Tứ Chánh Cần

Hỏi: Kính bạch thầy, xin thầy chỉ dạy Tứ Chánh Cần, các pháp ác chưa sanh không cho sanh, các pháp ác đã sanh phải đoạn diệt, các pháp thiện chưa sanh làm cho sanh, Các Pháp thiện đã sanh làm cho tăng trưởng.

Nếu dựa vào bài kinh này, qua ngôn ngữ nói trên mà không có người triển khai thành pháp hành để hiểu biết cách thức tu tập theo con đường của Đạo Phật, thì khó có ai tu tập được Tứ Chánh Cần.

Vậy con xin hỏi thầy, làm thế nào ngăn chận và đoạn dứt các pháp ác và làm thế nào các pháp thiện chưa sanh lại sanh và tăng trưởng chúng?

Đáp: Nếu muốn tu tập Tứ Chánh Cần, chúng ta cần phải hiểu pháp thiện và pháp ác như thế nào cho đúng như trong kinh Phật đã dạy?

Pháp ác thì cũng vô lượng mà pháp thiện thì cũng có vô lượng, do số lượng quá nhiều, ta làm sao biết đâu mà tu hành cho đúng pháp thiện và pháp ác?

Muốn biết pháp thiện và pháp ác thì chúng ta phải theo lời Phật dạy trong kinh Thập Thiện. Kinh Này dạy rất rõ có 10 pháp Thiện và 10 pháp Ác và Mười pháp Thiện. Lấy Mười pháp Thiện và Mười pháp Ác áp dụng vào Tứ Chánh Cần thì mới đúng đường lối tu tập mà đức Phật đã hướng dẫn.

Áp dụng vào Tứ Chánh Cần, trước tiên chúng ta phải hiểu rõ bao nhiêu pháp pháp thiện và bao nhiêu pháp ác, pháp thiện như thế nào? Và pháp ác như thế nào?

Mười Pháp thiện là:

1-Không giết hại chúng sanh, không xúi bảo người giết hại, thấy người giết hại không vui theo, thường can ngăn người giết hại chúng sanh.

2-Không gian tham trộm cắp lấy của không cho...., dù cây kim sợi chỉ, vật nhỏ mọn nhất nếu người không cho thì không bao giờ lấy.

3- Không tà dâm, có nghĩa là chồng hay vợ không được gian dâm với người khác, vì gian dâm với người khác tạo ra cảnh bất an trong gia đình mình và gia đình người khác, khiến tan nát cả hai gia đình, đó là một ác pháp làm đau khổ mình và đau khổ người và khổ cho con cháu của chúng ta.

4-Không nói dối, có nghĩa là chuyện có nói có, chuyện không nói không, chứ không nói lừa đảo, lường gạt người khác bằng miệng lưỡi.

5-Không nói lưỡi hai chiều nghĩa là không nói lật lọng tức là không nói qua nói lại.

6- Không nói lời thêu dệt nghĩa là đến chỗ này nói xấu chỗ kia, đến chỗ kia nói xấu chỗ này.

7-Không nói lời hung ác nghĩa là không nói lời dữ tợn, không chửi rủa người khác, không nói lời chửi thề, không nói lời tục tĩu.

8- Không ham muốn nghĩa là không ham muốn những gì mình chưa có, dù mình đã có vật đó cũng không ham muốn.

9-Không sân hận nghĩa là không tức giận, giận hờn ai hết.

10-Không si mê nghĩa là không tham ăn, tham ngủ, không làm khổ mình, khổ người, tránh xa các pháp ác, lìa tất cả lòng ham muốn của minh, luôn luôn sống không làm khổ người khác và không làm khổ tất cả chúng sanh.

Ngược lại là 10 pháp ác, bây giờ chúng ta đã rõ 10 pháp thiện và 10 pháp ác, nếu ngăn chận và đoạn diệt 10 pháp ác được thì ngay đó là sanh khởi và tăng trưởng mười Pháp thiện. Muốn được vậy chúng ta phải ở trên pháp nào để tu tập cho có kết quả?

