Ðược sinh ra làm người là một cái phước, nhưng làm người không phải là dễ, vì luôn luôn phải đối phó với mọi vấn đề đa đoan trong đời sống. Ai cũng muốn được sống thỏa thích theo ý mình, nhưng những ước muốn đó phải được cân bằng với những liên hệ ràng buộc và bổn phận đối với gia đình, xã hội và chính bản thân mình.
Cuộc sống càng văn minh, càng sinh ra nhiều nhu cầu và ràng buộc. Thế giới càng văn minh, càng sinh ra nhiều bất an. Chiến tranh, khủng bố, tội ác bạo tàn luôn luôn đe dọa đời sống của chúng ta, không kể những thiên tai càng ngày càng khốc liệt do hiện tượng hâm nóng địa cầu, hậu quả của kỹ nghệ hóa gây ra. Văn minh kỹ thuật đem lại những tiện nghi lý tưởng, cũng như cải thiện tuổi thọ và sức khỏe của con người, nhưng cũng có mặt trái của nó. Sự lệ thuộc vào máy móc quá nhiều sẽ làm mất đi tính tự do trong đời sống. Phương tiện truyền thông hoàn hảo và nhanh chóng lan tuyền đi những cái xấu và nguy hiểm nhiều không thua gì những cái tốt. Hiện tượng hoàn cầu hóa cải thiện đời sống kinh tế cho các quốc gia, nhưng cũng gây ra những tệ nạn và thảm cảnh do sự du nhập lực lượng lao động trên khắp thế giới. Cái đẹp bao giờ cũng đi đôi với cái xấu, ưu điểm bao giờ cũng đi đôi với khuyết điểm, hai cái đối nghịch nhau nhưng luôn luôn song hành với nhau như ngày và đêm, như ánh sáng và bóng tối. Ðó là đời sống, là bản chất của mọi hiện tượng.
Trong tình huống đó, con người phải sống như thế nào để có được hạnh phúc và sự an bình? Người ta thường mong mỏi có một nơi chốn an lành để sống, hoặc cầu cho mọi sự bao giờ cũng tốt đẹp, được nhiều an lạc. Nhưng không phải lúc nào an lạc cũng đến với chúng ta. Ðời người như một giòng sông, có lúc lên thác xuống ghềnh, có lúc êm đềm chảy trôi, và khi ở trong giòng nước cuốn của nghịch cảnh, nhiều khi không có đủ sức mạnh để vượt qua. Nhưng chúng ta không thể nào chối bỏ được nghịch cảnh, vì đó cũng là một mặt của đời sống.
Ngay trong kiếp nhân sinh cũng tiềm ẩn sẵn những yếu tố của sự đau khổ và bất như ý, với tiến trình sinh, lão, bệnh, tử. Dù có tiền tài, danh vọng, có một hạnh phúc nhân gian lý tưởng, một ngày nào đó hạnh phúc ấy cũng sẽ không còn nữa, và khi đó không khỏi thấy sợ hãi và đau khổ. Tuy nhiên, dù thân có bệnh, có già và chết, nhưng tâm thì vô tướng, vô hình, không có bệnh, già, và chết. Cho nên hạnh phúc do duyên hợp chỉ là hư ảo, tạm thời, còn hạnh phúc trong tâm mới là miên viễn. Hạnh phúc đó là ở nơi tâm bình an. Phật Pháp có câu: “Tâm bình, thế giới bình”. Sự bất an là do những tư tưởng, cảm xúc khởi động trong tâm đối trước cảnh, nếu không trụ vào và bị lôi cuốn theo chúng thì tâm sẽ được vững chãi, yên ổn, và có thể tạo ra một thế giới an bình cho chính mình, dù hoàn cảnh có thế nào chăng nữa. Một câu chuyện ý nghĩa về hòa bình được kể lại như sau:
“Xưa có một vị vua nọ treo giải thưởng cho người nào vẽ nên bức tranh về hòa bình đẹp nhất. Nhiều họa sĩ cùng nhau thi thố tài năng. Sau khi xem qua một lượt những bức vẽ dự thi, vị vua chọn ra hai bức ưng ý nhất. Bây giờ, ông ta phải chọn một trong hai bức này để trao giải.
Bức thứ nhất là cảnh hồ yên tĩnh. Mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương soi, được bao bọc xung quanh bởi những ngọn núi cao ngất. Phía trên cao là bầu trời xanh thẳm với những dải mây trắng lững lờ trôi. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều nghĩ rằng đây hẳn là bức tranh tả cảnh hòa bình tuyệt vời nhất.
Bức tranh thứ hai cũng có những ngọn núi. Nhưng chúng trông trần trụi và khô cằn. Bên trên là bầu trời giận dữ. Mưa, sấm chớp thi nhau chui ra từ những cuộn mây đen kịt. Bên dưới, một thác nước lớn đang gào thét. Trong bức tranh này chẳng kiếm đâu ra một chút êm ả.
Thế nhưng, khi vị vua nhìn kỹ vào bức tranh thứ hai, ông ta phát hiện ở phía sau thác nước có một tổ chim nhỏ đang bám vào đá. Trong tổ, một con chim mẹ đang gắp từng cọng cây xây tổ của nó. Ơû nơi đó, giữa tiếng ầm ầm của nước, chim mẹ vẫn bình yên trú trong ngôi nhà của mình.
Bạn biết cuối cùng vị vua đã chọn bức tranh nào rồi chứ? Bức tranh thứ hai, đúng vậy! “Bởi vì”, vị vua giải thích, “hòa bình không có nghĩa là ở một nơi không có tiếng ồn ào, không có những vấn đề rắc rối hay gánh nặng công việc. Hòa bình có nghĩa là ở trong tất cả những điều đó nhưng vẫn cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn.”
Trong “Nhập đạo tứ hạnh quán” của Tổ sư Ðạt Ma, có nói về hai thái độ sống cần có để được tự tại. Ðó là “Báo oán hạnh” và “Tùy duyên hạnh”. Báo oán hạnh là chấp nhận nghịch cảnh, vì biết đó là nhân quả chúng ta đã tạo ra. Vì vậy khi quả xấu đến chấp nhận chúng với tâm rộng mở không oán than. “Tùy duyên hạnh” là biết mọi sự do duyên hợp đều vô thường, khi duyên hết phước hay họa rồi cũng sẽ qua đi, nên tâm vẫn bất động trước những xao động của cuộc đời.
Chúng ta hãy như con chim nhỏ, kiên trì xây dựng tổ ấm của mình trong bão tố. Tổ ấm ấy, nếu xây dựng trên nền tảng ý thức tâm linh, sẽ mãi mãi là nơi nương tựa vững chắc nhất cho chúng ta trong tất cả mọi biến đổi vô thường của cuộc đời.
Ngọc Bảo