Đầu năm đi lễ cầu an- đó là một nét đẹp văn hóa của nhiều người Việt, dù ở trong nước hay ở nước ngoài. Tiếc rằng, ở chốn tâm linh này không ít người đã hoang phí tiền bạc để vừa “lộ” cái "trọc phú" của mình, vừa ảo tưởng rằng, lễ vật càng nhiều thì phúc lộc càng nhiều… Đức phật dạy rằng, chỉ gieo điều thiện mới gặt hái được quả ngọt…
Nét đẹp lâu đời
Tương truyền, tục đi lễ của người Việt đã có từ nghìn năm nay. Cúng lễ có hai dạng, cúng lễ trời đất, thần linh và cúng lễ tổ tiên. Tục cúng lễ trời đất, thần linh xuất phát từ ngàn xưa, khi khoa học chưa phát triển, người ta không thể giải thích được các hiện tượng sấm sét, mưa bão, dịch bệnh, thiên tai nên nghĩ rằng con người đã có lỗi khiến thần linh nổi giận, gây ra các hiện tượng trên. Để các vị thần nguôi giận, ở một số nơi người ta lập đàn cúng tế, dâng các sản vật như thóc gạo, bò, lợn để hiến tế…
Một số ý kiến cho rằng, khi khoa học phát triển, dù bản chất của nhiều hiện tượng tự nhiên đã được khám phá nhưng trên thực tế vẫn còn những hiện tượng khoa học không thể giải thích như chuyện một số nhà ngoại cảm có thể gọi hồn, nói chuyện với người chết, dự đoán chính xác một số hiện tượng xảy ra trong tương lai gần… Đó là lý do khiến nhiều người vẫn tin có một thế lực siêu nhiên nào đó, cụ thể là thần thánh, ma quỉ đang tồn tại. Chính vì thế người ta đã đến chùa, đền để cầu xin đủ thứ, từ tiền bạc, công danh, hạnh phúc, thậm chí cả sự trừng phạt người khác…
Cũng có nhiều ý kiến nhận định, dù không tin là có thần phật nhưng nhiều người vẫn đi chùa, đi đền vì ở đó có sự thanh thản. Mỗi một năm, sau khi đón Tết xong, đi lễ chùa con người sẽ được đắm mình trong cõi chay tịnh, hư vô và suy ngẫm về những điều tốt đẹp trong quá khứ và tương lai. Mỗi người thắp vài nén hương để cầu mong những điều may mắn cho bản thân và gia đình. Có được cái tâm thanh thản, cả một năm sẽ thuận buồm, xuôi gió… Hơn nữa, ở nhiều đền, chùa, miếu mạo còn thờ những danh nhân Việt nổi tiếng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước nên việc đến đó thắp hương tưởng niệm là nét đẹp của người Việt xưa và nay.
Triết lý nhà phật khuyên rằng, đến cửa chùa chỉ cần lòng thành thắp một nén hương thì đã được phật độ, không cần mâm cao cỗ đầy, không cần tiền bạc vì cửa chùa là chốn chay tịnh, không vướng bụi trần. Vậy nhưng những chốn tâm linh này đang ngày càng ngập ngụa thịt rượu, tiền vàng, nhà lầu, xe hơi, thậm chí cả "chân dài, chân ngắn"…
Sự lạm dụng
Cứ sau mấy ngày Tết là đình, chùa, miếu mạo lại tấp nập người ra vào cúng lễ. Những người đến chốn tâm linh này đều cầu mong an lành, sức khỏe, hạnh phúc và sự thịnh vượng. Hầu hết những người đến đây không chỉ cầu cho riêng mình, mà còn cầu cho cả những người thân, thậm chí cầu cả mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an… Đó là nét đẹp của người Việt. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi nền kinh tế phát triển, đa số người dân không còn phải lo cơm ăn, áo mặc thì cửa chùa lại là nơi phải chứng kiến không ít cảnh nhiễu nhương, buôn thần bán thánh, cầu mong cả điều ác.
Cụ Lê Đức Long, trú tại đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội bức xúc: "Hôm rồi tôi đi lễ ở chùa Hà, quận Cầu Giấy và phải nghe những lời khấn vái của một phụ nữ rất sang trọng đứng kế bên mà gai cả người. Bà ta cầu "mua một bán mười", cầu "tiền vào như nước, tiền ra nhỏ giọt" đã đành, bà ấy còn cầu "khách đến hàng con béo bên cạnh là bỏ đi, rồi sang hết nhà con, nó kéo lại là phải ăn đòn". Không những thế bà ấy còn khấn ông ổng: "Thằng chồng con máu mê bồ bịch, con xin ngài độ cho con nghìn tay nghìn mắt, chúng nó ngồi đâu, hú hí ở đâu con cũng tóm được. Cầu cho con đàn bà quyến rũ chồng con đi tầu đắm tầu, ra đường chẹt ô tô, ở nhà cũng trúng gió lăn đùng ra chết…". Tôi thật không thể tưởng tượng nổi có người vô văn hóa và ác đến vậy".
