Nguyên nhân của chứng buồn ngủ

Người tu hành muốn vượt qua năm thứ si thiền này thì phải hết sức tận dụng khả năng để xả bỏ nó. Nếu thấy mỏi mệt mà lo đi ngủ ngay là sai, nếu ngồi thiền mà rơi vào trạng thái ngoan không là tu sai pháp. Phải phá nó đi, đừng cho nó nhập vào thân ta. Vì ngủ cũng có vô lượng hình thức và trạng thái ngủ khác nhau, nên cũng phải có vô lượng pháp để xả ngủ.

Đi tàu, đi xe bị say sóng, gió, cảm thấy ngây ngây, như ngủ.

Bị cảm gió, thân lừ đừ, nóng, lạnh, v..v... và tất cả những bệnh khác đều có thể làm cho cơ thể uể oải khó chịu.

Cơ thể lờ đờ, tu sai cũng buồn ngủ. Thí dụ khả năng ta tu tập quán sổ tức chỉ có thể đếm độ 1000 hơi, mà bây giờ ta ráng lên đến 1500 hay 2000 hơi, quá sức của nó thì làm sao không buồn ngủ?

Khi trụ tâm không đúng chỗ cũng buồn ngủ.

Làm việc quá sức, mệt mỏi cũng buồn ngủ.

Sống cô độc, cờ bạc, rượu chè sanh ra buồn ngủ.

Trai gái dục lạc quá độ cũng sanh ra buồn ngủ.

Vậy muốn xả vô lượng tâm ngủ thì phải làm sao? Muốn xả vô lượng tâm ngủ phải tùy theo tình trạng cơ thể mà tu tập hoặc chữa trị. Phải hết sức thận trọng trong việc trau dồi tâm này:

1. Phải biết buồn ngủ trong thân là loại nào.

2. Tùy theo bệnh trạng buồn ngủ mà dùng thuốc thang để trị.

3. Cương quyết, mạnh mẽ dứt bỏ những thói quen xấu, những trò chơi không lành mạnh, có hại cho cơ thể (cờ bạc, rượu chè, vui chơi thâu đêm sáng hôm sau mệt mỏi ngủ gà ngủ gật).

4. Phải rèn luyện nghị lực, chiến thắng những trạng thái lười biếng.

5. Lấy nước súc miệng, rửa mặt, hoặc tắm nước lạnh. Phải có biện pháp mạnh để đối trị chứng lười biếng, ham ngủ. (Lười biếng phải lấy roi mà quất cho đau, lấy dao mà rạch, lấy muối mà xát vào vết thương).

6. Ngồi chỗ nguy hiểm để cho tâm sợ chết mà không dám buồn ngủ (ngồi trên chảng ba cây cao, ngồi trên tảng đá cheo leo, sơ sẩy là rớt xuống vực sâu).

7. Đọc kinh sách, tìm hiểu nghĩa lý trong kinh cũng là một cách dứt phá buồn ngủ.

8. Ngồi quán xét, tìm xem chứng buồn ngủ từđâu mà đến, khiến tay chân ta bần thần lười biếng như thế này. Quán xét một lúc thì cơn buồn ngủ tan đi.

9. Xem sao trên trời (nếu người thích thiên văn), tìm lý do diễn biến của vũ trụ.

10. Đem một số truyện hình ra xem.

11. Đi kinh hành cho nhiều sẽ không buồn ngủ (tu tập tỉnh thức).

