Thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường nổi tiếng một thời – Trần Lập – là một người bản lĩnh. Nhưng khi biết mình bị ung thư trực tràng, ngồi trên xe nhắn tin cho mấy người bạn thân, bàn tay anh vẫn run rẩy.
Dư chấn của tin xấu thật lớn. “Có những cú gọi lại mà hít hơi nén sâu vài nhịp mới nói rõ ràng được” – Trần Lập kể.
Làng giải trí mấy năm nay có không ít bàn tay run rẩy khi nhận tin xấu.
“Xuân Tóc đỏ” Tuấn Dương qua đời vì ung thư vòm họng khi phía trước vẫn còn những vai diễn hứa hẹn. Trưởng thôn Văn Hiệp ra đi vì ung thư phổi, giữa lúc tiếng cười của ông vẫn sang sảng trên sóng truyền hình.
Người mẫu, diễn viên trẻ Duy Nhân từ giã cuộc sống và bỏ lại người vợ vừa cưới, khi anh mới tròn 29 tuổi. Ca sĩ Wanbi Tuấn Anh dừng cuộc chơi trần thế năm 26 tuổi vì ung thư não.
Tác giả của “Xa rồi mùa đông”, nhạc sĩ Nguyễn Nam; ca sĩ Tố Như… cũng đã phải đầu hàng số phận.
May mắn hơn, nghệ sĩ Hán Văn Tình, Hari Won, Anh Vũ, Kim Phượng… đã và đang thoát khỏi lưỡi hái tử thần mang tên ung thư.
Nhưng rất nhiều dân thường không có được cái may mắn ấy.
Cái chết của những người mà cái tên không xuất hiện một dòng nào trên báo chí, mới vẽ lên bộ mặt khủng khiếp của bệnh ung thư ở Việt Nam.
Mỗi năm, ở dải đất hình chữ S, có thêm 150.000 người mắc ung thư. Và 75.000 người trong số đó phải chết.
Những con số này đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về tỉ lệ mắc và chết vì ung thư. Một trong vài nguyên nhân quan trọng nhất đến từ thực phẩm nhiễm độc.
Trong một kỳ họp quốc hội cách đây hơn chục năm, khi cảnh báo tình trạng báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm có thể gây ung thư, một ĐB hỏi bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển: “Nhà Bộ trưởng mua rau, thịt ở đâu?”.
Ông Tuyển cười không thành tiếng trả lời: Cắp rổ ra chợ, mua về như những người dân bình thường khác.
Câu trả lời ấy, khiến một vài đại biểu không tin. Họ nghĩ, đời nào một Bộ trưởng lại phó mặc sức khỏe của mình cho những thực phẩm bị nhiễm độc. VIP là phải dùng thực phẩm sạch.
Nhưng số đại biểu khác thì tin, vì chính họ muốn tìm mua rau sạch, thịt sạch, thì cũng không biết ở đâu đảm bảo. Giống như chuyện ở vùng cao, có nhiều tiền cũng không thể tiêu, vì chẳng có dịch vụ gì đáng giá.
Không biết hiện nay nhà Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát mua rau, mua thịt ở đâu, nhưng cú “lạnh sống lưng” của ông, cũng cho thấy tình trạng không thể tồi tệ hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Đọc thông tin cơ sở ngâm chuối vào thuốc diệt cỏ 2,4D để bán mà tôi thấy lạnh xương sống. Đây là việc quá độc ác, tôi không thể tưởng tượng được” – ông Phát nói.
Những “việc quá độc” ác tương tự, diễn ra đã rất lâu và hàng ngày, nhưng dường như, cùng với thời gian, mức độ độc ác càng lớn.
Một số kẻ bất lương, thậm chí đã mồi chài cán bộ thú y địa phương, đến từng nhà dân gạ bán loại thuốc tăng trọng, tích nước thần kỳ.
Khi bán, cán bộ thú y đó dặn người mua: Chỉ được cho gà, vịt, lợn uống thuốc trước khi bán đúng 1 tháng nhé. Cho uống mà để hơn 1 tháng mới bán, lợn gà vịt có thể bị chết vì không chịu được sự công phá của thuốc.
