Nói đến nhạc trẻ, không ít người bĩu môi, lắc đầu, chép miệng với đủ những lời chê bai, cho là nhố nhăng, nhảm nhí. Dư luận cũng đã nhiều lần bức xúc trước sự xuất hiện tràn lan của các giai điệu rẻ tiền, na ná giống nhau với những ca từ dễ dãi, nghèo nàn, đơn điệu.
Vậy nhưng, những ca khúc “thừa sự sốc nổi và thiếu tính nghệ thuật” ấy vẫn cứ “ra lò” ngày một nhiều, thậm chí càng nhảm nhí, càng thảm họa lại càng nổi và càng thu bộn tiền!
Tràn lan nhạc “rác”
Sẽ không lấy gì làm lạ khi thấy rất nhiều trẻ học mầm non, chưa thuộc hết bảng chữ cái nhưng lại thuộc rất nhiều hát bài nhạc trẻ với những ca từ đại loại như: “Nếu người ấy không yêu em như anh đã từng yêu...”; “Vì sao mỗi tối em đi đâu về khuya, vì sao mỗi tối em đi xe người ta...”; “Gái khi yêu trao hết cho người yêu... mất hết tất cả vì đã trao...”; “Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc...”.
Dễ dàng nhận thấy sự sáo rỗng, nhảm nhí và cũ rích trong những ca từ này cho dù cả người sáng tác lẫn người hát đều thuộc lớp trẻ. Độ sáo rỗng, nghèo nàn thể hiện rõ đến nỗi người nghe thường xuyên phải “châm chước” cho những nội dung rất phi lý, thậm chí rất ngớ ngẩn trong ca từ, chẳng hạn những câu như “Em mơ một giấc chiêm bao” (Cổ tích chuyện tình) hay “Giọt nước mắt bây giờ không khóc” (Hoài niệm), “Người ấy và chính tôi trong cuộc tình chúng ta/ Em phải nhận ra một người thôi” (Người ấy và tôi chọn ai)… người nghe không thể hiểu nổi sao người viết lại có cách hành văn ngớ ngẩn đến như thế.
Điều đáng nói là, ca từ, giai điệu nhạc trẻ đều rất nghèo nàn và dễ dãi này hiện đang lan tràn từ làng quê tới phố thị. Chúng ngấm ngầm ăn sâu vào nhận thức của nhiều người và dần dần để lại cho xã hội những dư âm cần lên án. Rất may là giới trẻ không phải ai cũng yêu thích những ca từ quá dễ dãi, buồn chán và đầy bế tắc này. Một bạn sinh viên cho biết: “Mình cảm thấy rất xấu hổ khi nghe những ca khúc như thế, cứ như là đang bêu xấu lớp trẻ chúng mình”. Còn không ít phụ huynh thì bức xúc đến mức coi những ca từ này như một thứ văn hóa độc hại và kêu gọi mọi người “hãy bảo vệ trẻ em trước... nhạc trẻ”.
Người trong nghề, nhạc sĩ Quốc Dũng - tác giả của nhiều ca khúc được giới trẻ hâm mộ cũng tỏ ra rất lo ngại khi thấy ca từ trong các ca khúc mới hiện nay quá nghèo nàn, nhàm chán. Theo ông, nhiều ca khúc của nhạc trẻ là một sự lắp ghép khiên cưỡng ca từ vào giai điệu, nghe cứ như là mắng chửi nhau trên sân khấu và tiện mồm mắng luôn cả người nghe.
Tác giả của những ca khúc loại này đổ thừa cho cuộc sống công nghiệp làm suy nghĩ của con người cần phải gấp gáp, huỵch toẹt cho nhanh. Họ không hiểu rằng, chính tâm hồn, cảm xúc, chữ nghĩa của mình đang ngày càng bị bào mòn đến mức cạn kiệt đi khi mình sáng tác ca khúc không phải vì công chúng âm nhạc mà vì những đơn đặt hàng màu mỡ.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo cũng nhận xét: Có không ít ca khúc nhạc trẻ hôm nay thực sự là rác của xã hội với những ca từ quá nhảm nhí và cũ kỹ. Người viết ra chúng không ý thức được họ đang đi ngược lại văn minh âm nhạc cần vươn tới, hoặc họ không cần vươn tới mục tiêu nào ngoài tiền bạc.
