Sự thật về khổ

Thầy ạ!

Trong thực tế, một người lúc bình thường có thể rất đáng ghét, nhưng khi họ bị đau ốm ở mức đơn giản cũng có thể khiến họ trở lên dễ thương hơn. Có phải khi không thấy khổ người ta sẽ ảo tưởng và bất thiện nhiều hơn không ạ?

Thưa thầy! Có lúc ý thức về khổ khiến con cảm thấy "đau đớn" vô cùng, nhưng thường thì ý thức về khổ lại khiến con thấy sáng suốt, an ổn hơn.

Xin thầy cho con hỏi : Mối quan hệ giữa khổ và sự thật là gì ạ?

Con thân mến,

Sự thật của cuộc đời là khổ. Khổ là sự thật.

Khi không thấy được sự thật ấy, tâm con người ta không có trí tuệ, chỉ toàn si mê và ảo tưởng. Tất nhiên là bất thiện - khổ dẫn đến đau khổ hơn.

Nỗi đau đớn trong tâm khi con ý thức về khổ là phiền não, là trạng thái tâm bất thiện - nó gây thêm đau khổ cho mình.

Sự "sáng suốt và an ổn" khi con ý thức về khổ là tác dụng của trí tuệ thấy rõ chân lý khổ. Trí tuệ là thấy rõ chân lý. Chân lý của cuộc đời là khổ. Công năng của trí tuệ là đoạn trừ phiền não, đau khổ và giải thoát tâm. Đó là loại khổ dẫn đến dứt khổ.

Thiền sư Ajahn Chah nói: trên đời này có hai loại đau khổ, một loại khổ dẫn đến dứt khổ, và một loại khổ dẫn đến đau khổ hơn; nếu không nhận loại đau khổ này nhất định chúng ta phải nhận lấy loại đau khổ kia.

Chân lý của cuộc đời là khổ, và chẳng có ai vượt ra ngoài được chân lý ấy. Chúng ta sinh ra và sống mấy chục năm ngắn ngủi ở kiếp con người này là để học hỏi từ đau khổ để hiểu ra được chân lý ấy, nếu chưa hiểu được chúng ta sẽ còn phải quay lại để học tiếp. Cuộc đời (nghiệp) rất công bằng, không thể ăn quỵt gì được từ cuộc đời này cả đâu.

Khi si mê, ảo tưởng thì con người ta coi khổ là vui. Khi có trí tuệ, người ta lại thấy vui là khổ. Khi thấy rõ chân lý khổ trong mọi nơi mọi lúc, thì lúc ấy lại chỉ toàn "vui". Nhiều người nói, trước khi biết đạo họ thấy tụ tập bạn bè, nhảy nhót chơi bời, đàn ca ăn uống là vui; sau khi biết đạo, hiểu được tâm mình, họ lại tránh xa những nơi tháo động, những người phiền não bất thiện, vì bây giờ họ thấy nó là khổ. Khổ vì phiền phức, bất an, khổ vì vô nghĩa, vô vị, u mê, tăm tôi.

Người không thấy rõ con đường thì khi ý thức về khổ, họ thấy bế tắc và đau đớn. Khi con đường đã rõ ràng, mỗi lần ý thức sâu sắc về khổ là một lần giải thoát và hoan hỷ. Nhẹ nhàng, thanh thản, bình an và thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, sâu sắc và tự tin hơn.

Con người bình thường luôn luôn có xu hướng chạy trốn khổ bằng nhiều hình thức khác nhau. Con cứ nhìn kỹ các động cơ trong tâm mình mà xem, rất nhiều việc mình làm chỉ là để không muốn đối diện với chính mình, không muốn đối diện với phiền não, với những vấn đề không thể giải quyết trong tâm. Nhưng không có cách nào trốn được cả, con người vẫn phải chịu khổ dưới đủ mọi hình thức. Việc mọi người hay làm nhất chỉ là đổi cái khổ này lấy cái khổ khác mà thôi, mà thường là đổi lỗ vốn, cái làm họ vui trong hiện tại và trốn được cái khổ trước mắt sẽ là cái nhân đem lại đau khổ lâu dài và khó thoát về sau. Đức Phật dùng ví dụ như một người khát nước, để thỏa mãn cơn khát tức thời của mình, người ấy chấp nhận uống nước biển để rồi khát cháy bỏng hơn.

Bước chân trên con đường thoát khổ, chúng ta sẽ chủ động đối diện với đau khổ để hiểu được bản chất của nó. Chủ động chọn lấy loại đau khổ dẫn đến dứt khổ, chứ không cam chịu để sự si mê và nghiệp lực áp đặt lên mình loại đau khổ dẫn đến đau khổ hơn. Tất cả những gì làm mình phiền não, đau đớn, làm tâm mình bó hẹp, định khuôn, tất cả những gì làm mình cảm xúc, làm mình không thể nhẹ nhàng, tĩnh lặng và thanh thản.. tất cả chỉ là những hình thức mà chân lý khổ đang thể hiện ra cho mình cảm nhận, chiêm nghiệm và thấu hiểu bằng chánh niệm tỉnh giác. Hãy quan sát nó, tìm hiểu cơ chế của nó, làm quen với những khuôn mặt đa dạng của nó, lắng nghe nó, nhạy cảm với nó...liên tục trong mọi lúc, mọi nơi, từ khi mở mắt thức giấc cho đến khi đi ngủ. Cả cuộc sống là một hành trình tâm linh.

"Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, ở xa người mình yêu, gần người mình ghét là khổ, muốn mà không được là khổ; tóm lại ngũ thủ uẩn (thân tâm) này là khổ". Người ngu si, nông cạn thì cho rằng đạo Phật chỉ toàn nói về khổ là bi quan, yếm thế, tiêu cực. Chỉ những người có trí mới thấy được chân lý đó sâu sắc biết bao nhiêu, vĩ đại đến dường nào.

"Pháp Bảo là pháp thiết thực hiện tiền, vượt khỏi thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng mà chỉ những người có trí mới tự mình giác hiểu".

"Con đường cao thượng này chỉ dành cho những người thấy và biết, không phải dành cho những kẻ không thấy, không biết".

Khổ, xét về mặt tính chất, có thể phân chia làm ba loại: khổ khổ, hoại khổ và hành khổ.

Khổ khổ là khổ chồng lên khổ. Bản chất cuộc đời vốn là khổ, vì không ý thức được bản chất ấy nên con người vùng vẫy, quẫy đạp trong đó, và tạo ra đau đớn, khổ sở hơn. Nó là cái khổ tâm lý, khổ vì ảo tưởng mê mờ, khổ dẫn đến đau khổ hơn. Tất cả mọi loại phiền não trong tâm chúng ta đều thuộc về cái khổ này cả: tham, sân, si, tà kiến, ngã mạn, đố kỵ, bỏn xẻn... Nếu hiểu rõ bản chất của cuộc đời này, thực sự hiểu, thì con người không thể tham sân, không thể có khổ chồng lên khổ được nữa. Một người va chạm vào mình ngoài đường, nếu có trí tuệ tỉnh giác trong lúc đó, chỉ thuần ghi nhận một hiện tượng vừa diễn ra, ý thức rõ ràng bản chất của nó, thì không thể nổi sân si lên để chồng thêm cái khổ lên trên cái bản chất khổ luôn hiện hữu của cuộc đời như vậy. Nói nôm na, tất cả các loại phản ứng của tâm theo sự giật dây phiền não từ thô đến vi tế đều là khổ khổ.

Hoại khổ là cái khổ do vô thường, biến hoại của tất cả mọi sự vật hiện tượng trên thế gian này. Cái khổ này khó nhận diện hơn cái khổ tâm lý ở trên. Tất cả mọi thứ đều biến diệt, chẳng có cái gì tồn tại mãi, chẳng có cái gì là bền vững để có thể nương tựa vào. Nó là khổ. Cái khổ này cũng có thể nhận diện được bằng tư duy, quan sát, nó hiển hiện trong cuộc sống ở mọi nơi, mọi lúc. Một trạng thái cảm xúc lâng lâng, một cảm giác hạnh phúc nào đó...đối với một người bình thường họ say mê tận hưởng và khao khát kéo dài, thèm muốn có lại nó. Nhưng đối với một người có tư duy sâu sắc, họ lại thấy một sự thật luôn thấp thoáng đằng sau là không thể duy trì hoặc níu kéo được những điều này, sớm muộn gì rồi nó cũng tàn phai, và bất cứ những gì họ khao khát, hướng tới cũng sẽ đều tàn phai như một ảo mộng phù du như thế...Họ thấy được sự vô nghĩa của cuộc đời, của mọi mục đích mà họ đang hướng đến. Vô nghĩa là đau khổ. Khi háo hức tìm đến cuộc vui, giữa cuộc vui và sau cuộc vui, sự biến diệt, sự vô nghĩa luôn thấp thoáng đằng sau, như một món nợ phải trả, trả hoài không hết.

"...Cuộc vui đã tan rồi, Nỗi cô đơn còn lại, Ngơ ngác bước chân di, Giữa cuộc đời vô định, Vô thường ơi vô thường, Cuộc sống chính là ngươi"

Đau khổ thật sâu, thật tột cùng bế tắc. Chả trách mà nhiều nhà triết gia phương Tây, hay những nghệ sỹ lớn có tâm hồn nhạy cảm, sâu sắc về cuối đời thường phát điên vì bế tắc, vì đau khổ không lối thoát (bởi vì họ chỉ biết nghĩ, nghĩ và nghĩ).

Trong quá trình tu tập, có những giai đoạn chúng ta chạm chán với nỗi khổ này, khi trí tuệ trực giác nhìn thấy bản chất vô thường của mọi hiện tượng thân tâm biến diệt liên tục, chẳng có gì trường tồn, chẳng có gì đáng nương tựa... Những người có tâm hồn người hướng mạnh về con đường tâm linh, sống giữa cuộc đời đa phần đều có cùng cảm giác mất phương hướng, vô nghĩa, đớn đau, khắc khoải ấy khó sẻ chia ấy. Có khi chúng ta cảm thấy bế tắc, cảm thấy vô nghĩa, cảm nhận nỗi khổ thật sâu, thật dai dẳng mà chẳng thể tỏ bày, chẳng thể giải quyết... Nếu không có sự hiểu biết và đức tin về con đường mình đang đi, con người ta thường trút cái phản ứng với sự vô nghĩa ấy lên cuộc đời, lên hoàn cảnh, lên những người xung quanh hay lên chính bản thân mình. Lạc lõng, cô đơn và khắc khoải, ngoay ngoắt một con đường...

