“Phải thấy nhân quả, đừng thấy đúng sai, phải trái, xấu tốt, trắng đen, đó là sự thật của cuộc đời này, nếu thấy đúng sai, phải trái, tốt xấu, trắng đen, là thấy sai sự thật”.
Hỏi: Kính thưa Thầy! Một người học Phật phải nhìn cuộc đời như thế nào để không bị đắm chìm, lôi cuốn theo những lạc thú tầm thường của thế gian, nhưng cũng không bị người đời lên án là tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm v.v..
Đáp: Một người học Phật phải nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, nên không tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm.
Người học Phật phải có tri kiến nhân quả, tri kiến Thập Nhị Nhân Duyên, tri kiến Thập Thất kiết sử, tri kiến ngũ uẩn, tri kiến ngũ triền cái, tri kiến về các pháp bất tịnh, tri kiến các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, tri kiến về lòng từ bi, hỷ, xả v.v..
Nếu có những tri kiến như vậy thì người này sẽ không bị đắm chìm, lôi cuốn theo những lạc thú tầm thường của thế gian. Muốn có những tri kiến này thì người học Phật nên nghiên cứu kinh sách Nguyên Thủy, vì trong đó dạy rất đầy đủ và dễ hiểu. Không nên nghiên cứu kinh sách phát triển vì kinh sách này sẽ gieo vào đầu óc của các bạn một thế giới ảo tưởng, mơ hồ, trừu tượng, phi đạo đức. Một khi các bạn đã chịu ảnh hưởng của nó thì các bạn giống như người nghiện thuốc phiện. Muốn bỏ mà rất khó bỏ.
Những người Cư sĩ Phật tử hiểu sao về Phật giáo có tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm không?
Về Phật giáo là phải có một tinh thần tích cực, tự lực trong sự tu tập các pháp môn; phải tích cực, tự lực chiến đấu với nội tâm của mình khi có ác pháp xâm chiếm để đem lại sự thanh bình cho tâm hồn; phải tích cực chiến đấu với ngoại pháp để đem lại cho mọi người một sự an ổn, một xã hội có trật tự.
Về Phật giáo có hai giới tu tập:
1/ Cư sĩ
2/ Tu sĩ
Cư sĩ thì phải tu theo pháp của người cư sĩ. Pháp của người cư sĩ tu tập là một nền đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình, khổ người thì làm sao có sự tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm… được. Nếu tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm là làm khổ mình, khổ người thì đâu có đúng chánh pháp. Có lẽ người cư sĩ Phật tử đã hiểu sai pháp Phật, không hiểu về pháp tu tập của người tu sĩ. Phần nhiều người cư sĩ Phật tử mới vào đạo đều được dạy tu tập Thọ Bát Quan Trai và được tham dự học tu vào lớp Chánh kiến đầu tiên của Phật giáo.
Người cư sĩ chỉ sống có một ngày Thọ Bát Quan Trai như người tu sĩ mà thôi. Một tháng chỉ sống có một hoặc hai ngày thì đâu thể nào gọi là tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm được.
Phật dạy chúng ta biết ác pháp và thiện pháp, ác pháp thì nên tránh và diệt để đem lại cho mình cho người hạnh phúc an vui chứ đâu phải lãnh đạm, vô cảm.
Ví dụ: Trong bữa tiệc mọi người ép chúng ta uống rượu, chúng ta từ chối không tùy thuận theo các ác pháp này thì bảo rằng chúng ta lãnh đạm thì không đúng.
Chúng ta cương quyết làm được điều này là làm gương tốt đẹp cho người khác, để mọi người tránh thứ độc dược hại này.
Cho nên, đạo Phật không phải là đạo yếm thế, tiêu cực, lãnh đạm, vô cảm v.v.. Người hiểu đạo Phật yếm thế, lãnh đạm, vô cảm... là người hiểu sai đạo Phật.
