Có một tỉ lệ nghịch rằng diện tích bê tông hoá trong xây dựng càng phát triển ra bao nhiêu thì có bấy nhiêu diện tích đất đai cỏ cây tự nhiên bị biến mất. Với tốc độ phát triển bê tông như ngày nay đến một lúc nào đó núi đá cũng sẽ vơi đi đất đai dành cho cỏ cây lại bị bê tông hoá đá! Sử dụng vô tư vật liệu từ bê tông lấn chiếm dần đất đai tự nhiên làm phương hại đến môi sinh đây là một thách thức mà từ trước đến nay dường như chưa từng được xem xét đến.
1. Khái niệm về Bê tông và thực tế sử dụng
Cụm từ “bê tông hoá” xuất hiện trong khoảng những năm gần đây khi đất nước ta đang trên đà phát triển kinh tế. “Bê tông hoá” được coi như một sự phát triển tích cực về mặt kinh tế và xã hội. Tuy nhiên đây còn là việc làm ta phải xem xét lại xuất phát từ mặt trái của nó tác hại đến môi trường sống. Cụm từ “Bê tông hoá” nội hàm của nó đã nói lên sự không thân thiện với môi trường sống tự nhiên.
“Bê tông hoá” những năm gần đây được đẩy mạnh phát triển trên nhiều hình thức trong đó vùng đô thị là nơi vốn đã đi đầu như nhà cao tầng đường phố sân chơi vỉa hè đều là bê tông. Ở nông thôn nhà lá và hàng rào truyền thống bằng cây xanh từ ngàn xưa ngày nay đã thay bằng nhà ở, hàng rào, lối đi là bê tông.
Trong nhiều dự án lớn của cấp quốc gia gần đây đều được mang tên “bê tông hoá” như bê tông hoá đê điều, bê tông hoá kênh mương, bê tông hoá đường nông thôn. Nhiều phát triển khác liên quan đến bê tông như: Phát triển đô thị hiện đại, độ thị hoá nông thôn, phát triển khu công nghiệp, phát triển mạng lưới giao thông đường liên xã huyện tỉnh quốc gia, đường tuần tra biên giới, sân bay bến cảng vv...
Bê tông là kết quả của các nguyên vật liệu sau khi được xử lý sẽ đông kết hoá đá vĩnh viễn rất thông dụng trong xây dựng. Bê tông quả đã đóng một vai trò lớn lao trong sự phát triển văn minh của nhân loại. Tuy nhiên trong nhiều ích lợi cũng có mặt bất lợi của nó, bản chất của bê tông là hoá đá vĩnh cữu đã nói lên điều này. Núi đá cây xanh còn có thể mọc lên thành rừng do có bề mặt mấp mô cùng nhiều hốc rảnh. Còn bê tông từ bàn tay con người làm ra nhẳn nhụi phẵng phiu không còn cơ hội cho cây xanh tự mọc được
Cũng như các loài động vật có thể làm hang hốc cư ngụ từ mương máng, đê bờ, đường đi bằng bê tông này. Nó đồng nghĩa với sự sống khó có thể sinh tồn trên bề mặt bê tông hay dưới khối bê tông đè nén vùi dập đây chính là những hệ luỵ mặt trái của bê tông hoá.
Chúng ta đã biết đến sự nguy hại của phóng xạ hạt nhân người ta muốn chôn vĩnh viển thảm hoạ nhà máy điện hạt nhân kiểu như Checnôpưn bằng nấm mộ bê tông, đủ biết bê tông là vật liệu lợi và hại như thế nào.
2. Những hệ luỵ từ bê tông hoá
Quan sát khu đô thị ngày nay nếu giả dụ cần phải đặt tên cho sát với cái đóng vai trò chủ chốt nhất thì phải gọi khu đô thị theo đúng nghĩa chính là: “khu bê tông hoá”.
Đúng vậy cái gì ở đây cũng được bê tông từ toà nhà đến sân, khuôn viên đường phố, sân vận động, bến xe ga tàu cho đến vỉa hè cống rãnh tất cả đều trở thành một khối bê tông khép kín. Nó đồng nghĩa với vùng đất vốn có ở dưới khối bê tông đô thị này vĩnh viển nằm trong bóng tối chôn vùi tất cả mọi sinh vật sống trong đất ở nơi đây! Theo quan niệm người á đông chúng ta mọi sự trong cuộc sống luôn được cân bằng hoà quyện âm và dương (trời đất). Vậy mà người dân sống ở đô thị ngày nay một phần trong quan niệm này bị thiên lệch vì chỉ còn sống với “khí trời” còn “khí đất” thì đã thực sự bị chôn vùi dưới lớp bê tông theo đúng nghĩa đen! Quan niệm con người sinh ra là từ cát bụi đến khi chết đi cũng thành cát bụi.
