Gần đây những bài viết phản ánh về việc kỳ thị người nhà quê, phân biệt vùng miền đã tạo nên những cuộc tranh luận không dứt, thậm chí gây tổn thương lẫn nhau theo phản ứng dây chuyền. Người Hà Nội, người Sài Gòn hay các vùng miền khác không sẵn lòng thừa nhận lý do, sự riêng biệt của nhau đã khiến cho sự việc mãi cứ luẩn quẩn, không giải quyết được.
Tôi thấy ở đa số quốc gia trên thế giới, người phương Nam thường có tâm tính hiền hơn người phương Bắc, các cuộc chiến tranh đa phần cũng do người Bắc phát động... Tuy nhiên, khi phát triển đến mức độ văn minh nào đó thì tự khắc người ta sẽ dẹp bỏ định kiến, kì thị để dốc toàn lực đưa quốc gia phát triển. Việt Nam mình đang đi qua giai đoạn khủng hoảng của văn hóa, đạo đức... mà phần nhiều bắt nguồn từ nền giáo dục trì trệ, không hiệu quả, triệt tiêu khả năng tự tư duy và phản biện nên con người thường có tâm lý "nịnh trên đạp dưới".
Đó là lý do tâm lý đám đông và bầy đàn ở nước ta như một con quái vật vậy. Nó rình mồi, sỉ vả những người xung quanh (thường là người may mắn, thành công, hạnh phúc hơn) khi có cơ hội... Bi kịch của những kẻ có đời sống đáng chán là cứ hội nhau lại thì nói chuyện của người khác. Tệ hơn là: trong một buổi trò chuyện của đám bạn nào đó, người ta nghe nói xấu nhau nhiều hơn là những điều tử tế. Tâm lý nhìn mọi việc bằng góc độ tiêu cực, ức chế tâm lý cá nhân dẫn đến hằn học, nghi kỵ lẫn nhau.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nhìn mặt nhau để sống quá nhiều. Với nhiều người, quốc giáo chính là đạo "thờ hàng xóm", lúc nào cũng sợ người ta đánh giá và ăn thịt mình... Điều này gây nên thói khiếp nhược và đạo đức giả hoặc phải gượng sống không đúng con người thật của mình, vậy thử hỏi làm sao mà người Việt biết cười?
Mọi sự kì thị đều dẫn đến bi kịch, nó chả vui với bất cứ ai, từ người kì thị đến bị kì thị. Chừng nào người Việt còn chưa học cách phản biện, dám nói thẳng sự thật, thể hiện chính kiến một cách hồn nhiên - tức là họ sống thanh thản, thì ngày đó những điều này còn chưa kết thúc. Riêng tôi nghĩ rằng chúng ta đang đi qua giai đoạn bản lề, khi ý thức quốc gia hay chính xác hơn là ý thức công dân của mỗi người đều nhận thấy người Việt đang bị coi thường như thế nào thì tự khắc sẽ nảy sinh nội lực mạnh mẽ, những sự kì thị vùng miền cũng dần dần không còn.
Thế nhưng, cái ngày mà chính cố nhạc sỹ Văn Cao đã nói: Từ đây người biết thương người... - cho đến tận lúc này vẫn chỉ là một giấc mơ.
Nguồn: thatmah.com