Xã hội đèn dầu

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự thật bị bao vây tứ phía, bị cải trang bằng nhiều son phấn, nhiều mặt nạ. Cái tốt đẹp bị che chắn, bị vùi lấp… còn cái xấu, cái ác thì được phát biểu, được thể hiện với kèn trống với vòng hoa.

Đây là thời đại mà những chính khách có thể nói dối, có thể lừa gạt mọi người bằng sự hùng biện đầy thuyết phục được hỗ trợ bằng những giọt nước mắt xúc động. Họ thường nói những câu đại loại: “Tôi đang móc ruột ra nói với các đồng chí” mà quên rằng trong ruột chứa đầy những thứ chẳng thơm tho gì.

Xưa nay nhiều người vẫn tin tưởng rằng cái tốt sẽ thắng, chính nghĩa – dù có trải qua muôn vàn khó khăn – rốt cuộc cũng sẽ thắng. Nhưng nếu chịu khó quan sát thế giới một chút, chúng ta sẽ thấy ngay rằng cái xấu, cái ác đang thắng, đang tồn tại. Chẳng phải đó là điều đang xảy ra ở Việt Nam, Afghanistan, Bắc Triều Tiên, Cuba, châu Phi, Trung Đông… và nhiều nơi khác trên thế giới nữa hay sao?

Đây là sự thật ê chề nhất mà nhân loại phải gánh chịu!

Những người đã sống gần hết cuộc đời trên thế gian này, những người có học thức, có suy nghĩ độc lập mà nhiều khi còn rối trí không biết tìm đâu ra chính nghĩa, ra cái tốt, huống chi là lớp trẻ (nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam ngày nay) gần như mù tịt: phải, trái, thiện, ác… lẫn lộn. Họ lâm vào cảnh “nhận giặc làm cha”, “xe duyên cùng tướng cướp”…

Họ giống như kẻ đang lạc vào một siêu thị bán toàn đồ giả, đồ nhái, không biết chọn cái nào, họ đành quay lưng, bỏ ra ngoài, tìm những nhu cầu khác.

Sự ra đời của những trang web, những blog cá nhân đã góp phần “giải vây” cho chính nghĩa, “tẩy trang” cho sự thật, nhằm cố gắng hé lộ bộ mặt thật của một xã hội, một chế độ chính trị, một sự kiện…

Như thế, sự thiếu vắng của các trang web hay blog này là những mất mát lớn cho cả một thế hệ đang lạc lõng, đang trôi dạt, đang đánh mất tự do và tính cách của mình.

Thế hệ này tìm thấy sự bình yên, sự hài lòng trong cái Tôi nhỏ bé với những nhu cầu vụn vặt, dễ dãi, dễ kiếm. Lớp người này ngày càng làm phình lớn cái xã hội tiêu thụ, thụ động, lười biếng và vô cảm. Đó là cái xã hội đang tiêu diệt mọi nhân cách và tiêu diệt chính nó, cái xã hội đang biến dạng – một cách chắc chắn, ung dung và không gì ngăn cản nổi – thành một bầy đàn hạ đẳng.

Một xã hội bao gồm nhiều cá nhân, nếu mỗi cá nhân là một ý thức độc lập, có sự sáng tạo tự do, thì xã hội đó sẽ rực rỡ vì mỗi cá nhân có ánh sáng riêng của mình, muôn màu muôn vẻ.

Nếu trong một xã hội mà mỗi cá nhân đều suy nghĩ giống nhau, sáng tạo giống nhau, ca ngợi và đả đảo giống nhau thì mỗi cá nhân đã tự thổi tắt ngọn đèn của mình và được phát cho một ngọn đèn dầu. Xã hội đó sẽ là một xã hội đèn dầu, chỉ tồn tại trong thứ ánh sáng lờ mờ, u ám. Chỉ có những đốm mắt của bọn linh cẩu, chó sói và hổ báo là rực lên trong đêm đen.
*
Đảng đã cho ta một mùa Xuân đầy ước vọng.
Một mùa Xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi

Những câu hát ấy đã vang lên trong nhiều thế hệ thiếu niên nhi đồng Việt Nam và sẽ còn vang lên hoài như thế. Nhưng liệu có phải đó là sự thật không? Có phải ở Việt Nam hiện đang có một “mùa Xuân tràn ánh sáng khắp nơi nơi”  không? Nếu không thì sao? Chẳng lẽ từ thế hệ này sang thế hệ khác cứ tiếp tục hát như thế?