Ở những ngôi chùa lớn ở Hà Nội như chùa Quán Sứ, chùa Hà, tổ đình Phúc Khánh, phủ Tây Hồ, bia Bà… bất cứ ngày nào, giờ nào trong dịp Xuân về du khách và phật tử đều có thể phải nghe những "bài khấn" tương tự. Không chỉ có vậy, do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương nên tình trạng đánh bạc, bói toán, mê tín dị đoan, móc túi, ăn mày, bày vẽ tốn kém… vẫn tràn ngập nơi cửa phật, cửa thánh. Một người từng nhiều năm sắp lễ ở một ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội cho biết: "Tôi đã từng chứng kiến những khóa lễ tốn hàng trăm triệu đồng. Người ta mang đến chùa từ đêm hôm trước đủ thứ trên đời, từ rượu thịt đến tiền bạc, mũ mão, voi ngựa, ô tô, nhà lầu và cả một dàn mỹ nữ để đốt xuống làm ô sin…". Người này chia sẻ thêm: "Ở cửa chùa, tôi chứng kiến đủ cảnh khóc cười. Người giàu thì đi lễ để mong giàu hơn, người nghèo cũng đi lễ để mong thoát nghèo. Có người đã nghèo lại đi nghe thầy cúng xui vay tiền làm khóa lễ đến vài chục triệu đồng. Năm sau nợ không trả được đến chùa khóc, "bắt đền" cả… phật. Rõ khổ".
Cụ Nguyễn Thị Nụ, ở quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: "Tôi đi lễ hàng chục năm nay tôi biết, đa số các sư trụ trì các chùa nổi tiếng ở Hà Nội đều rất đáng kính. Chỉ có một số thầy bói, thầy cúng hoặc "sư hổ mang" là tìm cách vẽ ra đủ thứ vận hạn, lễ lạt, lợi dụng đền, chùa để kiếm chác. Đến chùa chỉ cần chữ tâm là có phúc, đừng nghe người ta bảo 3 lễ hay 7 lễ, phải lễ thứ này, thứ kia. Mọi quy định đấy đều từ con người cả, phật không chứng cho đâu. Ăn ở mà bạc ác, bất nhân thì có lễ quanh năm, khắp các chùa cũng vẫn phải nhận quả báo. Đến chùa, chỉ cần cầu bình an, may mắn, sức khỏe là quá đủ… Còn muốn có tài lộc, công danh thì phải phấn đấu, phải cống hiến cho mọi người, cho đất nước".
Điều cần thiết khi đi lễ chùa
Nhà tâm lý Bùi Tuệ nhận xét: "Hiện có rất nhiều người quan niệm cứ đốt thật nhiều vàng mã, dâng thật nhiều cỗ bàn, phúng viếng thật nhiều tiền bạc thì sẽ giải được tai ách hoặc được phật độ cho tài lộc, công danh… Đó là quan niệm sai lầm. Cứ giả sử rằng có thần, phật thì những đấng linh thiêng này cũng khác hẳn con người, không tham tiền vàng, lễ vật của con người, thế mới gọi là phật. Điều này cũng được chính những nhà sư của Đạo phật chỉ dạy. Vậy tại sao một số người lại cứ phải sắm lễ thật to, sát sinh gà, lợn rồi mang đến lễ chùa? Có lẽ họ đã đánh đồng người với phật và lầm tưởng rằng, ngay cả phật cũng có thể đút lót. Với cái cách "đốt tiền" ở đền, chùa, một số người đang làm hoen ố chốn linh thiêng. Hãy sống tốt với mọi người, mọi người sẽ sống tốt với mình, đó là đạo lý và cũng là triết lý nhà phật".
Tết đến, Xuân về. Trước khi đi lễ, mỗi người hãy làm một việc tốt, đơn giản là sống tốt với những người xung quanh mình. Khi đến chùa, mỗi người hãy làm một điều thiện bằng cách giảm lễ vật, bớt đốt tiền vàng để giúp đỡ đồng bào khó khăn như cách của một nhà sư có tấm lòng rộng lớn, dù ông ở một ngôi chùa không lớn. Ông là Thượng tọa Thích Duy Trần, trụ trì chùa Liên Hoa, phường 8, quận 11, TP HCM. Đã hơn chục năm qua, ngôi chùa vị sư này trụ trì đã bỏ hẳn tục đốt vàng mã, dùng số tiền mua vàng mã để làm từ thiện. Thượng tọa giải thích rằng, trong Phật giáo không có quyển kinh sách nào ghi lại việc phật dạy cúng vong linh hoặc khấn vái người quá cố thì phải đốt vàng mã. Hơn chục năm qua, từ số tiền tiết kiệm "không đốt vàng mã", chùa Liên Hoa đã quyên góp được trên 6 tỷ đồng để giúp đỡ nhiều bà con có hoàn cảnh khó khăn, xây nhà tình nghĩa, khoan giếng, làm nhà ở cho người nghèo, cấp học bổng cho học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa...
Nếu các ngôi chùa ở Hà Nội cũng làm theo cách này, có lẽ sẽ có không ít người nghèo bớt khổ… Đó chỉ là câu chuyện không đốt vàng mã. Còn có những thứ khác lãng phí gấp chục lần, trăm lần vàng mã… Cứ lên chùa đầu Xuân sẽ biết…
Nguồn: Pháp Luật và Xã Hội