Vậy mà ở đô thị ngày nay mọi người không muốn thấy đất bụi tất cả đều bị bê tông bịt kín, một cọng cỏ cũng khó mà mọc lên. (Mà có mọc lên lại bị nhổ bỏ vì đơn giản: Để cỏ mọc nhìn không trơn tru!) Như vậy đã có cái bất ổn trong sự cần thiết phải sống gần gũi giữa con người với thiên nhiên, kể cả với quan niệm về phong thuỷ. Tuy nhiên điều quan tâm nửa là vùng đô thị đã phá vở chu trình khép kín về cung cấp nước trong tự nhiên. Từ nước mưa rơi xuống gặp mặt đất cùng cỏ cây nước từ từ ngấm xuống lòng đất cung cấp cho lượng nước ngầm dự trử.
Ở vùng đô thị do bề mặt toàn bê tông nước mưa trơn tuột chảy thẳng vào cống rãnh rồi được đổ ngay ra sông ra biển, không còn cơ hội nào cho nước có thể ngấm xuống vùng đất này! Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm khu đô thị đã là một thực tế rõ ràng. Xưa nay chúng ta vẫn nói rừng tự nhiên bị khai thác chặt hạ trở thành rừng cây thưa, đồi trọc gặp khi mưa nhiều nước không được cản trở chảy tuột nhanh nên đã gây ra lũ quét lũ ống. Điều này vô tình lại là "đồng minh" đối với vùng đô thị nước mưa ở đây cần phải chảy thật nhanh vì sợ ngập úng.
Trong thiên nhiên mưa chính là hình thái thiết yếu để đem lại cho sự sống điều này thì đã rõ vùng đô thị lại dựa hẳn sự cung cấp từ các nhà máy nước mà bỏ quên nguồn nước mưa chính thống. Thậm chí coi nước mưa là hiểm họa gây ngập lụt dù chỉ tạm thời hơn là ý nghĩa nguồn cội đem lại sự sống tốt tươi bổ sung đổi mới lượng nước tự nhiên bền vững. Đơn cử như sau những trận mưa lớn gây ngập ở thủ đô Hà nội là lại tốn không biết bao nhiêu là giấy bút chỉ để phân trần vì sao lại ngập lụt?
Vậy mà nó lại đơn giản thôi khi bê tông đã bịt kín mặt đất đô thị rồi, gần như 100% nước tuột chảy cùng lúc gặp khi mưa lớn kéo dài chính đô thị nơi đây lại trở thành vùng nước ngập. Bởi không hạ nguồn hay cửa sông nào có thể kham nổi khi lưu lượng nước chảy vượt quá khả năng tiêu thoát của nó nên gây ngập lụt là chuyện tất nhiên rồi. Trên đời này bao nhiêu trận lũ lụt đã xảy ra cũng đều thông qua cái nguyên tắc muôn thủa ấy.
Với đất nước có một nền văn minh lúa nước từ ngàn xưa ông cha ta đã biết lợi dụng vùng đất sẵn nước đồng thời tạo ra kênh đào, hồ ao, mương máng để dẫn thuỷ nhập điền. Trải qua hàng ngàn năm ngoài canh tác cây lúa nước người nông dân cũng đã tạo ra môi trường sống tự nhiên cho nhiều loài thủy sinh nước ngọt tôm cua cá cùng với chuổi thức ăn khép kín của nó. Từ ruộng lúa nước và hệ thống mương máng ao rãnh đã cung cấp nhiều nguồn lợi thuỷ sản nước ngọt tự nhiên cho người dân.
“Bê tông hoá kênh mương” ngày nay là dấu ấn của sự phát triển hiện đại tạo thuận lợi việc dẫn nước tưới tiêu cho cây lúa trên đồng ruộng. Tuy nhiên thuận lợi mặt này lại gây phương hại cho mặt khác “Bê tông hoá kênh mương” lại là sự cáo chung cho các loài tôm cua cá cùng chuổi thức ăn của nó trên đồng ruộng! Bởi lẽ khí hậu của nước ta có 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa, vào mùa khô kênh mương nội đồng bằng đất cát tự nhiên là nơi tá túc cuối cùng của các loài tôm cua cá cùng chuổi thức ăn. Đây chính là những vũng nước, bùn đất, hang hốc chút ẩm ướt còn sót lại cưu mang loài vật này vượt qua mùa khô nắng nóng. Khi bê tông hoá kênh mương cũng là lúc các ao rãnh mương máng tự nhiên đều bị lấp đi vì không còn tác dụng, làm mất đi môi sinh đã hình thành từ ngàn xưa cho các loài sinh vật vốn đã từng sinh tồn trên ruộng lúa.