Trên ti-vi, trong các lớp học, trong các cuộc họp… cũng thế: các thầy cô giáo, các nhân viên nhà nước, các quan chức, nghệ sĩ sân khấu, cán bộ hưu trí, học sinh sinh viên, thậm chi cả những người lao động nghèo, những bác nông phu chân lấm tay bùn… khi được phỏng vấn cũng đều trả lời cùng cái giọng “Đảng đã cho ta một mùa Xuân” như thế.

Những em bé mẫu giáo, học sinh tiểu học chắc là không ý thức được mình đang nói gì, hát gì, còn những cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước thì biết mình đang nói dối nhưng hoặc là vì nịnh bợ để mưu lợi cá nhân, hoặc là nói cho qua chuyện, cho xong một cuộc phỏng vấn, một bài phát biểu.

Có một thành phần đặc biệt hơn, đó là những kẻ mới sinh ra là đã biết vâng phục, không hề có ý thức phản biện một cái gì, khi họ là cán bộ, đảng viên, họ biến thành những bõ già của Đảng, những ông từ giữ cái chùa Mác-Lênin suốt đời mãn kiếp. Họ đang sống mòn, sống cho hết cái kiếp gia nô buồn thảm, đìu hiu!

Nhưng đáng xấu hổ nhất là những kẻ ngụy tín, quen thói nói dối, nhập thân vào sự dối trá của mình một cách chân thật và cố thuyết phục người khác hiểu cái “sự thật” ấy.

Hãy tưởng tượng một đàn vịt đang lạch bạch đi trên bờ ruộng. Bỗng nhiên một con kêu: “cạc cạc!” rồi con thứ hai cũng kêu “cạc, cạc”, con thứ ba, thứ tư, con thứ mười đều kêu “cạc, cạc”. Rồi tất cả đồng loạt kêu “cạc cạc”… Ta sẽ thấy rất buồn cười, nhưng không sao, có khi còn dễ thương nữa vì chúng là đàn gia súc. Nhưng thử tưởng tượng có một đám người, đủ mọi thành phần: nông dân, giáo viên, tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, học sinh, sinh viên, nhà văn, nhà thơ, diễn viên điện ảnh, hoa hậu, á hậu, người mẫu thời trang, giáo sư đại học, cán bộ công nhân viên, học sinh mẫu giáo… vừa đi vừa kêu “cạc cạc” như thế thì sẽ ra sao? Đó không phải là một xã hội nữa, đó là một bầy đàn.

Rất may là đã có một thành phần dám nói sự thật. Đó là những trang web kiểu như talawas, Bauxite… những blog cá nhân kiểu như Osin, Mẹ Nấm, Lề Bên Trái, Người Buôn Gió… Họ đã lần lượt bị bắt nhốt, bị đe dọa, bị đóng cửa. Họ là những tập thể, những cá nhân đã tỏa sáng và đang bị dập tắt. Xã hội hiện nay chỉ còn hiu hắt những ánh đèn dầu của đám người mờ nhạt, bị thuần hóa, bị gia súc hóa một cách thảm hại.

Như thế, rõ ràng là hiện nay chúng ta đang có hai nước Việt Nam: một Nước Việt Khốn Khổ, bị rút ruột, bị đục khoét, bị bán tài nguyên, bán máu, bán phẩm giá, bị xâu xé, cướp bóc tả tơi và nợ như chúa Chổm. Và một Nước Việt Ảo đang được vẽ vời bằng những lời nói dối, nịnh bợ, cơ hội, lừa mị… của đủ mọi thành phần, từ cán bộ lãnh đạo cho tới học sinh mẫu giáo.

Mỗi ngày có một bộ phận người Việt đang sống và làm việc trong cái Nước Việt Ảo ấy trong khi một bộ phận người Việt khác lại đang sống và làm việc cùng một Việt Nam khác: khốn khổ, trần trụi, tơi tả.

Hôm nay talawas không còn, ngày mai có thể Bauxite cũng sẽ mất, nhưng những người tâm huyết với đất nước với dân nghèo thì mãi tồn tại, tiếp nối, bền bỉ và bất tận.

Tác giả: Đào Hiếu
Previous Post
Next Post