Vừa rồi ông Chủ tịch nói cuộc họp mặt hôm nay là một vinh hạnh của Hội "Tùng Xã", đúng ra vinh hạnh này là của tôi. Tôi xin cảm tạ quý vị đã cho tôi dịp được gặp mặt các vị ở nơi xa quê hương này để xin chỉ giáo.
Thực ra Chủ tịch và Chủ báo "Tân Sĩ Tạp Chí", ông Trần Tiến Trung nói với tôi đây là một cuộc tọa đàm, nên tôi rất vui được đến dự. Nhưng hôm qua từ Bo-xton đến tôi mới rõ là một buổi diễn giảng, việc này làm cho tôi rất lo vì New York là một đô thị lớn bậc nhất thế giới, đầy "rồng núp, hổ nằm".
Cho nên tôi chỉ dám nêu lên đây một ít cảm tưởng tản mạn và đó hoàn toàn là ý kiến riêng tư chứ không dám kết luận gì cả. Xin các vị chỉ giáo và chúng ta cùng trao đổi với nhau.
Chủ đề hôm nay ông Chủ tịch giao cho tôi là "Người Trung Quốc và cái vại tương". Nếu buổi hôm nay là một buổi thảo luận về học thuật thì trước tiên chúng ta phải định nghĩa người Trung Quốc là gì? Cái vại tương là gì? Tôi nghĩ tôi không phải định nghĩa nữa, sợ thành vẽ rắn thêm chân. Bởi vì có một hiện tượng trên đời là cái gì mọi người đều đã biết mà lại đi thêm cho nó một định nghĩa, việc này vô tình có thể biến nội dung và hình thức của nó trở thành mơ hồ, biến chân tướng của nó thành khó hiểu, và do đó còn khó bắt đầu thảo luận hơn.
Phật giáo vốn cho rằng con người phải qua vòng luân hồi. Việc này làm tôi nhớ đến một tích xưa.
Có người đến hỏi một vị cao tăng đã đạt đạo:
"Đời tôi bây giờ là do tiền kiếp mà tái sinh, thế thì kiếp trước tôi là người thế nào? Nếu còn phải đầu thai một lần nữa, ngài có thể cho tôi biết kiếp sau tôi sẽ trở thành người ra sao không?".
Vị cao tăng trả lời anh nọ bằng bốn câu thơ sau:
Dục tri tiền thế nhân
Kim sinh thụ giả thị
Dục tri hậu thế quả
Kim sinh tác giả thị
(Muốn biết cái nguyên nhân của kiếp trước
Cứ xem những gì mình nhận được ở kiếp này
Muốn biết cái hậu quả ở kiếp sau
Cứ xem những gì mình đang làm ở kiếp này)
(Tạm dịch thơ:)
Muốn biết kiếp trước thế nào
Cứ xem mình sống ra sao kiếp này
Đầu thai rồi thế nào đây
Hãy nhìn vào việc hiện nay đang làm
(NHT)
Giả sử kiếp này anh được sung sướng, kiếp trước nhất định anh là một người chính trực, độ lượng. Nếu kiếp này anh gặp nhiều khổ nạn thì phải suy ra rằng kiếp trước anh đã làm những điều ác. Cái tích xưa này gợi cho chúng ta rất nhiều ý nghĩa. Các vị ở đây, nếu là con nhà Phật hẳn cảm thụ dễ dàng, nếu không phải là người theo đạo Phật chắc không tin vào tiền oan nghiệp chướng, nhưng có thể xin các vị cứ suy nghĩ về cái triết lý của nó.
Vì tôi muốn nói chuyện này làm chúng ta liên tuởng đến văn hóa Trung Quốc.
Các vị ở đây, bất kể quốc tịch gì, đại đa số đều có dòng máu Trung Quốc, các vị thích hay không thích nó vẫn vậy, chẳng làm sao thay đổi được. Tôi nói người Trung Quốc là theo nghĩa rộng, theo nghĩa huyết thống chứ không phải nghĩa địa lý.
Người Trung Quốc từ 200 năm gần đây, lúc nào cũng có một ước mong cho đất nước hùng cường, ước mong cho dân tộc chúng ta trở thành một dân tộc ưu tú trong thế giới. Nhưng đã bao nhiêu năm nay, chúng ta luôn luôn yếu kém, mãi bị ngoại nhân khinh thị, nguyên nhân tại đâu?
Đương nhiên trách nhiệm là do nơi chúng ta. Nhưng nhìn dưới góc độ văn hóa mà đặt câu hỏi đó thì có thể nghĩ đến cái tích xưa vừa kể trên. Tại sao có ngày hôm nay? Vì sao nước nhà vẫn chưa lớn mạnh? Nhân dân vẫn còn biết bao khổ nạn? Từ kẻ cùng đinh không quyền thế đến kẻ phú quý với đặc quyền đặc lợi đều có một nguyện vọng tha thiết như nhau cho đất nước, cũng như đều có cùng một đau buồn sâu sắc.
