Học giả Nguyễn Văn Vĩnh lớn lên và sống trong bối cảnh xã hội VN cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 là một xã hội đang vật lộn điên cuồng trước đòi hỏi phải thay đổi lối sống và cách nghĩ của người dân nước Nam. Cuộc va đập lịch sử này diễn ra là hệ quả của những ảnh hưởng trước sự có mặt của người Pháp thực dân với chế độ phong kiến hà khắc - hậu quả của gần 1.000 năm Bắc thuộc.
Nhận thức sâu sắc này của Nguyễn Văn Vĩnh đã giúp ông cắt nghĩa được một cách khách quan những tính xấu và hiểu một cách công bằng những tính tốt của người Việt trong xã hội của ông. Ông luôn khẳng định “Người nhà quê chúng tôi thực thà lắm...”. Vậy mà khi “xét tật mình”, ông lại xét đến tật “ăn gian nói dối”.
Xin được nêu nguyên văn lời dẫn của Nguyễn Văn Vĩnh khi viết về tính nói dối, đăng trên Đông Dương Tạp Chí số 9 năm 1913 như sau:
“Các quan Tây thường chê dân ta là hay ăn gian nói dối. Điều đó quả thật, nhưng chỉ với các quan Tây cũng như ta. Còn ở dưới nông thôn thì không thế. Đại đa số nông dân phân biệt rõ thiện, ác và tin rằng ăn ở thật lòng với nhau là quý, mới được bạn bè hàng xóm láng giềng yêu mến, giúp đỡ. Với nhau, họ rất chân thật. Vậy vì sao các quan Tây chê vậy?
Thưa rằng quả thực đối với các quan nói dối là cách tự vệ của dân đen. Các quan tự nêu hư danh là phụ mẫu của dân, vì dân mà cầm cán cân công lý. Sự thật đâu có thế! Quan chỉ vì tiền, ai đưa cho quan nhiều bổng lộc thì quan ra sức bênh, đè nén áp bức là việc hằng ngày của quan. Vì vậy đã tới cửa quan thì người đi kiện cố nhiên cũng phải nói dối để quan xử cho có lợi, người bị kiện tất nhiên cũng phải nói dối để mong đỡ bị hại, gặp quan: sợ quan nên nói dối mà nịnh quan cũng nói dối. Thế là với quan ta, ai cũng nói dối cả thì tránh sao khỏi nói dối với quan Tây là quan của quan, nói thật sao được!”.
Nguyễn Văn Vĩnh tin rằng: Khi con người nhận thức được rõ bản chất và lý do tạo ra những thói quen xấu, người ta sẽ trở nên độ lượng và bao dung hơn, từ đó sẽ có được thái độ khoan hòa để cùng nhau khắc phục những yếu kém của mỗi người, từ đây xây dựng được thành công một xã hội công bằng và tiến bộ.
Tựu trung lại mỗi chúng ta, khi nhìn lại thực tế nêu trên, sẽ càng thấm thía để quyết tâm tìm đến khả năng cùng nhau xây dựng một xã hội dân chủ và bình đẳng, chắc chắn sống trong một xã hội như vậy người ta sẽ bớt việc nói dối đi rất nhiều.
Thói giả dối hay căn bệnh “sống hai cuộc sống”
Một cán bộ có nhà đất bạt ngàn nhưng kê khai tài sản (khi được đề bạt lên cấp cao hơn) chỉ vài chục triệu đồng. Bảng kê khai vô lý ấy rồi vẫn sẽ nằm im trong những ngăn tủ quan liêu, làm cơ sở để đánh giá, để đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn. Nói như giáo sư Hoàng Tụy: “Đồng lương không đủ sống nhưng ai cũng sống được” đâu phải chỉ là chuyện của ngành giáo dục? Cơ chế “ngầm” ấy đang làm nảy sinh bao nhiêu vấn đề, tạo ra bao nhiêu giả dối, bất cập mà hậu quả còn rất lâu dài.
Có chuyên gia nhận xét: bệnh giả dối và thói quen sống hai cuộc sống đã phát sinh, lan tràn đến mức trở thành chuyện thường ngày. Thu nhập của cán bộ, quản lý về hình thức không cao hơn cán bộ, nhân viên bình thường là mấy trong khi cơ chế giám sát chưa thật chặt chẽ, hệ thống luật pháp có nơi, có chỗ còn lỏng lẻo. Không khó giải thích vì sao nhiều người không tập trung làm chuyên môn, không quan tâm nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên mà chỉ nhăm nhăm chạy vốn sửa chữa, xây dựng cơ bản, mua ôtô xịn để ăn “lại quả”, phần trăm. Ở nhiều cơ quan, đời sống phần đông cán bộ chật vật nhưng ôtô vẫn đầy sân, trụ sở hết xây lại sửa, thậm chí có hạng mục vừa xây xong đã phá làm lại cho mốt hơn. Nhiều cán bộ “sống hai cuộc sống”, cuộc sống thực “biết lo cho mình”, và cuộc sống lý thuyết, biết báo cáo hợp lý hóa “từ buôn mật gấu, nuôi lợn, nuôi gà...” khi tổ chức và công luận hỏi đến nguồn gốc tài sản thực.
Trong công việc, những cán bộ kiểu này luôn biết cách bao biện, “tranh công, đổ tội” cho đồng nghiệp và cấp dưới. Có một cách lập ngôn khá phổ biến là họ luôn tỏ ra đề cao cái chung, “vì dân vì nước”, vì cái lâu dài, tin cậy ở lớp trẻ. Họ luôn nói đến tầm chiến lược, phác thảo tương lai vài chục năm, vẽ ra những chân trời xán lạn. Song thực tế, quần chúng và cấp dưới thấy ở họ tư duy ích kỷ cá nhân, nhăm nhăm hưởng thụ. Có người phát ngôn “phải đưa 8X vào quy hoạch” nhưng thực tế cả 7X và 6X cũng chưa đến lượt, đơn giản vì 8X chính là tuổi của “cậu ấm” con thủ trưởng mới chân ướt chân ráo về nhận công tác ở cơ quan. Lại có chuyện vị lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước khá lớn còn táo bạo đến mức tìm mọi “sở cứ” để chia đôi doanh nghiệp nhằm tìm cho con trai cái ghế, vì liệu thế không đẩy được ông phó đã chờ đợi khá lâu và hội đủ mọi điều kiện để kế nhiệm.
Tuy thế, ở đời cái gì cũng có hai mặt của nó. Sự khôn ngoan “sống hai cuộc sống” lại làm khó họ khi dạy bảo con cái, rèn giũa đạo đức, sống làm người tử tế. Làm sao những đứa trẻ nghe theo bố mẹ sống trung thực khi chính bố mẹ chúng phải lý giải vòng quanh cho tài sản và cách sống hai mặt của mình. Bởi thế, không ít “công bộc” luôn tỏ ra “giản dị”, “tiết kiệm”, “chỉ trông vào đồng lương” đã lộ tẩy khi các công tử, tiểu thư con cái họ ăn chơi ngút trời, cá độ bóng đá, chi tiêu vung tay không cần nghĩ. Biết là không hay gì nhưng thói xấu này vẫn khó sửa vì có nguồn gốc từ cái khôn ngoan vơ lợi về mình của không ít quan chức thời nay.