Như đức Phật đã dạy: Trên pháp Tứ Niệm Xứ chúng ta quán thân trên thân tu về hành tướng ngoại tức là tu trong các hành động của thân (Thân hành niệm ngoại). Tu về Thân Hành Niệm ngoại, tức là tu “Chánh Niệm Tỉnh Giác Định”, đó là một pháp môn ngăn các ác pháp tuyệt vời.

Nếu trên thân quán thân tu về hành tướng nội, thân hành niệm nội tức là hơi thở. Nếu tu về hơi thở thì coi chừng chúng ta sẽ bị lầm lạc vào những pháp môn của các Tổ như: Sổ Tức Quán, Lục Diệu Pháp Môn v.v...Đó là những pháp môn hơi thở tu ức chế tâm, còn tu về hơi thở của Đạo Phật thì không phải là những pháp môn này. Trong kinh sách Nguyên Thủy gọi pháp môn này là “Định Niệm Hơi Thở”, Định Niệm Hơi Thở cũng là một pháp môn ngăn ác tuyệt vời.

Hai loại Thiền định này là pháp môn ngăn chận mười ác pháp, nếu hành giả siêng năng, chuyên cần, tinh tấn tu tập thì các pháp ác không xen vào được trong tâm minh. Vì thế tâm không phóng dật, luôn hướng vào trong thân và định vào thân, tâm hồn hành giả lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự, cuộc sống trở thành trầm lặng, Thánh thiện độc cư.

Nếu các pháp ác đã sanh làm cho tâm hồn đau khổ, phiền toái, buồn lo, giận hờn v.v...thì phải mau lo đoạn diệt. Vậy đoạn diệt các pháp ác bằng pháp môn nào?

Nếu muốn đoạn diệt các pháp ác thì phải tu pháp môn “Tứ Niệm Xứ”. Tu pháp môn Tứ Niệm Xứ là phải ở trên thân quán thân tu về nhân tướng, tức là tu về “Định Vô Lậu” quán xét thân, thọ, tâm và các pháp bằng “Luật Nhân Quả”; bằng “tam ấn Pháp” vô thường, khổ, vô ngã v...v...bằng quán Thập Nhị Nhân Duyên; bằng quán Tứ Diệu Đế; bằng quán thân ngũ uẩn không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta và bằng quán thân, thọ, tâm, pháp bất tịnh, hôi thúi, uế trược, bẩn thỉu v.v...

Nhờ có tu tập như vậy, các pháp ác mới đẩy lui được, mới đoạn dứt được, mới đem lại sự thanh bình cho tâm hồn, mới làm nên một cuộc cách mạng tư tưởng, mới chiến thắng được tâm mình “Thắng trăm trận không bằng chiến thắng tâm mình”. Lời Phật dạy như vậy!.

Khi ngăn chận được các ác pháp thì tâm bây giờ lúc nào cũng ở trong thiện pháp tức là sanh trưởng thiện pháp. Nói cách khác là ngăn chận ác pháp tức là sanh trưởng thiện pháp Như kinh Thập Thiện dạy Mười ác pháp không có mặt tức là 10 Thiện pháp có mặt.

Như vậy, ta chỉ cần ngăn chận 10 điều ác tức là ta đã sanh khởi 10 điều thiện, hay nói một cách khác nữa, ngăn chận 10 điều ác là một tên khác của sự sanh khởi 10 điều thiện.

Đoạn dứt ác pháp tức là tăng trưởng thiện pháp, nói cách khác là tăng trưởng thiện pháp là tên khác của sự đoạn dứt ác pháp.

Tóm lại ngăn chận ác pháp thì phải tu Định Niệm hơi thở và Định Chánh Niệm Tỉnh Giác.

Muốn đoạn dứt các ác pháp thì phải tu Định Vô Lậu. Có tu tập như vậy, thì “ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT” mới xứng đáng là đạo lộ cho những người đệ tử của đức Phật bước đi. Dù gian nan, có khó nhọc đến đâu, nhưng tương lai vẫn sáng chói huy hoàng. “Đường Về Xứ Phật” sẽ đưa đường dẫn lối cho quí vị đến nơi chốn giải thoát hoàn toàn.

