Trong những ngày cận Tết, báo chí ở Việt Nam đã phải lên tiếng “Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề những thảm án liên tục xảy ra, con người cư xử với nhau ngày càng tàn bạo có một phần nguyên nhân từ việc uống nhiều bia rượu và thiếu đọc sách”.
Nhưng không biết “thiếu đọc sách” là nguyên nhân của mải mê bia rượu hay vì “bia rượu" mà thiếu đọc sách? Hay còn nguyên nhân nào nữa khác hơn? Nhưng tình trạng “mải mê bia rượu” ngày nay ở Việt nam trở thành nghiêm trọng đến mức nào?
Sự chọn lựa đã rõ
Theo báo chí ở Hà Nội, năm vừa qua, ngành văn hóa của Nhà Nước thu được 2000 tỷ đồng từ các hoạt động xuất bản với 24.000 cuốn sách, 375 loại ấn phẩm. Trong lúc đó, Nhà Nước thu vào được 66.000 tỷ động từ sự tiêu thụ 3 tỷ lít bia rượu của dân chúng. Sự thu nhập nhờ những hoạt động đối nghịch với chữ nghĩa, sách vở lại cao hơn 33 lần thu nhập nhờ chữ nghĩa!
Ngoài ra, theo điều tra của Google thì người Việt Nam, nhất là lớp thanh niên, vào internet xem những loại phim đồi trụy tinh thần nhiều nhất so với nhiều nước khác. Phải chăng ý muốn nói đại bộ phận dân Việt nam ngày nay, tinh thần đồi trụy, hiểu biết thoái hóa, cơ thể suy nhược?
Mỗi năm, người dân ở Việt Nam chi ra 3 tỷ đô-la để uống bia rượu. Nếu đem khối lượng bia rượu tiêu thụ đó chia cho dân số Việt nam, từ tuổi biết uống nưóc cho tới tuổi sắp bỏ uống nước, thì mỗi người sẽ nhận đươc hơn 33 lít bia rượu/năm.
Thật ra số tiêu thụ ấy chưa thấm vào đâu nếu so với dân Tiệp và Đức. Dân Tiệp uống 135 lít bia/năm/người, Đức kém hơn, 107 lít/năm/người. Tây bét nhất: 30 lít/năm/người. Nhưng Tây lại uống rượu chát (vin) nhiều hơn (44 lít/người/năm). Có lẽ nhờ đó mà Tây ăn nhiều bơ, fromage, thịt nguội, …mà lại ít bị bịnh tim mạch hơn người Huê kỳ. Một mẫu người Pháp tay chơi là “tay cầm ly vin, tay kia đỡ mâm thịt nguôi và fromage”.
Nhưng, ở Việt Nam, bất kỳ ở đâu, trước nhà, ngoài ngõ, trong quán nhậu, vào bất kỳ giờ nào, sáng, trưa, chiếu, tối, đầu tuần, cuối tháng, cứ đưa mắt nhìn là thấy ngay có đầy người ngồi nhậu, với thái độ ung dung tự tại vô cùng thoải mái. Đa số là tuổi trẻ.
Phong cách nhậu của người Việt Nam không giống như người Âu châu. Theo kết quả điều tra, năm 2015, riêng dân Pháp, lớp tuổi trẻ từ 15 – 24 tuổi, có 12% uống bia rượu. Lớp lớn hơn có 32% uồng bia rượu. Còn lại 55% là những người không uống. Và họ chỉ uống vào ngày nghỉ hay dịp lễ lộc. Những người đi làm việc, chiều về, tạt vào Bar, đứng bên Comptoir (Quầy), uông 1, 2 ballon rượu chát (1 chai vin 75 cl rót được 6 ballons 12, 5 cl – Champagne, được 6, 7 coupes) hoặc 1, 2 đờ-mi như khai vị để về nhà ăn cơm ngon. Ở Pháp tuy là xứ sản xuất hàng đầu bia rượu, nhưng không thấy dân chúng đông nghẹt suốt ngày trong tiệm lớn nhỏ như ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có luật cấm vị thành niên mua rượu ở chợ hay tìệm và uống rượu ở quán.
Ở Việt Nam, người dân uống rượu như vì “không biết làm gì, nghĩ gì” khác hơn. Uống để mà uống. Như một sanh hoạt hằng ngày phải có để nhắc nhở “ta còn đây”. Khi ta uống là ta thật sự “hiện hữu”!