Sự biến đổi khí hậu toàn cầu trái đất nóng lên ngoài những nguyên nhân như ta đã biết còn có một nguyên nhân nửa. Từ những núi đá vốn có trong tự nhiên con người khai thác chế biến thông qua bê tông rồi đem rải khắp nơi để thoả mãn cho nhu cầu không giới hạn trong xây dựng. Nhà ở lầu đài, mạng lưới đường giao thông, sân bay bến cảng, đê điều thuỷ lợi thuỷ điện vv... Tất thảy bề mặt trần trụi của mọi thứ bê tông con người đã xây dựng được mặt trời nung nóng hàng ngày hấp thụ sự nóng bức cộng hưởng lại sẽ bổ sung thêm cho sự nóng lên của trái đất. Điều này sẽ thật dể hiểu nếu trong nắng gắt ta đi giữa trung tâm đường phố, các công trình bê tông hay giữa vùng đất có nhiều cỏ cây.
Có một tỉ lệ nghịch rằng diện tích bê tông hoá xây dựng phát triển ra bao nhiêu thì có bấy nhiêu diện tích đất đai cỏ cây tự nhiên bị biến mất. Với tốc độ phát triển bê tông như ngày nay đến một lúc nào đó núi đá cũng sẽ vơi đi đất đai dành cho cỏ cây lại bị bê tông hoá đá! Sử dụng vô tư vật liệu từ bê tông lấn chiếm dần đất đai tự nhiên làm phương hại đến môi sinh đây là một thách thức mà từ trước đến nay dường như chưa từng được xem xét đến.
3. Cần một giải pháp tổng thể
Bê tông là phát minh mang tính đột phá của nhân loại hiện tại vẫn là vật liệu chủ chốt trong các công trình xây dựng mặt lợi của nó đã rõ. Tuy nhiên ngày nay với nền kinh tế đang phát triển mạnh mẻ nhu cầu mức sống ngày một cao nên các công trình xây dựng lớn nhỏ theo đó không ngừng phát triển. Ở đâu cũng thấy là bê tông, cứ thế bê tông lấn chiếm lên chiều cao và lan dần ra bề rộng. Phàm thì cái gì quá thái cũng dẫn đến tác hại, nguy cơ phá vở cân bằng hệ sinh thái do bê tông gây ra đã và đang hiển hiện. Bê tông là vật liệu không thân thiện với môi trường sống cần tính tới tác động xấu của nó để có giải pháp khắc phục.
Thế giới ngày nay đang đi đến hợp tác và tìm các giải pháp trước nguy cơ trái đất nóng lên biến đổi khí hậu toàn cầu. Nguyên nhân gây ra do chính con người tác động nhiều mặt trong đó nguyên nhân từ bê tông hoá trong xây dựng thì chưa được quan tâm thích đáng. Sự xung đột không khoan nhượng luôn tồn tại giữa lợi ích phát triển kinh tế xã hội trước mắt với môi trường bị suy thoái về lâu về dài.
Chúng ta chưa thể ý thức hết những hệ luỵ xuất phát từ việc tăng dân số đồng hành với nhu cầu hưởng thụ mức sống ngày một cao. Trong đó phải kể đến con người ngày càng có khuynh hướng sống xa rời thiên nhiên mà bê tông hoá là một phương tiện để con người mặc sức thể hiện thay đổi mọi hình thái trên mọi đất nước và trái đất này. Rừng cây thành “rừng” nhà ở lầu đài cùng muôn vàn công trình hoành tráng lớn nhỏ tất thẩy đều thông qua bê tông hoá, đây chính là những hệ luỵ đáng cho ta phải suy ngẩm...
Bê tông hóa là thứ đe dọa đến sự sống của muôn loài nếu cứ để cho nó mặc sức phát triển. Cần phải hạn chế sự phát triển của nó trước khi quá muộn. Đây là lời cảnh báo cần tìm giải pháp thích hợp nhằm hướng đến mục tiêu thân thiện với môi trường tự nhiên trong phát triển xây dựng.
Lê Văn Thưa
Xem thêm: Lấn biển, lấp sông, bạt núi, phá rừng rồi tiếp theo là gì?; Hãy ngừng ngay bê tông hóa Sơn Trà!; Du lịch hủy diệt cảnh quan - Bê tông hóa tràn lan; Kỳ vọng Nha Trang đẹp hơn Hawaii nhờ bê tông hóa?; Du lịch sinh thái “xẻ thịt” Rừng đặc dụng: Những kẽ hở thất thoát tài nguyên; Cáp treo Fansipan hay sự ích kỷ
Xem thêm: Lấn biển, lấp sông, bạt núi, phá rừng rồi tiếp theo là gì?; Hãy ngừng ngay bê tông hóa Sơn Trà!; Du lịch hủy diệt cảnh quan - Bê tông hóa tràn lan; Kỳ vọng Nha Trang đẹp hơn Hawaii nhờ bê tông hóa?; Du lịch sinh thái “xẻ thịt” Rừng đặc dụng: Những kẽ hở thất thoát tài nguyên; Cáp treo Fansipan hay sự ích kỷ