Điều cần phân biệt rằng, dù là “lá cải” nhưng nó vẫn là một thể loại báo chí, nhất thiết vẫn phải tôn trọng sự thật.
Chuyện báo lá cải của Việt Nam dạo gần đây bị mọi người lên án nhiều, nhiều đến nỗi không bút nào tả hết. Rồi cả chuyện những tờ báo “bút chiến” nhau, đưa thông tin sai sự thật,... vô hình chung đã biến bức tranh báo chí của nước ta trở nên bát nháo, nhiều người chê, từ ngữ quen thuộc mà người đọc dùng để mỉa mai đó là “báo lá cải”.
Theo định nghĩa, “báo lá cải” là một thể loại báo chí tập trung khai thác các chủ đề về tội phạm gây xúc động mạnh, bói toán, buôn chuyện đời tư của các ngôi sao giải trí, thể thao, hay đưa tin giật gân, câu khách.
Thực chất, cái tên “lá cải” bắt nguồn từ khổ báo, nhưng lâu dần, từ khi báo mạng ra đời và trở thành một loại hình văn hóa thiết yếu như hôm nay thì người ta quen dùng tên này để chỉ chất lượng của một tờ báo hoặc cách tờ báo ấy phản ánh sự thật.
Điều cần phân biệt rằng, dù là “lá cải” nhưng nó vẫn là một thể loại báo chí, nhất thiết vẫn phải tôn trọng sự thật.
Có thể hiểu như sau, báo chí chính thống nhìn một cô gái bắt đầu từ khuôn mặt, những việc cô ấy làm, hành động và ứng xử của cô ấy trước truyền thông, nhưng còn báo “lá cải” thì chọn điểm nhìn từ ngực, đùi, hay từ gót chân của cô gái đó thì điều quan trọng nhất vẫn phải phản ánh sự thật.
Qua lăng kính của “lá cải”, góc nhìn được nới rộng ra, hoặc có thể đặt sự vật vào một hệ quy chiếu khác để người đọc có nhiều sự lựa chọn khi tiếp cận một vấn đề, quy tắc là phải hiểu được trách nghiệm lớn lao của mình với bạn đọc, chỉ phản ảnh sự thật, không bóp méo.
Báo “lá cải” là một thành phần của báo chí nói chung, nó dành cho bạn đọc chọn “lá cải” và nhận thức được mình đang đọc gì, những thông tin được phân tích và nhìn nhận theo góc nhìn của “lá cải”. Nhưng hiện nay, lại có thứ báo chí sai sự thật núp dưới cái gọi là “lá cải”, cậy mình là “lá cải” nên nói gì cũng được, giật tít không ăn nhập gì với nội dung, ảnh minh họa không liên quan đến nguồn tin, bút chiến với những tờ báo khác...
Tai tiếng của báo “lá cải” đa số gắn liền với việc giật tít tựa. Nguyên nhân chủ yếu mỗi bài viết cần có một cái tựa hay để thu hút độc giả, thế nhưng người đọc thì đa số là lười, chỉ đọc mỗi tít, xem hình, không đọc cẩn thận.
Thông thường, những tít báo có dấu chấm hỏi phía sau (?) thường là những thông tin được thu thập, và phân tích rồi đưa ra nghi án, nghi vấn chưa khẳng định, nhưng đôi khi lại gây ra hiểu nhầm cho người đọc bởi họ vô tình bỏ qua dấu hỏi chấm (?) và nghĩ mình đang đọc một thông tin “chuẩn không cần chỉnh”.
Nếu như có ai đó bị ảnh hưởng, cuộc sống của họ bị đảo lộn một cách oan ức, quay lại trách, hay thậm chí kiện tờ báo phát tin, họ nhún vai bảo rằng: tôi là “lá cải”. Nếu hiểu được “lá cải” thì không ai trách “lá cải”, nhưng số phận của loại báo này ở Việt Nam trớ trêu thay, nó chưa được khui biệt rạch ròi với báo chí chính thống.
Người ta đặt một món ăn vỉa hè lên một bàn tiệc sang trọng, đó là cách ví von khi mà thỉnh thoảng vẫn thấy “độp” một tin “lá cải” trong một tờ báo chính thống.
Và chạy theo lợi nhuận của mình, câu khách, số tin tức “lá cải” như thế lại ngày càng xuất hiện nhiều, nhiều đến nỗi những ai đọc báo mạng đều có hẳn một “hệ miễn dịch” hay có thể gọi là bộ lọc thông tin. Khi trở nên miễn nghe, miễn thấy, không có nhu cầu nhưng vẫn bị “lá cải” bủa vây, người đọc đã biết cách tặc lưỡi cho qua. Chính vì thế những thông tin nhảm, kém chất lượng, bóp méo sự thật, vẫn ngang nhiên hoành hành, lợi nhuận thu về còn lớn hơn những tờ báo chính thống khác.
Nghề báo chí cũng làm một nghề kiếm tiền như bao nghề khác, và như thế cách kiếm tiền đàng hoàng, trong sạch là phải tôn trọng độc giả, tôn trọng sự thật khách quan. “Lá cải” có tư cách của “lá cải”, không nói sai sự thật, không đặt chuyện để hại người, hủy hoại tư cách của một người. Đừng làm điều xấu, trái với quy tắc để rồi lại đổ lên đầu “lá cải” theo kiểu “cam làm quýt chịu”.
Đừng đánh đồng báo “lá cải” và sự dối trá!