Bạn bè lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng: nhậu; ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp: nhậu; có chuyện vui: nhậu; gặp chuyện buồn: nhậu; hết giờ làm việc, đồng nghiệp cùng nhau thư giãn: nhậu; đi công tác phải biết “giao lưu”, “kết nghĩa”: nhậu; có khách đến nhà: nhậu…bình thường không làm gì, cũng…nhậu. Có tiền, nhậu theo có tiền. Hết tiền, nhậu nhiều hơn …
Người Việt nam ít đọc sách
Quả thật đây là điều đáng buồn khi thấy người dân không bỏ tiền ra mua sách đọc mà trái lại, có bao nhiêu tiền cũng sẵn sàng chi ra cho ăn nhậu.
Họ không cần đọc nhiều phải chăng vì chỉ cần đọc một cuốn hay xem một tờ báo cũng có thể biết 24 000 cuốn kia hay 375 ấn phẩm kia nói gì, viết gì rồi? Tất cả báo chí, sách vở, Phát thanh, TV đều nằm gọn trong tay nhà thầu khổng lồ là đảng cộng sản. Mà chính đảng viên cấp lãnh đạo, lại chẳng có mấy người đọc sách. Bởi nhờ không đọc sách, họ mới lên được TW đảng!
Nói tới chuyện sách vở ở Việt Nam, Cỏ May nhớ lại năm 1977, vào khu phố lặc-xon của Ba tàu bán ve chai ở chợ lớn tìm mua phụ tùng máy tàu, tu bổ cho chiếc tàu chuẩn bị vượt biên, thấy con xẩm trẻ, con gái chủ tiệm, đang cầm quyển tiểu thuyết của Quỳnh Dao đọc, bèn hỏi nó đang học lớp mấy và tại sao không đọc sách của chương trình Quốc văn mà đọc Quỳnh Dao?
Nó cho biết học lớp 11. Đọc Quỳnh Dao vì đọc sách kia thì – nó vừa trả lời vừa lật quyển sách như để thuyết minh thêm cho rõ ý – ở đầu sách: “ổng” (Hồ Chí Minh), giữa sách: “ổng”, ở cuối sách cũng “ổng”. Đọc cái gì? Chỉ có liệng đi, vừa làm cử chỉ bằng cách như vứt quyển Quỳnh Dao nó đang cầm trên tay.
Việt Nam ngày nay có gần 30 triệu người dân chưa bao giờ biết sách là gì, 44% dân số thỉnh thoảng đọc, thì coi đó như không đọc sách vì đọc sách không thể nào “đọc cơ hội” được.
Theo kết quả điều tra phổ biến gần đây thì người Việt Nam một năm chưa đọc hết 1 cuốn sách (chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm), thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Ở nhà quê, gần như không có người đọc sách báo. Nhưng nều tính theo cách tính số người tìêu thụ bia rượu thì ở Việt Nam, ngày nay, có 90 triệu người, đem số sách bán được năm 2014 là 24.000 cuốn chia cho 90.000.000 thì kết quả sẽ là một người, trong một năm, đọc được 0,00027 cuốn sách!
Thế mà Việt Nam lại có 480 trường đại học, hàng trăm viện nghiên cứu, hơn 20.000 tiến sĩ đủ loại, cả thứ “tiến sĩ xây dựng đảng cộng sản”, tỷ lệ sinh viên trên dân số cao ngất ngưỡng?
Thực tế này đã giải thích rõ vì sao sinh viên Việt Nam sau khi học xong vẫn thiếu kiến thức, vì sao những bằng cấp Cao Đẳng, Đại Học của chế độ cộng sản chưa bao giờ có giá trị và vì sao bạo lực ngày càng gia tăng, đạo đức luân thường xuống cấp nghiêm trọng…Người dân thường ỷ lại ở sức mạnh của đồng tiền trong việc đối xử với nhau.
