Nếu xung quanh chúng ta toàn là sự chết thì chúng ta cũng không sống được. Ví dụ: ngàn cây nội cỏ chết khô và tất cả loài động vật cũng đều chết sạch thì phỏng chừng chúng ta có sống được hay không? Chắc là không. Phải là không hỡi các bạn? Mọi vật đều chết thì chúng ta sống với ai đây? Sống một mình trơ trọi làm sao sống được các bạn ạ! Thế mà mọi vật đang sống quanh ta thì chúng ta lại muốn chà đạp lên sự sống đó, để mà sống một mình.
Các bạn có thấy ai sống một mình chưa? Giả thử, nếu cỏ cây trên hành tinh này đều bị hủy diệt sạch, thì sự sống của các bạn có sống được hay không? Cỏ cây đều diệt sạch thì thú vật cũng không sống được huống là con người. Cho nên sự sống của ngàn cây nội cỏ rất quan trọng, nó chính là sự sống chung của muôn loài. Vì thế chúng ta hãy bảo vệ môi trường sống, bảo vệ môi trường sống tức là đạo đức hiếu sinh.
Sức sống của ngàn cây nội cỏ và vạn vật đều có một sự liên hệ với sự sống của chúng ta, rất rõ ràng và cụ thể. Thiếu sự sống của muôn loài thì thế gian này trở thành khô cằn; thì thế gian này trở thành là đất chết; thì môi trường sống này không còn gọi là môi trường sống được nữa.
Có thương yêu sự sống của muôn loài động vật và cỏ cây thì mới bảo vệ được sự sống của chính mình, mới có thật sự yêu thương mình, mới đem lại sự an lành, yên vui cho cuộc sống của mình. Mình mới thấy được đạo đức nhân bản - nhân quả là chính thiện pháp, là chân hạnh phúc của đời người.
Vì thương mình sao mình lại nỡ nhẫn tâm không thương loài vật khác, trong khi những loài vật khác cũng ham sống sợ chết như mình; vì thương mình sao mình lại nhẫn tâm chà đạp lên sự sống của người khác, vật khác bằng cách mắng mỏ chửi mắng họ, trong khi ai cũng muốn sống an vui, thanh thản không phiền não, không đau khổ. Vì thương mình sao mình lại nhẫn tâm gian xảo lừa đảo, cướp giựt tài sản của người khác, trong khi ai cũng muốn giữ gìn và bảo vệ tài sản của mình. Vì thương mình sao ta lại nhẫn tâm đốt phá rừng, giết hại sinh linh, trong khi mọi vật đều muốn sống bên loài người. Các bạn có thấy chăng? Những cây cỏ sống quanh bên người thì xinh tươi tốt đẹp hơn những cây cỏ sống xa người. Tình cỏ cây đối với con người mà còn vậy, thì con người sao lại nhẫn tâm cho đành. Phải không hỡi các bạn? Chúng ta hãy xem những loài vật sống quanh ta như là bạn, như là những người thân thương. Chúng ta có thấy chăng? Một con chó, một con mèo, một con gà, con vịt, cho đến trâu, bò, dê, ngựa, v.v... nói chung là tất cả những loài vật mà chúng ta nuôi, dù là cọp beo, rắn độc, thú dữ, khi đã được chúng ta nuôi dưỡng thì chúng trở thành những người bạn thân của chúng ta. Khi chúng ta đi xa về, lâu ngày vắng mặt, gặp lại chúng ta, chúng đều vui mừng hớn hở, quây quần bên ta, như không bao giờ muốn rời xa nhau.