Thứ chất độc có thể giết chết gia cầm trong vòng một tháng ấy, sẽ bình tĩnh đi vào cơ thể con người thông qua những bữa cơm có thịt.
Một nhà báo ở một tờ báo điện tử lớn, rất vui mừng vì cạnh căn nhà mới mua của anh ở Gia Lâm, Hà Nội, có một khoảng vườn trồng rau ngải cứu.
Anh vốn rất thích ăn rau ngải cứu với lẩu gà. Trong hai tuần đầu về nhà, anh ăn 3 bữa lẩu gà, dĩ nhiên đi kèm ngải cứu xin được ở vườn bên.
Sang tuần thứ 3, một buổi anh đột ngột về nhà sớm vào giữa chiều. Anh nhìn thấy chủ nhà bơm thuốc đẫm vườn ngải cứu.
Hôm sau anh nhìn qua cửa sổ, hoảng hốt thấy vườn ngải cứu hôm qua mới chỉ cao một gang tay, sáng nay đã cao gần ba gang tay và đang được chủ nhà cắt gọn gàng để chở đến những nhà hàng bán lẩu.
Từ hôm đó, ngải cứu – một loại rau tiêu thụ không nhiều – không bao giờ có trong thực đơn của nhà báo ấy.
Không phải chỉ hàng xóm của anh nhà báo mới đầu độc chính đồng bào mình.
Nhiều người nông dân, khi trồng rau bán, thường chừa ra một khoảng rau riêng biệt để cho chính gia đình họ ăn. Họ không bao giờ dám ăn thứ rau đẫm thuốc bảo vệ thực vật mà họ đem đi chợ bán cho người khác
Mỗi ngày, đọc báo, đều có thể thấy những vụ phanh phui thực phẩm bẩn.
Một khách sạn 5 sao bị phát hiện mua nhân bánh trung thu không nguồn gốc ở chợ Đồng Xuân.
Một nhà làm bánh gia truyền khiến người mua phải xếp hàng như thời bao cấp, bị đình chỉ vì chế biến quá bẩn.
Rất nhiều thịt dê thối đã được phát hiện khi người ta tuồn chúng vào một nhà hàng lẩu dê danh tiếng.
Nhiều tấn chân gà đông lạnh cả chục năm, nếu không bị bắt giữ, thì sẽ trở thành món khoái khẩu của bao người.
Có những khu chợ bày cả chục can hóa chất độc hại, hóa chất ướp xác, để bán cho những kẻ chuyên đi đầu độc đồng loại.
Chưa bao giờ con đường từ bữa ăn đến bệnh viện lại trở nên ngắn đến như vậy.
Ở bất kỳ một cơ quan nào, dù to hay nhỏ, mỗi năm, người ta đều nghe thông tin về một đồng nghiệp, hoặc gia đình họ, có người chết vì ung thư.
Thậm chí, một cơ quan truyền thông lớn ở Hà Nội, sau khi thấy quá nhiều nhân viên mắc ung thư, đã mời thầy địa lý về xem đất lành hay dữ.
Một bác sĩ chuyên chữa ung thư ở Trung tâm Y tế Thái Hà, Hà Nội, thường dặn bạn bè đi Mỹ mua giúp cho anh và gia đình nhiều lọ thuốc thải độc.
Anh bảo: “Thực phẩm bẩn tràn lan thế này, môi trường thế này, không có thuốc thải độc thì rồi kéo nhau vào bệnh viện ung thư cả. Ăn ở đâu bây giờ cũng thấy run”.
Có bao nhiêu người dân Việt được đi Mỹ và có bao nhiêu dân thường đủ tiền mua thuốc thải độc? Chắc chắn rất rất rất ít.
Cái run tay của ca sĩ Trần Lập, cảm giác run của người bác sĩ chữa ung thư và cú “lạnh xương sống” của bộ trưởng Phát, mới chỉ là một lời cảnh báo, chứ không phải là thuốc thải độc.
Thế thì ai giải độc cho hàng trăm ngàn người ung thư và hàng triệu bệnh nhân khác mỗi năm???