Đất nước đã tụt hậu nhiều mặt so với Lào, Campuchia, Myanmar, đó là sự thật chứ không còn là nguy cơ như báo động trong những năm trước đây. Giảm rượu bia khó. Phát động phong trào đọc sách ngay hôm nay lại càng khó hơn vì làm điều này, trước hết phải đem lại cho sách báo có nội dung bằng những điều thiết thực, khai hóa dân trí theo tinh thần khoa học toàn cầu, … Mà khi phục hồi những giá trị đạo đức nhân bản thì chủ nghĩa cộng sản đem bỏ đi đâu? Người cộng sản phải không nói dối, không lật lộng, không ngang ngược thì làm sao họ còn cộng sản nữa? Đây quả là thứ nghịch lý sanh tử với người cộng sản. Vả lại sách vở, báo chí là sản phẩn của chế độ mà bản chất của chế độ là cộng sản. Người dân đang công khai chối bỏ cộng sản thì không thèm đọc sách báo là tự nhiên.
Rượu bia là những thứ cay nồng, độc hại mà còn dễ chịu hơn nếu phải tiếp xúc với thứ chữ nghĩa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thứ này, nó còn ghê tởm hơn, còn độc hại hơn bia rượu!
Kể ra nếu lấy bia rượu thay thế sách vở, biết đó là một thứ chọn lựa liều mạng, tự sát, nhưng về chìu sâu, nó có lý ở một cách ứng xử nào đó để hiểu thực tế của đất nước Việt Nam ngày nay.
Hay làm “ruồi đực tìm rượu giải sầu”
Câu chuyện “Ruồi đực tìm rượu giải sầu” là câu chuyện khoa học do University of California ở San Francisco, thực hiện với hằng trăm con ruồi và công bố kết quả nghiên cứu trên tờ báo chuyên đề The American Journal of Science (trên internet).
“Họ bắt một con ruồi cái vừa mới làm tình xong, nhốt vào một cái lọ. Sau đó họ bắt một con ruồi đực bỏ chung vào với con ruồi cái, rồi theo dõi hành động của hai con ruồi. Con ruồi đực muốn ân ái nhưng con ruồi cái, vì vừa mới làm tình xong, mệt mỏi nên không hứng thú tí nào nữa, nó bay chỗ khác. Nếu nó bị con ruồi đực bay đuổi theo và bắt được, thì nó quyết liệt chống cự, hoặc chìa bộ phận đẻ trứng của nó cho con ruồi đực kinh hoàng, không đến gần nữa.
Họ làm thí nghiệm này với những con ruồi đực trong bốn ngày liên tiếp, mỗi ngày ba tiếng đồng hồ, và con ruồi đực luôn bị con ruồi cái không cho sơ múi gì cả.
Sau ngày thứ tư, họ cho con ruồi đực vào một cái lọ riêng, cho nó được lựa chọn hai thứ thức ăn, một là thức ăn thường và thức ăn có tẩm rượu, thì con ruồi đực, bị con ruồi cái không cho âu yếm, lúc nào cũng chọn thức ăn có rượu. Nhiều con “nhậu” cho đến xỉn luôn.
Họ tiếp tục cuộc thử nghiệm, lần này cho những con ruồi không được làm tình trong bốn ngày trước vào chai có ruồi cái ưng làm tình. Sau khi được ân ái, những con ruồi đực này chọn thức ăn không có rượu.
Nghiên cứu thêm nữa, các nhà nghiên cứu khám phá trong óc của con ruồi có một chất gọi là NPF. Họ suy luận là, khi được làm tình, óc con ruồi đực bị kích động và tăng trưởng chất NPF, nên làm nó cảm thấy sung sướng, thoải mái. Ngược lại, nếu nó không được làm tình, bị thiếu chất NPF, nên nó phải tìm những thức ăn có rượu, để kích động chất NPF trong não bộ.
Ông Ulrike Heberlein, người hướng dẫn cuộc nghiên cứu, tuyên bố là, phản ứng của đàn ông cũng không khác gì những con ruồi đực: Nếu bị vợ hay bồ không cho làm tình thì đàn ông sẽ tìm giải sầu trong ly rượu”.
Vậy phải chăng dân Việt Nam chọn ăn nhậu sáng, trưa, chiều, tối vì sách báo không thể đọc nổi, mà hú hí với vợ hay bồ cũng không được đãi ngộ, thì còn cách nào thú vị hơn là “ làm ruồi đực” mà tìm rượu giải sầu trong ly bia rượu?
Nguyễn Thị Cỏ May