Vậy đâu là lý do khiến một số người ra đường hết khoe tiền lại đến khoe có mối quan hệ với người này người kia?
Người Việt có câu 'một người làm quan, cả họ được nhờ'. Văn hóa nhờ vả từ lâu đời đã tồn tại ở xã hội chúng ta là điều không thể phủ nhận. Người Việt vốn có tính cấu kết cộng đồng đặc biệt là làng xã, họ hàng rất cao.
Vì thế, khi không làm được việc gì mà người thân quen có điều kiện giúp đỡ họ thường nhờ vả. Những người giàu có, hoặc làm chức to mà không giúp được gì được người thân, quen trong con đường công danh, sự nghiệp, thì hay bị họ hàng trách móc.
Một vị cán bộ huyện ở Bắc Ninh cho biết, ông là người nghiêm túc, làm việc có nguyên tắc nên họ hàng có nhờ vả liên quan đến công việc ông hay từ chối. Vậy là ông bị nói là 'có tí chức quyền vào không coi ai ra gì', rồi so sánh với người này người kia.
Theo một chuyên gia thì người Việt mình vốn cũng thích sang. Nên ra đường hay khoe mình quen người này, người kia để chứng tỏ đẳng cấp của mình.
Thứ hai, người Việt cũng có văn hóa hưởng thụ, thích khoe mình giàu có. Chả thế chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2011 của Mark Zuckerberg - ông chủ thuộc thế hệ 8X (sinh năm 1984) của mạng xã hội Facebook, một trong hai tỷ phú trẻ nhất nước Mỹ và sở hữu khối tài sản trị giá tới 13,5 tỉ USD, được tạp chí Time (Mỹ) bình chọn là “Nhân vật của năm 2010” - đã làm nhiều người bất ngờ.
Bất ngờ bởi cách ăn mặc và lối sống vô cùng giản gị của chàng tỷ phú trẻ tuổi.
Bởi lâu nay người ta vẫn nghĩ đã giàu có là phải dùng đồ hiệu, đi xe sang, ăn sơn hào hải vị.
Có những người sẵn sàng mua một chiếc xe sang để đi chơi Tết, để hãnh với đời để rồi sau Tết lại bán đi bất chấp việc tổn thất khá nhiều.
Rồi có những đám cưới, bày vẽ lên cả vài trăm mâm cỗ, cả nghìn khách mời; siêu xe đầy đường; cô dâu chú rể thì vàng đeo gãy cổ…
Theo PGS TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, người Việt dù nghèo đói nhưng vẫn thích phô trương, thích khoe khoang, chính vì vậy, muốn ăn chơi hàng xịn, hàng hiệu, trong khi tiền không có.
Đó là biểu hiện của sự khoe mẽ, muốn chứng tỏ bản thân không kém cạnh ai.
TS Phạm Tiến Bình - Giảng viên, Tiến sĩ Kinh tế - Đại học kinh tế - Đại học QGHN cũng nhìn nhận:
'Phong tục tập quán từ xưa của người VN là rất sĩ diện. Thấy người này có, mình không có, thì cũng phải sĩ với người yêu, với bạn bè, với tầng lớp cấp trên.
Bây giờ ra đường mà dùng điện thoại đen trắng Nokia bao giờ cũng bị mắng, bị nói là lạc hậu, cổ hủ, bây giờ thì phải dùng smartphone. Đó chính là bệnh sĩ kinh niên, khó chữa, không bằng lòng cuộc sống hiện tại.
Đáng chê trách hơn cả, đó là, tiền học thêm, nâng cao tri thức thì không có, nhưng phải có bằng được tiền để mua điện thoại sang cho bằng bạn, bằng bè'.
Trong cuốn 'Bàn về văn hóa ứng xử của người Việt', thạc sĩ Nguyễn Tất Thịnh (giảng viên Học viện hành chính quốc gia) đã phân biệt rất rõ giữa đại gia và trọc phú.
Theo đó: 'Trọc phú là người luôn dựa trên những điều hư danh, phù phiếm, hãnh tiến và hạnh phúc với những gì mình có mà người khác không có. Điều đặc biệt là họ luôn coi đồng tiền có thể mua được tất cả.
Còn đối với một người được gọi là đại gia, họ luôn đốt cháy mình trong mọi cơ hội đi đến tương lai. Đồng thời ở họ hạnh phúc chính là niềm vui từ sự cống hiến và chia sẻ với mọi người'.
Điều đáng buồn là, có không ít người Việt hiện nay mặc dù chẳng có nhiều tiền như một trọc phú thực thụ nhưng lại có thừa những đặc điểm và tính cách của một trọc phú tân thời.
Theo Linh Trần