Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng có những lý giải thú vị về thói quen của người Việt, trong đó có ngồi xổm, xỉa răng và cười. Theo anh, “từ hoang dã đến con người hiện đại là quãng thời gian hàng vạn năm, rất nhiều hành vi đã ngưng đọng lại không bao giờ thay đổi nữa. Đó chính là cử chỉ thông thường của một dân tộc, không bao giờ đánh giá theo thang giá trị đẹp hay xấu; và, về bản chất nó không phản ánh sự tốt xấu, sang hèn mà chỉ là hệ quả của cả hành trình dân tộc đó…”
Nhất trí với anh Thượng một nửa nhận định trên. Không biết anh Thượng đã luận bàn về thói quen chỉ tay vào người đối diện trong khi trò chuyện hay chưa, nhưng nếu liệt thói quen này cùng nhóm với ngồi xổm và xỉa răng…, thì tôi thấy hành vi này chưa đẹp, chưa sang.
Chỉ tay có thể là hành vi vô thức nhưng có lúc khuôn mặt người đối diện vô tình rơi đúng tầm tay chỉ thì thật khó coi. Tôi thấy người phương Tây họ không có tật ấy.
Với hành vi chỉ tay mà quy chụp người Việt bất lịch sự, vô văn hóa thì hơi nặng nề vì có khi họ làm việc ấy một cách bản năng. Vì thế, tôi thử dùng cái vế thứ hai trong nhận xét của Phan Cẩm Thượng: Coi hành vi của con người là “hệ quả của cả hành trình dân tộc”, để thử lý giải hành vi chỉ tay của người Việt xem sao.
Chúng ta chịu ảnh hưởng của quan niệm Khổng – Nho với Tứ Thư, Ngũ Kinh; Tam Cương, Ngũ Thường…, nên bất luận, thứ bậc trong xã hội được tuân thủ nghiêm ngặt. Nho Giáo buộc mọi người phải ứng xử theo Tam Cương: vua – tôi, cha – con, chồng – vợ. Trên thực tế, trong xã hội xưa, còn một nhân vật xếp sau vua, đó là Thầy: Quân - Sư - Phụ.
Với quan niệm thứ bậc kiểu “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” như thế nên cái hành vi “chỉ tay day trán” tất yếu xảy ra.
Hiếm có dân tộc nào trên thế giới này phải sống thân phận nô lệ trong thời gian dài như dân tộc ta. Và cũng trong hàng trăm năm bị đô hộ ấy, không biết bao nhiêu cuộc nổi dậy giành độc lập, tự chủ nổ ra. Trong kiếp nạn của kẻ bị áp bức thì con người không được tôn trọng. Họ luôn bị chèn ép và chỉ đạo.
Trong cuộc chiến khốc liệt giành độc lập tự chủ thì sự quyết định, quyết liệt và quyết đoán (thậm chí độc đoán) là cơ sở cho thắng lợi. Chẳng biết sự dữ dội của cuộc chiến hàng trăm năm như thế nó có ám vào hành vi của con người không nhưng tôi thấy chỉ huy là rất hay chỉ tay. Cũng dễ hiểu, bởi chiến trường thường ít cơ hội thảo luận mà phần nhiều là ra lệnh và tuân lệnh. Xem lại một số tượng các anh hùng dân tộc, thấy tay nếu không chỉ ra phía trước thì cũng nắm chặt đốc gươm.
Trong hàng ngàn năm bị đô hộ như vậy, kiên cường thay, dân tộc ta không bị đồng hóa, nhưng ít nhiều vướng phải cái tâm lý nhược tiểu. Nó thể hiện ở chỗ luôn gồng lên, cương lên, vượt quá sức vóc bản thân để thể hiện mình. Muốn khẳng định cái tôi nhưng không dựa vào khả năng thuyết phục mà lại dùng mệnh lệnh nên đôi khi phải mắt trợn tay chỉ để chứng tỏ sức mạnh và quyền uy. Nền kinh tế tập trung với sự chỉ đạo và phân phối nhất nhất từ trung ương xuống cũng có thể là một lời giải thích. Bởi từ tư duy cho tới hành vi không phải là một khoảng cách quá xa.
Chỉ đạo mà dùng mệnh lệnh áp đặt thay vì trao đổi để đi tới đồng thuận thì tất dẫn tới chỉ tay.
Chúng ta đã hội nhập và dĩ nhiên thang giá trị ở một số lĩnh vực cũng cần phải hội nhập. Hành vi của quan chức còn đại diện cho cả một quốc gia chứ đâu phải chuyện đùa. Còn trong sinh hoạt, nếu cần xác định một đối tượng trong một nhóm giao tiếp, thay vì dùng ngón trỏ, ta xòe cả bàn tay ra thì đẹp, nhân ái, hợp tác và thân thiện biết bao./.