Trẻ em và ước mơ

Khi không có mơ ước, con người trở nên tầm thường và đáng thương, yếu ớt như một con vật non nớt giữa trái đất. Không có ước mơ, con người mất đi mục đích sống và trở nên vô phương hướng giữa cuộc đời. Khi không có ước mơ, con người trở nên tẻ nhạt và cô đơn giữa vô vàn đồng loại.

Ước mơ, nói cho to tát là tư tưởng, nói cho đơn giản là khao khát, khát vọng  hay dễ hiểu hơn nữa là những mong muốn của con người. Cụ thể, đó là những mục tiêu lớn nhỏ của cuộc sống khi còn ở dạng tiềm năng để thực hiện. Người có ước mơ và sống để theo đuổi ước mơ là con người thật nhất. Còn khi chính bản thân mình cũng không biết mình đang muốn gì, đang mơ ước gì, thì đó chưa thành con người hoàn chỉnh.

Phật Thích Ca là người nhận ra sự quan trọng của ước mơ và dành cả đời để theo đuổi, kiếm tìm con đường đi đến hạnh phúc cho nhân loại. Khi còn là một thái tử, sống xa hoa trong hoàng cung, ông vẫn chưa cảm thấy mình là một con người hoàn chỉnh. Những gì ông muốn đều được đáp ứng: quyền lực, danh vọng, nhà cao, vợ đẹp… mọi thứ đều không thiếu. Nhưng chính vì quá đầy đủ, lại ít tiếp xúc với cuộc sống thường dân bên ngoài nên ông không biết mình đang thiếu gì, cần gì và muốn gì. Sau này, khi ngộ ra chân lý, Phật mới biết, đó là những tháng ngày bất hạnh nhất của cuộc đời mình. Bất hạnh đó chính là thiếu ước mơ. Khi Phật đang là thái tử, đi ra ngoài, thấy sự đói khổ của người dân- là con dân của chính mình, ông rơi nước mắt vì thương họ. Nhưng sau đó, khi suy nghĩ lại, ông thấy họ đói khổ, nghèo khó, bệnh tật nhưng họ vẫn là con người. Chính trong sự thiếu thốn, họ biết mình cần gì, mong gì và mơ ước gì. Do vậy mà cuộc sống của họ có sự cố gắng, sự chờ đợi và sự mong mỏi. Điều đó làm cho cuộc sống của người dân có ý nghĩa hơn. Và ông nhận ra, những người dân đói khổ kia đang sống hạnh phúc hơn chính thái tử vì họ có ước mơ.

Từ câu chuyện của Phật, hôm nay, nhân ngày cả thế giới hướng về con trẻ, xin được nói vài câu chuyện liên quan đến con em chúng ta.

Tôi có một người anh làm kinh doanh và rất thành đạt. Cả hai vợ chồng anh đều có vai vế và thu nhập cao, nhà to đẹp, xe hơi loại sang, trong nhà luôn có vài người giúp việc. Hai vợ chồng có một cậu quý tử rất kháu khỉnh và ngoan ngoãn. Vì tương lai cậu quý tử nên anh chị cho cháu vào học ở trường cao cấp mà học phí đến cả ngàn đô. Đã vậy, hai vợ chồng anh rất bận rộn nên thuê hẳn một chiếc taxi quen làm nhiệm vụ đưa đón con đi học. Trong nhà, thằng bé không thiếu một thứ đồ chơi nào, từ đồ rẻ tiền đến loại cả chục triệu, cứ có trên quảng cáo thì có trong phòng của cậu. Những gì cậu thích chỉ cần yêu cầu là bố mẹ đáp ứng ngay mà chẳng cần để ý đến giá cả hay chuyện cậu chơi được bao lâu thì chán. Mọi thứ ăn uống và chơi của nó, bố mẹ đều mặc định là phải tốt nhất, an toàn nhất. Ngay cả việc bạn bè, cậu cũng bị kiểm soát, không được ra ngoài ngõ chơi với mấy bạn ở đường phố. Nhiều khi trò chuyện, cả anh lẫn chị đều nói một câu ngắn gọn và đầy đủ nhất: “Thì cả đời anh chị lăn lộn kiếm tiền cũng để lo cho cu cậu chứ cho ai”.

