Cái ác, về lý thuyết, không được phép lan tràn ở bất cứ nơi đâu, dưới hình thức nào, với con người, cả nhân loại này đã trả giá hàng tỉ sinh mạng vì những cuộc chiến.
Một giảng viên dạy đại học sư phạm đã kêu gọi trên FB: “Các Mẹ ơi, có thể ngưng share hình ảnh, clip của những đứa trẻ bị bạo lực không”, và cô viết thêm: “Mỗi năm có tới 40 triệu trẻ dưới 15 tuổi trên thế giới bị bạo hành…, và các nghiên cứu cho thấy không phải chỉ đứa trẻ bị bạo hành mà những trẻ chứng kiến bạo hành đều có xu hướng sử dụng bạo lực nhiều hơn so với trẻ không bị vẩn đục bởi những hình ảnh bạo lực! Không share hình ảnh trẻ bị bạo lực, không chỉ bảo vệ đứa trẻ kia mà còn bảo vệ tất cả trẻ trên thế giới này nữa…”
Vâng, cách đây vài tuần, FB của các bạn học sinh cấp 2, cấp 3 share một clip đứa trẻ bị trói tay, trên cổ có một sợi dây trói bị một số những kẻ chơi ma tuý đá hành hạ… tôi đã lên tiếng cảnh báo các em đừng share những hình ảnh này vì đã có trường hợp, những kẻ táng tận lương tâm đem trẻ em ra quay những clip này để câu view, câu like, tăng dung lượng xem trên YouTube… Đó là mặt trái của một xã hội quay cuồng thế giới mạng với những trò lấy con người, đặc biệt là trẻ em, ra làm nạn nhân để mua vui và kiếm chác.
Thật đáng sợ khi con người có thêm một công cụ: mạng xã hội để chia sẻ cái ác, khơi gợi bản năng thú tính của con người một cách công khai, và đặc biệt, với những thiếu niên đang ở tuổi hình thành nhân cách, thì đây sẽ là những hình ảnh vô cùng nguy hiểm đối với các bạn trẻ chưa định hình và vẫn còn phải nương tựa vào sự giáo dục để hoàn thiện cảm xúc lương tri.
Nếu như câu chuyện của những đứa trẻ bị bạo lực và hành hạ trở thành trò “câu view” đầy thú tính của những kẻ ác, thì hình ảnh của một đứa trẻ bị đánh đến chết ở một cơ quan công quyền đang được truyền đi trên FB lại khác. Chúng ta phẫn uất vì lẽ ra nơi đó, việc bảo vệ quyền con người được xem trọng hết thảy thì hoá ra, lại trở thành sự đày đoạ đến chết một con người. Một người bạn đã không giấu nổi sự đau đớn khi đọc bản tin về cái chết của em Đỗ Đăng Dư (17 tuổi), chị viết rằng chị đã không thể thốt lên lời nào cay đắng gửi cho tôi mấy câu: “Ai, ai giết con tôi/ Ai cướp con tôi giữa cơn mộng đêm thái bình”… được trích từ lời một bài hát, vào thời khắc này, thật ý nghĩa, thật xót xa.
Cái ác, về lý thuyết, không được phép lan tràn ở bất cứ nơi đâu, dưới hình thức nào, với con người, cả nhân loại này đã trả giá hàng tỉ sinh mạng vì những cuộc chiến. Nhưng kỳ lạ thay, không hiểu sao chỉ trong vài thời khắc của một ngày, có thể đọc được rất nhiều chuyện về chém giết, hành hạ, cướp bóc trong thời bình ngày nay, ở xứ sở đã trải dài cả trăm năm đau thương vì chinh chiến. Chưa bao giờ những dòng thông tin về cái ác lại nhiều như hiện nay. Có người cho rằng, nó vẫn diễn ra như thế lúc trước, chỉ vì không có sự phát triển vượt bậc của công nghệ và truyền thông nên nó không được trưng bày ra mà thôi. Nhưng dù thế nào, cái ác bị che giấu với các ác lan truyền với tốc độ chóng mặt như hiện nay vẫn luôn đe doạ đời sống bình thường của con người. Là hiểm hoạ bởi những cái ác được manh nha sớm từ trong tâm trí sẽ dần chuyển thành hành động vô thức lúc nào không hay.
Quay trở lại với những vụ giết người hàng loạt, không chỉ có ở Việt Nam mà ngay cả với thế giới, kẻ sát nhân phần lớn luôn đã có những hình ảnh chém giết ám ảnh trong đầu, và phần ác trong con người chúng, như một loại virút xâm lấn đã “ăn” sâu huỷ hoại hết tất cả phần con người bản năng nhân ái còn lại, biến chúng thành những “zombie” – thây ma – như tên gọi của ngôn ngữ hiện nay, về những kẻ có xác mà không hồn.
Nhìn thấy sự lan truyền, dù là hình ảnh của cái ác với tốc độ của thế giới số, những bộ phim viễn tưởng về ngày tận thế của con người như dự báo hơn là để giải trí. Dự báo gây kinh hoàng ấy, có thể sẽ trở thành sự thật nếu như một ngày, người ta xem bộ phim về cái ác một cách thích thú, vô tâm.
Điều này được lý giải thêm từ triết gia Gunther (Đức), trong tác phẩm Sự lạc hậu của con người (1958), ông cho rằng ta không còn “hình dung” nổi những gì chúng ta “bày ra” về kỹ thuật. Thử ngẫm về hành vi của người phi công bấm nút thả bom nguyên tử ở Hiroshima thì hiểu được. Gunther viết: một người bị giết, ta khóc. Thế còn mười người, trăm người thì sao? Ai cũng sợ chết, nhưng nói đến tận thế thì khối kẻ cười. Vì thế tác giả đã kêu gọi hãy mở rộng “óc tưởng tượng đạo đức” để nối kết giữa biết và làm. Nếu không, con người sẽ lâm nguy: “Ta nhớ rằng cùng một con người có thể là viên chức mẫn cán trong bộ máy huỷ diệt và đồng thời là người cha tốt bụng trong gia đình… sự vô hại đáng sợ này của cái đáng sợ đâu phải là trường hợp cá biệt”. (Trích ở chương 11 – Sự tầm thường của cái ác, trong cuốn Giao lưu trực tuyến với các triết gia – Hannah Arnetd – tập sách sắp xuất bản của Bùi Văn Nam Sơn).
Và Hannah Arendt, nữ triết gia người Đức đã viết: “Tôi có chỉ ra rằng việc quyết định về đâu là thiện, đâu là ác phụ thuộc vào việc ta chọn lựa xây dựng xã hội như thế nào và muốn sống chung với ai”.
Chúng ta sống chung với cái ác và chấp nhận nó hay cùng nhau chống lại nó? Thế giới này, đất nước này, dân tộc này, xứ sở này và mỗi con người chúng ta có quyền chọn lựa, không chỉ cho chính mình mà còn cho gia đình mình và trên hết thảy, là con cái mình, những người của tương lai mà ta đã sẵn lòng hy sinh cả cuộc đời này cho họ.