Không gì khổ bằng đã ốm lại phải ở một mình. Tôi buồn bã bỏ sang hàng xóm. Nhà cũng vắng vẻ, chỉ có mấy đứa trẻ đang nhấp nhốm trước một chiếc tivi lập lòe sáng tối. Còn gì bằng, Gặp lũ trẻ này mà tán chuyện thì ốm cũng phải khỏe.
Chưa kịp hỏi chào câu nào thì bỗng giật thót mình. Trên tivi, một con ma đầu trọc lốc đang ngoạm vào cổ một cô gái, máu bắn tung tóe. Lũ trẻ la hét inh ỏi đầy kích động, còn tôi thì lạnh toát cả xương sống vì sợ. Mồ hôi vã ra mà hai hàm răng cứ đánh vào nhau lập cập. Hóa ra khi đến tuổi già mình đâm thành nhát gan quá. Ngày xưa ở ngoài bom đạn mình đâu đến nỗi. Mấy cháu nhỏ thấy mặt tôi tái ngắt, lại cười ha hả đầy vẻ khinh thị “Bác ơi, phim đấy mà, có phải chuyện thật đâu”.
Đúng, rõ ràng là mấy ông điện ảnh này khéo bịa chuyện. Ngày xưa, Tô Đông Pha, uống rượu, ngồi buồn bảo khách kể chuyện ma, khách bảo làm gì có ma mà kể. Họ Tô bảo, thế thì cứ bịa ra cho vui…Biết là bịa, thế mà rồi cả khách lẫn chủ cũng có lúc co rúm người lại[1]…
Cái chuyện ma cà rồng hút máu người đẹp trên ti vi dù có làm cho mình sợ toát mồ hôi, nhưng thành ra lại có tác dụng chữa cúm. Tôi khỏe hẳn lại, nhưng vẫn ấm ức vì sự nhát gan của mình trước mặt lũ trẻ, đành tìm đọc ít nhiều xem người xưa viết gì về chuyện bạo lực, chuyện vì sao người ta nhìn thấy cái ác mà lại cứ cười nắc nẻ như gặp hội vậy.
Nhân chi sơ tính bản thiện
Thuở nhỏ, lúc học bài, cụ già ở nhà cứ cầm roi bắt đọc “nhân chi sơ tính bản thiện…”, bài học vỡ lòng đầu tiên của gia giáo, học thuộc mà cũng chẳng hiểu được gì sâu xa. Lớn lên mới nhận ra rằng, sự đời quả đúng như vậy, người ta sinh ra vốn dĩ có lòng thiện, thế rồi cái lòng ham muốn vật dục nó cứ như một trò trêu ngươi, nó cứ như chẳng muốn song hành với cái thiện, làm cho cái thiện phải khốn khổ. Thế là cái ác lấn tới. Cứ phải thủ ác mới có mọi thứ, thiện thì tốt đấy, đẹp đấy nhưng thiện thì cũng gắn với cái bần hàn, cái khốn khó…
Người đời vẫn cứ quen dùng cái ác để khắc chế cái ác, rồi lại dùng ác để chống thiện, và cái ác cứ dày thêm, hành vi ác độc cứ khủng khiếp hơn. Từ đánh một người, giết một người, đến đánh giết nhiều người, ném bom hủy diệt cả một vùng sống…phải làm cho con người khuất phục. Càng làm cho con người kinh sợ bao nhiêu càng dễ bắt họ cúi đầu, càng dễ đoạt tư lợi bấy nhiêu.
Về cái cách hành hạ con người, dùng bạo lực tàn bạo để khuất phục con người thì theo Lỗ Tấn, người Trung Hoa được xếp vào loại bậc thầy. Những cách thức trừng phạt con người như, chặt chân chặt tay, khoét mắt, sẻo mũi, cắt lưỡi, cắt tai, rồi lại “tùng xẻo”, “tứ mã phanh thây”, “lăng trì”, “lột da nhồi cỏ”…chỉ nghe đến cũng phải rợn tóc gáy. Hãy xem Lỗ Tấn chép lại từ sách “An Long dật sử” một đoạn kể chuyện Trương Ứng khoa trừng trị Lý Như Nguyệt như thế này :
“Một lát, trói Như Nguyệt đến trước cửa triều. Có người đội một rổ vôi, mang một bó cỏ đến, để trước mặt Như Nguyệt. Như Nguyệt hỏi “để làm gì thế”. Người đó nói “đây là cỏ để độn vào da ông”… Ứng Khoa ra lệnh đè Như Nguyệt xuống đất, róc xương sống đến mông. Như Nguyệt nói to : “Chết mới sướng làm sao, cả người mát rượi”, lại gọi tên Ứng Khoa, Khả Vọng chửi mãi không thôi. Rồi Như Nguyệt bị chặt tay chân, chuyển sang phía trước bụng, còn chửi khe khẽ, đến cổ mới tắc thở, chết. Sau đó lột hết da, tẩm vôi vào da, nhồi cỏ vào, lấy chỉ khâu lại, đem đến trước lầu thành cửa Bắc treo”…Viết đến đây, rồi Lỗ Tấn cũng phải than vãn: “Có những việc chẳng giống chuyện của thế gian, làm cho người nghe sởn gáy, đau xót trong lòng, không thể nào quên được, những việc tàn khốc quá nhiều, tốt nhất là đừng nghe, như thế mới bảo toàn được tâm hồn”[2].
