Nạn 'con ông cháu cha', họa 'đồng hương đồng khói'

Xưa, “một người làm quan cả nhà được nhờ”. Nay, nếu có một người làm quan to thì cả họ, cả làng, cả tỉnh đều được cậy và nhiều người còn được làm quan vừa, quan bé.

Báo chí và dư luận đang xôn xao vụ cả họ làm quan ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chuyện quá đỗi bình thường ở Việt Nam và chỉ ồn ào khi báo chí đưa tin.

Các công ty gia đình thì không nói, vì chủ nhân có quyền quyết định nhân sự. Chẳng chủ doanh nghiệp nào dám liều mạng giao phó cơ ngơi cho con cái nếu chúng không có thực tài, bởi làm vậy trước sau cũng sạt nghiệp và phá sản. Các doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan đoàn thể thì khác vì được bao cấp, hoặc đã có người chống lưng (ngôn ngữ dân gian gọi là bảo kê) hoặc nếu có sao thì cứ việc đổ tội cho tập thể và rút kinh nghiệm sâu sắc là... xong.

Tôi đã gặp những doanh nghiệp nhà nước chỉ toàn người cùng tỉnh. Người ngoại tỉnh là hàng hiếm, chỉ chiếm vài phần trăm. Thậm chí có những ngành mà tính vùng miền vẫn đậm đặc. Chẳng hạn, ngành hàng không thì dân Nam bộ là thiểu số, ngành ngoại giao càng hiếm. Không biết tự bao giờ sinh ra cái lệ cứ một người trong cơ quan hay doanh nghiệp nhà nước được bảo lãnh cho một người thân vào làm mà không cần sát hạch hoặc chỉ tuyển dụng sơ sài, chiếu cố. Chỉ cần mươi năm “sinh sản vô tính” như vậy, cả doanh nghiệp hay cơ quan sẽ trở thành cộng đồng hàng họ và láng giềng.

Trên thế giới, không ở đâu mà tính cục bộ lại công khai và mặc định như ở Việt Nam. Có khi địa phương này tẩy chay địa phương khác, bằng mặt chứ không bằng lòng, ngồi chung bàn mà tư duy đối nghịch. Tôi vốn gốc Nghệ An, có người chị họ yêu chàng trai Thanh Hóa. Gia đình người yêu quyết liệt phản đối, cấm cản vì “xấu Thanh hơn lành Nghệ”. Không chịu nổi áp lực, cả hai đành ngậm ngùi chia tay.

Chưa ai thống kê nổi, có bao nhiêu nghịch cảnh tương tự. Bao nhiêu nhân tài bị trù dập và loại bỏ vì nạn “con ông cháu cha”, vì họa “đồng hương, đồng khói?”.

Phải chăng, đây mới chính là căn nguyên của bệnh “mạnh ai nấy làm”, thiếu hợp tác, thậm chí “quân ta hại quân mình” làm cho đất nước ngày càng tụt hậu? Con ông cháu cha và đồng hương đồng khói không có tội, thậm chí càng khuyến khích nếu biết làm đẹp truyền thống gia đình và chia ngọt sẻ bùi, giúp nhau trong cuộc sống. Càng thân quen càng phải gương mẫu. Tội nặng vì những kẻ lợi dụng để “thêm bè kết cánh”, củng cố quyền lực và tham nhũng nhóm.

Ngoài chuyện riêng chung nhập nhằng trong hành xử và công việc, nạn “con ông cháu cha”, “đồng hương đồng khói” thì người Việt, đặc biệt là các vị lãnh đạo, còn mắc bệnh tình nghĩa trong bố trí nhân sự. Chính sách cộng điểm ưu tiên là biến tướng của căn bệnh này. Mới đây, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Lê Bửu thừa nhận việc du di cho một vị lãnh đạo của VFF hiện nay đi học Liên Xô trước kia là vì tình nghĩa với ông bố, đồng nghiệp của ông. Có lẽ ông cũng ít nhiều hối hận vì quyết định ấy. Suất du học đó, đáng lẽ thuộc về một người khác, xứng đáng hơn. Nhưng vì cả nể, vì tình nghĩa đã cướp mất cơ hội của họ, bắt họ rẽ qua một hướng khác, đầy bất trắc. Ở Việt Nam, những trường hợp như vậy, phải tính bằng 6 con số. Một khi lẽ công bằng bị méo mó, thì xã hội đảo điên là đương nhiên, bởi “nhân nào thì quả đó”.

Cùng chung hệ tư tưởng, dù chỉ là danh nghĩa nhưng Trung Quốc đã có nhưng thành tựu đáng kinh ngạc về khoa học, công nghệ, kinh tế lẫn quân sự. Đơn giản, họ dám đoạn tuyệt với chủ nghĩa lý lịch vì “mèo trắng, mèo đen không quan trọng; miễn là bắt được chuột”; dám quyết liệt chống chủ nghĩa giáo điều “Chân lý phải được kiểm nghiệm bằng thực tiễn” (Đặng Tiểu Bình). Tôi rất căm ghét Đặng Tiểu Bình vì đã xua quân xâm lược Việt Nam vào tháng 2.1979, nhưng phải thừa nhận ông là nhà cải cách triệt để.

Chừng nào chưa thoát được tư duy “Một người làm quan cả họ được nhờ”, chưa dám tuyên chiến với nạn “con ông cháu cha’, “đồng hương đồng khói” và bệnh cả nể tình nghĩa thì Việt Nam cứ mãi mãi nghèo và xứng đáng nghèo.

Previous Post
Next Post