Cho đến khi con hiểu rõ tận cùng về khổ, hành khổ, thì chỉ còn lại cảm giác giải thoát và thanh thản, bình yên đến tận cùng cuộc sống...Cảm giác hạnh phúc vô điều kiện, hạnh phúc xuất thế gian, đáng là đích đến của hành trình cả một đời người.

"Thời gian lặng lẽ trôi Đêm ngày qua qua mãi Ai đem tâm niệm tưởng Sợ hãi tử vong này, Tuổi tác buổi thanh xuân, Viễn ly danh cùng lợi, Giã từ không trở lại, Cực lạc chính là đây..." (Lời cảm hứng của Đức Phật trong kinh Tiểu bộ).

Hành khổ là cái khổ sâu sắc nhất và khó nhận ra nhất. Thấy rõ hành khổ chỉ có thể bằng trí tuệ trực giác, thông qua quá trình thuần túy ghi nhận, quán sát liên tục, một cách khách quan tất cả các hiện tượng thân tâm trong hiện tại đang diễn tiến từng giây từng phút. Nó là cái khổ vô điều kiện, bản chất khổ của tất cả mọi thứ trên thế gian này. Bản thân sự hiện hữu, sự có mặt của một cái gì đó đã là khổ. Bản thân sự có mặt của các hiện tượng thân tâm ngay ở đây và bây giờ đã là khổ: "Ngũ thủ uẩn: sắc-thọ-tưởng-hành -thức hay nói nôm na thân tâm này là khổ".

Trí tuệ trực giác phát triển qua quá trình quán sát khách quan và lâu dài các hiện tượng thân tâm đang diễn tiến sẽ trực nhận cái khổ này, trực nhận đến tận cùng sâu thẳm để chạm vào được bến bờ giải thoát - chạm tới được một "thế giới" hoàn toàn không còn đau khổ, chỉ có sự an lạc vĩnh viễn, thế giới vô vi - không tạo tác, thế giới vắng bóng tham sân si bản ngã..Niết Bàn, hạnh phúc tối thượng.

"Đói ăn, bệnh tối thượng Các hành, khổ tối thượng, Hiểu như thực là vậy, Niết Bàn, lạc tối thượng" (Lời Đức Phật trong Kinh Pháp Cú).

Khi có nguời hỏi hành là gì, Thầy có một câu định nghĩa nôm na hơi hài hước như thế này: tất cả những gì ngọ ngoạy là hành (thân ngọ ngoạy, cảm giác ngọ ngoạy, tâm ngọ ngoạy, mọi thứ gọi là "mình" đều ngọ ngoạy). Bởi vì ngọ ngoạy chẳng yên nên nó khổ, nó bất an. Hiểu được cái khổ tối thượng triền miên ấy là dứt bỏ được nó để vào "thế giới" không ngọ ngoạy, thế giới bình an tuyệt đối - Niết Bàn.

Chính vì vậy, trung tâm của giáo lý Đức Phật dạy là Tứ Diệu đế - Bốn sự thật về khổ: Khổ, Nguyên nhân của khổ, Sự diệt khổ và Con đường diệt khổ. Đức Phật như một vị bác sỹ chữa bệnh tâm, xem xét triệu chứng bệnh, chẩn đoán bệnh, đề ra phác đồ điều trị và tiên lượng kết quả điều trị. Những việc còn lại: uống thuốc (tu tập) là hoàn toàn công việc của bệnh nhân chúng ta. Đức Phật chỉ là người chỉ đường.

Con đường thật rõ ràng và đơn giản. Và cũng đã có người thầy vĩ đại là Đức Phật và vô số bậc thánh tăng đã từng đi và truyền lại cho chúng ta. Mỗi bước đi là một bước chân giải thoát, mỗi phút giây quay về với chánh niệm là một bước tiến gần tới Niết Bàn. Có thể bến bờ ấy chỉ cách chúng ta có vài bước chân nữa thôi, bởi vì ai biết được chúng ta đã cất bước khởi hành từ những kiếp nào trong quá khứ xa xôi. Không đã từng đi làm sao kiếp này con có duyên gặp được chánh pháp và có đức tin với chánh pháp giữa rừng tà kiến mênh mông như thế, đúng không! Mong sao con sớm đặt chân lên miền đất phúc lạc tối thượng ấy, mong rằng cuộc sống làm người của con không hề uổng phí. Đức Phật, Chư Thánh Tăng và thầy vẫn luôn đồng hành bên con trên con đường cao thượng ấy!

Gửi tới con rất nhiều tâm từ của thầy.

Thầy

Nguồn: vietcode.vn
Previous Post
Next Post