Sự trả thù cao quý nhất chính là tha thứ (T. Fuller)
Người xưa bảo, “ác giả ác báo”, “tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác”, có nghĩa là làm điều thiện thì gặp thiện, làm điều ác thì gặp ác, nhưng rồi thực tế lại không hẳn đã như vậy. Cho nên, ta cần chống lại cái ác. Nhưng chống như thế nào đây. Sách xưa cũng dạy “tòng thiện như đăng, tòng ác như băng” (tức là theo được điều thiện khó như leo núi cao, làm điều ác dễ như gặp đất lở). Điều này càng khiến chúng ta hiểu được cuộc chiến chống lại bạo lực, chống lại cái ác là không dễ dàng.
Ngày xưa, Trang tử dạy:
Ư ngã thiện giả, ngã diệc thiện chi
Ư ngã ác giả, ngã diệc thiện chi
Ngã ký vô ác, nhân năng ư ngã hữu ác tai
Tạm dịch:
Người tốt với ta, ta cũng tốt lại
Người ác với ta, ta cũng tốt lại
Ta đã không ác, người ác với ta được mãi sao
Điều Trang Tử nói quả sâu sắc. Là vì, ông cảm nhận được rằng làm sao thắng cái xấu bằng cái xấu, thắng được bạo lực chỉ bằng bạo lực, thắng được tội ác chỉ bằng sử dụng tội ác. Không thể lấy lửa để chữa lửa. Ta chỉ có thể chiến thắng bạo lực, chiến thắng cái ác bằng chính cái thiện bằng chính nghĩa, bằng văn hóa, bằng tri thức, bằng cách thắp lên trong xã hội ánh sáng của lòng từ bi và sự yêu thương. Cái lẽ ấy là hiển nhiên và là một lý tưởng.
Chúng ta cần một cái gì thật căn bản, một gốc rễ xã hội phi bạo lực, những kiến giải văn hóa, những tiếng nói và hành vi phi bạo lực. Chỉ khi nào xác lập được điều đó, ta mới thắng được cái bạo lực và sự tàn ác.
Nhà văn hóa vĩ đại của Ấn Độ, “thánh” Mahatma Gandhi, đã dành cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh vì một triết lý sống không bạo lực, Ông khuyên mọi người “Con người nên quên đi sự giận dữ mỗi lần trước khi ngủ”. Ông nói rằng “Chân lý là Chúa của tôi. Bất bạo lực là cách để tôi nhận thức Người”, và rồi lại bảo “Không khoan dung cũng là một hình thức của bạo lực”. Nhưng rồi chính những con người vĩ đại nổi tiếng, đức độ, truyền bá cho tư tưởng khoan dung, cho văn hóa phi bạo lực như Mahatma Gandhi, Martin Luther King, như ca sĩ John Lennon…lại ngã xuống bằng họng súng nóng bỏng của bạo lực, của những kẻ thủ ác. Cuộc đời của họ là bi kịch của cái thiện. Họ đã phải trả giá cho sự khoan hòa bằng sinh mệnh của mình trước cái ác. Nhưng họ không thua, lý tưởng của họ về một cuộc sống.phi bạo lực cho nhân loại vẫn tiếp tục dẫn đường cho chúng ta.