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Trích dẫn ĐVXP, tập VI, trang 134-142. Năm 1999.
Xem thêm: Thắng trí đoạn trừ sắc, thân tứ đại là vào cứu cánh
*****
Tri kiến giải thoát là gì? Là một sự hiểu biết mà làm cho tâm mình không dao động, làm cho tâm mình không đau khổ. Đó là sự hiểu biết của ý thức của chúng ta, chứ không có gì, đó gọi là Tuệ. Cho nên gọi là tri kiến giải thoát, sự hiểu biết giải thoát đó là danh từ trong kinh điển.
...
Hôm nay các con đã hiểu biết về cái phần của Định Vô Lậu, nó là một phương pháp rất quan trọng của Đạo Phật. Khi mà chúng ta tu Tứ Chánh Cần thì chúng ta có 4 pháp:

• Pháp thứ nhất thì chúng ta thấy Đức Phật dạy chúng ta Chánh niệm tỉnh giác tức là đi kinh hành như Thầy dạy hôm qua mấy con thấy. Chánh niệm Tỉnh giác có 4 cách đi kinh hành.

• Rồi dạy chúng ta Định niệm hơi thở. Thì các con thấy đó là Định niệm hơi thở có từ cái hơi thở (từ bài Xuất tức, nhập tức tức là bài dạy về hơi thở), có 16 đề mục. Thân hành niệm có 2 đề mục. Giới của Sadi dạy cho La Hầu La thì thêm 1 đề tài nữa. Tức là 19 đề mục của Định niệm hơi thở.

• Đồng thời Đức Phật dạy lại cho chúng ta Định Vô Lậu và Định Sáng Suốt. Đó là 4 loại định mà đầu tiên chúng ta tu tập. Nhưng Định Sáng Suốt chỉ là sự nghỉ ngơi sau những lúc chúng ta tập các pháp, như tập thân hành niệm, tập định niệm hơi thở, tập chánh niệm tỉnh giác, hoặc tập Định Vô Lậu, rồi sau đó tập định thư giãn tức là nghỉ ngơi.

Cho nên, trong 4 loại định này thì cái định quan trọng nhất ở trong 4 phương pháp tu tập này ngăn ác diệt ác pháp để sinh thiện tăng trưởng thiện đó là Định Vô Lậu, vì vô lậu tức là ngăn và diệt tất cả ác pháp. Rất là quan trọng. Nó là một phương pháp và một đề tài mà tu tập cho người tu để được giải thoát, để được mục đích chứng được đạo quả A la hán thì người đó là người phải tu Định Vô Lậu. Ngoài Định Vô Lậu tu thì chúng ta sẽ bị ức chế tâm. Nếu chúng ta tu Định niệm hơi thở không khéo thì chúng ta cũng sẽ bị ức chế tâm. Nếu chúng ta tu Chánh niệm tỉnh giác không khéo thì chúng ta cũng bị ức chế tâm. Trừ ra có Định Vô Lậu là không bị ức chế tâm, vì triển khai sự hiểu biết của chúng ta để từ hiểu biết đó mà làm chủ xả được tâm chúng ta. Cho nên chúng ta không còn phiền não, không còn khổ đau, không còn ham muốn, không còn giận hờn, không còn si mê, thì đó là Định Vô Lậu. Cho nên Định Vô Lậu rất là quan trọng.

