Đạo Phật dựa trên cơ sở nhân quả và luân hồi. Mặc dù con đã đọc các cuốn sách của Thầy viết, như cái niềm tin trong con nó chưa được lớn, vì vậy sự buông xả còn kém cỏi, sự tu tập còn lười biếng. Con từ nhỏ tới nay, vẫn cứ cho rằng: “Con người chỉ sống có một lần, sau khi chết tất cả đều tan hoại”, đó là vì con đã tiếp thu những tư tưởng duy vật biện chứng. Con đã đọc: “Kinh Nhân Quả Ba Đời” nhưng con vẫn thấy nó mơ hồ trừu tượng nên con không tin.
Đáp: Kinh sách Nhân Quả Ba Đời là kinh sách hệ phái phát triển, kinh sách này luận về nhân quả thiếu tính khoa học nên lý luận mơ hồ, không thực tế, có vẻ hoang đường, làm mất tính chất đạo đức nhân bản - nhân quả của luật nhân quả. Người có sự hiểu biết về khoa học và chuộng sự thật thì không thể nào tin nhân quả theo kiểu lý luận mơ hồ, trừu tượng, đầy sự hoang đường mê tín lạc hậu này được. Đọc kinh sách phát triển phần nhiều là những lý luận mơ hồ trừu tượng mê tín đẫy đầy không có cuốn kinh nào mà không có. Cho nên, kinh sách phát triển làm mất lòng tin của mọi người với Phật giáo. Con cũng bị ảnh hưởng đó, chính vì con đã học về triết học duy vật biện chứng, nên con không thể tin những điều mơ hồ trừu tượng được, Phải không con?
Muốn biết rõ nhân quả như thật thì chúng ta phải tự hỏi: “Khi người chết cái gì còn lại?”.
Đức Phật đã xác định điều này rất rõ ràng: “Khi người chết toàn bộ thân ngũ uẩn đều tan rã không còn một vật gì tồn tại”. Vậy, không còn một vật gì tồn tại, sao đạo Phật còn chủ trương thuyết tái sanh luân hồi và như vậy có mâu thuẫn nhau không?
Thưa các bạn! Đạo Phật không mâu thuẫn. Khi con người còn sống hằng ngày luôn luôn hoạt động theo tâm tham, sân, si của mình, do mỗi hành động thân, miệng, ý phóng xuất ra những từ trường thiện hay ác (từ trường là một danh từ vật lý tạm dùng để mọi người dễ hiểu, chứ nghĩa của danh từ “từ trường” chưa đúng hẳn) khắp nơi trong bầu khí quyển. Theo luật nhân quả thì từ trường ấy được gọi là nghiệp. Cho nên, con người chết là mất hết chỉ còn nghiệp (từ trường) thiện ác, nghiệp thiện ác không phải là linh hồn, thần thức hay Phật tánh.
Hầu hết mọi người, có tôn giáo hay không tôn giáo, luôn cả các nhà Đại Thừa hiện đang có mặt trên hành tinh này, đều không hiểu lý duyên hợp duyên sinh, do đó tưởng khi người chết còn có linh hồn, thần thức, Phật tánh, tiểu ngã, bản thể v.v.. là một vật thường hằng mang theo nghiệp đi tái sanh luân hồi, điều hiểu biết này là ảo tưởng, mê tín, không đúng sự thật, không có tính khoa học, là sai. Sự hiểu biết này, đức Phật gọi “Chấp thường”. Còn có một số người dựa vào duy vật biện chứng, cho con người mất là mất cả, chỉ có một đời này mà thôi. Sự hiểu biết như vậy, đức Phật gọi là “chấp đoạn”.