12. Tu vô lậu, quán xét vô thường, khổ, không, vô ngã trong thân ta (tu tập Định Vô Lậu, Chánh Niệm Tỉnh Thức).

13. Đi kinh hành trau dồi lòng từ tâm của mình dưới bước chân đi, tránh giẫm đạp chúng sanh. Thí dụ ban đêm đi kinh hành ta không nhìn thấy chúng sanh, khó mà tránh được. Vậy ta phải nhắc: "Ban đêm tôi đi kinh hành, không thấy chúng sanh. Xin tránh cho tôi đi." Hoặc là câu "Tất cả các chúng sanh ở dưới chân tôi, hãy tránh cho tôi đi." Và cảm ứng đạo giao nan tư nghì, khi chúng ta đi đến đâu thì các chúng sanh sẽ tránh cho chúng ta đi. Như vậy ta vừa trau dồi tâm từ, vừa đối trị chứng buồn ngủ lúc đêm khuya thanh vắng.

14. Dùng như lý tác ý: "Cái ngủ này vốn không có trong thân tứ đại này, chỉ do ngu si, mê muội, lười biếng, thiếu tinh tấn nên mới thọ sanh." Ngồi kiết già lưng thẳng, quán chiếu để thấy cái ngủ này do đâu mà có. Khi tác ý thì phải như truyền lệnh, dùng hết tâm lực của tinh thần, mạnh dạn làm cho cơn ngủ mau lui bước. Khi đối trị với buồn ngủ thì phải sáng suốt thông minh, nếu không thì chứng buồn ngủ càng tăng, và ta càng vất vả hơn khi chống trả lại nó.

Tu hành theo đạo Phật là phải siêng năng, bền chí, kinh hành nhiều (Đức Phật ngày xưa đã kinh hành rất nhiều về đêm, và Ngài ngủ rất ít).

Luôn trau dồi tâm ngủ dưới chân mình bằng pháp hướng tâm như lý tác ý: "Buồn ngủ, phải lui đi! Lười biếng, phải lui đi!".

Đó là những câu ám thị ngắn mà ta áp dụng khi buồn ngủ và ta đi kinh hành thì sẽ rất tỉnh táo: "Cơn mơ mơ, say say, hãy lui đi! Thân tâm phải tỉnh táo." Nhắc nhiều lần như vậy trong khi đi, giống như ra lệnh, một lúc sau thì ta hết hôn trầm, thùy miên.

Bấy lâu nay chúng ta khổ sở vì chứng hôn trầm mà không có cách, không có người hướng dẫn để tu tập. Trong giáo án này Thầy đưa kinh nghiệm của bản thân Thầy để giúp cho quý thầy và các Phật tử nương vào đó làm pháp mà tu tập. Nếu tu không có kết quả là tu tập sai, dùng pháp hướng sai. Nếu theo đúng pháp hành của nó quý vị sẽ thấy hiệu quả tức thì, tất cả hôn trầm, thùy miên đều lui dần, tâm của quý vị sẽ được thanh thản, an lạc, rất tỉnh táo.

Sau đây chúng ta thử xét xem chứng hôn trầm do đâu mà có, và làm thế nào để phá hôn trầm.

NGUYÊN NHÂN ĐƯA ĐẾN HÔN TRẦM

Người tu thiền thường rơi vào hôn trầm vì nhiều nguyên nhân khác nhau:

1. Lao động chân tay nhiều, hoặc thức khuya mệt mỏi, sanh ra hôn trầm. Đi xe, đi tàu, say sóng, say gió, cảm thấy ngây ngây như ngủ.

2. Tu tập quá nhiều, hoặc tu sai pháp cũng sanh ra hôn trầm.

3. Tu tập quá ít, sanh ra lười biếng nên bị hôn trầm.

4. Sống độc cư sanh ra hôn trầm.

5. Uống thuốc chỉ thống, sanh ra hôn trầm.

6. Khi tâm bị bệnh hoặc trụ tâm không đúng chỗ cũng sanh ra hôn trầm.

7. Bị ma chướng hôn trầm.

CÁCH ĐỐI TRỊ HÔN TRẦM

Muốn phá hôn trầm, tùy theo mỗi thứ mà phá:

- Lao động chân tay nhiều sanh ra hôn trầm. Người tu tập không nên lao động nhiều và lao động quá sức. Nên nhớ là lao động để mà tu chớ không phải lao động để hết công việc.

