Từ nhiều năm, đặc biệt trong những thời gian gần đây, tình trạng tội ác từ mức độ cướp của giết người trở xuống, biểu hiện một cách đa dạng dưới mọi hình thức, đã gia tăng đến mức làm cho mọi người dân lương thiện bình thường cảm thấy như mình cùng những người xung quanh đang bị sống trong một môi trường bất an thường trực, không được bảo vệ chặt chẽ, và điều này làm đau đầu biết bao những nhà hoạt động xã hội-văn hóa-giáo dục có thiện chí muốn tìm giải pháp góp phần cứu vãn tình thế.
Không thể dẫn chứng hết những trường hợp cụ thể. Cứ giở báo ra đọc, nhất là những tờ báo thuộc ngành công an, hằng ngày đều thấy có nhiều vụ giết người hoặc cướp của giết người xảy ra nhan nhản ở khắp nơi nơi, từ Nam ra Bắc, từ nông thôn đến thành thị. Và lứa tuổi phạm tội thông thường-đa số ở độ tuổi trên dưới 20, tức được sinh ra và lớn lên trong khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, sau thời kỳ cải cách-mở cửa chừng vài năm. Điều này không có nghĩa, và càng không có nghĩa đơn giản quy kết mọi tội lệ cho công cuộc cải cách-mở cửa của đất nước gắn liền với nền kinh tế thị trường vốn dĩ bắt buộc phải chấp nhận yếu tố tôn trọng sự cạnh tranh, giành giật mặc dù trong khuôn khổ của pháp luật lành mạnh, trên lý thuyết. Nhưng ở một mặt khác, cũng không thể tách rời hẳn những hiện tượng tội ác xấu xa ra khỏi cái môi trường văn hóa trong một thời kỳ lịch sử cụ thể, mang những nét đặc trưng-đặc thù của nó.
Theo kết quả nghiên cứu về lịch sử các nền văn minh, nhân loại thời nào ở đâu cũng có sự gian lận, tội ác, kể cả tội loạn luân và những thứ xấu xa khác, nhưng tùy nơi, tùy chỗ mà mang những đặc điểm, mức độ phổ biến khác nhau. Ở những quốc gia có nền “phong tục thuần hậu”, lại có thêm minh quân cai trị, luật pháp nghiêm nhặt, giáo dục từ phía tôn giáo hoặc từ phía nhà cầm quyền phát triển thì hành vi tội ác trong dân thường không đáng kể. Lại có thêm một quy luật, mà ta có thể mượn giọng nhà nho xưa để phát biểu, nói lên rằng tình trạng rối loạn kỷ cương thường xuất phát từ nguyên nhân thật sâu xa, không phải một sớm một chiều: “Bề tôi mà giết vua, con mà giết cha, nguyên do không phải một sớm một chiều; tình trạng dẫn đến như thế phải dần dần mà hình thành nên” (Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu nhất nhật chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hĩ). Theo cách diễn đạt này thì cái ác, cái xấu cũng không thể do một ngày một bữa, mà do sự tích tụ chất chứa lâu ngày từ nhiều nhân tố và thời gian mới thành mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm. Cái ác không tích chứa lại lâu ngày dài tháng thì không đủ để diệt thân (Ác bất tích bất túc dĩ diệt thân- kinh Dịch, “Hệ từ hạ”.
Các văn nhân, học giả hoặc sử gia Việt Nam thời xưa mỗi khi đề cập đến một vùng đất nào, đều có nói đến phong tục của vùng đất đó, mà trước tiên họ đánh giá chung về nếp sống của người dân trong vùng miền, như trong mục “Phong tục” sách Đại Nam nhất thống chí (soạn từ năm 1865, bản dịch phần Lục tỉnh Nam Việt của Tu Trai Nguyễn Tạo, Sài Gòn, 1959), phần về tỉnh Biên Hòa, đại khái viết: “Vì địa khí ấm áp trong lặng, nên dân gian phong tục thuần hậu, tánh khí đơn giản, kẻ sĩ chuộng thơ, nhân dân siêng việc cày ruộng, dệt cửi, nghề thợ và nghề buôn tùy theo địa thế phát triển mà làm ăn; ưa sự hát múa, sùng thượng đạo Phật…”. Về tỉnh Gia Định, có đoạn viết: “Tục chuộng tiết khí, khinh tài trọng nghĩa…Dân ở thôn dã thì chất phác, dân ở thị thành thì du đãng…”. Về tỉnh Định Tường, mục “Phong tục” nhận định: “Đất đai rộng, người hào hiệp, siêng nghề nghiệp, hay bố thí… Người ở gần thành thị hay chơi bời biếng nhác, như con gái ở vùng Mỹ Tho thì hay sửa soạn trang sức đi coi hát xướng, quen thói dâm đãng (sic); con trai ở các phố khách thì cờ bạc hút xách, tục xấu chưa trừ”.
