Hài kịch sân khấu: Mua vui hay đầu độc?

Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim con người. Nghệ thuật không phải điều nghệ sĩ thấy mà là điều họ khiến người khác thấy. Thế nhưng, một bộ phận hài kịch sân khấu hiện nay đang đi ngược lại với những giá trị căn nguyên mà nghệ thuật mang lại cho con người. Chính người nghệ sĩ không có tâm đã tạo nên những tác phẩm không có tầm; hài kịch bạo lực, lố lăng đang tạo ra những tiếng cười vô duyên.

Lượng thừa chất thiếu

Số lượng chưa chắc đồng hành cùng chất lượng khi các sản phẩm hài đã và đang có phần biến tướng, sa vào sự nhảm nhí và lai căng, trong khi các nghệ sĩ, kịch bản hay ngày càng khan hiếm. Truyền hình phát sóng với tần suất dày đặc, nhiều đến nỗi khiến người xem bội thực, từ Thử thách danh hài, Ơn giời! Cậu đây rồi cho đến Đấu trường tiếu lâm, Học viện danh hài, Làng hài mở hội, Bí mật đêm Chủ nhật, Hội ngộ danh hài… Có thể nói, các chương trình hài như vậy đã “được mùa” từ khoảng ba năm trở lại đây, và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu bão hòa khi mà những chương trình mới vẫn liên tục xuất hiện.

Không khó lý giải tại sao các show diễn và chương trình hài nở rộ trên truyền hình. Suy cho cùng, nhu cầu giải trí là nhu cầu chính đáng của con người. Nhưng giải trí lành mạnh đi liền với việc thụ hưởng những giá trị văn hóa tích cực. Tuy nhiên, có thể thấy cách sản xuất hiện nay hoàn toàn theo lối "mỳ ăn liền", “ăn xổi”.

“Nghệ thuật vị nhân sinh” hay không? Khi mà chúng ta chua chát nhận ra một số người làm nghệ thuật hiện nay có tư tưởng “nghệ thuật vị... nghệ sĩ”. Họ xuất hiện dày đặc trong quá nhiều, “chạy sô” với mức thù lao cao ngất ngưởng, nghệ sĩ hài không có thời gian để nạp năng lượng và tái tạo sức sáng tạo. Những gương mặt quen thuộc của làng hài như: Trường Giang, Trấn Thành, Việt Hương, Hoài Linh… xuất hiện ở hầu hết các chương trình. Nghệ sĩ không có tâm, tác phẩm không có tầm và những hệ quả xấu đang diễn ra.

Hài kịch hay bi kịch?

Theo một phạm trù mỹ học, đỉnh cao của hài kịch là bi kịch nhưng một bộ phận hài kịch Việt hiện nay chưa đẩy lên đến đỉnh cao đã nhác trông thấy bóng dáng bi kịch. Không phải bi kịch tạo ra trên sân khấu mà là bi kịch hậu đài. Văn hóa tinh thần người Việt đang xuống cấp trầm trọng bởi một lối tấu hài dung tục, bạo lực.

Những màn ôm hôn thô thiển, các màn giả gái hay giả đồng tính phản cảm, sử dụng ngôn từ thô tục, bạo lực. Diễn viên mở miệng một câu “con điên tao táng vào mặt mày bây giờ”, “chết mẹ”, “mả cha mày”. Mỗi một cú đấm, cái tát là cả một tràng cười “hoan hỉ”. Bạo lực thực tế đi vào tác phẩm nghệ thuật hay chính tác phẩm nghệ thuật “dạy hư” cả một thế hệ. Báo lá cải nhan nhãn chuyện “cướp giết hiếp”, sân khấu thì mua vui bằng bạo lực. Những thứ nếu ăn sâu vào tiềm thức sẽ trở thành nguy hiểm, đừng biến tiềm thức người Việt trở nên “vô nhân tính”.

Tệ hơn, một số tác phẩm sân khấu kinh điển và các tích truyện trong kho tàng văn học dân gian… cũng bị đem ra “chế”, xuyên tạc một cách khó chấp nhận. Đây rõ ràng là một việc làm vô cùng phản giáo dục. Một tác phẩm nghệ thuật trước hết là phải đẹp, đẹp từ ngôn từ đến sân khấu, phục trang, diễn xuất. Từ đó mang lại giá trị giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ.

Việc vận dụng lối nói vần vè vốn được sử dụng từ lâu trên sân khấu nhưng với dụng ý tạo hiệu ứng tích cực. Song có những nghệ sĩ lại khiến ngôn từ trở nên kệch cỡm, tạo hiệu ứng tiêu cực, ảnh hưởng đến tư duy, lối sống của người trẻ như câu nói trích đoạn trong tiểu phẩm gần đây như sau: “Giới trẻ mà đừng có tìm hiểu lâu quá, thích thì mình bụp đi. Dân chơi bốn mùa lá đổ, khi nào đổ hết lá thì khỏi chơi. Vui là chính dính thì vui. Thích thì chiều khiều thì chích. Theo chế độ ba đê. Được Đớp Đẻ luôn”.

Một bộ phận hài kịch hiện nay đang “cưỡng bức” thị hiếu, cưỡng bức “văn hóa” ngay trên sóng truyền hình. Đáng chú ý, không chỉ phát sóng trên truyền hình, các chương trình này còn phát lại kênh riêng trên Internet, qua YouTube hoặc mạng xã hội, mức độ lan tỏa rất lớn. Nội dung trên đó nhiều khi là bản gốc cho nên chưa được biên tập, kiểm duyệt, do vậy độ phản cảm được phát tán không giới hạn. Ăn theo đó là hiện tượng vô số nhóm hài trẻ, nghiệp dư cũng ra sức câu khách bằng các clip tiểu phẩm hài với lối diễn táo bạo, chua ngoa, kịch bản khai thác các vấn đề nhạy cảm, giật gân một cách thiếu tinh tế.

Không ít nghệ sĩ đổ lỗi cho người xem, ngụy biện “có cung mới có cầu”, “mọi người vẫn cười đấy thôi”, nhưng nghệ sĩ chân chính là người biết định hướng, nâng tầm tiếp nhận văn hóa chứ không đơn thuần đáp ứng dư luận.

Quay lại lộ trình

Cần để nghệ thuật trở lại lộ trình của nó, đem những giá trị tích cực đến với đời sống. Nhưng trước hết phải nhìn nhận rằng, sở dĩ nhiều chương trình hài rơi vào tình trạng nhạt và nhảm là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự kiểm duyệt còn lỏng lẻo của các nhà quản lý, cộng thêm thái độ bất chấp của các nhà sản xuất chỉ nhằm thu được lợi nhuận. Ngoài ra còn là cả sự dễ dãi của không ít nghệ sĩ, diễn viên.

Những tác phẩm bẩn sẽ làm tâm hồn bẩn. Sẽ thật đáng tiếc  nếu không biết thu hưởng nghệ thuật nhưng còn đáng tiếc hơn nếu dạy nhau bằng nghệ thuật theo kiểu kệch cỡm, vô đạo. Công tâm mà nói, để tìm người thực sự có tài trong lĩnh vực hài hiện nay thật là điều khó khăn. Nghệ thuật là văn hóa ứng xử, là kiến thức, là cái tâm của người làm nghề. Nên trước hết để đưa hài kịch trở lại lộ trình, những người làm nghệ thuật đặt cái tâm của mình vào tác phẩm nhiều hơn, đừng chỉ chạy theo đồng tiền, đừng để khi đồng tiền lên tiếng thì chân lý phải nín lặng.

Previous Post
Next Post