Khi có những người thân trong gia đình mất, chúng cũng buồn rầu khổ đau, bỏ ăn, bỏ uống, chúng cũng biết thương yêu chúng ta như những người thân, như cha mẹ, như anh chị em trong nhà. Cớ sao chúng ta lại nhẫn tâm không thương chúng như những đứa con của chúng ta vậy. Nỡ tâm nào chúng ta bắt chúng đem ra làm thịt để ăn. Rồi còn bảo rằng: “Nhân dưỡng vật, vật dưỡng nhân”. Thật là lời nói che đậy, đầy lòng ác hiểm và sâu độc. Tâm lòng của những người này chai lì như cây đá. Họ đâu còn có tình cảm, tình người, tình vật. Họ đâu còn có cảm thông gì được lòng thương yêu của loài động vật đối với con người, với chúng ta. Có thương yêu sự sống của vạn vật thì mới bảo vệ được sự sống của chính mình, mới có thật sự thương mình. Tại sao vậy? Vì có thương yêu sự sống của muôn loài thì chúng ta mới có bảo vệ sự sống ấy. Có bảo vệ sự sống ấy thì chính là chúng ta bảo vệ môi trường sống chung, thì cuộc sống của chúng ta mới có sự an lành. Còn chúng ta hủy diệt sự sống của muôn loài chính là chúng ta hủy diệt sự sống của mình.
Ví dụ: Vì chặt cây, đốt rừng, phá hoại sự sống của loài thảo mộc, khiến cho đồi núi khô trọc, màu xanh tươi đã mất. Nhìn vào cảnh ấy như nóng cháy ruột gan, chúng ta có một cảm giác buồn thương và đau khổ. Màu xanh tươi của ngàn cây nội cỏ đã biến mất, khiến cho thời tiết khô khan cằn cỗi lại càng khô khan, cằn cỗi hơn. Vì thế, con người dễ sanh ra bệnh tật khó trị. Rừng cây bị phá hủy, bầu không khí thì ô nhiễm, con người thì luôn luôn thải ra những từ trường ác độc, thường sát hại sanh linh để ăn thịt. Do thế, cuộc sống con người thường hay bị thiên tai lũ lụt.
Thiên tai lũ lụt do con người tạo ra, chỉ vì phá hoại sự sống trên hành tinh này, chỉ vì làm ô nhiễm nó.
Khi rừng bị phá hủy thì loài thú vật cũng không còn chỗ sống, thế là phá rừng là phá sự sống của muôn loài. Lòng thương yêu sự sống của muôn loài vạn vật là đạo đức hiếu sinh, nó là những hành động đạo đức trong nền đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.
Nhìn chung, mọi người trong cuộc sống hiện giờ trên thế gian này, dù là người có tôn giáo hay không tôn giáo đều thiếu đạo đức hiếu sinh. Thiếu đạo đức hiếu sinh tức là thiếu sự bảo vệ và giữ gìn môi trường sống của quả địa cầu.
Có những tôn giáo dạy tín đồ ăn chay làm lành. Nhưng không phải vì đạo đức hiếu sinh mà ăn chay, mà vì giáo điều của tôn giáo đó. Vì ăn chay làm lành để được phước báo không tai nạn, bịnh tật và được sanh lên Thiên Đàng, Cực Lạc, để được chư Phật, chư Bồ tát gia hộ. Có những người ăn chay là để trị bệnh chứ không phải vì đạo đức hiếu sinh; cũng có những người ăn chay là để tu tập Thiền định, để có thần thông pháp thuật hoặc để trở về nhập vào với bản thể vũ trụ; cũng có người ăn chay là để đến khi chết, linh hồn được sanh lên cõi Phật, Niết Bàn, chứ không phải vì đạo đức hiếu sinh. Chính vì ăn chay làm lành như thế, nên thảo nào bịnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, động đất, lũ lụt, bão tố, v.v...không năm nào là không xảy ra, không năm nào là không cứu trợ.
Trước cảnh tai họa người chết, của cải bị phá hủy này hằng năm, mà người ta không truy tìm nguyên nhân nào đã gây ra, để có biện pháp ngăn ngừa và khắc phục.
Này các bạn thân mến! Lòng thương yêu sự sống của chúng ta nếu thực hiện được đối với những loài động vật, từ loài động vật nhỏ tí ti như: loài côn trùng... đến những loài vật có thân mình to lớn như: rắn, voi, cá...; từ những loài gia súc nuôi trong nhà như: trâu, bò, heo, dê, gà, chó... đến những loài vật hoang dã như: nai, hươu, khỉ, vượn, chồn cheo, sóc, nhím... nếu chúng ta biết thương yêu chúng, thì chúng sẽ trở thành những người bạn thân thương của chúng ta, hay còn hơn thế nữa, chúng sẽ trở thành những đứa con thân yêu của chúng ta vậy. Do lòng thương yêu ấy mà mọi vật có một cuộc sống tươi mát, an lành, hạnh phúc, yên vui. Và vì vậy bịnh tật, thiên tai, hoả hoạn, lũ lụt, bão tố cũng không có. Thời tiết lúc nào cũng mưa thuận, gió hòa.