Tôi nhớ thuở bé thầy học bảo chúng tôi: "Hy vọng của nước nhà đặt nơi các em". Nhưng rồi chúng ta bây giờ thì sao? Lại đến lượt chúng ta hướng về đám thanh niên bảo: "Các em là hy vọng của tương lai Trung Quốc". Cái kiểu cứ đùn đẩy trách nhiệm từ đời này xuống đời khác sẽ còn kéo dài cho đến bao giờ?
Những người Trung Quốc ở nước ngoài đối với vấn đề này lại càng nhạy cảm và kỳ vọng của họ lại càng sâu nặng. Ngoài việc tự thân chúng ta đã không thể mang hết được cái trọng trách về chuyện nước nhà rơi xuống một mức độ tồi tệ với những khổ nạn như vậy, chúng ta lại còn phải è cổ vác cái gánh văn hóa truyền thống nặng nề kia.
Đấy là nghiệp báo như đã nói ở trên.
Hôm trước, lúc đi thăm Viện bảo tàng Boston, tôi thấy bên trong có bầy đôi giày cho phụ nữ bó chân của thời đại các bà nội chúng ta. Kinh nghiệm bản thân cho tôi biết những người phụ nữ khoảng tuổi tôi thời ấy đều phải bó chân. Ngày nay những người trẻ tuổi nghe đến chắc không thể nào tưởng tượng nổi. Tại sao trong văn hóa chúng ta lại có thể sinh ra một cái tập quán tàn khốc thế? Lại có thể áp đặt nó lên trên một nửa dân số trong hàng nghìn năm, làm cho những người bị bức hại phải tàn phế cả hai chân, thậm chí có khi còn gãy cả xương, thối cả thịt, không thể đi đứng được. Tại sao văn hóa Trung Quốc lại có thể kéo dài cả hàng nghìn năm trong lịch sử một yếu tố dã man như vậy? Tại sao lại cho phép trường tồn qua một thời gian dài như thế mà không có một người nào đứng lên bảo nó phản tự nhiên, hại sức khỏe? Ngược lại, đại đa số nam nhi còn xem bó chân là hay ho, đẹp đẽ.
Còn nói đến việc bách hại nam nhi thì thế nào? Đó không phải chỉ riêng chuyện các hoạn quan. Theo ghi chép của lịch sử, từ các triều vua Tống trở về trước, các nhà có quyền và có tiền đều có thể tự do thiến các nô bộc của mình. Sự việc kinh rợn này kéo dài cho đến triều Tống - thế kỷ XI - mới bị cấm. Chỉ căn cứ vào hai việc trong biết bao nhiêu việc không hợp lý và vô nhân đạo của văn hóa Trung Quốc suốt quá trình lịch sử của nước này, ta cũng có thể thấy là những thành phần không hợp lý của nó đã lên đến một mức độ không thể nào khống chế được.
Bất kỳ văn hóa của một dân tộc nào đều như một dòng sông lớn, thao thao bất tuyệt trôi đi. Và với thời gian dần dần biết bao thứ nhơ nhớp bẩn thỉu trong dòng sông lớn ấy, - như cá chết, mèo chết, chuột chết - sẽ bắt đầu chìm lắng. Lắng đọng quá nhiều sẽ làm dòng sông không thể chảy nữa, biến thành một cái đầm nước chết, càng sâu càng nhiều, càng lâu càng thối, lâu dần thành một cái vại tương, một cái đầm bùn bẩn phát chua, phát thối.
Nói đến cái hũ tương có lẽ những bạn trẻ không thể hiểu, tôi vốn sinh ra ở phương Bắc, nơi quê tôi cái thứ này rất nhiều. Tôi không thể nói chính xác cái chất tương trong vại ấy làm bằng những chất liệu gì (chất chính là đậu tương và bột mì), nhưng các vị nếu đã ăn qua vịt quay tại các tiệm ăn Trung Quốc thì chính là loại tương đó. Nó là một chất đặc không chảy được, không giống nước sông Hoàng Hà từ trên trời chảy xuống một tý nào. (Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi - thơ Lý Bạch). Nó là một thứ nước ao tù, lại được để cho bốc hơi, cho lắng đọng nên nồng độ càng ngày càng đông đặc. Cái văn hóa của chúng ta, cái tiền oan nghiệp chướng như đã nói cũng là như thế.
Trong văn hóa Trung Quốc, cái có thể gọi là điển hình nhất cho cái đặc sắc này là chế độ "quan trường". Thời xưa mục đích học hành của các phần tử trí thức là làm quan. Cái chữ "trường" nhìn không thấy, sờ không đụng này được hình thành qua chế độ khoa cử. Một khi người đọc sách đã lọt vào được chốn quan trường liền ở vào trạng thái đối nghịch với người thường, với nhân gian.
