Từ tư tưởng của Fukuzawa nghĩ về đổi mới giáo dục hiện nay

Fukuzawa Yukichi
Đọc “Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi (Phạm Hữu Lợi dịch, 2014), tôi có cảm tưởng như ông đang nói với dân Việt, với Chính phủ Việt Nam ngay lúc này, chứ không chỉ nói với người Nhật Bản thời Minh Trị (1868 – 1912). Những tư tưởng, những phân tích, mô tả của ông có ý nghĩa đến kinh ngạc với Việt Nam hiện nay từ chính trị, kinh tế đến văn hóa xã hội; từ những điều to lớn tầm quốc gia đại sự như chủ trương “thoát Á nhập Âu” trong tổ chức quản trị xã hội, trong cách thức và mục tiêu giáo dục, đến chuyện “chí sĩ rởm”, chuyện “rượu uống người” để phản ánh tình trạng mất tự chủ của người dân bởi “muôn hình vạn trạng” trong đó có nạn nhậu nhẹt.

Giáo dục con người tự chủ và khai sáng

Tư tưởng bao trùm trong tác phẩm là tư tưởng về giáo dục con người tự chủ và khai sáng. Cũng như Rousseau của Pháp, với Fukuzawa, một nền giáo dục khai minh phải là một nền giáo dục đào tạo con người tự chủ về tư duy, về phán đoán, có khả năng phản biện, có khả năng tự tồn tại, tự xoay xở... Con người tự chủ là con người không chạy theo trào lưu thời thượng, hay chịu sự chi phối của dư luận, hay bất kỳ điều gì mà không suy xét, không lấy lý trí của mình để đánh giá và tự mình đem ra các quyết định.

Một dân tộc tự chủ và trưởng thành là một dân tộc sẵn sàng học tất cả những điều hay cái đẹp đến từ mọi nơi nhưng không làm mất căn tính của mình, vì sự học hỏi là một quá trình chọn lọc dựa trên lý tính chứ không phải đơn giản là những hành động bắt chước. Fukuzawa phê phán tất cả những hủ tục, những mê tín, những huyền thuyết làm u mê dân chúng, ông phê phán quan niệm học để làm quan, cách học tầm chương trích cú, hư học của Trung Hoa, nhưng ông cũng phê phán cả những người chạy theo phương Tây một cách hời hợt như một phong trào mà không suy xét thấu đáo.

Ông kêu gọi nhà trường, các bậc phụ huynh phải đào tạo được những công dân tự chủ, độc lập, có trách nhiệm, dám dấn thân để bảo vệ chân lý và công bình xã hội. Với ông, sự độc lập của các cá nhân sẽ làm nên sự độc lập của quốc gia, là vốn quý thúc đẩy sự phát triển, nhưng cũng là thuốc đề kháng bảo vệ sự độc lập của đất nước. Ông viết: “nếu có lòng yêu nước thì mỗi người chúng ta đều phải suy nghĩ trước hết về độc lập cho bản thân mình, rồi hãy giúp đỡ người khác cùng độc lập” (tr. 61 - 62).

Sự lệ thuộc là nguyên nhân của mọi điều xấu, một cá nhân lệ thuộc là cá nhân không thể minh định, không có lập trường, dễ dàng a dua, chạy theo phong trào, đám đông, hình thức, vọng ngoại. Nó cũng là nguyên nhân của sự nịnh bợ, luồn cúi với những người có chức quyền, nhưng lại hay xách mé, coi thường những người dưới mình kiểu thượng đội hạ đạp.

Vấn đề của giáo dục Việt Nam và chương trình Đổi mới

Khi hệ thống giáo dục không lấy sự tự chủ, khai minh khai trí làm trọng tâm trong việc đào tạo, làm đích đến của nền giáo dục, mà chỉ lo chăm bẵm “đúc” những con người công cụ theo một mô hình nào đó có sẵn để dễ bề sai khiến, thì nền giáo dục đó làm cạn kiệt nguồn nguyên khí quốc gia. Tạo ra những “Hồn Trương Ba, da hàng thịt, cơ thể mình trở thành nơi trú ngụ của linh hồn người khác” (tr. 144).

