Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi con tùy thuận và nhẫn nhục, con đã không làm vừa lòng quý cô và quý thầy chung quanh, đây là điều ngoài ý muốn của con, con không có biện pháp giải quyết tốt đẹp hơn nên con phải vì quý thầy, quý cô mà xa lánh để không làm khổ mình, khổ người, như vậy có được không thưa Thầy?
Đáp: Cũng được, nhưng đó là con tu tránh cảnh, tu trong cảnh tiêu cực, yếm thế, vì thấy đời quá khổ, thấy mọi người sống không phù hợp với mình, thấy mọi người mọi ý, nên cố tránh né bên này, tránh né bên kia, để mong tìm được sự an ổn, đó là chạy theo tâm ham muốn cảnh yên thân của mình, chứ không phải tu nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng như vậy. Xưa, đức Phật dạy:
“Đứng lại thì chìm xuống
Tiến tới thì trôi dạt
Chỉ có vượt qua”
Con thuộc về loại người đứng lại giống như ông Nguyễn Bỉnh Khiêm thất chí tu Tiên:
“Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dù ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn xôn xao”
Đó là cách thức của người tránh cảnh, trốn đời, chứ chưa phải là người tu theo đạo Phật.
Đạo Phật không phải là đạo yếm thế, bỏ đời, tránh xa mọi người. Xưa, đức Phật dạy: “phiền não tức là bồ đề”, lấy đối tượng để tu tập nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng hay “ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”.
Khi con đã tu tập pháp tùy thuận, nhẫn nhục và bằng lòng thì làm sao mà quý thầy và quý cô không vừa lòng? Chỉ vì con không tu tập xả tâm trong pháp môn nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, mà chỉ tu ức chế tâm mình hoặc nén tâm chịu đựng, khi chịu đựng quá mức, không còn sức chịu đựng được nổi, bấy giờ tâm con như chiếc lò xo hết sức nén, nên nó bung ra, do đó mới làm phiền lòng quý thầy, quý cô và chính tâm con cũng phiền não, giống như người thế tục, chứ có tu hành pháp môn gì của Phật giáo đâu.
Vậy pháp môn nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng của con ở đâu? Sao con không tu mà vội tìm cách xa các đối tượng, tức là quý thầy, quý cô và những người khác nữa. Con cứ suy ngẫm lại đi, khi con xa họ, con lấy cái gì để tu xả tâm con, họ là đối tượng giúp con tu hành giải thoát, nếu không có đối tượng mà tu hành thì dù con có tu ngàn kiếp cũng chẳng tu đến đâu cả.
Đạo Phật không phải là đạo Lão, không yếm thế, tiêu cực, không vào trong rừng núi ẩn tu, luôn luôn sống gần làng xóm, thị tứ để xin ăn, thường lấy sự khen chê của người thế tục mà tu tập và rèn luyện tâm mình, trừ ra những lúc cần phải nhập các định sâu hơn thì mới vào rừng núi, u vắng nhập thất, không có tịch cốc luyện thuốc trường sanh bất tử như Tiên đạo.
Nếu bảo rằng, tâm còn yếu thì phải tìm những nơi yên tịnh, thanh vắng để tu tập cho tâm được định tỉnh, rồi mới dám ra đương đầu với các pháp thế gian. Sự tư duy như vậy, đối với đạo Phật là không đúng pháp tu của Phật. Vì đức Phật đã dạy: “Ngăn ác, diệt ác pháp”. Ngăn ác, diệt ác pháp mà trốn trong núi thẳm, rừng sâu thì làm sao có ác pháp, mà không có ác pháp thì lấy cái gì là ngăn ác, diệt ác pháp.
Đạo Phật vốn xả tâm, diệt ngã ly dục, ly ác pháp, cho nên lấy cuộc sống giao tiếp hằng ngày với mọi người, để vượt lên trên sự sống khổ đau, ấy là giải thoát.
Có quý thầy, quý cô, có bạn bè thân hữu, ta mới tu nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, tức là ta diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly ác pháp trong tâm ta.
Đương nhiên, muốn tu tập hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng thì đức Phật đã trang bị cho chúng ta, bằng trí tuệ nhân quả, bằng sự tỉnh thức cao độ, bằng một nhiệt tâm nồng cháy, quyết liệt, để diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly ác pháp. Nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng là pháp môn đối trị tâm tham, sân, si, mạn, nghi của mình. Nếu tu hành mà không đem hết sức lực của mình ra tu tập thì cũng khó chiến thắng tâm ham muốn và các ác pháp đang vây quanh mình.