Đạo Phật là đạo đức của loài người, nhờ đạo đức mới xây dựng thế gian này được an ổn và yên vui cho mọi người; nhờ đạo đức mà con người không làm khổ cho nhau. Vậy chúng ta là con người cần phải học đạo đức nhân bản – nhân quả. Nếu chúng ta không học đạo đức thì chúng ta tự làm khổ cho nhau và cuộc sống trên thế gian này trở thành địa ngục. Phải không các bạn? Bằng chứng hiện giờ chúng ta đã chứng kiến cảnh địa ngục: Chiến tranh, khủng bố, thiên tai hỏa hoạn, bão tố, động đất, sóng thần, lũ lụt v.v..
Ví dụ: Tình nghĩa vợ chồng là phải gần gũi nhau, chia sẻ nhau những nỗi buồn vui, thế mà xa lánh nhau, lạt lẽo, lãnh đạm tình chồng nghĩa vợ để gọi là tuyệt dục thì đức Phật đâu có dạy bao giờ. Mà đức Phật dạy không nên tà dâm, dâm dục phải tiết độ, vì tà dâm là làm hại gia đình mất hạnh phúc, dâm dục không tiết độ sẽ đem đến thân bệnh tật, mà thân bệnh tật, đau khổ thì sự an vui hạnh phúc gia đình mất.
Đạo Phật nói đời khổ là để vượt qua mọi sự đau khổ của cuộc đới, chứ không có nghĩa là trốn tránh khổ, nói cách khác cho đúng nghĩa của đạo Phật là làm cho đời hết khổ. Làm cho đời hết khổ là phải tích cực hết mình. Vì thế, mà đạo đức của đạo Phật là đạo đức không làm khổ mình, khổ người.
CHẾT LÀ SỰ NỐI TIẾP CỦA LUẬT NHÂN QUẢ
Hỏi: Kính thưa Thầy, bên kia cõi chết, tử thần đã cướp đi người bạn đời của con, hiện nay đời sống bỗng trở thành vô vị, cuộc đời đầy tẻ nhạt, chán chường, hạnh phúc đã mất đi không bao giờ trở lại. Người ấy đã đi xa đi mất, số phận duyên nợ chỉ có thế thôi. Nhưng có lúc con cầu mong cho họ được bình an, nhưng con lại thấy có cái gì không ổn đối với họ.
Thân tứ đại này có phải là đất, nước, gió, lửa hợp lại rồi tan đi, đó là số phận phải không thưa Thầy? Xin Thầy chỉ cho con biết!
Đáp: Không có sự sống sau khi chết, mà chỉ có sự nối tiếp của luật nhân quả. Với trí hữu hạn của con người không thể hiểu thấu được sự tiếp nối của định luật nhân quả luân hồi, nên thấy có sanh và có tử. Sự thực sanh tử là một diễn biến của luật nhân quả, xác định sự vô thường của các pháp trong thế gian này.
Các pháp trong thế gian này đều chịu luật vô thường, sanh diệt của nhân quả. Vì thế không có pháp nào trong thế gian này ra khỏi sự chi phối của luật nhân quả, nên các pháp thường sanh diệt theo chu kỳ tuần tự của định luật và mỗi pháp phải chịu sự biến dịch.
Người bạn đời của con gặp nhau trong duyên nhân quả để trả vay, vay trả. Khi vay trả xong thì phải theo định luật nhân quả tiếp tục trả vay sự việc khác. Con không thấu hiểu điều đó, nên tạo thêm nhân quả thương nhớ rằng rịt và trói buộc, không phải trói buộc với nhân quả của người đã mất, mà trói buộc với nhân quả tương ưng.
Lòng thương nhớ của con sẽ gặp nhân quả tương ứng với lòng thương nhớ đó để mà trả vay, vay trả. Còn nhân quả kia (người bạn đời của con), đã trả vay xong thì không còn tương ưng với con nữa.
Cho nên, con quá vô minh và điên đảo, đã thương nhớ một nhân quả để rồi phải gặt lấy một nhân quả khác đang trói buộc (kiết sử), để kiếp sống đời đời chẳng bao giờ thoát ra khỏi biển khổ sanh tử luân hồi. Con muốn tu hành giải thoát thì hãy đoạn dứt sợi dây kiết sử này. Sợi dây kiết sử này là con đường tiếp tục sanh tử luân hồi đầy đau khổ mãi mãi.