Có lẽ nhiều người cũng nghĩ giống như vậy, và thầm mong làm được như vậy. Nhưng cuộc sống đâu chỉ có thế. Công việc bận rộn nên anh chị ít có thời gian dành cho thằng bé. Khi cả hai vợ chồng về đến nhà thì con đã ngủ. Còn khi rời khỏi nhà thì con chưa ngủ dậy. Cả ngày có khi chỉ kịp hỏi người giúp việc về diễn biến trong ngày của con. Khổ thân cậu bé là cả ngày chỉ biết đến đồ chơi, biết mặt người giúp việc và chú lái xe. Đến trường cũng chỉ vài người bạn chẳng khác gì cậu. Cuộc sống với nó càng thêm buồn chán vì những thứ nó muốn thì nó đều có. Và chính nó cũng không còn biết mình muốn thêm cái gì.

Một câu chuyện khác, cùng cơ quan tôi có gia đình một chị có cô con gái cũng đã học lớp 4. Vì hai vợ chồng đều làm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nên hy vọng con cái sau này nối nghiệp mẹ cha. Thế là một kế hoạch học tập của con gái được bố mẹ đưa ra bài bản và chặt chẽ như… một công trình nghiên cứu. Từ rạng sáng học ngoại ngữ, sáng và chiều học ở trường, trưa đọc sách văn học, tối học ở trung tâm, khuya về còn phải đọc sách rồi mới đi ngủ. Ứng với chương trình học đó là một khối lượng sách vở lên đến cả hơn chục cân đè lên đôi vai nhỏ bé của nó. Bố mẹ nó theo đuổi tư tưởng “học-học nữa-học mãi” khiến con bé ngày càng gầy gọc, xanh xao.

Có lẽ còn vô vàn câu chuyện của nhiều gia đình trong thành thị hiện nay ở Việt Nam tượng tự như câu chuyện của hai gia đình trên. Xưa nay, vào những dịp lễ liên quan đến trẻ em như tết Trung thu, Quốc tế thiếu nhi… chúng ta thường quan tâm đến các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, bệnh tật… Điều đó là chính đáng bởi một chút vật chất nhỏ giúp đỡ cho những gia đình, những đứa trẻ không may mắn là một việc tốt nên làm. Nhưng cũng không nên quên rằng, những thiếu thốn tinh thần trong xã hội hậu hiện đại này cũng đáng sợ không kém những thiếu thốn vật chất trong xã hội cũ.

Nhìn nhận lại hai câu chuyện trên để nhìn về tương lai gần và xa hơn một chút của đất nước ta bởi một ngày không xa, những đứa trẻ hôm nay sẽ là người chủ của đất nước. Một con người trưởng thành và có đủ năng lực kiến tạo cuộc sống, từ khi bé họ đã cần được vun trồng một đời sống tinh thần tốt đẹp, có ước mơ, hoài bão và có nghị lực để thực hiện ước mơ của mình. Người lớn đừng nhân danh bề trên mà áp đặt vào cuộc sống của con trẻ. Một mối nguy lớn nhất đe dọa trẻ nhỏ hiện nay là sự cơ giới hóa tâm hồn, cơ giới hóa tinh thần và sự cơ học hóa tính cách. Vậy nên, chuyện nuôi con, dạy con bây giờ không phải là một vấn đề bản năng mà cần có tri thức, phương pháp hợp lý. Chỉ nuôi con bằng thế giới vật chất như trường hợp anh chị tôi kể trên hay dạy con bằng những kế hoạch học tập triền miên như người đồng nghiệp của tôi, vô hình chung đã làm hại chính đứa con yêu quý của họ, tước đi những động lực sống của chúng. Trẻ con hôm nay cần rất nhiều thứ, trong đó có tình yêu tương từ bố mẹ, gia đình, sự chia sẻ với bạn bè, sự tôn trọng của xã hội. Và đặc biệt, trẻ em cần những ước mơ đẹp và cần được mọi người tôn trọng ước mơ đó. Nếu không có ước mơ, trong tương lai, những con búp bê, robot tinh tế và đẹp đẽ sẽ thay thế những đứa trẻ đáng yêu.

Previous Post
Next Post