Dưới chế độ đó người đi học cốt chỉ được làm quan, vì có câu nói rằng trong sách có nhà vàng, có nhan sắc như ngọc. Đọc sách để có thể làm quan, làm quan ắt có mỹ nữ, kim tiền.
Thời xưa có người nói: "Hàng hàng xuất trạng nguyên", kỳ thực chỉ trong số những người đi học mới có trạng nguyên, còn những người khác cũng chỉ là thợ thuyền không đáng một đồng trinh. Thời đó những người của các giai tầng khác bị rất nhiều giới hạn, nào là không được mặc loại áo quần nào đó, không được đi thứ xe nào đó, ở loại nhà nào đó.
Xã hội phong kiến đặt cái lợi ích của những người làm quan lên trên hết, và vì nó đã khống chế Trung Quốc quá lâu, nên tạo thành một lực lượng và một ảnh hưởng vô cùng lớn.
Về mặt kinh tế không có gì thay đổi đáng kể, nhưng về mặt chính trị nó đã kìm hãm chúng ta lâu dài trong cái hũ tương văn hóa đó. Một trong những cái đặc trưng của nó là đặt tiêu chuẩn của giới quan lại thành một cái chuẩn cho xã hội, biến lợi ích các quan thành cái lợi chung. Vì vậy nó đẻ ra một thứ ngày nay gọi là "Chính trị thống soái" theo kiểu nói của Mao, làm cho cái hũ tương văn hóa của chúng ta càng thêm sâu đậm, càng thêm nồng nặc.
Chìm đắm lâu dài trong cái hũ tương đó, người Trung Quốc trở thành ích kỷ, nghi kị.
Tôi tuy đến Mỹ chỉ là du lịch ngắn ngày, nhưng nhìn bề ngoài tôi thấy người Mỹ khá thân thiện, hạnh phúc, lúc nào cũng tươi cười.
Tôi cũng đã gặp con em các bạn bè người Hoa ở đây, trông tuy có vẻ sung sướng, nhưng rất ít cười. Có phải là các bắp thịt ở mặt của người Trung Quốc chúng ta cấu tạo không giống họ? Hay là vì dân tộc chúng ta mang một cái gì vốn quá u ám?
Chúng ta có nghĩ được rằng dân tộc chúng ta sở dĩ như vậy vì thiếu sức sống trẻ, mà điều đó lại là do chính trách nhiệm của chúng ta không? Giữa chúng ta, chúng ta chèn ép lẫn nhau, không hề hợp tác.
Tôi nghĩ đến chuyện một người cảnh sát trưởng Nhật Bản, khi huấn luyện các học viên của mình, bảo thuộc hạ phải nghi ngờ tất cả mọi người, vì họ đều có thể là đạo tặc. Cái trạng thái tâm lý này dùng để huấn luyện cảnh sát hình sự thì được, nhưng tâm lý phổ biến của người Trung Quốc lúc bình thường lại cũng như thế, lúc nào cũng nghĩ kẻ khác có thể làm hại mình, nó hình thành một nỗi lo sợ về bất cứ một cái gì. Cái nỗi lo sợ này làm người Trung Quốc biến thành "một đống cát rời" năm bè, bảy mảng (như lời của Tôn Dật Tiên).
Một nước lớn như Trung Quốc, có tài nguyên, có nhân khẩu hơn một tỷ người nếu đồng tâm hiệp lực, trong Á châu này chẳng lẽ không bằng được Nhật Bản?
Mòn mỏi dưới chế độ xã hội phong kiến chuyên chế tự bao đời, đắm chìm ngụp lặn trong cái hũ tương đó, óc phán đoán cùng tầm nhìn của người Trung Quốc đã bị tương làm ô nhiễm nặng, không vượt ra nổi cái phạm vi ảnh hưởng của nó.
Qua bao nhiêu niên đại, đa số chúng ta mất dần năng lực phán đoán cái gì đúng cái gì sai, mất khả năng phân biệt cái gì là đạo đức, chỉ phản ứng bằng tình cảm và trực giác mà không biết suy nghĩ. Tất cả giá trị của hành động rồi đều bị cái tiêu chuẩn chính trị và đạo đức của cái hũ tương đó chi phối. Vì vậy thị phi, phải trái, đen trắng không còn có vẻ đối nghịch nữa. Trong hoàn cảnh này, khi tìm hiểu sự vật, chẳng ai còn đi đến chỗ phân tích cặn kẽ. Cứ qua loa lấy lệ một cách lâu dài rốt cuộc sẽ đưa đến cái quả báo nhãn tiền, đó là "Chiến tranh Nha phiến" (1840).
Chiến tranh Nha phiến là sự đột nhập của văn hóa nước ngoài theo chiều ngang. Đối với người Trung Quốc nó đánh dấu một kỷ niệm "quốc sỉ" (cái nhục của một nước), nhưng nhìn từ một góc độ khác nó lại là một lần thức tỉnh lớn không thể tránh được.