Tình cảm của con người là một sợi dây rất khó bứt, nếu không thấu suốt được luật nhân quả thì không bao giờ đoạn sạch được “ái kiết sử”. Người tu theo đạo Phật thấy ái kiết sử như là một con rắn độc, nó từng đem đến nọc độc khổ đau cho loài người. Con là một con người đang bị nọc độc của ái kiết sử.
Một người vợ khóc chồng, một người chồng thương vợ là ái kiết sử; một người mẹ thương con, một người con thương mẹ là ái kiết sử. Nói chung, tất cả các tình cảm thương yêu nhau là ái kiết sử.
Người nào đã bi lụy vì tình cảm yêu thương ấy, trong đạo Phật gọi là đã bị nọc độc rắn nhân quả cắn. Kẻ nào đoạn dứt được nọc độc này là kẻ đó làm chủ rắn độc nhân quả. Nếu không làm chủ được nhân quả thì đời đời kiếp kiếp ta sẽ bị nọc độc rắn nhân quả làm cho ta sống trong cảnh khổ đau triền miên, bất tận.
Con cần phải thấu suốt luật nhân quả để không còn buồn khổ vô ích. Trong luật nhân quả, khi một người mất đi thì chỉ còn nghiệp lực của nhân quả tiếp tục tái sanh luân hồi, và người bạn đời của con đâu còn cái gì gọi là người bạn của con. Thế nên, sự thương nhớ của con chỉ là nhớ lại một hình bóng ảo tưởng của con mà thôi.
Cũng như hiện giờ, trong kiếp sống này con có bao giờ nghĩ đến thương người bạn đời trong kiếp quá khứ của mình chăng? Chắc điều đó không bao giờ có phải không con, cũng như người bạn đời của con đã chết, thì trong kiếp khác họ đâu có còn nhân quả để mà nhớ đến con nữa. Trong họ chỉ biết kiếp hiện tại của họ mà thôi. Cũng như con bây giờ cũng vậy, chỉ có vô minh điên dại đi khóc nhân quả.
Nhân quả có nghĩa lý gì đâu, nó là những hành động của con rắn độc ái kiết sử, nó đã làm khổ loài người trên hành tinh này, khiến cho nước mắt của con người còn nhiều hơn nước biển.
Trên hành tinh này, duy nhất chỉ có đạo Phật mới dạy con người về lý nhân quả, không có một giáo phái nào mà dạy chúng ta làm chủ như vậy được. Con đủ phước duyên tu tập, hãy dứt sạch ái kiết sử đó đi, đừng thương vay khóc mướn nhân quả, chẳng có ích gì mà tự con đã làm khổ lấy mình.
TỬ BIỆT SANH LY L MỘT SỰ ĐAU KHỔ CỦA KIẾP NGƯỜI
Câu chuyện tử biệt sanh ly của gia đình nhà con, là những câu chuyện nức nở thương tâm đau khổ thường xảy ra trong kiếp sống của con người, mà mỗi gia đình nào cũng đều không tránh khỏi.
Luật nhân quả quá khắc nghiệt, vì sự công bằng và công lý của nó. Nó chẳng động lòng thương xót và chẳng tư vị một ai.
Trong cuộc sống của gia đình là một cộng nghiệp của nhân quả, vui buồn, khổ đau, hay hạnh phúc, phiền não, bất toại nguyện... đều là do sự vay trả, trả vay của nhân quả.
Một cộng đồng nhân quả trong một gia đình, người nào tuổi trẻ mà chết trước là người đó đã trả xong nhân quả trong cộng đồng đó. Khi trả xong dù muốn sống thêm một ngày cũng không thể sống thêm được nữa. Do vậy, mới bảo rằng luật nhân quả quá khắc nghiệt.
Cháu Thanh Phước cũng vậy, cháu đã trả xong nợ nhân quả, vì thế cháu phải ra đi, ra đi vĩnh viễn vì cháu đã hết nợ trong cộng đồng đó. Riêng các con không thấy được nợ vay của luật nhân quả mà cho đến giờ này còn khóc thương thảm thiết.
