Khi một đám đông được châm ngòi bằng những hành động quá khích, những hành động đó có thể gây ra tác hại khó lường cho chính họ, cho những người khác và cho cả xã hội.
Không phải là lần đầu tiên người dân cả nước nói về những vụ hôi của, những vụ chen lấn xô đẩy để nhận đồ miễn phí bằng thái độ dè bỉu, mỉa mai và thậm chí là những người ngoài cuộc còn cảm thấy nhục nhã thay cho ai đó trong đám đông kia. Trên báo chí, các trang mạng xã hội, các diễn đàn có hàng vạn lượt chia sẻ về tính xấu, thói xấu này của người Việt. Thậm chí, báo chí nước ngoài cũng có lần nói về vấn đề này và khẳng định đây là những hình ảnh làm xấu đi bộ mặt của người Việt, của Việt Nam trước bạn bè thế giới. Vậy nhưng, những vụ việc như vậy vẫn thỉnh thoảng tái diễn một cách rất “ngẫu nhiên” và dường như có nói thế, nói nữa, nói mãi thì mọi chuyện sẽ vẫn xẩy ra như vậy!
Mỗi khi có một sự việc xẩy ra như vụ hôi bia của tài xế tai nạn ở Bình Dương, phát sushi miễn phí ở TP.Hồ Chí Minh hay việc chen lấn hái hoa ở Lễ hội Hoa Anh đào Nhật Bản, đường hoa Hà Nội, trèo rào vào công viên nước Hồ Tây ngày miễn phí… thì ngay lập tức nó được giải thích rằng “đó là do hội chứng” - hội chứng đám đông, tâm lý a dua… Rất nhiều các lý do được đưa ra để đổ lỗi cho đám đông. Mà đám đông là ai? Đám đông không là ai, hoặc là tất cả. Và như vậy, vô hình chung những thói xấu, tính xấu này trở nên bình thường bởi đây là “hội chứng chung”. Thậm chí còn có người lên tiếng bênh vực những người bỏ qua liêm sỉ, bỏ qua đạo đức, bỏ qua cái tôi của chính bản thân mình để sẵn sàng hùa theo đám đông ăn hôi, cướp hôi, chơi hôi kia.
Hội chứng đám đông, hay còn gọi là “tâm lý bầy đàn” là một vấn đề tâm lý mang tính xã hội của con người để biện minh cho sự yếu kém, mất tự chủ của bản thân với cách giải thích chung kiểu như “để giống như những người khác, ai mà chả như vậy…” mà trên thực tế thì đó là một vấn đề hoàn toàn cá nhân của mỗi con người, đó chính là sự mất tự chủ, mất đi cái tôi của mỗi con người.
Mỗi con người đều có quyền lựa chọn cho mình một cách để giao tiếp, ứng xử với xã hội. Ứng xử ra sao, xử lý thế nào trước các vấn đề cá nhân và xã hội là hoàn toàn do họ quyết định. Tuy nhiên, rất nhiều người đã để mất quyền tự quyết của mình bởi các hành vi của người khác. Suy nghĩ và tính độc lập, tự chủ hay cái tôi của họ bị chi phối, thao túng bởi suy nghĩ của những người khác. Điều này là hoàn toàn không thể biện minh hay đổ lỗi cho bất cứ đám đông hay hội chứng nào.
Từ những “hội chứng” này sẽ dẫn đến mất kiểm soát, biến mình thành trò hề cho xã hội dè bỉu, chê bai, thành tấm gương xấu cho con cháu và thậm chí biến mình thành “tội phạm” như trong vụ hôi bia của tài xế tai nạn ở Bình Dương trước kia. Dù cho pháp luật không thể xét xử những “tội” kiểu này nhưng về bản chất thì không thể không khẳng định rằng “đó là hành động ăn cướp”.
Thích đồ miễn phí, sợ mất phần… là có thể hiểu được với những người có điều kiện sống khó khăn. Tuy nhiên, cả những người hoàn toàn không khó khăn, thậm chí còn khá giả vẫn có tâm lý này. Và mỗi khi họ xông vào những “cuộc vụ” như vậy, họ đều lôi các “hội chứng” ra để bao biện cho việc đánh mất “cái tôi” và sự tự chủ của họ. Hoặc giả cái tôi của họ là “cái tôi ba xu” vô giá trị mà họ không cần giữ.
Bằng việc tham gia vào một đám đông được bao biện bằng các “hội chứng” mà pháp luật và xã hội không thể quy trách nhiệm cho bất cứ ai. Cũng bởi vậy mà họ không lo sợ phải trả giá cho những hành động a dua của mình, dù họ vẫn ý thức được điều đó trước khi tham gia vào một đám đông như vậy. Vô hình chung, những cá nhân này đã tự làm xấu hình ảnh của mình, làm xấu đi hình ảnh của người Việt. Những kiểu hành xử “bản năng bầy đàn” này không phải là lối hành xử của người văn minh ngày nay.
Một - hai người trong đám đông có hành động đánh kẻ trộm chó, thế là cả làng cả tổng cùng đánh “thằng trộm chó”. Một hai thanh niên quá khích trèo rào vào Công viên nước, thế là cả trăm người ùa theo. Mọi người ban đầu cùng đứng để chứng kiến vụ tai nạn, nhưng có một vài người vác két bia chạy là tất cả cùng lao vào hôi của. Có người không hề có nhu cầu ăn sushi miễn phí nhưng thấy nhiều người bu lại chờ lấy phần, họ cũng xúm lại chờ cho bằng được và kết quả là gây ùn tắc giao thông, mất trật tự cho xã hội…
Khi một đám đông được châm ngòi bằng những hành động quá khích, những hành động đó có thể gây ra tác hại khó lường cho chính họ, cho những người khác và cho cả xã hội. Những vụ đập phá, cướp tài sản, gây náo loạn như như ở Khu công nghiệp Bình Dương, Hà Tĩnh hay Thái Nguyên trong năm 2014 vừa qua cũng một phần xuất phát từ những “hội chứng” và cái cớ để vin vào mang tên “hội chứng” này…