Nhật Bản trên mặt này đã phản ứng hoàn toàn khác chúng ta. Ở thế kỷ XVIII khi Mỹ đánh chìm hai tàu Nhật, nước Nhật đã mở cửa. Đối với người Nhật sự kiện này mang lại một cơ hội tốt, họ biết biến sự sỉ nhục thành một sự thức tỉnh.
Thực ra chúng ta phải cảm ơn Chiến tranh Nha phiến, nếu không có nó thì tình cảnh hiện tại sẽ như thế nào? Có lẽ các vị ngồi đây không chừng trên đầu vẫn còn cái đuôi sam, phụ nữ vẫn còn bó chân, còn mặc áo dài, áo ngắn (Áo kiểu ngày xưa của người Trung Quốc), trên bộ còn ngồi kiệu do người khiêng, dưới nước còn ngồi thuyền tam bản.
Ví thử Chiến tranh Nha phiến xảy ra sớm hơn 300 năm, có lẽ Trung Quốc đã biến đổi sớm hơn một tý; nếu nó xảy ra sớm hơn 1.000 năm thì lịch sử đã hoàn toàn chẳng như ngày nay. Tôi cho rằng cái "kỷ niệm quốc sỉ" này là một cú đập mạnh vào cái hũ tương văn hóa của chúng ta. Không có nó người Trung Quốc vẫn còn chìm đắm dưới đáy, có khi còn ngạt thở mà chết rồi.
Sự đột nhập của văn hóa ngoại lai trong Chiến tranh Nha phiến làm cho chúng ta có thể nghĩ rằng nhà Thanh là một thời đại quan trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Nếu chiến tranh này xảy ra vào thời nhà Minh chưa chắc Trung Quốc chịu nổi cú sốc và tình hình đã khác. Văn minh hiện đại phương Tây đối với nước Trung Quốc già nua thật ra càng đột nhập sớm càng tốt. Cái sự xung kích lớn lao này chắc hẳn là một sự kiện khiêu chiến nghiêm trọng đối với lịch sử và văn hóa, nhưng đem lại cho chúng ta cái văn minh vật chất và văn minh tinh thần mới.
Cái gọi là văn minh vật chất Tây phương như máy bay, trọng pháo, xe hỏa, tàu điện ngầm, v.v...làm cho chúng ta bỗng nhiên thấy thế giới bên ngoài mới mẻ làm sao, có biết bao nhiêu thứ không giống chúng ta, làm cho chúng ta có một nhận thức biết coi trọng cái mới, cái văn minh vật chất. Còn nói đến văn minh tinh thần, những ý thức hệ chính trị Tây phương cùng các tư tưởng học thuật cũng cho chúng ta bao nhiêu quan niệm và gợi ý mới mẻ. Xưa nay chúng ta nào biết dân chủ, tự do, nhân quyền, pháp trị là gì. Tất cả những thứ này đều là các sản phẩm lấy giống từ phương Tây.
Trước đây người Trung Quốc chỉ biết câu: "Nhân mệnh quan thiên" (số mệnh con người là do nơi trời). Thực ra số mệnh một con người có phải là do trời hay không cũng còn tùy. Nếu tôi giết chết một người, có lẽ sẽ do trời thật, nhưng nếu hung thủ là một kẻ quyền thế thì đã chắc gì? Vì vậy còn phải xem vấn đề là dính dáng đến ai.
Có một nhân vật cổ quái còn nói một câu: "Dân vi quý, quân vi khinh" (Dân là quý, vua là thường). Đấy chỉ là một thứ lý tưởng mà Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện. Thời phong kiến xưa, sau một triều vua lại đến một triều vua, chẳng có gì thay đổi. Lật đổ triều đại trước, thiết lập triều đại mới, cách biểu thị duy nhất về sự bất đồng của mình với triều vua trước là đốt phá các cung vàng điện ngọc mà triều trước đã xây để làm cung điện mới của mình.
Lý do viện dẫn để đốt phá vẫn được đưa ra là vì triều trước chính sách bạo tàn, triều đại của mình mới là nhân hậu. Nhân hậu nên mới phải làm cái việc đem chính sách nhân hậu của mình để tàn phá nhà cửa của chính sách hung tàn.
Cứ đời này sang đời khác như thế, về mặt tư tưởng chính trị chẳng có xây dựng được gì, nhưng nhà cửa thì cứ tiếp tục đốt phá để biểu lộ sự khác nhau. Chẳng trách ở một nước lâu đời như Trung Quốc sau mấy nghìn năm các kiến trúc cổ chẳng còn được là bao!
