Nhiều người cho rằng kiếp người gói gọn trong 4 chữ “sinh lão bệnh tử”. Dẫu đó là quy luật của cuộc sống nhưng nếu kiếp người chỉ đơn giản là sinh ra, lớn lên, già cỗi và chết đi thì tẻ nhạt quá. Một kiếp người tẻ nhạt như thế thì có đáng sống không?
Theo giáo lý nhà Phật thì cuộc đời con người nhiều màu sắc hơn thế. Một kiếp người không chỉ tồn tại theo một vòng tuần hoàn luẩn quẩn, nhàm chán mà còn trải qua nhiều cung bậc xúc cảm, hạnh phúc, an lạc, đau khổ và có khi bi ai đến tột cùng.
Hai thái cực của một kiếp người
Đức Phật quan niệm rằng, đời sống của một con người phân thành 2 thái cực riêng rẽ, đối lập nhau: Một là an lạc, ung dung và hai là kiếp sống đầy khổ đau, bon chen. Và khổ đau hay an lạc là do con người tạo nên chứ không phải một ai khác. Vì ham mê tửu sắc mà phá vỡ hạnh phúc gia đình, vì mải mê đua chen với tiền bạc mà nảy sinh lừa lọc, hận thù, tội ác; Vì bao dung rộng lượng, vị tha mà được người đời nể trọng; Vì quá cầu toàn mà luôn bực dọc vì đời không bao giờ hoàn hảo như mình mong muốn; Vì giúp người mà tâm thanh thản, đời bình an; Vì mải mê theo đuổi những hào quang cuộc sống mà bỏ lỡ những người đáng trân quý đang hiện hữu xung quanh mình,…
Quan niệm này của Đức Phật bác bỏ hoàn toàn lối suy nghĩ về sướng – khổ của một số người khi cho rằng: mọi khổ đau, bất hạnh hay may mắn, hạnh phúc đều do số mệnh, trời cao định đoạt. Thực tế chứng minh, kết quả hôm nay, buồn vui, sung sướng hay lao tâm khổ lực đều do ý chí và hành động của con người trong quá khứ mà thành. Từ đây, Đức Phật cũng khuyên rằng để sống tròn một kiếp người, con người không nên phó thác cuộc đời của mình cho bất kì một đấng siêu nhiên nào cả. Mọi kết quả đều do mình tu mà thành, làm mà nên.
An lạc hay đau khổ triền miên là cách nhìn về chữ “khổ”
Đức Phật dạy rằng kiếp người ai cũng phải đương đầu với một chữ khổ. Dù giàu sang hay nghèo đói, dù là đàn ông hay đàn bà, là trẻ hay già đều phải trải qua những khổ đau nối tiếp. Và an lạc hay bi ai chính là cách nhìn nhận của con người, cách con người đương đầu với chữ khổ ấy.
Chữ khổ ở đây không chỉ là nỗi khổ vì thiếu thốn về vật chất mà còn là sự khổ đau về tinh thần. Đó là cảm giác chán chường, ngột ngạt, đau đớn, phẫn uất, ghen tuông, hờn giận, bi ai… Nhiều người cho rằng: sống chết có số, sướng khổ tại trời. Nhưng như đã nói, chính con người mới là kẻ tự tạo ra sự khổ đau cho chính mình.
Bản thân mỗi con người luôn sợ hãi, trốn tránh sự khổ đau nhưng lại luôn gieo những hạt mầm đau khổ. Nỗi khổ của một kiếp người xuất phát từ tham vọng, dục vọng và ham muốn. Ai mà không mong tiền tài, danh lợi và địa vị, nhưng khi không đạt được những điều mình mong cầu thì chuyện hụt hẫng, tuyệt vọng và đau khổ là đương nhiên. Hơn thế nữa, khi càng đạt được mục đích, con người càng ham muốn nhiều thứ hơn. Cứ như thế mà nỗi khổ càng thêm khổ.
Lòng tham là căn cơ khiến nỗi khổ của kiếp người kéo dài triền miên, vô tận. Chỉ khi kìm hãm được con ngựa “bất kham” mang tên lòng tham thì cuộc đời con người mới nhẹ nhàng và an nhiên được
Cách nhìn đời để bớt khổ
Để đạt được niết bàn trong cuộc sống thường ngày ở cái độ tuổi xế chiều, đức Phật khuyên bạn hãy cố gắng giữ tâm thanh tịnh, nhìn cuộc đời bớt xét nét, so đo, hãy tha thứ khi nếu có thể tha thứ. Bởi suy cho cùng, hờn giận hay ghen tuông, tị nạnh hay thù hận sẽ chỉ càng khiến cuộc đời bạn bị cầm tù trong đau khổ. Người ta nói: của cải bạn kiếm được sẽ ra đi, chỉ có tình người mới theo bạn khi bạn nằm xuống. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một cuộc sống an nhiên, thương người, cảm thông với đời và yêu lấy mình.
Cuộc sống là một chuỗi ngày đầy màu sắc, chỉ cần bạn mở lòng đón nhận và sẵn sàng đối mặt thử thách thì bạn sẽ thấy cuộc đời thật tươi đẹp và thú vị. Và khi ấy bạn mới không sống uổng một kiếp người!
Nguồn: muagioheomay.com