Cuộc đời ngắn ngủi của chú bé từng được mệnh danh "thần đồng bóng đá" dưới cái tên giả Lê Thế Vọng ở Gia Lai khiến người ta rơi nước mắt.
Em chỉ là nạn nhân của trò nói dối giữa người lớn với nhau, một trò chơi mệt mỏi và tai họa mà lạ thay, dường như người Việt rất thích.
Một cô gái 20 tuổi, bỗng dưng thành "doanh nhân sở hữu nghìn tỷ", khoe giải Ngôi sao kinh doanh, lãnh đạo xuất sắc Châu Á-Thái Bình Dương 2013, mà theo báo chí, đây là giải không ai biết ở Myanmar.
"Tự hào" vì là người Việt Nam duy nhất được mời dự Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình và thanh niên toàn cầu diễn ra tại Hoa Kỳ vào tháng 8.2014 - hội nghị mà cứ đúng tuổi và đóng 700 USD thì đi dự.
Thông tin đi giảng dạy cho sinh viên khắp nơi té ra là đăng đàn nói về kinh doanh đa cấp.
Ở nhiều khu phố, rác ngập dưới chân tấm bảng "Khu phố văn hóa".
Một bộ trưởng giáo dục hô hào "Nói không với bệnh thành tích" nhưng, cứ đến cuối năm, giáo viên lại phải bò ra "cấy" điểm ma cho học sinh, để đảm bảo tỷ lệ lên lớp luôn luôn"đạt chỉ tiêu", như Phòng đã cam kết với Sở, Sở cam kết với Bộ.
Bắt học sinh gom giấy vụn làm Kế hoạch nhỏ nhưng Bộ in cả tấn sách tham khảo, sổ báo giảng, sổ dự giờ, giáo án, sổ điểm, sổ họp... buộc trường mua cho giáo viên, mỗi người khệ nệ ôm về cả chồng dày hơn gang tay. Mỗi quyển sổ to dày, cả năm cố lắm mỗi giáo viên xài hết chừng vài chục trang. Chẳng sao, giấy còn thì bán giấy vụn...
Công an thì "không có mại dâm ở Đồ Sơn".
Truyền hình làm phóng sự về chuyến đi biển đầu xuân của ngư dân thì dí ống kính sát vào đống sò, thế là một ít sò con con lên ti vi chất ngất như quả đồi.
"Nghệ sĩ" thì hô sang Hollywood đóng phim với các ngôi sao thế giới, trong khi chỉ lướt qua màn ảnh vài giây.
Một phó giám đốc Sở giáo dục TP.HCM tuyên bố: "Không đâu chăm lo mầm non tốt như nước ta".
Báo cáo tổng kết hô "GDP tăng, sản lượng lương thực tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng, tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách vượt trội, hoàn thành vượt mức xóa đói giảm nghèo, năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay", nhưng giáp tết 15 tỉnh vác rá lên trung ương xin gạo...
Thói dối trá giống như được bú cùng sữa mẹ, ngấm sâu lan tỏa khắp mọi lứa tuổi, mọi giới, mọi lĩnh vực.
Người lớn đua nhau nói dối. Trẻ con cũng thế: Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục thực hiện năm 2008, tỷ lệ nối dối cha mẹ ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và sinh viên là 80%.
Trong đời sống, có câu tục ngữ được hết đời nọ đến nọ kia thi nhau trích đi trích lại để khuyên răn, khuyến khích lối sống dối trá: "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" hay "Nói ngọt lọt đến xương".
Ô hay, sếp làm sai, nhân viên góp ý mà bảo phải góp cho vừa lòng sếp thì nói kiểu gì đây? Nói ngọt cách nào đây? Hay là "phê bình thẳng thắn" kiểu "Anh có khuyết điểm lớn là ham làm việc, không chịu giữ gìn sức khỏe"?
Mới hơn thì có "Mắt không thấy lòng không đau". Trong các diễn đàn hôn nhân - gia đình, những người vợ rất thích dùng câu này để tự an ủi và trấn an nhau khi chồng ngoại tình.
Giao thông hỗn loạn thì tự an ủi "đã chuyển biến lớn", trộm cướp như rươi thì phê "ý thức tự bảo vệ của người dân không cao", thức ăn nhiễm độc tràn ngập thị trường thì lên án "người tiêu dùng chưa thông thái".
Thẳng thắn thì bị chê thô, vụng. Uốn lưỡi thì được khen khôn khéo, giỏi giao tiếp, tế nhị...
Nói dối chằng chịt từ dưới lên trên, dọc ngang ngang dọc, trong gia đình, trong công sở, nơi kinh doanh, trong thực hiện luật... Ai cũng nói dối nhưng ai cũng tỏ ra mình thật thà. Ai cũng biết mười mươi đối phương đang nói dối nhưng ai cũng tỏ ra hoàn toàn tin cậy.
Để được lợi cho mình, nhiều người sẵn sàng nói con chó thành con mèo, để khi quyền lợi cá nhân bị đe dọa, họ lại sẵn sàng nói con mèo thành con chó.
Một xã hội thật kỳ lạ! Một thứ "văn hóa" thời thượng thật quái dị!
Vì sao như vậy?
Nói dối là hành vi tâm lý của con người, ở đâu, thời nào, chủng tộc nào cũng có. Trong một số trường hợp đặc biệt, nói dối có thể là cần thiết, ví dụ bác sĩ nói với người bệnh nan y hoặc thập tử nhất sinh.
Trong xã hội, người ta đổ cho việc nói dối leo lẻo là vì bệnh thành tích.
Vậy, ai là người tạo nên căn bệnh thành tích? Ai ngồi vẽ ra những con số chỉ tiêu bất chấp thực tế cùng lúc đe nẹt, dọa phạt nếu không đạt?
Bịa xạo mà được thưởng, nói thật bị đòn, thì ai dại gì nói thật?
Điều này đúng từ gia đình, nhóm, đến toàn xã hội.
Nhiều người Việt Nam khi chuyển sang môi trường khác, như sinh sống ở nước ngoài hoặc làm việc trong nhóm nhỏ, thú thật rằng họ phải tập bỏ thói quen nói dối nếu không muốn gặp khó khăn trong công việc và bị khinh thường. Nghĩa là, nói dối, "làm láo, báo cáo hay" không phải là thuộc tính của người Việt. Nó chỉ là một căn bệnh mắc phải cho phù hợp với môi trường sống. Khi môi trường sống thay đổi, căn bệnh ấy có thể giảm hoặc biến mất.
Ai chịu trách nhiệm về môi trường sống của chúng ta, ngoài chính chúng ta?
Theo báo Thanh Niên
[*] Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là người viết báo tự do đang sống tại TP.HCM.