Mưu cầu cái ăn, cái mặc, chỗ ở ổn định dựa vào hoạt động của khối óc và cơ thể là lẽ thường tình ở con người.
(...) Tất nhiên, đối với con người việc tự lập kiếm kế sinh nhai rất quan trọng. Người xưa thường dạy: "Hãy kiếm sống bằng chính mồ hôi của mình". Thế nhưng theo tôi, cho dù chúng ta có làm đúng theo lời dạy này thì cũng chưa phải là đã làm đúng trách nhiệm và nghĩa vụ với tư cách là con người. Lời dạy này mới dừng lại ở chỗ răn người ta làm người thì đừng để thua kém muông thú và cũng chỉ dạy có thế.
Các loài chim chóc, muông thú, tôm cá, côn trùng... tự chúng không kiếm mồi được sao? Ví như loài kiến chẳng hạn. Loài kiến không những biết kiếm mồi mỗi ngày mà còn biết làm hang, làm tổ, tích trữ mồi trong suốt mùa đông giá rét.
Vậy mà trên đời này, có không ít người, hành vi của họ cũng chỉ ngang với đàn kiến thôi mà cũng tự mãn.
(...) Nhưng, tôi lại hoàn toàn không nghĩ rằng loài người với tư cách là chúa tể của muôn loài - mới có được kết quả nhỏ nhoi như vậy mà đã coi là hoàn tất mục đích đích thực của cuộc đời.
Giải quyết được cái ăn, cái mặc, chỗ ở mà đã mãn nguyện, đã cảm thấy hài lòng rồi thì hóa ra cuộc đời con người trên thế gian này chỉ đơn thuần là được sinh ra rồi chết đi thôi hay sao? Tình trạng lúc anh ta chết đi có khác gì lúc được sinh ra. Tức là quanh quân vẫn chỉ là chuyện sao cho có nhà cửa, có cuộc sống ổn định và có của ăn của để nữa. Vẻn vẹn chỉ có vậy. và nếu đến thế hệ con cháu, cũng lặp đi lặp lại y hệt cuộc sống của anh ta thì dù có trải qua hàng trăm đời, làng xóm thị trấn nơi anh ta đã sống xưa thế nào nay chắc cũng vậy, không chút thay đổi.
Trích Khuyến học -Fukuzawa Yukichi
Giới trẻ Việt Nam hiện nay rất ư là “sành điệu”. Thế giới tranh nhau mua ipod, nội trong một tuần, ipod đã xuất hiện tại Việt Nam. Cả nước Mỹ lên cơn sốt vì PlayStation 3, Việt Nam cũng đâu tầm thường, cần thì cứ rao trên mạng là có người cung cấp ngay. Một nha sĩ Việt kiều Mỹ nói với tôi: “Ngày lễ Valentine ở Việt Nam cũng hoành tráng, không thua kém gì Mỹ”.
Trào lưu mua sắm hiện đại, sành điệu làm cho tôi cũng cảm thấy choáng ngợp, cứ ngỡ như mình đang sống trong một thế giới phẳng - một thế giới toàn cầu hóa không còn khoảng cách về biên giới mà Thomas Friedman mô tả. Thế giới có gì mình có đó, ở Việt Nam có thiếu gì đâu.
Thế nhưng một anh bạn của tôi là một PhD chuyên ngành kinh tế học ở Nhật kể lại một câu chuyện làm tôi suy nghĩ. Số là trong một cuộc trò chuyện có một đồng nghiệp của anh nói một câu rất bâng quơ: “Thanh niên bên đây được Fukuzawa khai sáng rồi, chừng nào thanh niên bên đó được khai sáng?”.
Anh bảo: “Về đến nhà ngồi vắt tay lên trán ngẫm nghĩ thì mới thấy thấm thía câu nói đó”. Tôi cũng phải suy nghĩ rất nhiều về câu đó bởi vì tôi biết Phúc Ông là ai và ông đã khai sáng, giúp cho dân tộc Nhật Bản phát triển như thế nào.