Trong hệ tư tưởng chính trị Trung Quốc, có vài khái niệm lý tưởng gần với Tây phương như "Vua phạm pháp cũng bị tội như thứ dân" (Vương tử phạm pháp dữ thứ dân đồng tội). Nhưng điều này chẳng qua cũng chỉ là một hy vọng và ảo tưởng mà thôi. Sự thực cái điều vua và dân cùng tội này trên căn bản tuyệt đối không thể có.
Người Trung Quốc xưa nay có bao giờ biết dân chủ, tự do, pháp trị là gì. Tuy có người bảo chúng ta cũng có tự do, có thể chửi cả hoàng đế, song thật ra quyền tự do của chúng ta rất có hạn, bị kẻ thống trị khống chế trong phạm vi cho phép. Nhân dân nếu được phép chửi hoàng đế chắc cũng chỉ dám lén lút chửi sau lưng. Phạm vi của tự do rất hẹp hòi. Đương nhiên có thể có cái tự do suy nghĩ vớ vẩn chứ các khái niệm dân chủ, pháp trị thì hoàn toàn chẳng có.
Dân tộc chúng ta là một trong những dân tộc lớn, đương nhiên trong vấn đề tình cảm không nói thế thì không xong. Nhưng trên thế giới này còn có một dân tộc vĩ đại khác là dân Anglosaxon (Ăng-glô-sắc-xân).
Dân tộc này đã thiết lập cho văn minh thế giới những khuôn khổ như chế độ quốc hội, tuyển cử, tư pháp độc lập, tư pháp bồi thẩm,v.v..., cống hiến cho cộng đồng nhân loại những cơ cấu văn minh tốt đẹp như vậy, và đó cũng là một nguyên nhân cho phép những xã hội Tây phương về mặt chính trị hướng đến công bình, hợp lý.
Cái việc tuyển cử dù lãng phí thế nào đi nữa so với việc giết người như núi, máu chảy thành sông vẫn còn tốt hơn. Đối với những thứ tốt đẹp này của Tây phương chúng ta phải có can đảm mà tiếp nhận.
Có người bảo tuyển cử kiểu Tây phương không phải tuyển cử nhân tài, chỉ bầu cử tiền, mà cái loại tiền này thì không phải người bình thường nào cũng có thể bỏ ra được. Dù có thế chăng nữa, lãng phí tiền bạc vẫn tốt hơn lãng phí đầu người.
Hết thảy những điều tốt chúng ta phải tự đấu tranh mới có được, không giống trong vườn Eden (Ê-đen) của Thượng đế nơi cái gì cũng đã được an bài một cách tốt đẹp.
Người Trung Quốc sống trường kỳ trong cái hũ tương, lâu ngày quá tự nhiên sinh ra một tâm lý cẩu thả. Một mặt tự đại khoe khoang, còn mặt khác tự ti, ích kỷ.
Tôi nhớ có xem một bộ phim - mà đã quên mất tên - trong đó một phụ nữ quý phái có hai nhân cách: một mặt đẹp đẽ, đáng quý làm cho người ta có thể sùng bái, mặt khác lại hoang dâm, vô liêm sỉ. Cô ta không làm sao hợp nhất được hai nhân cách này lại với nhau. Khi bị bác sĩ tâm thần bắt phải đối diện với thực tại, cô ta đã tự sát.
Khi tự kiểm hồ sơ bệnh của mình chúng ta có dám đối diện với thực tại không? Có dám dùng cái tâm lý khỏe mạnh để xử lý bệnh tình của mình một cách hợp lý không?
Chúng ta cần học tự nhận xét mình. Người Trung Quốc thường không có tập quán dùng lý trí để tự tìm hiểu mình mà chỉ dùng cảm tính. Ví như vợ chồng cãi nhau, chồng bảo vợ: "Bà đối với tôi không tốt". Vợ bèn vứt thức ăn lên bàn cãi: "Tôi đối với ông không tốt thế nào? Không tốt mà tôi còn nấu cơm cho ông ăn à?" Cái động tác này cũng đủ nói lên sự đối xử không tốt của bà ta rồi. Tự xét mình như thế thì thà không tự xét còn hơn.
Từ khi văn hóa Tây phương được du nhập vào (Trung Quốc) dĩ nhiên về mặt tư tưởng chính trị có thay đổi dần, mặt quan niệm đạo đức cũng vậy. Ngày trước chồng đánh vợ là chuyện cơm bữa. Bây giờ cứ thử đánh một tý xem sao!
Tuổi trẻ thời nay thật may mắn, rất nhiều thứ văn hóa hủ lậu đã bị đào thải. Không kể đến vấn đề chính trị và đạo đức, ngay cả trên các lĩnh vực nghệ thuật, thi ca, văn học, tuồng kịch, vũ điệu đều có ảnh hưởng của sự thay đổi này.
Hễ nói đến văn hóa, văn minh phương Tây, thế nào cũng có người chụp mũ, bảo tôi "sùng bái Tây phương, nịnh hót nước ngoài".