Ngăn chặn bạo lực từ những điều bình thường và nhỏ nhoi nhất của cuộc sống
Bạo lực, nơi nào cũng vậy, giống như ngọn lửa, dễ bùng cháy, dễ lây lan. Một kẻ giết người tàn độc là Lê Văn Luyện không bị trừng phạt thích đáng, ngồi nhởn nhơ trong tù, lại còn béo trắng ra, đã không chỉ là minh chứng cần thiết và rõ ràng về sự nhân văn của của luật ta, mà lại còn cho thấy cả sự yếu ớt của nó. Sự sản sinh ra những nhóm bạo lực tự nhận là “đàn em Lê Văn Luyện”, tu tập đông đúc và lúc nào cũng tay dao tay búa, rồi cả những trang mạng về Luyện, bài hát về Luyện, cho thấy cái thiện sao lại bỗng yếu ớt thế. Một hành động bạo lực trong trường học của nhóm này lại được trả lời bằng một hành động bạo lực của một nhóm khác. Một số nhà nghiên cứu nữ quyền còn đề nghị hãy trang bị công cụ và võ thuật cho các bà vợ hay bị chồng gây bạo lực trong gia đình… Cách tư duy này thật tai hại
“Thánh” Mahatma Gandhi bảo rằng đừng hiểu phi bạo lực là một sự yếu đuối. Tư tưởng phi bạo lực là tư tưởng mạnh mẽ nhất…Phải bắt đầu từ những hành động tưởng như nhỏ nhoi và bình thường nhất quanh ta. Hãy loại bỏ cách tư duy bạo lực, thói quen dùng bạo lực để giải quyết các mối quan hệ xã hội. Tăng cường truyền bá cho lòng tha và đức khoan dung, ngăn chặn và xử lý ngay các loại sản phẩm văn hóa gắn liền với bạo lực, phim ảnh bạo lực, đồ chơi bạo lực. Xã hội cần nhiều hoa và đĩa nhạc để tặng nhau, Con người cũng cần nhiều tình thương yêu và được dạy tình yêu thương từ trong gia đình và nhà trường.
Một nhà phê bình Trung quốc nói rằng, đọc Thủy Hử đoạn Lý Quỳ trợn mắt cầm búa bổ vỡ từng đầu người mà cứ ngỡ anh chàng “thiết ngưu” này đang bổ búa vào đầu mình, vào đầu người đọc. Đọc đến đây mới hiểu vì sao bữa nọ mình lại nhát gan đến thế khi xem ma cà rồng trên ti vi. Hóa ra con ma ác ấy không chỉ ngoạm cổ người đẹp trên màn hình mà còn đang ngoạm cổ mình, ngoạm cổ người xem, ngoạm cổ lũ trẻ con ngây thơ…
Một lần dẫn trẻ con đi xem xiếc, đến đoạn ảo thuật hấp dẫn, một cô gái xinh đẹp được đặt chật khít trong một chiếc hòm, chỉ để hở một khuôn mặt tươi cười và trong sáng như thiên thần ra ngoài. Nhà ảo thuật rất tài tình lần lượt dùng kiếm đâm xuyên qua chiếc hòm. Cô gái vẫn cười, mọi người trong rạp cũng vẫn cười. Bên cạnh tôi, một cô bé bỗng khóc ré lên, khuôn mặt tái ngắt đầm đìa nước mắt. Tiếng la thét làm tất cả khán phòng giật thót mình. Tôi bỗng nhìn thấy nhà ảo thuật sao mà giống Lý Quỳ thiết ngưu thế. Ôi, chúng ta đã quá quen với những thứ trò chơi “đâm vào con người” rồi sao, lấy việc đâm người để giải trí rồi sao…Chuyện nhỏ, đấy chỉ là trò chơi, làm giả vậy thôi, có ai chết thực đâu. Nhưng sao ngày nay, ranh giới giữa cái thực và cái ảo lẫn lộn quá nhiều.
Một buổi tối, sau buổi chiếu phim, tôi gặp ở bên ngoài rạp hai đứa trẻ. Đứa bé gái thì cứ ôm măt khóc thút thít, còn cậu trai bên cạnh thì lúng túng ra mặt, cố giải thích : “Khóc thương quá làm gì…toàn là chuyện bịa cả thôi mà…”. Tôi đến bên cạnh đứa ké gái và nói nhẹ nhàng : “Đừng, nghe lời cậu ấy, cứ khóc đi cháu ạ, khóc đi rồi cháu sẽ mạnh mẽ hơn…”. Cô bé chùi nước mắt và bước một mạch, không ngoái đầu lại…
[1] Chuyện này chép trong cuốn “Thạch lâm tị thử lục thoại của Diệp Mọc DDắc , đời Tống.
[2] Lỗ Tấn. Tạp văn. NXB Văn hóa thông tin. Trang 778.
Tác giả: TiểuLinh Bảo