Các bạn có nhìn thấy chăng? Một vị tu sĩ có đạo đức hiếu sinh, đang sống với lòng thương yêu của mình đối với những loài thú vật hoang dã trong rừng sâu. Chúng luôn gần gũi bên vị tu sĩ như một người cha, một người mẹ, một người anh, một người chị, một người em thân thương, Mỗi khi người tu sĩ đi vắng, chúng cũng biết buồn rầu nhớ mong. Khi người tu sĩ trở về, chúng rủ nhau nhảy nhót, ra chào đón vui mừng hớn hở. Rõ ràng, tất cả loài động vật đều sống có tình cảm như nhau: biết thương yêu, biết buồn rầu, biết khổ đau khi xa vắng nhau, khi chia lìa nhau; biết vui mừng, hân hoan khi trùng phùng, sum họp.
Nhìn cảnh tượng này, thế sao chúng ta lại nỡ nhẫn tâm bắt chúng giết để ăn thịt cho đành. Thế sao chúng ta lại nhẫn tâm đánh đập chúng rên la, kêu thét mà chẳng chút lòng thương xót.
Gần nhà chúng tôi có một gia đình nhà kia nuôi một con chó, vì không cho ăn, đói quá nên chú chó vào ổ trứng gà tha đi một trứng. Chủ nhà bắt gặp liền dùng cây, gậy, gộc đánh đến đỗi con chó chết đi sống lại, đau quá con chó đã ỉa đái tứ tung. Nhưng chủ nhà nào có thương yêu, đánh đến đỗi con chó gẫy chân, bò lết cho đến khi chết. Chết rồi người chủ nhà còn đem làm thịt ăn.
Một cảnh tượng đau lòng đầy nước mắt, chỉ cần có một chút xíu lòng thương thì người ta cũng đủ rơi nước mắt, khóc cho thân phận làm loài vật, hay chính là khóc cho thân phận của mình. Phải không hỡi các bạn? Trong xã hội hằng ngày, chúng ta đã chứng kiến biết bao cảnh tượng đau lòng.
Chúng ta hãy đến lò sát sinh của Thành phố Hồ Chí Minh, họ đang giết trâu, bò, heo...Chứng kiến cái chết và cảnh máu đổ, thịt rơi, của loài súc sanh này thật là đau thương và thê thảm. Trước khi chết những con vật đều buồn thảm, cơ thể run rẩy. Một tiếng kêu thét, một tiếng la to, một tiếng rống lên là chiếc xác không hồn bất động, mặc tình cho ai mổ xẻ...
Trước cảnh tượng này, chúng ta mới thấy con người quá tàn nhẫn và độc ác, chẳng có chút lòng thương yêu và xót xa sự sống.
Chính con người đã tự đem sự đau khổ, bịnh tật, tai nạn và chết chóc cho mình mà không biết. Chính con người đã đem thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, bão tố, chiến tranh...đến cho mình mà không hay. Ôi! Sao người ta vô tình đến thế? Lòng thương của họ ở đâu? Họ không nhìn thấy máu đổ, xương rơi sao? Dù là máu xương của loài vật, nhưng cũng là máu xương như máu xương của chúng ta. Họ có nghe tiếng kêu bi thương và thảm thiết của loài vật sắp bị giết chăng? Tiếng kêu ấy làm sao mà chúng ta nhẫn tâm giết chúng được. Phải không hỡi các bạn? Nhìn cảnh tượng này, chúng ta tự hỏi: Đạo đức hiếu sinh ở đâu hỡi các bạn? Nếu chúng ta không sống với đạo đức hiếu sinh, thì ai là người sống đạo đức hiếu sinh với chúng ta? Tại sao con người trên hành tinh đang sống chịu nhiều thứ khổ: thiên tai, thủy họa, chiến tranh, bịnh tật, tai nạn giao thông đang đổ trên đầu họ. Ai làm ra thảm cảnh này, hỡi các bạn?