Nói “con gái ở vùng Mỹ Tho thì hay sửa soạn trang sức đi coi hát xướng, quen thói dâm đãng (sic); con trai ở các phố khách thì cờ bạc hút xách, tục xấu chưa trừ”, có thể đúng phần nào, do yếu tố tiếp xúc nhiều hơn với người Tàu rồi sau đó người Pháp, bởi quân Pháp đánh chiếm tỉnh Định Tường và bắt đầu đặt nền cai trị ở đó rất sớm, từ năm 1861, Định Tường trở thành một trung tâm thương mại. Nhưng mặc dù vậy, tại một số vùng bị chiếm đóng mà nền kinh tế bắt đầu phát triển theo hướng thị trường thô sơ, xã hội chỉ bắt đầu xuất hiện lác đác một số biểu hiện thuộc tệ nạn xã hội chứ chưa phải tội ác giết người. Quyển Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ (Histoire de l’Expédition de Cochinchine en 1861) của viên sĩ quan chứng nhân người Pháp Léopold Pallu đi theo đoàn quân chinh phục của Phó thủy sư đô đốc Charner năm 1861 đã chứng minh cho sự thật thú vị này, trong có đoạn viết: “…Người An Nam khiếp sợ cảnh máu rơi. Ở Âu châu, giết người thường đi đôi với cướp bóc, vì giết người là để bảo đảm việc cướp bóc dễ dàng; bọn cướp bóc An Nam chỉ lột sạch nạn nhân nào lọt trong tay họ nhưng không giết; trước năm 1859 (tức là trước khi người Pháp bắt đầu đánh chiếm Nam Kỳ-TKN), chưa chắc đã có đến ba vụ giết người trong một năm… Trong xứ An Nam án mạng xảy ra là một chuyện cực kỳ hệ trọng, luật của người An Nam buộc họ sống theo bản tính thiên nhiên của họ tức là không bao giờ giết chóc” (bản dịch tiếng Việt của Hoang Phong, NXB. Phương Đông, 2008, tr. 193-194).
Như vậy, căn cứ vào nhận định của tác giả Léopold Pallu đưa ra từ năm 1861, phải chăng chỉ trong vòng 150 năm, bản tính của người Việt Nam so với thời nay đã thay đổi quá nhiều, từ trạng thái hiền hòa, hiếu sinh, tôn trọng mạng sống của kẻ khác sang bản tính độc ác, giết người một cách dễ dàng? Điều này chắc chắn là không thể kết luận vội vàng, mà nếu có đúng một phần thì chỉ đúng trên một thiểu số người nào thôi chứ không thể khái quát thành bản tính thay đổi của cả một dân tộc được. Nhưng trên thực tế, cái gọi “thiểu số” vừa kể cũng là một loại thiểu số cực kỳ đáng ngại, vì tính trên tổng số và về tần suất- nhịp độ xuất hiện, cũng như về tính chất nguy hiểm của các vụ giết người, tình tiết vụ án, nó không còn ít nữa mà lại có tính chất tràn lan ai cũng đều có thể trông thấy.
Cách nay chừng chục năm, trên báo Công Giáo & Dân Tộc, tôi đã từng đặt ra vấn đề này trong bài viết “Tình trạng gia tăng tội ác trong xã hội hiện nay” (ký tên Xuân Huy), bây giờ nhìn lại, những quan điểm và nhận định của tôi nêu ra trong khoảng thời gian đó hầu như về cơ bản vẫn không có gì thay đổi. Chỉ có điều, vào lúc đó, tôi vẫn còn ngây thơ hi vọng rằng rồi đây với sự củng cố của nền giáo dục và luật pháp, qua những nỗ lực xây dựng của chính quyền và các tổ chức xã hội, tôn giáo, tình trạng sẽ có thể khá lên rất nhiều chứ đâu ngờ ngược lại còn ngày một tồi tệ hơn như hiện nay.