Những triết thuyết chấp thường, chấp đoạn là những triết thuyết còn mơ hồ chưa hiểu biết rõ về môi trường sống trên hành tinh này. Môi trường sống trên hành tinh này có nhiều chất liệu, có chất liệu có hình sắc, có chất liệu không hình sắc mà đức Phật gọi chung là “các duyên”. Cho nên, giáo lý nhà Phật gọi môi trường sống trên hành tinh này là “thế giới duyên hợp”. Có duyên hợp mới sinh ra muôn loài, muôn vật, có duyên hợp mới tạo thành thế giới, không duyên hợp thì không có thế giới. Do thuyết nhân duyên mà đạo Phật đã xác định được con người từ đâu sinh ra và chết đi về đâu rất khoa học mà không có một khoa học hay một triết học nào bắt bẻ được, vì đó là một sự thật, một sự thật do sự tu chứng đã thấy rõ như thấy những chỉ trong lòng bàn tay.
Đạo Phật chấp nhận thuyết tái sanh luân hồi, vì khi con người chết thì mất hết nhưng những nghiệp (từ trường) này không mất, do nghiệp này không mất nên tương ưng với tâm tham, sân, si của người khác hợp đủ duyên tạo thành thai nhi. Cho nên, đạo Phật gọi là “nghiệp tái sanh luân hồi”, chứ không gọi “nghiệp đi tái sanh luân hồi”. Kinh sách Đại Thừa gọi nghiệp đi tái sanh luân hồi là sai, vì nghiệp là từ trường nên bất cứ nơi đâu trong bầu khí quyển đều có nó, do đó từ trường không đến không đi, chỉ có hợp đúng thời, đúng duyên là tái sinh luân hồi tức khắc.
Kính gửi: Cháu Trang
Vạn vật được sinh ra đều phải
theo qui luật của nhân quả, không có một vật nào ra khỏi qui luật này. Cho nên
có những người hung ác thì cũng phải có những người hiền lành; có những người
giàu sang thì cũng phải có những người nghèo hèn; có những người sung sướng thì
cũng phải có những người khổ đau; có những người tốt thì cũng phải có những
người xấu; có những người quyền cao chức trọng thì cũng phải có những người
cùng đinh mạt hạng; có những người chung thủy không lỗi đạo, thì cũng phải có
những người không chung thủy lỗi đạo v.v…
Trên đời này mọi sự xảy ra đều do
nhân quả sắp xếp. Nhân quả sắp xếp là do tiền kiếp không khéo gieo duyên thiện
nên đời này phải trả quả khổ. Nếu trả vay không khéo thì lại vay trả mãi mà
không hết. Hoàn cảnh của con xảy ra cũng vậy. Con có biết không?
Cuộc đời quá éo le, tưởng đâu có
chồng con để hôm sớm cùng nhau, khi tối lửa lúc tắt đèn, để chia vui sẻ buồn,
để an ủi cho nhau khi khổ đau, khi tai nạn và chăm sóc nhau khi đau ốm, bệnh tật
v.v..
Nhưng nào ngờ nhân quả quá khắc
nghiệt con gặp phải nhân quả không tốt, nên đành phải chịu những nỗi khổ đau
riêng mình, phải nuôi và dạy con, phải lo gia đình trước sau một thân mình,
phải gánh chịu sự cô đơn, chỉ có một mình quạnh hiu, biết tâm sự cùng ai, biết
ai hiểu mình mà tâm sự. Phải không con?
Người xưa bảo: “Làm thân con gái
có 12 bến nước, gặp bến trong thì nhờ, gặp bến đục thì chịu”, biết than thở
cùng ai!
Đời con là một bến đục, có chồng
mà cũng như không. Chồng lo cho chồng, chẳng nghĩ gì đến vợ, chẳng đái hoài gì
đến các con, chỉ lo cho bản thân mình, lo cho người khác, để lại một gánh nặng
nuôi dạy hai trẻ thơ, khi bệnh tật, khi tai nạn, lúc tối lửa khi tắt đèn, chỉ
có một mình thật là khổ đau vô cùng, vô tận. Trước sau chỉ một mình lo toan
biết nói gì đây, nói với ai bây giờ? Nghẹn ngào nước mắt cứ tuôn tràn như dòng
suối đời khổ đau chạy mãi về phương trời vô tận. Nếu không có hai trẻ thơ này
là nguồn an ủi thì phỏng chừng con có sống được hay không? Đêm nằm nghĩ tới
nghĩ lui; đời người sống thật vô vị chẳng có gì là nghĩa, là tình, là hạnh phúc
cả?