Người cư sĩ phải biết giữ gìn sức khỏe, không nên phí phạm sức khỏe trong các cuộc vui chơi trác táng, thức khuya, trà, rượu, thuốc hút, v.v...

Tu tập là sự lao động rất lớn về trí, nếu lao động cơ thể quá nhiều, không thể nào tránh khỏi hôn trầm.

Tu tập là một sự lao động về tinh thần. Nếu tu tập nhiều, tinh thần mỏi mệt dễ đưa đến hôn trầm. Nếu hôn trầm do sự tu tập thì nên dừng lại thời khóa tu tập cho hợp với sức của mình thì sẽ hết hôn trầm, và càng tu càng thấy thích thú hơn.

Tu ít (có quá nhiều thì giờ nhàn rỗi) sinh ra lười biếng, dễ bị hôn trầm tấn công: nên tu đúng theo thời khóa thì hết hôn trầm.

Người mới sống độc cư, cô đơn, không nên ngồi thiền nhiều. Đừng nên ở không, phải lao động vừa sức, nhẹ nhàng, thì hết hôn trầm.

Uống thuốc chỉ thống sanh ra buồn ngủ: nên đi ngủ, khi thuốc tan hết thì hết buồn ngủ.

Thân bệnh sanh ra hôn trầm: nên tịnh dưỡng trị bệnh. Tu ít lại, xả nghỉ, thì hôn trầm sẽ hết.

Bị ma chướng hôn trầm thì đi kinh hành, dùng pháp hướng và đem hết nghị lực chiến đấu bằng cách liên tục động thân. Hoặc rửa mặt, đi tắm, hoặc làm tất cả những hành động khác, mục đích là giữ đúng giờ, không đi ngủ trước.

Còn một cách nữa là trèo lên bồ đoàn, ngồi kiết già, lưng thẳng, mắt nhìn xuống chóp mũi, tập trung tâm tại nhân trung, biết hơi thở ra vô tại đó, đồng thời hít vô chậm chậm cho hết sức. Hít vô xong rồi, thì cũng chậm chậm thở ra cho hết. Tiếp tục thở như vậy cho đúng 10 hơi thở thì sẽ hết hôn trầm.

Nếu không hết thì còn có một phương cách cuối cùng là làm cho hơi thở phát ra tiếng kêu; nghĩa là thở mạnh có âm thanh, thở đến khi nào không còn bị hôn trầm mới thôi.
*****
Tóm lại, người tu sĩ đạo Phật, bằng mọi cách, phải xa lìa năm thứ dục lạc kể trên để chấm dứt sanh tử, luân hồi. Mục đích tu hành theo đạo Phật là làm chủ năm thứ dục lạc, là xả ngũ dục lạc (tài, sắc, danh, thực, thùy). Nếu quý vị không xả được năm thứ ngũ dục lạc ấy thì dù cho tu thiền một ngàn năm cũng là ma thiền, tà thiền. Có nhiều đạo sĩ tu khổ hạnh nhiều năm trên núi, ăn toàn lá cây rừng mà sống được, người ta đem chôn xuống đất mà không chết, dìm xuống nước, đi trên lửa, mặc áo mỏng đi ngoài trời rét dưới -37 độ C vẫn không hề hấn gì. Vậy mà đem thi triển, biểu diễn từ nước này sang nước khác cho mọi người và báo chí xem (còn háo danh!). Người tu chân chính có ai làm như vậy bao giờ? Đức Phật dạy ta tháo gỡ những khó khăn của kiếp sống để được an vui, giải thoát. Người nào tu tập tứ vô lượng tâm mà còn vướng mắc trong ngũ dục lạc thì dù cho người ấy có lý luận như thế nào thiên hạ cũng biết, dù có thần thông, bay như chim, lặn xuống nước, độn thổ, tàng hình, có bùa chú thần linh, kêu mây, hú gió, người ta vẫn biết là ông ta chưa chứng đạo.

