Nghiệp sát sinh hại vật dẫn đến quả khổ đau trong thù hằn vay trả

Một là tự làm việc giết hại, hai là khuyên người khác giết hại, ba là khen ngợi việc giết hại, bốn là thấy giết hại sinh tâm vui theo, năm là đối với người mà mình oán ghét muốn họ bị tiêu diệt, sáu là thấy người mình oán ghét bị tiêu diệt rồi sinh tâm vui mừng, bảy là phá hoại bào thai, tám là dạy người tự huỷ hoại (hoặc tự huỷ hoại thân mình), chín là xây dựng lò sát sinh, mười là tự làm vũ khí chiến tranh và dạy người tàn hại lẫn nhau. Trong Kinh nghiệp báo sai biệt, Phật dạy do mười nghiệp này mà chúng sinh bị quả báo mạng sống ngắn ngủi.

Giết hại là cướp đoạt lấy mạng sống của chúng sinh gồm có người và vật. Đa số thế gian đều cho rằng, giết người là tội ác nhất lớn nhất trong các tội, thế nên tử hình là hình phạt cao nhất trong các hình phạt. Bởi vì con người là một loài vật cao cấp nhất trong các loài, vì có tình thương yêu bằng trái tim hiểu biết. Cho nên, đối với chúng sinh mạng sống quý hơn tất cả, ai cũng tham sống, sợ chết, dù là con người hay con vật.

Nếu chúng ta biết yêu quý, tiếc mạng sống của mình như thế nào, thì người và vật cũng yêu quý, tiếc mạng sống như thế đó. Thế nên, hành vi giết hại mạng sống của con người là tội cực ác. Khi một con trâu hay bò bị giết thì chúng rống lên trông rất thảm thương, và cho đến các loài vật khác cũng lại như thế. Nhìn đàn gà đi kiếm ăn, chúng bươi móc tung tóe để tìm con mồi, đến khi nghe tiếng diều hâu, gà con hoảng sợ chạy tán loạn, gà mẹ phải xòe cánh ra để cho gà con núp vào, rõ ràng là chúng cũng ham sống, sợ chết như các loài vật khác vậy.

Khi ta giết hại một mạng sống, chính người bị giết oán hận tăng lên chồng chất, thù hằn chất chứa mãi, đến khi có cơ hội là trả thù ngay. Phật ngày xưa thấy thế gian này là một chuỗi dài nhân duyên tương tàn, tương sát lẫn nhau, nên với lòng từ bi vô hạn, Phật chế giới không cho người xuất gia giết hại dù chỉ trong tâm tưởng, người tại gia thì hạn chế tối đa việc giết hại các loài vật cho đến khi nào giữ được trọn vẹn mới thôi.

Hết thảy chúng sinh lìa nghiệp giết
Mười phương thế giới dứt binh đao
Người người theo Phật tu nhân thiện
Cùng nhau chung hưởng cảnh thái bình.

Theo sự công bằng của xã hội, một kẻ giết người chắc chắn sẽ bị quả báo bị giết hại trở lại. Đôi khi luật pháp chỉ phạt tù từ mười năm cho đến hai mươi năm, hoặc cho đến chung thân là cùng, nhưng luật nghiệp báo không dễ dàng tha thứ, vì sao? Giết chết một mạng người tội ác rất lớn, là nhân gây thù, chuốc oán từ đời này sang kiếp khác không có ngày thôi dứt.

Trường hợp nếu chúng ta giết hại quá nhiều, quả báo sẽ dành cho ta vô số kiếp bị giết hại trở lại. Tuy nhiên, không phải giết người là tội như nhau, nếu cố tình giết người để cướp của thì tội nặng hơn giết người bình thường. Và cứ như thế mà tội có nặng hay nhẹ là do sự cố ý hay vô tình.

Thế giới loài người từ khi có mặt trên trái đất này, vì muốn bảo tồn mạng sống cho riêng mình nên nhẫn tâm, đành đoạn giết hại, ăn nuốt lẫn nhau. Do đó, chiến tranh binh đao cứ như thế mà tiếp tục không có ngày thôi dứt, bởi do nhân tương tàn, tương sát, giết hại lẫn nhau, người giết người, người giết vật, vật giết người, và cuối cùng là vật giết vật theo quy luật lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu.

Ngày nay, trên đà tiến bộ của nhân loại, con người đã đạt đến tỷ lệ quá cao là trên 7 tỷ người đang có mặt ở trái đất này. Chính vì nhu cầu và sự sống của con người nên việc giết hại xảy ra ngày càng nhiều thêm. Công nghệ giải trí hiện đại, phim hành động, đồi trụy, game bạo lực kích thích sự giết hại càng thêm gia tăng. Nhiều vụ án giết người dã man chỉ để lấy vài trăm ngàn tiêu xài, hoặc do tức tối một việc gì đó, vô số trường hợp giết người quá tàn nhẫn chỉ vì một chút lợi nhỏ. Để ngăn ngừa nạn giết hại, các nhà lãnh đạo, nhà giáo dục, nhà tâm linh, cần ngồi lại trao đổi, bàn bạc, tìm ra giải pháp để hạn chế tối đa việc sát sinh, hại vật.

Nguồn: daophatngaynay.com
Previous Post
Next Post