Sống mà như chết. Sao con người ở
đời bạc bẽo và độc ác đến thế! Bạc bẽo và độc ác hơn lòai thú vật. Loài chim
quốc khi chim đực mất chim cái kêu suốt thâu đêm tiếng kêu thương não nùng ai
oán, chim cái không còn thiết tha ăn uống nữa, lần hồi chim cái chết theo
chồng; chim đực cũng vậy khi chim cái bị lưới rập, bị bắn chết, chim đực cũng
kêu suốt ngày đêm tiếng kêu thương từ trái tim chung thủy vang lên không gian
một tình thương bất diệt, cho đến khi sức tàn, lực kiệt chim đực cũng chết theo
chim cái. Ôi! Thật là lòai chim sống mà chung tình đến thế! Xét lại con người
thì sao? Con người sao mà manh tâm giả dối lường gạt vợ con, lan chạ kẻ khác mà
không biết xấu, mặt chai mày đá, nay người này, mai người khác như như loài gia
súc v.v…
Biết bao cảnh đời ngang trái,
biết bao nhiêu thương đau, làm sao kể cho xiết. Ai làm ra? Lòng tham dục đấy
con ạ!
Ở đời ai là người hiểu đạo đức?
Ai là người thấy trách nhiệm và bổn phận làm người sống không không làm khổ
mình, khổ người? Ai là người biết hy sinh cá nhân mình để làm tròn bổn phận làm
cha, làm mẹ. Tội nghiệp thay cho những đức trẻ mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ hoặc
mồ côi cả hai. Nhất là chúng ta cũng không thể cầm được những giọt nước mắt thương
đau cho những đức trẻ vẫn còn cha lẫn mẹ, nhưng vì ích kỷ cá nhân, cha và mẹ
chúng đắm đuối đam mê danh, lợi và sắc dục, đành ly dị bỏ vợ, bỏ chồng, bỏ con
chạy theo nhân tình thế thái. Mặc cho những đứa trẻ thơ vô tội sống ra sao cũng
mặc, họ vẫn thản nhiên như những người xa lạ, họ xa lìa nhau, đành đoạn bỏ mặc
những đứa bé bơ vơ, thiếu tình cha chăm sóc, thiếu lòng mẹ thương âu yếm. Vậy
tình thương chăm sóc của cha bây giờ ở đâu? Lòng thương âu yếm của mẹ ở chỗ
nào? Những đức trẻ thơ đang chờ đợi, đang mong ngóng từng ngày!!! Nhưng vô cùng
tuyệt vọng. Cha như cánh chim trời lộng gió, mẹ thì thui thủi một mình bên các
con. Ai là người sinh ra chúng? Ai là người mang nặng đẻ đau? Ai là người nuôi
nấng chúng lớn khôn nên người v.v… Tương lai của chúng ra sao? Mờ mịt đen tối.
Tội nghiệp thay biết nói gì đây!
Nhìn những cháu bé, con của những
người khác đang cấp sách đến trường đang tốt nghiệp Đại học, còn con mình hiện
giờ thì ra sao? Mình có gánh vác nổi hay không, hay để chúng thất học như những
đứa trẻ khác. Ôi! Càng nghĩ, ruột đau như ai cắt từng đọan. Thương thân phận
bạc phần vô phước. Sống mà tương lai một mầu đen tối, không có chút hy vọng nào
mà hòan cảnh xảy ra còn khổ đau nhiều hơn, nhiều hơn nữa.
“Trách ai bẻ gánh cang thường,
Để cho phận thiếp giữa đường bơ vơ”
Đừng buồn nữa con ạ! Hãy vui lên
để mà sống, sống xem cuộc đời tràn đầy ác pháp, sống để chuyển biến nhân quả,
đừng để nhân quả chuyển biến tâm con, Phải không con?