Những điều Fukuzawa viết ở trên thật có ý nghĩa, nó phản ánh mọi vấn đề trong xã hội Việt Nam nói chung và trong giáo dục Việt Nam hiện nay nói riêng, mà chúng ta đang hằng ngày tranh luận. Trong giáo dục nước ta hiện nay, những tính cách riêng, những điều tự chủ trong tư duy và hành động, khả năng phê phán, những chính kiến... không được khuyến khích phát triển, tập tành thành những thói quen cho học sinh, ngược lại, giáo dục đang là cỗ máy khổng lồ nghiền nát và làm hòa tan những điều này trong những định hướng chung, những chủ thuyết có sẵn, những phong trào thi đua có tính tập thể, ép tất cả vào một cái khuôn được định nghĩa bởi các nhà lãnh đạo chính trị. Khi không có một lập trường dựa trên những giá trị chắc chắn, không chính kiến, không có cái gì riêng của mình làm điểm tựa, không có khả năng tự chủ, người trẻ sẽ dễ dàng chạy theo những trào lưu nhất thời, buông mình cho những tệ nạn, mặc kệ thời cuộc kim tiền và truyền thông xô đẩy.

Học sinh chúng ta hết cấp phổ thông có thể trở thành những con người biết nhiều những kiến thức, nhưng lại không thể có sự độc lập trong tư duy, trong phán đoán, trong việc đem ra các quyết định, thiếu các kỹ năng để có thể xoay xở trong công việc và trong cuộc sống... Ngày 29/11/2013, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo có tựa đề “Phát triển kỹ năng: Chuẩn bị lực lượng lao động cho một nền kinh tế hiện đại ở Việt Nam”, trong đó đã chỉ ra đa số cán bộ chuyên môn (80%) của VN thiếu các kỹ năng cần thiết như kỹ năng tư duy sáng tạo và phê phán, khả năng trình bày, tính toán, giải quyết vấn đề, khả năng ghi nhớ và tốc độ tư duy. Cũng ở khía cạnh này, các phân tích kết quả cuộc thi PISA mới đây đã chỉ ra, mặc dù VN được xếp hạng khá cao, nhưng riêng “Sự cởi mở, linh hoạt trong giải quyết vấn đề của học sinh” thì bị xếp 67/68 nước tham gia.

Theo cách phân tích của Fukuzawa thì hậu quả của những điều này là sự lệ thuộc và có thể dẫn đến mất độc lập. Cá nhân thì chỉ sống dựa vào người khác, dựa vào những thứ có sẵn, đất nước lại lệ thuộc vào ngoại bang vì quốc gia không thể tự tin và có thể tự chủ khi các công dân của mình không thể tự tin và tự chủ.

Tôi không tìm thấy trong các nội dung văn bản chính thức hiện hành liên quan đến “mẫu người tự chủ” được định nghĩa một cách rõ ràng trong các phần nói về mục tiêu giáo dục. Cũng vậy, trong Báo cáo tóm tắt Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục...” trước đây, và “Dự thảo đề án đổi mới chương trình và SGK” của Bộ Giáo dục vừa mới được trình bày trước Quốc hội, không thấy nội dung này mặc dầu đã có những cố gắng tham khảo giáo dục của các nước có nền giáo dục phát triển.

Tôi nghĩ, muốn đưa đất nước đi lên, chúng ta phải cải cách giáo dục, và nền giáo dục đó phải lấy “mẫu người tự chủ và có trách nhiệm” làm đích đến. Từ đó mới xác định lại chương trình nội dung, cách thức tổ chức, đánh giá... Nếu không, công cuộc đổi mới hiện nay rồi cũng sẽ thất bại dẫu cho có đầu tư 34 ngàn tỷ hay hơn thế nữa, vì chúng ta vẫn tiếp tục “lạc đường”, bởi cả thế giới tiến bộ từ rất lâu đã lấy mẫu hình này làm mục tiêu giáo dục trong mọi cấp bậc, từ giáo dục gia đình đến giáo dục nhà trường.

Một người bạn tôi đã so sánh hoàn cảnh Nhật Bản vào thời Minh Trị, trong đó Fukuzawa viết tác phẩm “khuyến học” tương tự như hoàn cảnh của Việt Nam trong thời mà Nguyễn Trường Tộ sống và liên tục gửi những điều trần của ông lên cho nhà Nguyễn nhưng không được lắng nghe. Thế nhưng hiện nay, chúng ta thấy những gì mà Fukuzawa phản ánh trong tác phẩm này lại là những gì chúng ta đang chứng kiến hằng ngày. Như vậy, chẳng lẽ, gần 150 năm trôi qua, mà nước ta đang giậm chân tại chỗ, trong khi Nhật đã là một cường quốc hùng mạnh trong tốp đầu của thế giới?