Fukuzawa Yukichi, tên theo âm tiếng Việt gọi là Phúc Trạch Dạ Cát nên còn gọi là Phúc Ông, là một nhà tư tưởng, giáo dục đã khai sáng cho tầng lớp thanh niên Nhật Bản lúc bấy giờ. Những tư tưởng về chính trị, xã hội, kinh tế mà Fukuzawa truyền bá là một căn nguyên phát triển của Nhật Bản cận hiện đại.
Trước một thực trạng giáo dục chỉ coi trọng hình thức bên ngoài, chỉ chú trọng đến việc dạy đọc/viết, nghĩa là chỉ quan tâm đến việc truyền bá kiến thức mà không quan tâm đến sự khuyến khích phát triển tư duy sáng tạo và độc lập, coi trọng chân lý và nguyên tắc, Fukuzawa đã dám “vượt lên chính mình” kêu gọi người dân hãy theo đuổi nền giáo dục thực học của phương Tây, dựa trên nền tảng khoa học và kỹ thuật.
Quan niệm của ông là học để thực hiện tốt hơn công việc của mình đang làm, để từ đó góp phần xây dựng đất nước chứ không phải học để có bằng cấp cao, để ra làm quan.
Fukuzawa là người đưa ra nguyên tắc nổi tiếng: "Độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân", tức là một xã hội muốn phát triển phải dựa trên những cá nhân có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo, chứ không phải dựa vào chính phủ. Ông khuyên thanh niên tự tin vào sức mạnh cá nhân, sự suy nghĩ độc lập sáng tạo, mà không phụ thuộc vào sức mạnh của người khác, sự chỉ đạo từ bên trên. Nghĩa là hãy tự tin vào chính mình, đừng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của chính phủ, đừng than van mà hãy bắt tay “làm một cái gì cho quê nhà tôi”.
Có thể nói không ngoa rằng nếu có Phúc Ông thì không có Nhật Bản ngày hôm nay. Ông đã giúp cho thanh niên Nhật Bản “thoát khỏi trạng thái vị thành niên” nghĩa là dám tin vào tư duy độc lập của mình mà không bị phụ thuộc hay ràng buộc bởi tư duy của người khác.
Trở lại với câu hỏi của diễn đàn: “Còn bạn, bạn đã chuẩn bị những gì? Khả năng ngoại ngữ, tin học, kiến thức chuyên môn, văn hóa, khả năng ứng xử, sự năng động... và gì nữa?”. Tôi cho rằng cái mà tôi và nhiều bạn trẻ khác đang thiếu chính là một tinh thần “khai sáng”, đó là tinh thần dám suy nghĩ một cách độc lập, tự tin vào khả năng của bản thân để có thể thực hiện được ước mơ và hoài bão của mình.
Rất nhiều, sẽ không thể biết hết và nói hết, nhưng cũng có thể chỉ tóm gọn lại trong một chữ: Cơ hội. Trong cuốn Thế giới phẳng đang gây xôn xao dư luận, Friedman đã viết một câu ngắn gọn và chí lý “Cơ hội đến với người luôn sẵn sàng”.
Và các bạn, hẳn các bạn cũng mong muốn mình có thể nắm bắt được nhiều cơ hội mới. Với những bạn trẻ đã đủ tự tin: tôi đang sẵn sàng - có lẽ đang rất háo hức đón chờ những thử thách phía trước. Song có người chắc rằng vẫn còn e ngại: tôi không đủ sức cạnh tranh với những bạn trẻ nước ngoài, những du học sinh VN khi mà vài năm nữa, tôi phải đứng trước nhà tuyển dụng song song với họ....
Vậy, theo bạn, chúng ta cần phải được trang bị những gì để có thể biết đâu là cơ hội và có cách nắm bắt lấy nó! Hãy cùng TTO chia sẻ sự chuẩn bị của mình và những cơ hội bạn đang tìm kiếm, bởi tất cả chúng ta đang và sẽ cùng với nhau nắm tay tiến bước ra thế giới...
Duy Linh
Nguồn: Tuổi trẻ