Khóc người sống hơn khóc kẻ chết...

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát tái sinh trong một gia đình phú thương, có gia tài đến tám trăm chục triệu. Khi ngài trưởng thành thì cha mẹ chết. Thế rồi người anh của Bồ-tát quản lý tài sản của gia đình và ngài sống phụ thuộc vào ông ta. Chẳng bao lâu người anh cũng chết do một cơn bạo bệnh. Bà con, bè bạn gần xa đã đến than khóc thảm thiết. Chẳng ai kiềm chế nỗi xúc động của mình. Nhưng Bồ-tát lại chẳng sầu chẳng khóc gì cả. Mọi người đều bảo:

- Coi kìa, anh nó chết mà nó vẫn thản nhiên như không, thực là một kẻ tâm hồn quá sắt đá. Chắc là nó muốn anh nó chết để mong được hưởng gấp đôi phần gia tài đấy.

Một người thân thích cũng trách cứ ngài:

- Này, anh của anh chết mà anh cũng chẳng nhỏ một giọt nước mắt nào cả ư?

Nghe thế ngài bảo:

- Do ngu dại mù quáng, chẳng biết gì đến Tám pháp ở thế giới (được - mất, khen - chê, vui - buồn, vinh - nhục) các người khóc than: Ôi anh ta đã chết! nhưng tôi và cả các người đều cũng sẽ chết hết. Tại sao các người lại không khóc khi nghĩ đến cái chết của chính mình? Mọi sự hiện hữu đều giả tạm, do đó không một vật kết hợp nào có thể giữ nguyên điều kiện bản chất của nó được. Dù các ngươi, những kẻ ngu dại mù quáng, do vô minh không biết đến Tám pháp ở thế giới mà cứ khóc than sầu khổ, còn tại sao tôi đây phải khóc chứ?

Nói xong, ngài đọc các bài kệ này:

Khóc người sống hết khóc kẻ chết,
Mọi sinh linh đều kết một thân,
Loài chim, loài thú bốn chân,
Rắn, người, thần thảy bước chung một đàng.

Chống số phận, ta càng bất lực,
Vui chết không khổ lạc thăng trầm.
Sao chìm trong mối thương tâm
Vì người anh chết, lệ đầm đìa rơi?

Chuyện lừa đảo, chuyện đời phóng dật,
Kẻ dại cuồng hay bậc hùng oai,
Khôn ranh, chẳng biết điều ngay,
Khôn ngoan như thế cũng tày ngu si.

Bồ-tát thuyết giảng Chân lý cho những người kia như thế và giải trừ mọi phiền não cho họ.