Loại trừ nhạc rác
Trước thực trạng đời sống âm nhạc trẻ còn nhiều gam màu xám tối, nhất là trong mảng nội dung ca từ hiện nay, không thể không nói tới vai trò của các nhà quản lý khi hoàn toàn thả nổi để cho nó phát triển một cách vô tội vạ. Báo chí và dư luận cũng đã nhiều lần bức xúc và lên án nhưng các cấp quản lý vẫn làm ngơ hoặc chọn lối “thoát hiểm” cho mình bằng cách đổ lỗi cho nền kinh tế thị trường.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn nhìn nhận: Trên thực tế, những thứ chất thải độc hại thì bị cấm sản xuất và lưu hành, nhưng trong lĩnh vực âm nhạc, nhiều sản phẩm rất độc hại lại được bày bán trên thị trường mà không có biện pháp quản lý thích đáng. Bản thân nhạc trẻ hay nhạc thị trường đều không có lỗi, nhưng nếu chúng ta muốn phát triển nền âm nhạc mà lại thiếu tính định hướng và sự kiểm soát thì lỗi thuộc về chúng ta.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với các hoạt động âm nhạc từ cấp huyện, tỉnh, thành phố, khu vực và quốc gia. Cần kiên quyết không để cho những người vô trách nhiệm đối với công chúng thao túng và tung bừa bãi rác thải văn hóa ra thị trường như thời gian qua. Các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể đặt ra các quy định cụ thể đối với mỗi cuộc thi, liên hoan âm nhạc.
Theo đó, các ca khúc mà ca sĩ chọn muốn được đem ra biểu diễn nhất thiết phải được sàng lọc một cách kỹ càng về ca từ, bất luận ca khúc đó là của ai và do ca sĩ nào hát. Nếu cần có thể thành lập hội đồng tuyển chọn ca khúc bằng cách “rọc phách” hay bịt tên tác giả trước khi đưa cho các thành viên hội đồng tuyển chọn như cách chấm thi tốt nghiệp phổ thông hay đại học, để tránh vị nể, tiếp tay... Ngoài việc đưa ra những giải thưởng đánh giá tác phẩm hay hằng năm, còn cần thiết có cả giải cho những tác phẩm tệ nhất. Tuy nhiên, làm được việc này không đơn giản, mà cần có sự công tâm của những người cầm cân nảy mực.
Về phía công chúng, nhiều ý kiến cho rằng, đối với loại văn hóa “rác”, giới trẻ tiếp thu rất nhanh, vì cho là cái mới, nhưng đồng thời cũng loại thải rất nhanh. Không nên và cũng không thể dùng luật để ép ai đó không được yêu thứ nhạc họ thích, nhưng có thể giúp họ có khả năng tự miễn nhiễm, tự loại trừ những sản phẩm âm nhạc làm ra không dựa trên nền tảng âm nhạc vững chắc. Một khi công chúng đã miễn nhiễm và kiên quyết quay lưng, phản đối các ca khúc có nội dung thấp kém, dung tục, thì thử hỏi có ca sĩ nào dám hát, nhạc sĩ nào dám làm? Để công chúng có được khả năng tự miễn này - theo nhạc sĩ Thế Bảo, cần nhất là phải tạo ra nội lực, phải đưa việc giáo dục về âm nhạc và mỹ học vào nhà trường phổ thông.
Còn đối với các nhạc sĩ và ca sĩ, chắc chẳng ai vui vẻ hay hài lòng nếu không may có một sản phẩm tinh thần của mình bị loại khỏi cuộc chơi, bị dư luận “ném đá” và phê phán cực lực. Nhưng, xin hãy lấy đó làm điều hổ thẹn thay vì bám vào đó để đánh bóng tên tuổi, để trở thành nổi tiếng! Là những người làm âm nhạc, các ca sĩ, nhạc sĩ cần phải có một cái nhìn có văn hóa hơn về âm nhạc, đừng lợi dụng “thảm họa” để hốt bạc mà bỏ rơi trách nhiệm với xã hội.
Cuộc chiến làm sạch môi trường văn hóa nhạc Việt chắc chắn sẽ còn dài. Chỉ khi cả xã hội cùng chung tay vào cuộc thì nhạc “rác” mới mong sớm được ngăn chặn và đẩy lùi!