*****


Thử nghĩ mà xem, những người phương Tây từ thời cổ kim đến nay đều có cùng dòng dõi giống nhau và họ không khác nhau nhiều lắm. Nếu ngày xưa họ chậm chạp thì ngày nay họ di chuyển hoạt bát và nhanh chóng hơn chính là vì họ lợi dụng được thế mạnh của phương tiện giao thông đó mà thôi. Đối với chúng ta, những người sống ở phương Đông, trừ khi chúng ta có quyết tâm vững chắc muốn chống lại xu thế văn minh phương Tây thì chúng ta mới có thể chống đỡ được, còn nếu không tốt nhất là chúng ta hãy cùng chia sẻ chung số mệnh với nền văn minh ấy.

Nếu chúng ta quan sát kĩ lưỡng tình hình thế giới hiện nay, chúng ta sẽ nhận thấy được rằng chúng ta không thể nào chống lại được sự tấn công dữ dội của nền văn minh ấy. Vậy tại sao chúng ta không cùng nhau bơi nổi trên biển văn minh ấy, cùng nhau tạo ra một làn sóng văn minh ấy, cùng nhau nỗ lực xây dựng và hưởng lạc những thành quả của nền văn minh ấy?

Làn gió văn minh như là sự lan truyền của dịch bệnh sởi. Hiện giờ dịch bệnh sởi khởi phát từ vùng miền tây ở Nagasaki đang lan truyền về phía đông tới vùng Tokyo nhờ tiết trời ấm áp của mùa xuân. Thời điểm này chúng ta sợ sự lan truyền của dịch bệnh này thì phải tìm phương thuốc, nhưng liệu có phương thuốc nào có thể ngăn chặn sự lây lan này không? Tôi có thể chứng minh rằng chúng ta không có một phương thuốc nào ngăn chặn được dịch bệnh cả. Cho dù chúng ta có ngăn chặn được dịch bệnh có thể lây lan này thì hậu quả là con người chúng ta sẽ chỉ có hư hỏng mà thôi.

Trong nền văn minh ấy có cả lợi lẫn hại song song, nhưng lợi luôn nhiều hơn hại, sức mạnh của những điều lợi đó không gì có thể ngăn cản được. Đó chính là điểm mà tôi muốn nói rằng chúng ta không nên tìm cách ngăn cản lại sự lan truyền của nền văn minh ấy. Là những người trí thức, chúng ta hãy góp sức giúp cho sự lan truyền của làn sóng văn minh đó tới toàn dân trong nước để họ thấy được và làm quen với nền văn minh ấy càng sớm càng tốt. Làm được như vậy chính là sự nghiệp của những người trí thức.

Nền văn minh phương Tây đang xâm nhập vào Nhật Bản và có thể tính bắt đầu từ chính sách mở cửa của nước nhà vào thời Gia Vĩnh (Kaei, 1848-1854). Người dân trong nước bắt đầu biết đến những giá trị hữu ích của nền văn minh ấy, và đang dần dần tích cực hướng tới tiếp nhận nền văn minh ấy. Nhưng con đường tiến bộ tiếp cận nền văn minh đang bị cản trở bởi chính phủ già nua lỗi thời. Cho nên đó là vấn đề không thể giải quyết được. Nếu chúng ta duy trì chính phủ hiện nay thì nền văn minh chắc chắn không thể xâm nhập vào được. Đó là vì nền văn minh hiện đại không thể song song tồn tại được cùng với những truyền thống Nhật Bản. Nếu chúng ta tìm cách thoát ra khỏi những truyền thống cũ kĩ đó thì đồng nghĩa với việc phải hủy bỏ chính phủ đương thời đi. Thế thì đương nhiên, nếu chúng ta ngăn cản lại nền văn minh đang xâm nhập vào Nhật Bản thì chúng ta không thể giữ gìn được nền độc lập của chúng ta. Dù thế nào đi chăng nữa thì sự náo động mãnh liệt của nền văn minh thế giới không cho phép vùng Đảo Đông Á cứ tiếp tục ngủ trong sự cô độc nữa.