Theo ý tôi tại sao không thể sùng bái Tây phương? Cái lễ nghĩa của người ta đúng là hơn hẳn cái thô lậu của mình. Súng ống của người ta đích thực là hơn hẳn cung tên của mình. Nếu như giữa bạn bè với nhau có người đạo đức, học vấn hơn hẳn mình tại sao lại không có thể không hâm mộ được?
Người Trung Quốc không có cái can đảm dám khen người khác, chỉ có cái dũng khí dùng để đả kích kẻ khác. Cũng bởi cái "văn hóa hũ tương" của chúng ta quảng đại tinh thông quá mới làm cho người Trung Quốc thành "cây quýt bên sông Hoài" tất cả (tích Án Tử và vua Sở). Cây quýt này vốn mọc ở một địa phương nọ thì rất to và ngọt, đem trồng ở một nơi khác, không hợp thủy thổ, thì vừa nhỏ vừa chua.
Ông Tôn Quan Hán, một người bạn đã tìm cách cứu tôi suốt trong thời gian 10 năm tôi ở tù, từng đem một thứ cải trắng gốc Sơn Đông trồng tại Pittsburg (Pít-xbơ), nhưng ở đây nó lại thành một thứ cải hoàn toàn khác.
Người Nhật có biệt tài bắt chước cái gì là giống cái đó, còn người Trung Quốc thì học cái gì cũng chả giống cái gì. Cái tinh thần này ghê gớm lắm, nó cho phép người Nhật học được những ưu điểm mà học giống hệt. Người Trung Quốc thường chỉ giỏi tìm lối tránh né, viện cớ "không hợp với hoàn cảnh nước nhà" để bào chữa cho lý do tại sao mình lại cự tuyệt nó.
Trước chiến tranh Giáp Ngọ (1895) người Nhật đến thăm hải quân Trung Quốc, thấy binh sĩ đem phơi quần áo la liệt trùm cả lên súng cà-nông, bèn xác định rằng cái loại quân đội này không thể tác chiến được. Chúng ta căn bản không tính đến chuyện xây dựng và làm mới các quan niệm, nên khi chúng ta không muốn làm một cái gì, ngay cả như chuyện đừng phơi quần áo trên trọng pháo, thì chúng ta tìm cách thoái thác, bảo: "Cái đó không hợp với hoàn cảnh đất nước".
Cũng như vấn đề giao thông ở Đài Bắc, có thể là một vấn đề rất đơn giản, thế mà bấy nhiêu năm nay vẫn không dứt điểm được. Theo tôi cứ phạt nặng những kẻ phạm luật là xong. Nhưng có người lại đề xuất nào là phải dậy dỗ sự "lịch thiệp" cho những kẻ phạm luật, bởi vì như vậy mới hợp lẽ với Trung Quốc. Chúng ta đã lịch thiệp quá lâu rồi, bị giỡn mặt hoài không chịu nổi nữa, lại còn nhường nhịn đến bao giờ? Chúng ta làm những chỗ qua đường cho người đi bộ để bảo vệ họ, nhưng kết quả là biết bao người đã bỏ mạng ở đó.
Tôi có một người bạn lúc ở Đài Bắc là loại hay phóng nhanh vượt ẩu, đến lúc sang Mỹ bị phạt tơi bời, phạt đến đầu tối mắt hoa, cuối cùng không thể không chú ý được. Có mỗi luật đi đường, một việc thật đơn giản mà tại Trung Quốc vẫn còn là một vấn đề.
Cứ nói đến cái hay của các nước khác là lại bị nghe câu "Sùng bái Tây phương, nịnh hót nước ngoài" (Sùng dương, mị ngoại). Sự thực nếu các nước Mỹ, Pháp, Anh, Nhật có điều gì tốt thì chúng ta phải học, cái xấu thì không học, chỉ đơn giản thế thôi!
Có một người Mỹ viết một quyển sách: "Người Nhật làm được tại sao chúng ta lại không thể làm được?" Thế mà chẳng có ai bảo ông giáo sư này là "sùng bái Đông phương, nịnh nọt nước ngoài". Vì vậy mới biết cái hũ tương văn hóa đã sâu đậm làm người Trung Quốc mất hết khả năng hấp thụ và tiêu hóa, chỉ một mực trầm luân trong cái cảm tính của mình.
Một anh bạn tôi lúc lái xe cứ thỉnh thoảng lại đột nhiên bóp còi một cái. Tôi hỏi tại sao. Anh đùa bảo: "Để cho thấy rằng tôi không mất gốc đấy!". Chúng ta hy vọng chúng ta có đầy trí tuệ để nhận rõ những khuyết điểm của mình, có đủ năng lực phán đoán phân biệt phải trái, làm cho, cái hũ tương kia nhạt đi, mỏng đi, thậm chí biến thành một hũ nước trong, hoặc một hồ nước mênh mông.
Người Trung Quốc bị cảm tính chi phối, chủ quan thái quá, đối với việc gì cũng chỉ nhận thức, phán đoán bằng các tiêu chuẩn của những gì mình vốn thấy. Chúng ta nên nuôi dưỡng được cái con mắt nhìn sự vật một cách toàn diện, toàn thể. Rất nhiều sự tình phát sinh từ những góc độ không giống nhau, nên từ một góc độ càng phải xem xét một cách toàn diện. Từ hai điểm, đường ngắn nhất là một đường thẳng, đó là theo vật lý. Nhưng trong cuộc đời, cái cự ly ngắn nhất thường lại là cái quanh co nhất.
Cho nên để trở thành một người biết thưởng thức, chúng ta phải tìm tòi được mục tiêu. Xã hội có trình độ thưởng thức sẽ đề cao được tài năng và phân biệt được cái tốt, cái xấu.
Trước đây tôi từng được xem Khương Diệu Hương diễn kịch, lúc ấy bà đã ngoài 60, mặt đầy vết nhăn, chẳng còn cái đẹp của thủa nào, nhưng việc ấy không hề ảnh hưởng đến những thành tựu của bà. Đương lúc bà hát khúc " Em bé chăn trâu ", anh có thể hoàn toàn quên mất cái hình tượng già nua của bà. Một khi mọi người đều có trình độ thưởng thức cao, những điều ác sẽ tránh xa.
Chẳng khác nào tranh tôi vẽ và tranh của Van Gogh để cùng một chỗ, có người không phân biệt được lại bảo: "Tranh của Bá Dương và Van-Gogh cũng như nhau!" Nếu thế thì các nhà nghệ thuật chân chính phải chết hết và xã hội sẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ có được những tác phẩm nghệ thuật giá trị nữa.
Trung Quốc là một nước lớn, nhưng người Trung Quốc thật nhỏ mọn và hẹp hòi.
Hôm kia tôi đáp máy bay tại phi trường Kennedy ở New York, lên phi cơ ngồi chợp mắt một tiếng, tỉnh lại vẫn chưa thấy máy bay bay, sau khi nghe ngóng mới biết họ đang đình công. Tôi rất kinh dị khi thấy hành khách vẫn trật tự bình thường, nói năng cười đùa như không có gì xảy ra.
Nếu sự việc này mà xảy ra ở đất nước chúng ta cục diện sẽ hoàn toàn khác hẳn. Hành khách tất nhao nhao nhảy xổ ra hò hét: "Tại sao vẫn chưa bay?". Nhưng hành khách Mỹ lại nhìn từ một góc độ khác; vì họ nghĩ: Nếu tôi là nhân viên hàng không, không chừng tôi cũng tham gia cuộc đình công này. Nhìn vào đó người ta có thể thấy được khí độ của một nước lớn.
Ở Mỹ tính khoan dung rất lớn. Không những nước Mỹ có thể khoan dung được các màu da và chủng tộc, lại còn chứa chấp được cả những ngôn ngữ, phong tục, tập quán khác nhau; thậm chí còn chịu đựng được cả những người Trung Quốc thô lỗ như chúng ta. Thái độ này nói lên tính bao dung của một nước lớn.
Cứ nhìn lúc Reagan và Carter tranh luận trên ti-vi, bên này bên kia phát biểu chính kiến của mình, nhưng không ai dùng những lời lẽ thô lỗ để công kích nhau. Ri-gân không hề nói ông làm tổng thống mấy năm toàn chỉ dùng những người thân tín của mình. Các-tơ cũng không hề nói từ trước đến nay ông chưa hề có kinh nghiệm chính trị, làm sao có thể lèo lái được một quốc gia. Hai bên đều biểu lộ một thái độ cực tốt. Đó cũng là phẩm chất của một nền dân chủ cao độ.
Đối với chính trị, cá nhân tôi không mấy quan tâm. Tôi cũng không khích lệ mọi người làm chính trị. Nhưng nếu ai thích thú thì phải tham dự, bất kể đang làm nghề gì, bởi vì chính trị thật quan trọng. Chỉ cần một điều luật được ban hành, có thể gia sản, tự do và ngay cả sinh mạng anh cũng có thể bị nó làm tiêu tan.
Chúng ta không nhất thiết ai cũng phải làm chính trị, nhưng đều phải có khả năng đánh giá. Việc này không kém tầm quan trọng. Đánh giá không phải chỉ trong lĩnh vực chính trị, mà cả trong văn học nghệ thuật. Chẳng hạn như về tranh vẽ thì trình độ thưởng thức cực kỳ quan trọng. Nó sẽ bắt những người vẽ tranh như Bá Dương tôi phải thu mình vào một xó. Bởi nếu bày tranh mình ra người ta chỉ nhìn thoáng một cái đã biết giá trị, có thể nói: "Anh gọi thế này là vẽ à? Thế mà còn dám đem cho người ta xem ư?"
Một xã hội có trình độ thưởng thức tức biết cái hay cái dở, tức không hồ đồ trước bất cứ một sự việc gì; chứ mọi người cứ ù ù cạc cạc như ở trong hũ tương, bẩn sạch, cao thấp cũng không phân biệt thì làm sao tiến bộ và phát triển được?
Tôi chỉ có vài ý kiến này đưa ra xin các vị thảo luận và chỉ giáo cho.
Xin đa tạ!
P/S: Dưới đây là đạn trích trong Người
Việt xấu xí - Truyện ngắn của Thái Bá Tân:
“Tôi thấy cái ông Bá Dương kia
hoàn toàn đúng khi ví nền văn hóa năm nghìn năm của nước ông là cái hũ tương.
Còn của ta, bốn nghìn năm, nếu quả đúng bốn nghìn năm, thì là cái hũ nhỏ hơn
một chút, thối hơn một chút, chứa một chút tương Trung Quốc, một chút cái gì đó
của ta, của Tây, thành thứ hổ lốn mà suốt ngày hôm nay tôi cố tìm tên gọi mãi
chưa được. Ta cứ tạm gọi là hũ mắm tôm, món đặc sản dân tộc. Tất nhiên dân tộc
nào cũng có cái tốt, Việt Nam lại càng nhiều, nhưng giờ không phải lúc nói
chuyện ấy. Người ta nói mãi rồi. Cái cần nói bây giờ là bắt chước ông nhà văn
Đài Loan kia một lần tự ngẫm lại mình xem còn điều gì chưa được. Có nói quá đi
một tí cũng chẳng sao. Tự khen mình quá đáng mới nguy hiểm. Như tôi và ông luôn
tự diễu dân Nghệ An “cá gỗ”, “vắt cổ chày ra nước” có sao đâu? Có vì thế mà bị
trách là không yêu quê hương đâu, nếu không muốn nói ngược lại?
Về đại thể, tôi thấy dân Việt ta
có đủ những thói xấu ông Bá Dương đã nói về đồng bào mình. Nói gì thì trong
sách đã ghi rõ. Cái xấu của ta thậm chí còn ở mức tồi tệ hơn, vì chúng ta vốn
là dân nhược tiểu. Nhược tiểu mà còn muốn làm cha bố người khác! Tôi nghĩ kỹ
rồi, và thấy nó thế này. Ta chỉ nói phét chứ thực sự xưa nay không làm được
điều gì ra hồn. Không một nhà tư tưởng ra hồn, không một trường phái triết học
ra hồn, không một công trình kiến trúc ra hồn kiểu Angco Vat, Angco Thom hay
Chùa Vàng ở Miến Điện. Không một tác phẩm văn học nào ra hồn, trừ Truyện Kiều,
mà suy cho cùng cũng chỉ là bản phổ thơ lục bát một tích Tàu. Hội họa cổ là con
số không. Thậm chí không có cả một điệu múa nào có thể coi là đặc trưng thuần
túy dân tộc. Chữ viết tự mình nghĩ ra cũng không nốt, lúc đầu phải nhờ anh Tàu,
rồi sau nhờ mấy cha truyền đạo Phương Tây.
Mà một khi không tự sáng tạo được
gì thì ta nhập. Người Nhật nhập cái ngoại lai để biến nó thành của mình, nâng
nó lên tầm cao hơn, ta thì tất cả đều biến thành cái bóng mờ mờ và nhiều khi
chỉ để làm khổ mình. Ta nhập Nho Giáo để trói buộc dân ta trong một mớ rối rắm
các nguyên tắc đạo lý hà khắc. Ta nhập chế độ quan trường để biến những người
có học thành nô lệ của chức quan nhỏ và chút bổng lộc đi kèm. Ta nhập nguyên xi
chính sách cải cách ruộng đất của anh Tàu Cộng sản để con chửi cha, anh tố em
và hàng vạn người tử tế bị giết hại oan uổng. Trước đó ta nhập chủ nghĩa Cộng
sản của mấy ông tây xa lơ xa lắc chẳng phù hợp tẹo nào với đất nước nông nghiệp
lạc hậu của chúng ta. Giờ mấy ông tây ấy hết thời, nước các ông từ bỏ thứ chủ
nghĩa kỳ cục ấy từ lâu rồi, thế mà ta, như ông biết, vẫn khư khư ôm lấy nó dù
chẳng ai bắt, dù ai cũng biết làm thế là tự trói tay chân mình. Nay thì ta nhập
văn hóa đại chúng của thằng Mỹ để làm hỏng trẻ con ta. Chính cái thói ưa nhập
ấy đã biến dân Việt chúng ta thành những người lười suy nghĩ, không biết suy
nghĩ và cũng không dám suy nghĩ, nên cứ cam chịu mãi trong cái hũ mắm của
mình...”