Chứng kiến cảnh tượng người chủ nhà đánh đập con chó cho đến khi chết, chúng tôi không thể cầm nước mắt được. Chúng tôi khóc không phải vì khóc cho con chó, mà khóc vì cho người thiếu đạo đức hiếu sinh, đã gieo nhân ác, rồi đây làm sao thoát khỏi quả khổ đau này. Nhân ác thì quả phải khổ, người tàn nhẫn không thương loài chúng sanh, đánh đập con chó kêu la thảm thiết cho đến khi chết. Trước khi chết, con chó còn rên rỉ vài ba tiếng rồi tắt thở, thế mà người ta không động lòng bi ẩn, không động lòng thương xót chút nào. Rồi đây quả khổ sẽ đến, ai gánh chịu, người chủ nhà sẽ cũng bị người khác đánh đập ư? Và sẽ cũng bị đau khổ, đau khổ cho đến chết như con chó vậy. Ai tin lời chúng tôi nói này? Lương tâm của các bạn, các bạn ạ! Mắt bạn thấy, tai bạn nghe, chúng không cho phép bạn sống an vui được, mặc dù trước cái chết của con vật đó như vậy bạn rất thản nhiên, xem như không có sự kiện gì xảy ra, nhưng rồi ngày nào đó bạn sẽ trả quả ấy, không thể tránh khỏi.
Gần nhà chúng tôi có một người chuyên giết trâu, bò, heo, chó... đến khi sắp chết phải chịu khổ đau suốt cả năm trời. Lúc nào miệng cũng rên la, kêu thét như tiếng rống của bò trâu, như tiếng tru của loài chó, như tiếng la hét của loài heo thật là thảm họa và khổ đau. Do thiếu đạo đức hiếu sinh, mà những người này họ đành phải thọ lãnh những ngày tàn trong đau khổ.
Chúng tôi chỉ nghe tiếng kêu la rên rỉ của con chó mà động lòng thương tâm. Thương cho con chó phải trả nghiệp quả đời trước quá nặng nề khổ đau, và thương cho những ai sống không có đạo đức hiếu sinh. Sống mà không có tình thương, sống mà không thấy biết sự khổ đau của người khác, loài vật khác, mà chỉ biết có mình là trên hết. Vì thế mà sự sống của muôn vật trên hành tinh này trở thành thực phẩm cho con vật lớn hơn, cho những con người thông minh hơn.
Trên hành tinh này, nếu loài người cho đến các loài vật biết thương yêu nhau như anh em trong một nhà, như cùng cha cùng mẹ, thì đó là người và vật đã thực hiện được đạo đức hiếu sinh; thì hành tinh này là Thiên Đàng, là Cực Lạc; thì khi ấy môi trường sống này sẽ là một màu xanh tươi và mát mẻ mãi mãi. Mọi loài, mọi vật trên hành tinh này đều có lòng hiếu sinh như vậy thì làm sao có thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, bịnh tật, tai nạn, chiến tranh, v.v... như trên chúng tôi đã nói. Làm sao còn có con người và loài vật chịu sự khổ đau nữa. Bởi vậy, đạo đức hiếu sinh rất là quan trọng cho những ai muốn tìm chân hạnh phúc trong cuộc đời này.
Đạo đức hiếu sinh là lòng thương yêu sự sống như chúng tôi đã nói ở trên, nó không những thương yêu loài động vật, mà còn thương yêu loài thảo mộc. Từ một cây rong rêu, cây cỏ nhỏ xíu tí ti, đến một cây cổ thụ to lớn vĩ đại đều có sự sống như nhau. Chúng chỉ khác loài động vật là không di chuyển và không cảm giác đau khổ, buồn thương, v.v...
Nhưng chúng hoàn toàn có một đời sống như loài động vật vậy.