Trong thời điểm hiện nay, những sĩ phu Nhật Bản chúng ta hãy dựa trên cơ sở đại nghĩa “coi trọng quốc gia và coi nhẹ chính phủ”, thêm nữa chúng ta có cơ may được dựa trên thánh chỉ tôn nghiêm của Thiên Hoàng, nhất định chúng ta phải từ bỏ chính phủ cũ, thành lập chính phủ mới, không phân biệt quan lại triều đình và thần dân, toàn dân trong nước tiếp thu nền văn minh hiện đại phương Tây. Nếu chúng ta làm được như vậy, chúng ta không những có thể thoát ra khỏi sự trì trệ lạc hậu cũ kĩ của nước Nhật Bản mà còn có thể đặt lại được một trật tự mới trên toàn Châu Á. Chủ trương của tôi chỉ gói gọn trong hai chữ “Thoát Á”.

Nước Nhật Bản chúng ta nằm tại miền cực đông Châu Á, giá như chúng ta có tinh thần dân tộc thoát ra khỏi những thói quen cổ hủ của Châu Á mà tiếp cận tới nền văn minh phương Tây thì chúng ta đã có thể hoà nhập với nền văn minh phương Tây rồi. Tuy nhiên, thật không may cho Nhật Bản chúng ta, bên cạnh nước chúng ta có hai nước láng giềng, một nước gọi là Chi Na (Trung Quốc), một nước gọi là Triều Tiên. Cả hai dân tộc của hai nước này giống như dân tộc Nhật Bản chúng ta đều được nuôi dưỡng theo phong tục tập quán, tinh thần và nền giáo dục chính trị kiểu Châu Á cổ lai hi. Tuy nhiên, có lẽ do nhân chủng khác nhau, hoặc do quá trình di truyền khác nhau, hoặc do nền giáo dục khác nhau nên có sự khác biệt đáng kể giữa ba dân tộc. Dân tộc Trung Quốc và Triều Tiên giống nhau nhiều hơn và không có nhiều điểm giống với dân tộc Nhật Bản. Cả hai dân tộc này đều không biết đường lối phát triển quốc gia tự lập.

Ngày nay, trong thời đại phương tiện giao thông tiện lợi, cả hai dân tộc không thể không nhìn thấy được sự hiện hữu của nền văn minh phương Tây. Nhưng họ lại cho rằng những điều mắt thấy tai nghe về nền văn minh phương Tây như vậy cũng không làm họ động tâm động não. Suốt hàng nghìn năm họ không hề thay đổi và vẫn quyến luyến với những phong tục tập quán cũ kĩ bảo thủ. Giữa thời buổi văn minh mới mẻ và đầy khí thế ngày nay mà khi bàn luận về giáo dục thì họ thường lên tiếng giữ gìn nền giáo dục Nho học (Hán học), bàn về giáo lý của trường học thì họ chỉ trích dẫn những lời giáo huấn “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí”, và chỉ phô trương coi trọng hình thức bên ngoài giả tạo, thực chất họ coi thường chân lí và nguyên tắc, còn đạo đức thì hung hăng tàn bạo và vô liêm xỉ không lời nào tả xiết, đã vậy họ lại còn kiêu căng tự phụ.

Theo đánh giá của tôi, trong tình hình lan truyền mạnh mẽ của nền văn minh phương Tây sang phương Đông như hiện nay, hai nước ấy không thể giữ gìn được nền độc lập. Nếu trong hai nước ấy, xuất hiện những nhân tài kiệt xuất mở đầu bằng công cuộc khai quốc, tiến hành cuộc đại cải cách chính phủ của họ theo quy mô như phong trào Duy Tân (Minh Trị Duy Tân) của chúng ta, rồi cải cách chính trị, đặc biệt là tiến hành các hoạt động đổi mới nhân tâm và cách suy nghĩ thì may ra họ mới giữ vững được nền độc lập, còn nếu không làm được như vậy thì chắc chắn chỉ trong vòng vài năm tới hai nước sẽ mất, đất đai của các hai nước ấy sẽ bị phân chia thành thuộc địa của các nước văn minh khác trên thế giới.

