Não trạng của không ít những người có trách nhiệm quản lý điều hành đất nước còn tin vào tình hữu nghị viển vông “4 tốt và 16 chữ vàng”, luẩn quẩn trong tư duy tiểu nông lạc hậu “nuôi con gì, trồng cây gì”, rồi hô hào “học tập theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại”, nhưng thực tế việc làm chẳng giống gì. Dân tộc ta như người con gái xinh đẹp, quyến rũ sao lại lấy nhiều ông chồng như bông hoa lài… Tội nghiệp thật!
Theo tác giả Awake Phamtt cho biết nhận xét của người Nhật về người Việt mình: “Người Việt các anh sẽ muôn đời khổ. Đấy là vì các anh chỉ biết nghĩ đến những cái lợi lộc nhỏ của cá nhân mà không biết nghĩ đến cái lợi lớn của chung”...
Nhận xét này rất sòng phẳng, và rất đau. Giáo sư Hoàng Tụy thẳng thắn thừa nhận: ý kiến nói trên làm chúng ta quá buồn, nhưng quá đúng. Mà cái não trạng ấy có từ trên xuống dưới, từ kẻ ít học đến những trí thức bằng cấp đầy mình, từ anh cán bộ xã đến các ông lãnh đạo cao. Thế đấy. Chừng nào chúng ta còn chưa tẩy được cái não trạng đó thì đất nước cứ còn lạc hậu nghèo nàn. Người Việt dũng cảm khi chống ngoại xâm nhưng trong thế giới này thiếu dũng cảm khi xây dựng hòa bình thì cũng mãi mãi lệ thuộc kẻ khác.
Không có gì đau đớn hơn là sống trong một quốc gia mà người với người nghi ngờ nhau, dân không tin Nhà nước và ngược lại. Chúng ta sẵn sàng hợp tác với các nước, trong đó có cả Mỹ, Nhật và Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Vấn đề là Việt Nam phải có tiềm lực thì mới có thể thực hiện được điều đó. Vẫn còn là một nền kinh tế phụ thuộc vào nước ngoài và về mặt tư tưởng thì không thấy mặt trái của Trung Quốc, cứ coi đó là một nước XHCN chân chính, cùng chung hệ tư tưởng với VN... thì làm gì mà có thể hợp tác trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.
Về phía Nhà nước
Nước nào cũng có Nomenklatura cả, nhưng sự khác biệt cơ bản là ý thức và khả năng của Nomenklatura đó có phục vụ cho đất nước không? Các chính trị gia của Mỹ, Pháp, Anh… là những người biết nói năng lưu loát, biết thuyết phục, biết đấu tranh có tình có lý, và có một cơ chế đồng thuận từ lâu, họ không thể phá bỏ, nên quan hệ giữa họ với dân trong một chừng mực nào đó, có tương tác. Cơ chế là điều không thể thiếu. Cơ chế là bộ khung cho mỗi Nhà nước tồn tại và phát triển, thước đo để đánh giá cơ chế là các chỉ số khách quan về mọi mặt hoạt động trong xã hội, không có thống kê khách quan thì miễn nói tới cơ chế. Nếu có ai làm tốt thì chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên, và cái tốt đó chỉ như lóe sáng trong đêm đen mà thôi.
Người yêu nước trước hết phải là người nói thật. Người lãnh đạo bây giờ nhân dân cần lựa chọn đấy là yêu nước và nói thật, thực hiện bằng được công khai minh bạch và để cho dân nói.
Vấn đề nhân sự rất quan trọng, quyết định đến sự thành bại của đổi mới, quyết định tương lai của dân tộc. Nguyên tắc "Tập trung trước, dân chủ sau" sẽ cản trở lựa chọn người có đủ Tài và Đức. Lúc sinh thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đã đề nghị áp dụng nguyên tắc "Dân chủ trước, tập trung sau" trong tuyển chọn nhân sự.
Muốn có được nhân sự tốt, đáp ứng được yêu cầu của đất nước, cách làm tốt nhất là công khai, minh bạch trong đời sống chính trị, công khai các ý kiến chỉ đạo, trách nhiệm của từng thành viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Công khai, minh bạch trong chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, từ đó lịch sử ghi nhận rõ những đóng góp của các vị lãnh đạo với đất nước.
Về kinh tế, Nhà nước cần tạo ra môi trường minh bạch, lành mạnh, đầu tư vào những ngành sáng tạo ra những giá trị mới, phát huy nhân lực trẻ, năng động, cập nhật công nghệ mới nhanh tạo cơ hội cho những người có khả năng kinh doanh, có ý tưởng kinh doanh phát huy cao nhất khả năng của mình. Công khai, minh bạch để loại những nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không xứng đáng, có cơ hội cho bất kỳ người nào có đủ năng lực đảm đương các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, nhanh chóng công khai, minh bạch cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
Riêng công khai, minh bạch về tài chính như ở Thái Lan, thấy rõ rất có tác dụng. Ta cũng nên làm như họ công bố tài sản (tài khoản, cổ phiếu, bất động sản, kể cả đồ nữ trang...) của công chức cấp cao, kể cả những các nhân liên quan như người hôn phối, anh em, con cái. Thỉnh thoảng, công bố số cập nhật để so sánh với con số lúc trước. Việc này được luật hóa, tùy Nhà nước ta có dũng khí mà mang ra thực hiện hay không.