Một người có sự hiểu biết về nhân quả mà không xả được tâm là người đó chưa hiểu nhân quả, chưa hiểu nhân quả. Cho nên vì có sự hiểu biết mà chưa nhu nhuyễn, chưa thấm nhuần. Như khi các con làm bài luận cho Thầy, viết nó rất đúng không sai chút nào mà sao thấy tâm con không xả được, mỗi lần có ác pháp thì con có phiền não. Thì tự hỏi mình có hiểu biết nhưng có thấm nhuần được cái này chưa? Mà chưa thấm nhuần thì cách thức để mà tu tập Định Vô Lậu tức là làm cho nó nhu nhuyễn, thấm nhuần được cái lý nhân quả, cái lý của Định Vô Lậu là chúng ta xả tâm mình mới dễ dàng. Do đó muốn thấm nhuần, thì hiện giờ, thay vì một người học trò họ phải học cho thuộc lòng một cái bài như thế này để rồi trả bài cho một ông Thầy giáo. Sau khi họ trả bài rồi, dù như thế nào họ đã học thuộc thì chắc chắn nó cũng phải nhớ trong lòng họ, dù năm năm, mười năm sau họ cũng còn nhớ chứ không phải quên, gọi là người học trò học thuộc bài. Còn người không học thuộc bài là người đó chưa thấm nhuần được bài đó.

Mục đích của chúng ta ở đây làm cái bài, rồi từ đó chúng ta học cái bài, hằng ngày đọc tới đọc lui để thấm nhuần cái lý nhân quả để từ đó các ác pháp tác động, thì khi chúng ta thấm nhuần thì chúng ta sẽ dễ dàng xả tâm mình.

Ví dụ như Thầy nói như thế này mấy con thấy, bởi vì chương trình giáo dục đào tạo của Đạo Phật giúp cho tâm chúng ta vô lậu với Chương trình giáo dục của Bộ Giáo Dục dạy chúng ta học chữ cũng giống nhau, nó không khác. Thầy dạy các con làm toán mà các con không thuộc Cửu chương thì làm sao các con làm toán được, có phải không? Không thuộc Cửu chương làm toán nhân được mấy con. Cho nên buộc mấy con phải làm toán nhân. Khi Thầy nhớ lúc nhỏ Thầy học cửu chương, ông Thầy ổng dò cửu chương, bắt từ đầu đến cuối bảng cửu chương Thầy đọc vanh vách, nhưng mà hỏi bắt dọc bắt ngang thì nhiều khi Thầy hổng có nhớ, các con hiểu không? Mà khi một đứa học trò mà thấm nhuần được Bảng cửu chương hỏi đâu nó trả lời đó, không bao giờ trả lời sai. Vì vậy mà khi chúng ta tu Định Vô Lậu nó phải thấm nhuần như học Bảng cửu chương. Để làm gì? Ác pháp nó tác động vào chúng ta không phải lựa nữa, nó tác động vào biết ngay liền để mà xả tâm, gọi là thấm nhuần được Định Vô Lậu. Nói Vô Lậu thực sự mà phải thấm nhuần bằng tri kiến của chúng ta.

Cho nên, hôm nay lớp học này, buộc lòng mấy biết tự mình triển khai cái hiểu biết của mình ra. Rồi bắt đầu từ đó mấy con sẽ thấm nhuần bằng sự đọc đi đọc lại rất nhiều lần, tức là quán. Các con nghe nói Định Vô Lậu hay là thiền quán không? Quán tức là tư duy, suy nghĩ, quán xét làm cho thấm nhuần được cái điều đó gọi là thiền quán. Cho nên Định Vô Lậu thì chúng ta phải hiểu nó là thiền quán, để Tâm Bất Động. Mà Tâm Bất Động thì có danh từ Đức Phật nói Bất Động Tâm Định, hay là có cái tên nữa, cái tên của Bất Động Tâm Định gọi là Vô Tướng Tâm Định. Nó không còn cái tướng dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu cho nên gọi là Vô Tướng Tâm Định.

Như vậy mấy con hiểu rằng Đạo Phật dạy chúng ta rất rõ ràng nhưng tại sao chúng ta không giải thoát? Là tại vì chúng ta tu không thấm nhuần, không nhu nhuyễn. Cho nên đức Đức Phật nói : “Tâm định tĩnh nhu nhuyễn dễ sử dụng”. Khi tri kiến chúng ta nhu nhuyễn dễ sử dụng thì chúng ta sẽ chuyển hóa tất cả những nỗi khổ đau trong thân tâm chúng ta. Các con thấy rõ, như bây giờ mình chưa nhu nhuyễn, chưa dễ sử dụng thì mình đâu có làm sao mà khỏi sự phiền não, khỏi sự đau khổ khi ác pháp tác động vào.