Thầy xin nêu lên một ví dụ để con hiểu cho rõ ràng: Ví như, con là một người thiếu một món nợ rất lớn của một ông chủ, con phải đến nhà của ông chủ nợ cố gắng làm lụng hết sức mình để trả xong món nợ, khi con đã trả xong món nợ, con rời khỏi gia đình ông ta, thì ông ta kêu khóc thảm thiết không cho con đi, lúc nào cũng muốn con ở lại làm cho ông ta nữa. Như vậy, con thấy ông ta có công bằng không? Và con là người đã trả nợ xong thì con vui mừng rời khỏi gia đình ông ta thì hạnh phúc biết bao! Vì không còn nợ nần nữa.
Như vậy, con nên tư duy theo luật nhân quả, thì sự thương khóc của con có công bằng không? Khi cháu Thanh Phước đã trả xong nợ nhân quả của cộng đồng gia đình con, cháu ra đi như trong thư con đã thuật lại: “Cháu rất hiền lành và tốt bụng, thương yêu vợ con hết mực, hiếu thảo với cha mẹ bốn bên, đối với bạn bè cơ quan ai cũng khóc thương...”. Nhờ những sự tốt bụng này, tức là thiện pháp mà cháu Thanh Phước đã trả xong món nợ nhân quả quá nhanh, vì thế cháu ra đi lúc đầu còn xanh tóc, vừa mới 45 tuổi.
Nếu cháu Thanh Phước còn nghe tiếng khóc thương của con và mọi người thì cháu rất buồn, vì cháu đã trả xong nợ, mà cứ kêu gọi đòi nợ cháu hoài, thì cháu rất đau khổ và không hài lòng phải không hỡi các con?
Sao các con lại vô minh đến thế? Người còn sống là còn nợ nhân quả, sao các con không lo trả cho hết? Người trả xong nợ ra đi thì các con phải vui mừng cớ sao lại buồn khóc, thật là đảo điên.
Cuộc đời là một bi hài kịch trên sân khấu nhân quả, có gì là thật đâu mà phải thương khóc, hết đóng vai này đến đóng vai khác và luôn luôn tiếp diễn những trò ảo ảnh đó vô cùng, vô tận. Thế mà, các con tự mình chuốc lấy sự khổ đau cho mình mà không biết, đó là vô minh, thiếu sự hiểu biết.
Có một câu chuyện nhân quả mà Thầy được ông thân Thầy kể lại: “Có một gia đình kia, chỉ sanh ra một cậu con trai duy nhất, cậu rất hiền lành dễ thương, hiếu hạnh chăm học, không bao giờ cãi lời và làm cha mẹ buồn khổ, lớn lên cậu rất cần cù làm ăn khiến cho gia đình giàu có nhất trong vùng. Vì thế, cha mẹ thương yêu cậu hơn là vàng bạc châu báu. Nhưng không may cậu lâm bệnh ít hôm rồi chết, để lại sự thương tiếc của cha mẹ vợ con và xóm làng.
Trong làng có một vị phù thủy rất cao tay ấn thường đánh thiếp cho người xuống âm phủ gặp những người thân mình đã chết.
Vì thương con nên ông cụ đến nhờ Thầy đánh thiếp xuống âm phủ để gặp con. Khi xuống đến âm phủ, ông cụ bước vào một cái quán bên lề đường hỏi thăm. Người chủ quán cho biết cách đây khoảng hơn hai tháng có một cậu thanh niên ở trên trần gian mới xuống, và bảo ông cụ: “Cụ hãy ngồi ở đây chờ một chút, thế nào cậu trai ấy cũng sẽ cưỡi ngựa đi ngang qua đây, chừng đó cụ sẽ ra nhìn mặt, coi có phải là con trai của cụ không?”.
