêng. Chúng có thể trở thành xấu đi nếu chúng không được đi vào khuôn khổ; điều này cũng được ví như những cây cảnh (bonsai) có lá cành mọc túa ra theo mọi hướng. Nhờ nhà chơi cảnh mà lá-cành-cây mới được uốn nắn và trao chuốt theo bóng dáng rất riêng của chính nó. Tương tự, nhờ các tôn giáo ra đời với mục đích cảm hoá con người theo hướng tích cực, ngõ hầu đào tạo nhân tính tốt và cách cư xử tình người trong thế giới chúng ta sống. Nhìn chung, về mặt triết lý sâu xa của các tôn giáo (mặc dù có hình thức khác nhau) luôn gặp nhau ở ngã ba đường - đó là làm lành tránh ác, giúp con người luôn hướng thượng và đem đến hạnh phúc không những ở đời này hay kiếp sau. (Xin mở ngoặc ở đây - Tại sao phải nói đến kiếp sau? Nếu không có kiếp sau hiện hữu, thì tôn giáo cũng bị sụp đổ vì bị thừa - một nhận định thật chua chát!) Mặc dù tôn giáo không cảm hoá được tất cả mọi người, nhưng về mặt xã hội, tôn giáo vẫn cho hiệu quả cao theo số đông về mặt ổn định của Đại Chúng. Và chính vì vậy, tôn giáo vẫn tồn tại qua nhiều thời đại khác nhau.

Sách vở đã bàn luận rất nhiều khi nói đến âm-dương vì nó tồn tại khắp mọi nơi trong thế giới ta sống nói riêng và trong vũ trụ nói chung. Học thuyết âm dương đã được biết từ ngàn xưa. Khi đối chiếu và so sánh với vật lý hiện đại, tính chất của chúng không có gì khác nhau, ngoại trừ những ký hiệu, ngôn ngữ và có thêm các hạt mới được phát hiện. Học thuyết âm dương là nền tảng căn bản cho phát sinh mọi vật. Đối với người nam và nữ, họ chính là dạng bậc cao của hình thức âm-dương với mục đích tối hậu để duy trì nòi giống. Gần đây, một số nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên cho rằng, bất kỳ người nào cũng đều có bản thân nam và nữ tồn tại trong chính họ. Nó chỉ bộc phát khi một trong hai được phát triển mạnh để cho người đó là Nam hoặc Nữ. Nếu không có phần mạnh nào lấn át nhau, thì cho ra người đó thuộc bán nam bán nữ. Nhà nghiên cứu cho rằng: Suy nghĩ, cảm xúc, các cơ quan trên thân thể, vân vân trong người nam và nữ luôn có nhiều điểm giống nhau. Tùy theo môi trường sống, tính tình và khí phái trong con người đó sẽ được phát triển. Nhà thơ Trần Tế Xương (Tú Xương) cách đây ba thế kỷ đã có nhận xét rất tinh tế:

Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai

Nếu nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên nói trên mà đọc được thơ của Tú Xương, chắc cũng thầm ngợi khen vì ông đã đi trước thời đại của chúng ta bằng hai câu thơ với ngôn ngữ thật bình dân và rất độc đáo!

Trong tôn giáo, luôn đề cao về nhân sinh quan, thân phận con người luôn được bảo vệ triệt để, từ bào thai cho đến lúc sinh ra và làm kiếp người. Một đứa trẻ tàn tật, gợi ý trong ta một tình cảm đồng loại, một tình yêu đặc biệt dành cho những đứa trẻ bất hạnh đó. Khi một người mắc bệnh khờ từ lúc nhỏ và ít nói vì họ không nói được những ngôn ngữ của những người bình thường. Nhưng cũng có thứ ngôn ngữ mà người bình thường không mấy ai làm được, mà chính người khờ đó lại làm được. Ví dụ, khi bạn bắt gặp mẹ của người khờ đó qua đời, trong lúc hòm được hạ huyệt, thì chính người khờ đó lại nắm một bó hoa ném theo, vẫn đứng nghiêm trang và tự bật khóc thành tiếng, thì chính lúc ấy bạn sẽ thấy được ngôn ngữ trong thế giới của người bệnh khờ muốn truyền đạt đến bạn. Khi bạn thấy điều này, bạn tự hiểu tại sao các tôn giáo hô hào tránh phá thai trên thế giới.  

Viễn tưởng về hành tinh Đỏ - Sao Hoả

Sao Hoả là hành tinh thứ tư tính từ mặt trời trong hệ mặt trời. Từ năm 1970 tới nay chi tiết về sự sống trên Sao Hoả, được NASA và chính phủ các nước tiết lộ một cách dè dặt vì sợ gây dao động trên thế giới, nhất là về mặt tôn giáo. Nếu bạn là tiểu thuyết gia, bạn có thể dựng sự sống trên Sao Hoả theo bối cảnh tưởng tượng vắn tắt sau đây:

Trước đây khi mặt trời còn gần với sao Hoả (Mars), thì nhiệt độ trên đó cũng giống như trên trái đất của chúng ta bây giờ, và nhiệt độ trên trái đất của chúng ta cũng giống như sao Kim (Venus) bây giờ. Sự sống trên sao Hoả tồn tại và cũng giống như chúng ta. Khi bầu khí quyển đã bị vỡ do những dầu thô trong lòng đất bốc cháy theo núi lửa phun trào qua nhiều thế kỷ và khói và bụi phủ kín hành tinh đỏ, sao Hoả trở thành đất chết, và con người dần dần bị đưa đến chỗ diệt vong. Chỉ có một số ít sống sót nhờ có những kỹ thuật tiên tiến và họ di cư đến hành tinh cạnh đó về hướng mặt trời, nói nôm na là di cư đến trái đất của chúng ta.

Trong tương lai, khi sức nóng của mặt trời nguội tạnh dần, thì sao Kim có nước tụ lại thành sông biển, có không khí và khí quyển hình thành. Lúc đó, nó đúng là chỗ dung thân của con người một khi trái đất đã hoá ra như sao Hoả vì lý do khác nào đó. Đúng là bối cảnh viễn tưởng phải không bạn? Nếu một ngày nào đó mà NASA hay những cơ quan chinh phục không gian tìm thấy được bộ xương người hay sinh vật như trên trái đất nằm dưới lòng đất sao Hoả, thì viễn tượng của bạn có lẽ trở thành huyền thoại!

Previous Post
Next Post