Đời sống của một tu sĩ mà ở chùa to, tháp lớn, ăn ngày ba bữa, vật dụng không thiếu thứ gì là đời sống của thế gian pháp. Phàm phu tục tử bị năm thứ dục lạc trói buộc là đời sống phi giải thoát. Tu sĩ mà sống như thế là đời sống phi phạm hạnh, không phải là đời sống xuất thế gian của thầy tu đạo Phật. Chỉ cần nhìn vào đời sống của tu sĩ thì ta biết ngay là Phật giáo hưng thịnh hay không. Xã hội còn có thầy tu khất sĩ Phật Giáo là còn hưng thịnh, nếu có nhiều chùa to, tháp lớn là Phật giáo suy đồi. Khi người tu sĩ Phật giáo mà không lấy ba thánh pháp (Giới, Định, Tuệ) làm chỗ nương tựa vững chắc (thì dễ phạm lỗi lầm), không biết xấu hổ trước những lỗi nhỏ nhặt thì chánh pháp phải suy đồi. Khi nào còn các thầy tu xa lìa ngũ dục, sống thiểu dục, tri túc, ba y, một bát, không nhà, không cửa, không có gia đình, tài sản nhỏ, tài sản lớn là còn những bậc chân tu, giới đức, thiền đức, thật sự giải thoát khỏi những dục lạc thế gian là điềm lành cho Phật giáo. Còn đi biểu diễn những trò kỳđặc chỉ là hình thức mua danh, bán lợi mà thôi.

Để kết thúc bài Tứ Vô lượng Tâm này chúng tôi xin nhắc lại các điểm sau đây để quý vị lưu ý và tu tập đúng cách để đạt kết quả:

1. Nếu pháp hướng là ý thức thì phải có đối tượng (nghĩa là cụ thể) mới có kết quả; nếu pháp hướng mà trừu tượng thì tu tập nhiều năm cũng không có kết quả. Thí dụ như ta ngồi quán thây ma, bộ xương trắng, thì thực tế không có thây ma và bộ xương trắng trước mặt; chỉ do tâm ta tưởng ra. Vậy đề mục đó là trừu tượng, nhưng ta dùng pháp hướng để nhắc tâm là ta áp dụng pháp tưởng đúng cách. Còn tưởng trước mặt có hơi thở ra vô là ý thức chứ không phải là tưởng thức. Quý vị hãy cẩn thận khi áp dụng trong trường hợp này, kẻo dùng tưởng mà cứ cho là ý thức. Dùng lẫn lộn ý thức và trừu tượng thì không có kết quả và đưa đến thiền sai.

2. Khi tu tập thì nội tâm phải an trú trong chánh niệm (giữ tâm mình trong chánh niệm). Thí dụ khi trau dồi tâm từ thì luôn luôn phải ở trong lòng thương yêu (trong Tứ Vô Lượng Tâm) mà đặt chánh niệm, không phải trong cái tâm giao động, nhớ cái này, nghĩ cái kia. Đặt niệm chân chánh ở ngay trong sự trau dồi. Nếu dùng chánh niệm quán thân bất tịnh mà tu tâm từ là tu sai.

Nên nhớ phải thường xuyên như lý tác ý, không được xao lãng. Phải tỉnh thức cao độ, không để cho thất niệm. Phật dạy: Bị thất niệm là bị ma dẫn. Dù có chánh niệm mà không đúng đối tượng ta đang trau dồi thì vẫn không có kết quả, vẫn bị ma dẫn. Nếu sức tỉnh thức chưa cao độ thì phải tu Chánh Niệm Tỉnh Giác Định.

3. Khéo léo giữ tâm vững trú trong thiện pháp, luôn luôn lúc nào cũng thực hiện pháp Phật, vững trú trong thiện pháp, không cho ác pháp chiếm tâm hay đặt chân vào tâm, luôn luôn đề cao cảnh giác...