Bởi vậy, vô tình nhổ một cây cỏ không đúng cách, chúng ta cũng cảm thấy như mình giết một mạng sống của một người, huống hồ chúng ta chặt cây, đốt phá rừng, biết bao nhiêu sự sống của ngàn cây nội cỏ đều phải chết trong điêu tàn của ngọn lửa.
Trông thấy một khu rừng bị cháy, người có đạo đức hiếu sinh không thể cầm được nước mắt, họ khóc thương vì sự sống trên hành tinh này do những người vô đạo đức đã gây ra bao nỗi tang tóc thương đau.
Nếu trên đời này ai cũng sống có đạo đức hiếu sinh, thì làm sao có máu chúng sanh đổ, thịt chúng sanh rơi. Phải không hỡi các bạn? Nếu trên đời này ai cũng có đạo đức hiếu sinh thì làm sao có nạn phá rừng, đốt rừng, thì làm sao có những đồi trọc khô khan cằn cỗi, thì làm sao có những núi đồi khô chết. Phải không hỡi các bạn?
Có người bảo rằng ăn thịt chúng sanh mới có sức khỏe, còn ăn rau cải thì không đủ sức khoẻ. Lời nói này có đúng chăng? Không đúng đâu các bạn ạ! Lời nói này chúng tôi e rằng không đúng, vì có những loài vật đâu cầu ăn thịt chúng sanh mà rất khỏe mạnh như loài: trâu, bò, voi, ngựa, v.v...
Về vấn đề ăn uống chỉ là vấn đề phụ, nó thuộc về vấn đề vật chất. Dù cho vấn đề vật chất có đầy đủ mà tinh thần bất an thì cuộc sống đời người vẫn là biển khổ. Còn vấn đề đạo đức mới là vấn đề chính.
Đạo đức thuộc về tinh thần. Người có đạo đức thì tinh thần được an ổn. Tinh thần được an ổn, dù ăn bất cứ một vật gì (thực vật) thì vật ấy vẫn là chất bổ dưỡng cho cơ thể của họ. Vì có đạo đức, dù ăn uống cơm dưa, rau muối và nước lạnh thì sức khỏe cũng đều tốt. Người không có đạo đức, dù ăn thịt cá hay cao lương mỹ vị đều vẫn bị bịnh tật và tai nạn. Chứ không phải ăn thịt chúng sanh, cao lương mỹ vị có đầy đủ chất bổ mà mạnh khoẻ, còn ăn rau cải, cơm dưa là đau ốm. Vấn đề này, đối với cuộc sống của con người đã xác định và chứng minh quá rõ ràng. Vì biết bao nhiêu người ăn thịt cá, cao lương mỹ vị mà vẫn bệnh tật đau ốm như thường, cũng như người ăn rau cải, tương dưa vẫn cũng chung số phận bịnh tật chứ chưa có ai thoát khỏi. Bởi vì ăn thịt chúng sanh cũng như ăn chay mà không có đạo đức hiếu sinh, không có lòng thương yêu sự sống của muôn loài nên vẫn có những hành động làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.
Tuy không ăn thịt chúng sanh nhưng có những hành động khác làm khổ cho nhau. Vì nhân làm khổ mình, khổ người thì quả phải chịu khổ, chứ không phải do ăn uống. Ăn uống đầy đủ chỉ có lợi ích một phần nhỏ cho sức khỏe của con người mà thôi. Sức khoẻ của con người cần nhiều yếu tố khác, chứ không phải có riêng phần ăn uống.
Các bạn nên nhớ! Một con người có hai phần: tinh thần và vật chất, cho nên sức khỏe của con người luôn luôn ảnh hưởng hai phần này, nhưng phần tinh thần quan trọng nhất trong sức khỏe của các bạn.
Người có đạo đức hiếu sinh, thì ăn uống của họ cũng là những hành động hiếu sinh, chứ không phải ăn chay mà tâm dữ như cọp, như beo, v.v... Ăn chay mà tâm dữ như cọp, như beo, như rắn độc thì đâu được gọi là người có đạo đức hiếu sinh. Phải không hỡi các bạn? Các bạn đừng vì chúng tôi mà nói vừa lòng chúng tôi. Mà hãy sáng suốt tư duy, suy nghĩ những lời chúng tôi nói: có đúng hay sai. Để các bạn xác định được đường đi về đạo đức làm người, đem lại lợi ích cho mình, cho người, cho muôn loài vạn vật; đem lại cho sự sống chung nhau trên hành tinh này là một sự an vui, thanh bình muôn thuở.