Vậy lý do tại sao? Đơn giản thôi, vì tại thời điểm mà sự lan truyền của nền văn minh và phong trào khai sáng (bunmei kaika) giống như sự lan truyền bệnh sởi, hai nước Trung Quốc và Triều Tiên đã chống lại quy luật lan truyền tự nhiên ấy của nền văn minh. Họ quyết liệt tìm cách chống lại sự lan truyền nền văn minh ấy ví như họ tự đóng chặt cửa sống trong phòng khép kín không có không khí lưu thông thì sẽ bị chết ngạt.

Tục ngữ có câu “môi hở răng lạnh”, nghĩa là các nước láng giềng không thể tách rời được nhau và giúp đỡ lẫn nhau, nhưng hai nước Trung Quốc và Triều Tiên trong thời điểm hiện nay không đóng vai trò giúp đỡ một chút nào cho nước Nhật chúng ta cả. Dưới nhãn quan của người phương Tây văn minh, họ nhìn vào những gì có ở hai nước Trung Quốc và Triều Tiên thì sẽ đánh giá nước Nhật chúng ta cũng giống hai nước ấy, có nghĩa là họ đánh giá ba nước Trung - Hàn - Nhật giống nhau vì ba nước cùng chung biên giới. Lấy ví dụ, chính phủ Trung Quốc và Triều Tiên chuyên chế cổ phong và không có hệ thống pháp luật nên người phương Tây cũng nghĩ rằng Nhật Bản chúng ta cũng là một nước chuyên chế và không có luật pháp. Các sĩ phu hai nước Trung Quốc và Triều Tiên mê tín hủ lậu không biết đến khoa học là gì thì học giả phương Tây nghĩ Nhật Bản chúng ta cũng chỉ là một nước âm dương ngũ hành. Nếu người Trung Quốc hèn hạ không biết xấu hổ thì nghĩa hiệp của người Nhật cũng bị hiểu nhầm. Nếu ở Triều Tiên có hình phạt thảm khốc thì người Nhật cũng bị người phương Tây coi là không có lòng nhân ái. Chúng ta có thể nêu ra biết bao nhiêu ví dụ cũng không hết được.

Lấy những ví dụ này, tôi ví trường hợp nước Nhật Bản bên cạnh các nước Trung Quốc và Triều Tiên không khác gì trường hợp trong một làng có một người sống bên cạnh toàn những người ngu đần, vô trật tự, hung bạo và nhẫn tâm thì dù người đó có là người đúng đắn lương thiện đến đâu đi chăng nữa cũng bị nhiều người khác cho rằng là “cá mè một lứa”, cũng chẳng khác gì những người hàng xóm. Khi những vụ việc rắc rối này sinh sôi nảy nở có thể gây ảnh hưởng trở ngại lớn tới con đường ngoại giao của chúng ta. Thực tế này là một đại bất hạnh cho nước Nhật Bản!

Vì vậy, nhằm thực hiện sách lược của chúng ta thì chúng ta không còn thời gian chờ đợi sự khai sáng (enlightenment, bunmei kaika) của các nước láng giềng Châu Á để cùng nhau phát triển được mà tốt hơn hết chúng ta hãy tách ra khỏi hàng ngũ các nước Châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây. Chúng ta không có tình cảm đối xử đặc biệt gì với hai nước láng giềng Trung Quốc và Triều Tiên cả, chúng ta hãy đối xử với hai nước như thái độ của người phương Tây đối xử. Tục ngữ có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, nghĩa là nếu chúng ta chơi với những người bạn xấu, thì chúng ta cũng trở thành người xấu. Đơn giản là chúng ta đoạn tuyệt kết giao với những người bạn xấu ở Châu Á!

Tác giả: Fukuzawa Yukichi
Nguồn: vietnamnet.vn
--------------------------------------------------------------------
Về tác giả: Fukuzawa Yukichi (1835-1901, tên phiên âm Hán Việt: Phúc Trạch Dụ Cát) là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu và rộng nhất đến xã hội Nhật Bản cận đại. Ông là một nhà cải cách chính trị xã hội, nhà giáo dục tiên phong, nhà tư tưởng tiêu biểu của Nhật Bản từ cuối thời Edo, đầu thời kỳ Minh Trị - thời kỳ diễn ra những chuyển biến lớn lao trong lịch sử Nhật Bản.

Tư tưởng của ông có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào Khai sáng ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tạo tiền đề cho Nhật Bản trở thành một cường quốc trên thế giới. (Nguồn: Wikipedia)
Previous Post
Next Post