Ông cụ nghe lời, ngồi chờ chẳng bao lâu nghe tiếng vó ngựa, cụ ra đón đường, quả đúng là cậu con trai, con của cụ. Mừng quá cụ vừa khóc, vừa níu tay con và vừa nói: “Sao con bỏ bố mẹ, trong khi bố mẹ thương con hết mực...”.Ông cụ vừa nói đến đó thì cậu con trai thét lên: “Ai là con cái nhà ông, chúng tôi đã mắc nợ ông, làm trả nợ cho ông xong thì chúng tôi có quyền đi, cớ sao ông cứ theo đòi nợ hoài”. Nói xong cậu con trai quất ngựa chạy đi, chẳng hề đoái hoài đến ông cụ. Ông cụ sững sờ nhìn theo bóng cậu con trai mà bao lòng thương của cụ đều buông xuống sạch”. Câu chuyện trên đây con nên suy ngẫm, để thấu suốt lý nhân quả, nhờ đó con mới chuyển được và tâm hồn mới thanh thản an lạc và vô sự.
Cháu Thanh Phước ra đi là nhắc nhở cho con thấy: “Đời là vô thường, là khổ đau và cuối cùng là không có gì cả”. Chính con là người vay nợ nhân quả rất nhiều, do đó con là người chịu khổ đau nhiều nhất trong cộng đồng gia đình này. Nếu con không gặp chánh pháp của Phật thì giờ này con sẽ trở thành người điên mất.
Khi đọc xong bức thư này con hãy tư duy suy nghĩ để tự cứu mình ra khỏi sự vô minh ngu dại của mình đã tự dày vò, đã tự làm khổ đau cho mình mà cứ mãi làm khổ đau không dứt, đó là một điều thiếu đạo đức nhân bản làm người đối với mình, con ạ!
Hãy đứng lên, tự thắp đuốc đạo đức mà đi, đừng để sống trong đêm đen tối mờ mịt mà món nợ nhân quả chưa biết kiếp nào trả xong.
Thầy có lời thăm và chúc các con quán xét xả tâm tốt để có một bầu trời thanh thản, an lạc và vô sự.
Kính thư
Thầy của các con
NHÂN QUẢ TÁI SINH
Hỏi: Kính gửi Thầy! Xin Thầy từ bi chỉ cho con biết phải làm sao? Con sống đơn độc một mình nuôi một đưa con gái khôn lớn. Cháu xinh đẹp, khỏe mạnh, ngoan và đáng yêu. Nhân một lần đi xa, cháu bị tai nạn giao thông và chết.
Từ đó đến giờ con xót xa thương nhớ con gái. Nghĩ rằng người chết còn có linh hồn và sợ
rằng con gái còn thương mẹ luẩn quẩn đâu đó chưa đầu thai nên con đã làm rất nhiều việc: cầu siêu, thả cá, cúng trai tăng... nhưng trong lòng con vẫn còn lo lắng buồn khổ không nguôi.
Con rất ngưỡng vọng Thầy cho con biết: Con gái con đã đi đầu thai chưa, nghiệp lành hay dữ, có được làm người hay đang đọa ở chốn nào? Con phải làm gì để giúp đỡ con của con đây?
Kính xin Thầy thương xót cho lòng mẹ thương con mà chỉ bảo nhân quả và những mong
muốn của con.
Con kính xin đảnh lễ Thầy.
Kính gửi: Con!
Con gái con nhân quả đã hết nên đã ra đi trong một tai nạn giao thông. Như đức Phật đã dạy: “Chết đây sinh kia”, nghĩa là chết phải đi tái sanh liền không có thời gian chờ đợi.
- Chết tốt không đau khổ nhiều nên tái sinh vào nơi tốt.
- Người đau khổ nhiều ngày mà chết là sẽ tái sinh vào nhà đau khổ, con hiểu chưa?
Cháu chết là nó đã hết nợ với con mà cứ thương khóc hoài làm cho kiếp tái sinh của nó bất an, con có biết không? Mỗi lần con khóc than nó là mỗi lần nó bị kinh phong dật, chết lên, chết xuống, con có biết không?
Thương sao lại làm khổ nó quá vậy?
Thương là phải sống đúng 5 giới của Phật và ước cho cháu sinh lên gặp nhiều phước báu mới gọi là thương con.
Kính ghi,
Thầy của con
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Xem thêm: Nhân quả gia đình
Xem thêm: Nhân quả gia đình