Xin cảm ơn cuộc đời

Chúng ta không nên quá đau khổ, tuyệt vọng mà hãy dành ít thời gian để suy nghĩ sự việc xảy ra và mạnh mẽ đứng lên. Chúng ta có trải nghiệm những đau khổ cuộc đời thì sẽ cảm nhận cuộc sống thật nhiều thi vị...

Thế gian ấy vậy mà hay
Vui buồn chẳng thiếu đắng cay chẳng thừa.

Chúng ta sinh ra ở cõi đời này, từ lúc mở mắt chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay nằm trong quan tài, có lẽ ai cũng nếm trải đủ mùi vị vui buồn, được mất, hơn thua, xấu tốt, thành công, thất bại…của cuộc đời. Mỗi lần, chúng ta nếm vị đắng hay vị ngọt của cuộc đời đều cho chúng ta một bài học trong cuộc sống. Nhưng có lẽ chúng ta thường nếm vị đắng đau khổ, thất bại…nhiều hơn là vị ngọt thành công, hạnh phúc.

Đúng vậy! Những thứ vui buồn, được mất v.v. thường hiện hữu theo chúng ta bất cứ lúc nào, nơi nào; nó là bản chất bình thường trong cuộc sống. Nếu như chúng ta nhận rõ bản chất cuộc đời thì sẽ tìm được sự an lạc trong hiện tại. Bởi vì, cuộc sống của chúng ta nằm trong nhị nguyên đối đãi, nghĩa là hai mặt của một vấn đề luôn đi đôi với nhau; cho nên trong hạnh phúc là mầm mống của khổ đau, trong cái họa thì có cái phúc. Vì thế, tôi rất tâm đắc câu chuyện Tái ông thất mã, theo sách Hoài nam tử có viết câu chuyện như sau:

Ngày xưa có ông lão sống ở biên giới giáp với nước Hồ phía Bắc nước Trung Quốc, gần Trường thành. Nhà ông có nuôi một con ngựa. Một hôm, con của ông dẫn ngựa ra gần biên giới cho ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa vọt chạy qua nước Hồ mất dạng. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông. Ông lão là người thông hiểu việc đời nên rất bình tĩnh nói: “Biết đâu con ngựa chạy mất ấy đem lại cho tôi điều tốt lành”.

Đúng như lời ông nói, vài tháng sau, con ngựa ông trở về, dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, cao lớn và mạnh mẽ. Mọi người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông. Ông lại bình thản nói: “Biết đâu tôi được con ngựa nước Hồ này sẽ dẫn đến tai họa cho gia đình tôi”.

Con trai của ông rất thích cỡi ngựa, vì nó thấy con ngựa nước Hồ cao lớn mạnh mẽ nên thích lắm, liền nhảy lên lưng ngựa cỡi chạy đi. Con ngựa nước Hồ chưa thuần thục nên nhảy cẫng lên. Có lần, con trai ông không cẩn thận nên bị con ngựa Hồ hất xuống, té gãy xương đùi, khiến con ông bị què chân, tật nguyền. Mọi người trong xóm nghe tin cùng đến chia buồn, nhưng ông thản nhiên nói: “Xin các vị chớ lo lắng cho con trai tôi bị té gãy chân; tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa này mà được phúc”.

Một năm sau, quân nước Hồ kéo sang xâm lấn Trung nguyên. Các trai tráng trong vùng biên giới đều phải nhập ngũ, ra chiến trường chống lại giặc Hồ. Quân Hồ thiện chiến, đánh tan đạo quân mới nhập ngũ, nên các trai tráng đều tử trận, riêng con trai ông lão vì bị què chân nên miễn đi lính được sống sót ở gia đình”.

Đọc qua câu chuyện giúp cho chúng ta một bài học vô cùng sâu sắc, lại giúp cho chúng ta tăng thêm nghị lực để bình thản giữa cuộc đời đầy dẫy khổ đau này. Do đó, trong cuộc sống có lúc chúng ta làm ăn thất bại, hay bị người vùi dập, vu oan hãm hại v.v. Chúng ta không nên quá đau khổ, tuyệt vọng mà hãy dành ít thời gian để suy nghĩ sự việc xảy ra và mạnh mẽ đứng lên. Chúng ta có trải nghiệm những đau khổ cuộc đời thì sẽ cảm nhận cuộc sống thật nhiều thi vị, như ai đó đã nói:

Không khổ đau lấy chi làm chất liệu
Không buồn thương sao biết phận con người
Không nghèo đói làm sao thi vị hóa
Không lang thang sao biết gió mưa nhiều.

Theo đạo Phật, các pháp sinh diệt đều bị chi phối vô thường, không có pháp nào tồn tại bất biến, thân người vô thường, tâm người cũng vô thường và cảnh vật bên ngoài cũng vô thường. Cuộc sống chúng ta có nếm mùi thăng trầm của cuộc đời thì mới thấy được giá trị của nó. Nếu đường đời chúng ta đi không có gặp những đoạn quanh co, khúc khủy thì ai biết được anh hùng. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không có gặp những chướng duyên nghịch cảnh để vượt qua thì chúng ta vẫn mãi mãi là kẻ dị tật yếu hèn. Cho nên, phương Tây có cách nói hài hước rất hay: “Đầu óc  thiên tài không phải đo bằng chỉ số thông minh mà được tính bằng sự kiên nhẫn dài lâu cộng lại”. Thiền sư Hoàng Bá cũng nói:

Nếu chẳng một phen sương thấm lạnh
Hoa mai đâu dễ tỏa mùi hương.

Cho đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng kêu gọi mọi người phải có niềm tin và sự lạc quan yêu đời mãnh liệt trong cuộc sống: “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi! Đừng tuyệt vọng…”

Chính nhờ nếm trải qua những đau khổ, hạnh phúc của cuộc đời, nên khi chúng ta gặp hoàn cảnh thuận duyên, thành công thì phải nhớ lại lúc gặp thăng trầm sóng gió cuộc đời, không nên tự mãn hài lòng; khi chúng ta gặp nghịch cảnh, thất bại cũng không nên buồn phiền, chán nản, mà nghĩ đây là cơ hội để cho chúng ta rèn luyện ý chí. Thế nên, cuộc sống này có vô số bài học để chúng ta học hỏi hoàn thiện mình. Người tốt cho chúng ta bài học về điều hay lẽ phải; người xấu cho chúng ta bài học đừng mắc phải sai lầm như họ. Do đó, chúng ta muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa thì phải luôn phấn đấu học hỏi, trau dồi và sửa sai suốt cả cuộc đời.

Vì thế, chúng ta hãy cảm ơn cuộc đời đã cho chúng ta nhận biết được hạnh phúc thật bình dị, cho dù cuộc sống của chúng ta có gặp nhiều sóng gió, nhưng chúng ta hãy tin tưởng ‘những điều xảy ra ở ngày mai sẽ tốt đẹp hơn’. Chúng ta nguyện sống sao cho lòng yêu thương, hiểu biết ngày càng thêm tăng trưởng, tinh tấn tu tập tìm sự an lạc trong từng giây phút. Như thế, mới xứng đáng là đệ tử của Đức Phật:

Thăng trầm được mất…vẫn vui cười
Thế sự bại thành há mấy mươi.
Năm tháng định Thiền, thông mấy kiếp
Sớm hôm tỉnh thức rõ bao đời.

Công danh phú quý vờn sương cỏ
Vinh nhục thị phi: thoảng ráng trời
Bỉ thử nhân ngã…Rơi rụng hết
Tình thương trang trải thắm lòng người

Previous Post
Next Post