Giới doanh nhân
Muốn vươn lên cạnh tranh bình đẳng với nền kinh tế của các nước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế thì các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau trong nước phải liên kết với nhau để tạo sức mạnh tập thể để cạnh tranh với những đối thủ nước ngoài có tiềm lực mạnh hơn. Không thể chấp nhận quan điểm các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với nhau để doanh nghiệp nước ngoài hưởng thế "tọa sơn quan hổ đấu" và thực hiện chính sách tách bó đũa ra để bẻ dần từng chiếc đũa.
Doanh nhân có trách nhiệm với đất nước, xác định giá trị của doanh nhân là sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Lấy đó, làm niềm đam mê, khát vọng hướng tới, chứ không phải chỉ tìm cách dựa vào quan hệ, kiếm lợi nhanh trên cơ sở ăn chia lợi ích với quan chức, rồi ăn chơi, tiêu xài xa xỉ.
Người dân
Nhìn ra nước ngoài, người Hàn Quốc yêu nước, tự hào dân tộc, và đã biết thể hiện lòng mình qua những việc cụ thể, hàng hóa tiêu dùng là một thí dụ: Tuyệt đại đa số hàng hóa, vật dụng hàng ngày, xe cộ của họ, đều làm tại Hàn Quốc. Muốn đạt tới trình độ đó, Hàn Quốc đã phải trải qua nhiều năm tháng rất vất vả, nhưng họ đã vượt qua được vì dân trí và cái tâm của họ với đất nước rất đáng nể trọng.
Người Hàn Quốc đã học được đức tính kiên nhẫn, tỉ mỉ của người Nhật, kẻ thù truyền kiếp trước đây, họ cũng đã học được của người Mỹ đầu óc thực dụng trong khoa học, đặc biệt là cách tiếp cận với thế giới bên ngoài, nên họ không khép nép, tự ti, vì không biết cần và phải làm những gì ở môi trường không phải của mình, nhưng họ vẫn giữ được bản chất Hàn của họ. Có lẽ vì vậy mà họ không mất gốc, phát triển được mọi mặt trên cơ sở không tự đánh mất mình.
Chúng ta nên dùng hàng Việt Nam ngay từ bây giờ, giảm bớt những gì không thực cần thiết lắm từ nước ngoài về, nhưng rất cần phải biết mình, biết người, để tiến tới thực sự tự lực, tự cường. Những người dân khi mua sắm, tiêu dùng sản phẩm Việt Nam, góp ý, yêu cầu, đòi hỏi để các doanh nghiệp VN xây dựng những sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tẩy não trạng
Nhận xét về thói hư, tật xấu của người Việt thì nhiều lắm, có người đã viết thành cuốn sách để giáo dục thế hệ trẻ. Một nguyên nhân quan trọng là chúng ta bị ngoại bang đô hộ nhiều năm. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đúng là có mang lại độc lập cho dân tộc, nhưng chưa có tự do theo đúng nghĩa của nó, nghĩa là tư duy giải phóng không bị cuốn theo một chiều nhưng dân ta thường xuyên bị áp đặt cách nghĩ phải uốn theo chiều mà người ta đã mò mẫm, định sẵn cho mình mặc dù con đường phát triển không biết kết quả rồi sẽ ra sao.
Lo nhất là lãnh đạo sợ, thần phục sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc, bị móc “xà mâu” của họ vào “4 tốt và 16 chữ vàng”!
Chúng ta không dại gì mà gây hấn, đối đầu với nước láng giềng khổng lồ ở phương Bắc, nhưng chỉ có đấu tranh cho sinh tồn thực sự, chúng ta mới thoát được “tư tưởng nô lệ” và cuộc đấu tranh này phải là lò luyện tư duy, tự chủ, giải phóng lợi ích thiển cận của những nhóm trục lợi.
Lãnh đạo nếu biết nhìn lại mình (các khiếm khuyết trong quá trình điều hành) biết lắng nghe ý kiến của dân, rèn luyện, nâng cao nhận thức về quản trị, biết vượt lên chính mình, nói tiếng nói của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng kinh tế xã hội và bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước thì nhất định sẽ được nhân dân đồng hành, ủng hộ.
Thay cho lời kết
Nhà báo Kỳ Duyên tự vấn, liệu có thể coi tính cách chỉ biết coi những lợi ích nhỏ của cá nhân là sản phẩm của một môi trường sống và cơ chế quản lý kiểu xin-cho khiến con người ta, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay lập tức chỉ nghĩ đến cái lợi cỏn con của mình, mà quên mất những điều về lòng tự trọng, lợi ích chung.
Sự cào cấu, xâu xé kiểu đó, xét cho cùng, đáng thương. Và cũng vì thế, mà Việt Nam hướng tới những giá trị phổ quát, văn minh của nhân loại còn quãng cách khá xa… và dân ta sẽ còn muôn đời khổ.
Tô Văn Trường