Nhu cầu nói nhảm

Hôm qua, Bill Gates đăng một bức ảnh Việt Nam lên facebook. Nó nhanh chóng trở thành nơi để các bạn trẻ nhảy vào nói nhảm. Như mọi lần.

Bill Gates, sáng lập viên của tập đoàn Microsoft và bây giờ là đồng lãnh đạo quỹ từ thiện Bill&Melinda Gates hôm qua đăng tải một bức ảnh dây điện rối mù rất quen thuộc ở Việt Nam, đồng thời nêu ra vấn đề nhu cầu năng lượng tại nước ta đang tăng cao (phát triển bền vững tại các quốc gia đang phát triển là vấn đề ông luôn quan tâm).

Và kịch bản diễn ra như mọi lần: mỗi khi có một nhân vật nổi tiếng nào đó của nước ngoài nói gì đến Việt Nam, thì “nhà” họ lại trở thành nơi nói nhảm. Các bạn nhảy vào, người thì kêu gọi “Việt Nam đâu điểm danh”, người thì chửi bới chủ nhân, người lại nhiếc móc các bạn khác sau vào đây nói nhảm, người thì đơn giản là nhảy vào “đánh dấu” là tao là người Việt Nam đây hê hê,…

Happy Polla, cô gái Thái Lan nổi tiếng vì thân hình mập mạp đã từng có lúc phải đăng bài phản ứng riêng với người Việt, cho dù cộng đồng fan của cô có ở khắp nơi tại Đông Nam Á. CLB Sapporo của Nhật sau khi chiêu mộ Công Vinh cũng đã phải có lời nhắn gửi riêng đến cộng đồng CĐV Việt Nam vì liên tục nhận những lời khiếm nhã. Facebook của anh chàng Omar Borkan Al Gala, người “bị trục xuất vì đẹp trai” cũng đã từng bị người Việt làm loạn.

Cái nhu cầu được nói nhảm chỗ đông người luôn là nhu cầu của những cái đầu nhược tiểu, tự ti và không đủ tri thức dẫn đến việc rơi vào một trạng thái bế tắc: họ hoàn toàn không biết làm cách nào để thể hiện bản thân nữa. Họ bấn loạn, và tìm cách thử nói một vài câu gì đó mà họ cho rằng hay ho, nhưng tất nhiên là để mà trở nên hay ho trên một sân chơi lớn như facebook thì người ta cần rất nhiều trình độ.

Kiểu người thích nói năng lảm nhảm để gây sự chú ý, nhưng thực chất là bộc bạch sự ngu dốt này chẳng phải ở trên facebook, mà tập thể nào cũng có. Chỉ có điều facebook, nơi người ta được nấp sau cái màn hình vi tính, nơi người ta có thể đánh bạc với thể hiện, với tư cách, mà không mất gì, thì trạng thái bấn loạn càng tăng.

Càng tự ti thì người ta lại càng có cái mong muốn thể hiện bản thân. Và chuyện tự ti có thuộc về bản tính dân tộc hay không thì có lẽ không cần phải chờ bài viết này, mỗi người đã có câu trả lời của riêng mình.

Buồn nhất là ở đây toàn những người trẻ. Họ “mất dạy” theo cái nghĩa đen, tức là không ai dạy họ về giá trị của sự tự tôn và làm thế nào để có được sự tự tôn. Họ không hề có khái niệm rằng ngay cả việc “câu like” trên facebook cũng nên được thực hiện bằng trình độ, bằng đẳng cấp chứ không phải bằng việc nói nhảm.

Lỗi có lẽ không phải ở những người trẻ mà lỗi thuộc về những người có trách nhiệm giáo dục họ. Facebook cho người trẻ Việt một cái môi trường tuyệt vời để họ thể hiện rằng mình đã được giáo dục về những thứ gì: sự tự ti, sự thiếu tri thức, và trên hết, sự thiếu lòng tự trọng.

Ai đã dạy họ những thứ ấy nhỉ?

Previous Post
Next Post