Tu hành mà tránh né thì cũng giống như mấy ông Tiên, chỉ biết lợi ích cho cá nhân mình:
“Một mai, một cuốc một cần câu
Thơ thẩn dù ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn xôn xao?
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.
Ý thưa hỏi của con ở trên, đó là tâm con chỉ thích tránh né cho an thân, tu như vậy, không thể giải thoát mà chỉ trốn đời, tránh tâm mình mà thôi con a! Chẳng có ích lợi cho con mà con tu như vậy, cũng chẳng có giải thoát, tốn công và uổng phí một đời người đi tu.
Tu như vậy là tu theo Lão Trang, chứ không phải tu theo đạo Phật. Tu theo đạo Phật, phải sống trong thế gian cùng với mọi người, nhưng luôn luôn khắc phục tâm mình, ly tham, đoạn ác, chẳng biết việc người, chỉ biết việc mình để sửa sai những lỗi lầm và những việc làm ác của mình. Vì thế nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng là lập đức hạnh xử thế; ăn, ngủ, độc cư là lập đức hạnh xuất thế, sống chánh nghiệp của các bậc thánh tăng và thánh ni.
Đứng trước nghịch cảnh và các cảm thọ mà tâm bất động, tâm như cục đất, đó là tâm như Trời Đất; đứng trước các pháp cám dỗ mà tâm chẳng dao động, tâm thanh tịnh, bất nhiễm ô là lập đức hạnh lìa xa các pháp thế gian, để chuyển hóa tâm phàm phu của mình, thành tâm Hiền Thánh, nhờ đó tâm mới trở thành tâm của những bậc thánh tăng và thánh ni, thánh cư sĩ.
Bởi vậy, người tu sĩ đạo Phật phải lập đức, lập hạnh của mình trên trí tuệ nhân quả, tức là trí tuệ giới luật, quyết chiến đấu, chiến thắng tâm dục vọng và ác pháp để đòi lại quyền làm chủ sanh, già, bịnh, chết. Nhất định, phải trường kỳ đấu tranh quét sạch quỷ Vô Thường, không để cho quỷ vô thường cám dỗ và sai khiến, biến chúng ta thành những tên nô lệ muôn đời muôn kiếp.
Chính những điều con đã hỏi Thầy trên đây là con đã đầu hàng giặc vô thường, con đã trở thành tay sai của chúng, vì thế trên bước đường tu tập của con và con tu như vậy, sẽ hoài công vô ích, nếu tu như vậy, con chỉ là một tên lính đánh thuê cho giặc vô thường.
Nếu mọi người đang sống trên hành tinh này, ai cũng đều biết rất rõ rằng, mình đang bị quỷ vô thường, ma danh, ma lợi, ma ăn, ma ngủ, ma sắc dục đang cám dỗ và sai khiến mọi người, mọi người như những tên nô lệ trung thành của nó.
Cho nên mọi người phải theo pháp môn của đức Phật, để chiến đấu tận cùng với chúng, bằng những chiến thuật ăn, ngủ, độc cư và bằng những chiến lược nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng với những vũ khí Trí Tuệ Nhân Quả, Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, Định Niệm Hơi Thở, Định Sáng Suốt, Định Vô Lậu và Tứ Thánh Định, Tam Minh v.v..
Nhờ nhiệt tâm tận lực chiến đấu, chúng ta mới chiến thắng giặc vô thường và giành được quyền làm chủ sự sống, chết để chấm dứt luân hồi.
Trong cuộc chiến tranh nội tâm, nếu chúng ta tránh né các đối tượng, tức là chúng ta đã đầu hàng giặc, do thiếu hiểu biết, chúng ta tưởng nghĩ một cách sai lệch, gọi là không làm khổ mình, khổ người, chứ kỳ thực, chúng ta là kẻ đầu hàng giặc. Giặc vô thường sẽ không để cho chúng ta yên ổn với mặt trận sanh, già, bệnh, chết. Chúng ta đầu hàng giặc thì cuộc chiến tranh này, chẳng bao giờ chấm dứt, và cuộc đời chúng ta sẽ mãi mãi trôi lăn trong ba nẻo, sáu đường đầy đau khổ. Nếu con không nghe lời Thầy mà cố tránh né, để tìm sự an vui theo sự ưa thích yên ổn một mình thì cuộc đời tu hành của con, chỉ uổng công mà thôi, tu chẳng ích lợi gì cho ai cả, mà làm cho người đời khinh chê Phật pháp, thì tội ấy ai phải chịu đây?
Trưởng lão Thích Thông Lạc