Trong bài viết nêu trên, tôi có nêu rõ: “...Gần đây sự suy đồi của đạo đức hầu như không có gì kìm hãm bớt, trái lại càng có sức lan tỏa mạnh vì con người bị đánh mất niềm tin vào những giá trị truyền thống, đồng thời lại bị kích động bởi lối sống bạo lực ngày càng được cổ võ và phổ biến khắp nơi trên các phương tiện thông tin và phim ảnh, hậu quả của nền văn minh thiên trọng vào những giá trị kinh tế, vật chất. Sự dốt nát và nạn thất học, bạn đồng hành của tình trạng nghèo đói, cũng như mức sống chênh lệch quá lớn giữa các bộ phận dân cư tạo nên những mâu thuẫn tâm lý có thể là những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng sự lệch chuẩn hành vi của con người… Có những thứ ban đầu không phải tội ác, mà chỉ là sự mềm yếu của con người, nhưng sau sẽ tiếp tay cho tội ác, như nạn cờ bạc, rượu chè, mại dâm, xì ke ma túy (bây giờ có thêm nạn đua xe, cá độ bóng đá- TKN)… Muốn hạn chế những thứ này, cần có một hệ thống luật pháp lành mạnh đạt hiệu quả...”.
Và cho đến hôm nay, thực tế nếp tư duy cùng nền văn hóa xã hội vẫn tiếp tục phát triển theo chiều lệch lạc, cực đoan hướng về những giá trị thực dụng, như cố bù đắp cho những gì thiếu thốn chưa thể có được trong thời kỳ chiến tranh kéo dài trước đó. Trong chuyển hình kỳ, một số không ít con người, đặc biệt thuộc các nhóm đặc quyền đặc lợi, đã câu kết lẫn nhau nhắm mắt chạy theo mọi thứ quyền lợi vật chất bất chấp thủ đoạn, coi đồng tiền và các tiện nghi đời sống là tiên là phật, từ đó phát sinh mọi thứ hiện tượng tiêu cực và bất công xã hội, các căn bệnh xã hội thừa cơ phát tác, hố ngăn cách giàu nghèo ngày một sâu thêm, trong đó có tệ nạn tham nhũng nổi lên tràn lan hầu như đã vượt khỏi tầm kiểm soát của luật pháp mà không có một cơ chế hữu hiệu nào khả dĩ chặn đứng. Trừ một số con em hư hỏng bắt đầu làm quen với lối sống xa hoa phung phí của giới quan chức hoặc nhà giàu mới nổi, các phần tử lép vế trong xã hội phần nhiều thất nghiệp cũng bị lưu manh hóa, nhất là giới trẻ sinh ra và lớn lên trong những điều kiện như thế, vừa bị ảnh hưởng bởi tư tưởng thực dụng chủ đạo chung của xã hội vừa mang nặng tâm lý bị đối xử bất công, lại mất hẳn lòng tin-lý tưởng khi trông lên tấm gương tệ hại của một số người lớn ở tầng lớp trên, họ đã không thể cam chịu được cảnh an phận thủ thường mà tìm mọi cách, mọi thủ đoạn, để cố chiếm giữ cho mình hoặc gia đình mình một chút tiện nghi mà không ngại phạm vào bất cứ một tội ác tày trời nào.
Mới đây, trong cuộc hội thảo “Sự xuống cấp văn hóa và đạo đức trong xã hội ngày nay” do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức, qua bài tham luận, một nhà nghiên cứu đã đưa ra một hướng tiếp cận mới trong việc xem xét sự suy thoái văn hóa-xã hội, trong đó có vấn đề tội ác phát triển cực độ hiện nay. Tôi xin trích lại một đoạn ngắn gần cuối bài tham luận của ông như là một cách để giới thiệu và chia sẻ với tác giả: “Trong nỗ lực đi tìm mô thức mới để thay thế, vực dậy đời sống tinh thần cho xã hội, nếu không thanh toán cho được cơ sở lý luận cho phép người ta dựa vào các phạm trù ý thức hệ lỗi thời để thiết lập chính sách quốc gia, coi đó là những quyết định tối hậu, từ trên áp xuống, dựa vào những lợi ích nhất thời, cục bộ coi là giá trị để theo đuổi, cứ thế mà thực hiện, bất chấp hậu quả, bất chấp lòng dân thì cái giá phải trả, trong tình hình mới, không phải chỉ diễn ra như cũ, cũng không chỉ trên phương diện văn hóa mà có thể dẫn tới những tác hại quan trọng, không lường trước được, về mọi mặt đối với sự an nguy của đất nước”.