Cho nên sự tu tập là sự phải rèn luyện, tập luyện nhu nhuyễn, đúng cách. Mà đúng cách là như thế nào? Là phải làm những bài như thế này. Ngày nào tới giờ các con thấy người học chữ thì người ta có làm bài, nhưng làm bài để người ta tiến tới học văn, viết văn này kia. Còn chúng ta học là để mục đích chúng ta là mọi ác pháp tác động vào sự hiểu biết đó nó sẽ làm chúng ta bất động, không còn dao động nữa.

Cho nên hôm nay thì mấy con được Thầy sắp xếp từng trình độ, mấy con không hiểu biết không có nghĩa là mấy con dở. Mấy con cứ nghĩ rằng mình đi học mà, mình đi tu mà, chỗ không biết mình sẽ học và mình biết. Đừng có nghĩ rằng Thầy sắp xếp cái lớp của mấy con vào cái lớp để mấy con vào học, mấy con đừng có mặc cảm. Mình dở thì mình cứ học cái lớp căn bản được giảng, giải thích rõ ràng rồi từ đó mình ghi nhớ được những gì mình đã học, mình lại viết ra. Mỗi lần mình viết ra là mình thuộc thêm một mớ, mình hiểu thêm một mớ. Và cố gắng như vậy rèn luyện mình trong một năm, Thầy nghĩ rằng cái Định Vô Lậu mà các con học một năm thì tâm mấy con sẽ được giải thoát, không còn khổ đau. Bởi vì các con quá thông rồi. Ráng cố gắng mà học tập.

Thầy nghĩ rằng cái lớp này là cái lớp đi đến chỗ sự thật, chúng ta phải thấy sự giải thoát thật sự, chớ không phải là nói mà không giải thoát. Cho nên phải ráng học và phải ráng siêng năng làm bài, và phải tập tỉnh thức, phải tập Chánh niệm tĩnh giác. Là vì chúng ta biết đêm chúng ta còn có sự thiếu tĩnh giác, nếu không tập đi kinh hành thì chúng ta sẽ bị hôn trầm, thùy miên làm chúng ta mờ mịt và sự mờ mịt đó làm chúng ta không định tĩnh.

Nghe danh từ Đức Phật dạy: “Tâm định tĩnh nhu nhuyễn dễ sử dụng”, mà chúng ta không chịu tập chánh niệm tĩnh giác thì làm sao định tĩnh? Vì vậy phương pháp mà chúng ta đi kinh hành, 4 giai đoạn đi kinh hành là tập chúng ta định tĩnh. Người nào cứ nghĩ rằng tôi tập Định Vô Lậu là sẽ giải thoát, nhưng mấy con thiếu định tĩnh thì mấy con sẽ bị mờ mịt liền tức khắc mà không còn đủ tri kiến để đương đầu với ác pháp. Còn trái lại, mấy con có sức định tĩnh nhưng mấy con không đủ tri kiến giải thoát thì mấy con sẽ bị ức chế tâm. Cho nên Đức Phật ghép lại những từ để chỉ cho chúng ta cái tâm của chúng ra được giải thoát, thì Đức Phật nói: “Tâm định tĩnh nhu nhuyễn dễ sử dụng”. Khi nó định tĩnh, nhu nhuyến, dễ sử dụng, tức là nó đầy đủ cả Chánh niệm tĩnh giác và Định Vô Lậu thì nó mới đủ sức để đương đầu với ác pháp, nó mới hóa giải được tâm của chúng ta.
...

Bài ghi chép pháp âm lớp Chánh kiến, thuộc văn nói - Trưởng lão Thích Thông Lạc giảng, do nhóm Phật tử Chân Như thực hiện.
Previous Post
Next Post