Vì có đạo đức hiếu sinh mà đời sống con người mới biết thương nhau; vì có đạo đức hiếu sinh mà con người không nỡ ăn thịt nhau; vì có đạo đức hiếu sinh mà tâm hồn mới được thanh thản, an lạc và vô sự; vì có đạo đức hiếu sinh mà chúng ta không làm những điều ác, sống trong những điều thiện; vì có đạo đức hiếu sinh mà chúng ta không lừa đảo, lường gạt người khác; vì có đạo đức hiếu sinh mà xã hội có trật tự, an ninh; vì có đạo đức hiếu sinh mà thế giới mới có bình an, không còn có chiến tranh; vì có đạo đức hiếu sinh con người mới bảo vệ sự sống của muôn loài trên hành tinh này; vì có đạo đức hiếu sinh mà tai nạn giao thông không bao giờ xảy ra nữa; vì có đạo đức hiếu sinh mà cha con, chồng vợ đối xử với nhau êm thấm, thuận hoà; vì có đạo đức hiếu sinh mà vợ chồng mới thương yêu nhau chân thật, sống có tình, có nghĩa, mới có lòng chung thủy với nhau; vì có đạo đức hiếu sinh mà người, vật và cỏ cây mới thương yêu nhau như anh em trong một nhà.
Hiện giờ, con người trên hành tinh này thiếu đạo đức hiếu sinh, cho nên người giết người để cướp của, đoạt danh; vì thiếu đạo đức hiếu sinh, con người mới giết loài vật để ăn thịt và loài vật mới giết loài vật khác cũng để ăn thịt nhau, mà chẳng có chút lòng yêu thương. Vì vậy, thời tiết mưa không thuận, gió không hoà, thiên tai lũ lụt, bão tố thường xảy ra. Động đất, hỏa tai mang đến bao nhiêu thảm họa, khổ đau cho loài người và muôn vật. Chỉ vì thiếu đạo đức hiếu sinh. Cho nên, đạo đức hiếu sinh là những hành động rất quan trọng và cần thiết cho sự tồn vong của muôn loài đang sống trên hành tinh này.
Nếu chúng ta không kịp thời, sáng suốt chỉnh đốn lại nền đạo đức hiếu sinh của con người, thì e rằng con người còn phải khổ đau biết bao nhiêu lần và sẽ khổ đau mãi mãi. Có thể đi đến bước đường cùng là con người sẽ tự hủy diệt mình, hủy diệt trái đất.
Ngay từ bây giờ, con người không chuẩn bị xây dựng cho mình một nền đạo đức nhân bản làm người, thì không còn kịp nữa. Chừng đó không có một tôn giáo nào, một vị thần nào cứu khổ cho loài người được.
Đạo đức hiếu sinh là lòng thương yêu sự sống của muôn loài, chỉ là những môn học về hành động đạo đức, để biết cách thương yêu sự sống trên hành tinh này. Để chúng ta tránh xa những hành động gây tổn thương, làm đau khổ cho mình cho người khác, cho các loài động vật khác và cỏ cây.
Khi chúng ta tiếp xúc với mọi vật đang có sự sống trên hành tinh này, thì chúng ta phải khéo léo thiện xảo. Khéo léo thiện xảo như thế nào để sống có đạo đức hiếu sinh? Về ý thức, khi suy nghĩ chúng ta phả suy nghĩ tốt về mọi vật, mọi người khác, và thường nhắc tâm chúng ta: phải yêu thương sự sống của mọi người, của muôn loài vật khác. Vì không có loài vật nào mà không đáng yêu thương, chúng cũng giống như chúng ta, chúng cũng ham sống sợ chết, chúng cũng sợ đói, sợ khát và sợ bệnh đau. Cho đến như những loài cây cỏ vẫn muốn sống, chúng nó vẫn còn muốn sống, sợ chết huống là loài động vật. Phải không hỡi các bạn? Các bạn hãy nhìn xem một cành cây khô giữa đám lá xanh tươi, hay một cây cỏ khô héo giữa đám cỏ xanh tươi, thì chúng ta vẫn thấy xót xa trong lòng. Trong cái sống có cái chết thì lòng ai không đau buồn. Phải không hỡi các bạn?