4. Pháp từ vô lượng phải được trau dồi thường xuyên cho được sung mãn, làm cho thành cỗ xe (để rải đi tất cả), làm thành cứ điểm (vững chắc), làm cho được kiên trì (vững bền, không thay đổi), tích lũy (càng nhiều càng tốt). Phải khéo tinh cần, siêng năng thực hành theo lời chỉ dạy, phương pháp hành trì của Thầy, của Phật thì pháp an lạc sẽđến với quý vị thật rõ ràng (có kết quả giải thoát).

Phải tu tập rất nhiều, và nhiều cái khác nữa chớ không phải chỉ có bấy nhiêu đó mà đủ sức tỉnh thức, đủ an lạc, giải thoát và thành tựu được tâm vô lượng này.

5. Bi vô lượng giải thoát cũng tu tập như vậy, làm cho thành cỗ xe, làm cho kiên trì, tích lũy. Hỷ tâm vô lượng giải thoát cũng tu tập như vậy, và xả tâm vô lượng giải thoát cũng tu tập như vậy. Nhờđó mà thành tựu được sự giải thoát các pháp trên thế gian này.

Cứ y chỉ theo lời dạy của Thầy, đặt trọn vẹn niềm tin ở Giới, Định, Tuệ, và tất cả các pháp môn của Đức Phật mà hôm nay Thầy vạch ra con đường có lý pháp và hành pháp rõ ràng, cụ thể. Thầy đã vén sạch màn mây của kiến thức, tưởng giải cổ nhân đang phủ trùm trên ba Thánh pháp của Phật (Giới, Định, Tuệ). Ngày nay pháp này không còn ai thực hiện được, chỉ là danh từ suông. Hầu như toàn bộ tu sĩ Phật giáo sống ngược lại và không thực hành đúng pháp nầy.

6. Nếu quý vị sống đúng và hành đúng theo lời dạy của Thầy thì lòng thương yêu rộng lớn của quý vị phủ trùm cả không gian và thời gian. Chừng đó thế gian này là Thiên Đàng và quý thầy sẽ là du tăng, khất sĩ, rày đây, mai đó, không có chùa to, tháp lớn. Quý thầy đã phủi sạch sợi dây triền phược, vật chất thế gian, đời sống của quý thầy rộng bước thênh thang, tâm hồn của quý thầy thương yêu chúng sanh như không gian, phủ trùm vạn hữu. Bấy giờ, quý Thầy không phải là Phật, Tổ, A La Hán hay Bồ tát mà là một con người như bao nhiêu người khác. Tâm hồn của quý thầy đã hòa cùng với cuộc sống của nhân thế, và mãi mãi bên nhau, không xa lìa. Quý thầy là con người giải thoát với lòng thương yêu vô tận. Pháp Tứ Vô Lượng Tâm tuyệt vời như vậy. Một cao tăng thời Đức Phật đã thực hiện được Tứ Vô Lượng Tâm, đắc quả A La Hán và được Phật ca ngợi.

Các Phật tử cũng như các tu sĩ phải thường hành trì Tứ Vô Lượng Tâm để đạt kết quả tốt. Tứ Vô Lượng Tâm là bước đầu chuẩn bị cho người tu hành tiến đến đạo quả giải thoát rốt ráo. Người đệ tử Phật chân chánh mà tu tập, dù tu theo pháp môn nào, cũng phải đi qua chặng đường của Tứ Vô Lượng Tâm, và Tứ Chánh Cần (ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện) nếu không thì chỉ là tu theo ngoại đạo, tu mất gốc, hoặc lạc vào thiền tưởng, uổng phí một đời tu mà thôi.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sưu tập (tạm thời) sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã download từ các trang web trên, bạn có thể tải về: Click tại đây
Xem thêm: Cách thức tu tập xả tâm
Previous Post
Next Post