Hãy can đảm, đầy đủ nghị lực,
đứng lên bằng hai chân của mình, chiến đấu tận cùng với bao nhiêu nghịch cảnh,
đừng sợ hãi con ạ! Bên con còn có những người cảm thông những nỗi khổ u hoài
trong con, sẵn sàng an ủi, khích lệ giúp con dũng cảm tiến lên, vượt thoát
đường đời đầy chông gai cay đắng.
Muốn chuyển đổi sự đau khổ không
gì bằng là tâm phải an vui, tâm phải nhìn thẳng vào cuộc đời. Đời toàn là ác
pháp, là đau khổ như vậy. Đời mấy ai thương ai chân thật, thương sao làm khổ
nhau quá vậy? Thương sao tạo cảnh khổ cho nhau…
Hãy tha thứ cho những người làm
con khổ đau, hãy buông xuống những gì đang đau khổ trong lòng con.
“Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì.
Thở ra chẳng lại còn chi nữa
Vạn sự vô thường buông xuống đi!”
Buông xuống tất cả mọi đau khổ
trong lòng con thì ngay đó tâm con sẽ thấy an vui, thanh thản. Phải không con?
Còn nếu con không sáng suốt cứ ôm
ắp mãi trong lòng những nỗi đau thương thì con phải chịu lấy sự khổ đau ấy, đấy
là con bị qui luật của nhân quả chuyển biến và đang trả quả khổ đau. Còn nếu
con xem đó là một điều hiển nhiên trong giai đoạn xã hội loài người đang bế tắc
đạo đức nhân bản làm người. Vì thế con người ngày nay cứ mãi làm khổ cho nhau.
Phải không con?
Chuyện đời có gì buồn đâu con ạ!
Tất cả đều vô thường, nhà cửa, của cải, tài sản đều vô thường ngay cả bản thân
của con cũng vô thường. Có ai giữ của cải, châu báu, ngọc ngà mãi đâu con! Khi
xuôi tay trở về lòng đất thì có ai còn mang theo được những gì, ngay thân này
còn phải bỏ, có gì giữ gìn được đâu mà không buông xuống phải không con?
Buông xuống để tâm hồn thanh
thản, an vui; buông xuống để xem những người làm ác gây đau thương, rồi họ sẽ
đi về đâu?
Buông xuống, buông xuống để giòng
nước mắt con thôi chảy, để con còn đủ sức khỏe nuôi và dạy dỗ hai đứa con thơ
dại đang nương vào đôi cánh tay yếu đuối của người mẹ thân thương, chúng còn
biết trông cậy vào ai hỡi con?
Hãy nghe lời Thầy con ạ! Con hãy
tự thắp đuốc lên, soi mà đường đi, con đường buông xả, con đường thanh thản, an
lạc và vô sự, con đường hạnh phúc vô cùng con ạ! Ngoài con ra không còn ai giúp
con được. Hãy mạnh dạn đứng lên con ạ! Đừng yếu đuối, hãy nhìn thẳng về phía
trước. Dù đường đời có cay đắng khắc nghiệt bao nhiêu, con hãy xem nó như một
tuồng cải lương trên sân khấu. Có gì thật đâu mà buồn khổ. Phải không con! Một
trò diễn xuất của nhân quả có đáng gì cho con phải bận tâm đau lòng.
Cảnh đời đen bạc, đó là những
việc thường xảy ra trong cuộc đời này, có gì mà phải bận tâm con ạ! Nó đến rồi
nó sẽ đi, chỉ cần giữ gìn tâm bất động trước nó là nó chuyển đổi được sự khổ
đau thành sự an vui ngay liền. Hãy nghe lời Thầy đi con!
Thăm và chúc con đầy đủ nghị lực
vượt qua những điều cay đắng của cuộc đời.
Kính thư
Thầy của con.
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sưu tập (tạm thời) sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã download từ các trang web trên, bạn có thể tải về: Click tại đây