Về lời nói, khi nói ra một lời nào chúng ta cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng rồi mới nói. Nói ra không được nói lời ác, khiến cho người khác buồn khổ; nói ra không được nói lời thô lỗ tục tằn, hỗn láo; nói ra không được nói lời hung ác dữ tợn; nói ra không được nói lời lừa đảo, xảo ngôn, nói dối, nói không thật; nói ra không được dùng lời nói xấu người khác; nói ra không được nói lời vu khống người; nói ra không được nói lời oan ức cho người; nói ra không được nói lời nặng nhẹ người; nói ra không được nói lời mắng mỏ người; nói ra không được nói lời châm biếm người; nói ra không được nói lời chửi thề; nói ra không được nói lời gay gắt; nói ra không được nói lời giễu cợt; nói ra không được nói lời mỉa mai; nói ra không được nói lời móc họng; nói ra không được nói lời sai bảo người làm ác, làm đau khổ người khác, vật khác như: sai đâm chém người, giết hại những loài vật khác. Ví dụ: Hãy bắt con gà làm thịt nấu cháo ăn, bắt con cá nướng thui nhậu chơi, đánh cho chết cha nó, v.v... Những lời nói trên đây là những lời nói thiếu đạo đức làm người, thiếu lòng thương yêu sự sống của mọi người, mọi vật. Lời nói thoát ra là đã làm cho người khác đau khổ, chúng sanh đau khổ. Đó chính là lời nói thiếu đạo đức hiếu sinh, thiếu lòng yêu thương người khác và những loài vật khác.
Người có lòng hiếu sinh, biết thương yêu mọi sự sống là rất cẩn thận, dè dặt trong lời nói:
1- Khi nói ra là lời nói mang đến lòng thương yêu, xoa dịu những vết thương đau của người khác, vật khác.
2- Khi nói ra lời nói ôn tồn, nhã nhặn khiến cho người nghe không bực dọc, phiền muộn.
3- Khi nói ra lời nói nhẹ nhàng, êm ái khiến người nghe không còn lo sợ, buồn phiền.
4- Khi nói ra lời nói đầy lòng tha thứ, thương yêu và tôn trọng sự sống của người khác, vật khác.
5- Khi nói ra lời nói là mang đến nguồn an ủi, che chở, bảo vệ khiến cho mọi người an tâm.
6- Khi nói ra lời nói mang đến hạnh phúc, an vui cho người, cho vật.
Vì thế, lời nói rất quan trọng. Nó thể hiện được đạo đức hiếu sinh, mang đến cho đời niềm vui chân thật, nó mang đến cho đời một tình thương chan hoà sự sống giữa người, vật và ngàn cây nội cỏ.
Là con người, ai cũng có trí hiểu biết, cũng có trí thông minh, biết phải, biết trái, biết tốt, biết xấu, biết khổ đau, biết không khổ đau, biết thương, biết ghét, biết giận, biết hờn, biết ác, biết thiện, biết không làm khổ mình, khổ người, v.v...
Biết như vậy, thì chẳng lẽ nào không chấp nhận đạo đức hiếu sinh hay sao? Chẳng lẽ nào lại không biết đạo đức hiếu sinh là có ích lợi cho mình, cho người và cho muôn loài cùng có sự sống như nhau? Biết như vậy, thì chẳng lẽ nào không biết đạo đức hiếu sinh sẽ biến cõi thế gian thành cảnh giới Thiên Đàng, Cực Lạc? Biết như vậy, thì chẳng lẽ nào không biết đạo đức hiếu sinh là những hành động cao thượng tuyệt vời, khiến cho con người thoát ra khỏi bản chất của loài cầm thú, của loài động vật hung ác, dã man.
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây