Nằm nghe “Giọt lệ thiên thu”

Tôi như lạc vào một miền rất khác khi nằm nghe nhạc khúc “Giọt lệ thiên thu” của Trịnh Công Sơn.

Tại sao phải nằm nghe mà không phải và ngồi nghe? Bởi vì bài hát chậm buồn như từ từ đưa tôi về với thế giới bên kia, tạm biệt kiếp người nhỏ nhoi, mỏi mệt. Chỉ là tạm biệt cõi tạm vì có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ quay trở về nếu tôi không thể định được cảnh giới đó.

Bài hát với âm giai liêu xiêu, ngậm ngùi buồn thương cho kiếp người ngắn ngủi. Dù con người ta có là “người người” ngời ngời thanh danh hay là “ngợm ngợm” dị hợm rồi về cũng về chốn Không, chết đi như thân cỏ hèn:

Sống có bao năm vui vui buồn buồn người người ngợm ngợm
Sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non

Tôi đã thấy cả một kiếp người, kiếp đời thu nhỏ hiện ra trong bản nhạc này của ông Trịnh. Đời người trôi qua với những vui buồn lẫn lộn. Không khí chủ đạo như một giòng sông buồn trầm mặc trôi. Nhưng may thay ít ra cũng phảng phất những niềm vui hé mở:

Cuộc đời cho tôi cho tôi tiếng nói đôi khi vui tươi
Cuộc đời cho thêm cho em có cánh bay đi vội vàng

Vui chưa kịp hết thì nỗi buồn bao phủ quanh đây:

Cuộc đời cho tôi cho tôi tiếng nói đôi khi ngậm ngùi

Tôi như thấy ngày đang dần lên cao bàng bạc khói mây quấn quanh đỉnh núi hãy còn mờ sương. Khi lòng tôi vẫn còn u mê trong tăm tối của si mê tình ái. Thì tôi cứ mãi mê phiêu bạc và tang bồng như hồn thơ, câu hát:

Gió núi bay qua lao xao bụi bờ lao xao bờm ngựa
Nắng quái yêu ma lung linh thành trì lung linh cửa nhà

Con người ta phải dãi dầu nghiệp chướng với nắng quái, đón hứng cái lành lạnh của cơn gió lao xao để biết cảnh đời là thế, khi lung linh khi thì quái quái yêu ma

Hãy nên suy nghĩ bản nhạc này là cái nhìn chiêm nghiệm về sự vô thường của kiếp người chứ không phải là lời khóc than bi lụy. Bởi lẽ sống chết là điều dĩ nhiên, là con đường mà tôi và bạn sẽ phải bước đi. Vì cái lẽ ngắn ngủi ấy mà người nghệ sĩ muốn trải lòng mình theo dòng suy niệm về thái độ sống, và cư xử của nhân tình thế thái.

Sống có đôi tay đôi tay thật dài ôm quanh tình người
Sống có đôi chân đôi chân mệt nhoài một đời tới lui

Hư vô ư? Là như thế nào? The place of Nothingness, nhưng theo tôi đó là cõi niết bàn thanh nhẹ nên mới có hình ảnh khoác áo chân như thong dong dạo chơi. Nhưng vì bản nhạc là một niệm khúc tiếc nuối, ngậm ngùi về sự ra đi chóng vánh của kiếp người dù có long lanh như thế nào cũng buồn bã và nghẹn trào những “giọt lệ thiên thu” chìm trong cõi trầm luân:

Bước tới hư vô khoác áo chân như
Long lanh giọt lệ, long lanh giọt lệ, giọt lệ thiên thu

Bàn về cõi Hư Vô…

Chiếc áo với tên gọi Chân Như là chiếc áo ta “mặc”, đạt ngộ khi quy nguyên về cõi thanh nhẹ của chốn niết bàn, là thiên đường sau cái chết.

“Giọt lệ thiên thu” còn là lời độc thoại triết lý thi thoảng mùi thiền đã chở hầu hết những nỗi niềm đắng cay cũng như hạnh phúc của niềm tin và khát vọng tình yêu trong kiếp nhân sinh này:

Cuộc đời cho thêm cho tôi trái cấm trên đôi môi em
Cuộc đời cho thêm cho em có cánh bay đi vội vàng

Lời ca không có khí tức tưởi mà là sự chấp nhận theo quy luật tự nhiên của kiếp người. Có cái gì đó mơ hồ, có khi vô hồn huyền ảo vây phủ và kéo tôi vào mê cảnh. Tôi đi mê man trong rừng thu đang cô lẻ trút lá, có khi lại thấy mình đứng giữa thảo nguyên mênh mông bất tận. Ngước mắt nhìn là cánh chim đơn độc xa xăm nơi cuối trời. Một trạng thái rỗng không, chẳng còn chút hồ nghi gì về cuộc đời và tình yêu nữa. Vội vàng tôi đi, thoát xác… bỏ lại phù du trong cõi ta bà:

Núi đứng quanh năm đất muôn đời nằm riêng ta rộn ràng
Đứng giữa thiên nhiên thân ta nằng nặng
thân chim nhẹ nhàng
Muốn nói đôi câu giữa chốn thương dau
Chim xanh bạc đầu cây xanh bạc đầu
Vội vàng tôi theo

Cuộc sống và con người đâu có bao giờ được chu toàn và hoàn hảo đúng ý mình và theo ý người. Có thể có nhiều người không đồng tình với những nhạc phẩm hay cách sống của con người nghệ sĩ. Nhưng tôi tìm đến những nốt nhạc này với tâm hồn đồng điệu và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hồn âm nhạc vẫn thở mãi với nhịp thở trần gian. Nơi tôi và bạn sẽ để lại cho người thân mình những “Giọt lệ thiên thu” đầy tiếc thương và luyến ái.

do thu & may tim

Previous Post
Next Post