Cái thời tôi còn là sinh viên thì cuộc sống ở trọ xa nhà cũng tạo cho tôi rất nhiều niềm vui. Mà không lẽ riêng tôi, quãng đời ở trọ đối với nhiều người vẫn là quãng đời thú vị và đáng nhớ nhất. Nó giúp cho con người ta trưởng thành mọi mặt. Thế nên, khi nghe bài hát “Ở trọ” của Trịnh Công Sơn, lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động
Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
Cành tre …í …a
Dòng sông …í …a
Mở đầu bài hát, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói đến kiếp “ở trọ” của chim, của cá. Chim làm tổ trên cây, nên cuộc sống của nó gắn liền với cây. Ở đây, người nhạc sĩ dùng một từ rất hay “ở đậu”. “Ở đậu” có nghĩa là gì? “Ở đậu” có nghĩa là ở nhờ nhà người khác, có tính chất tạm thời. Người ta hay nói “ăn nhờ, ở đậu” là vậy. Con chim “đậu ở” cành tre và nó lại “ở đậu” cành tre, cách dùng từ, cách viết đối nghịch này làm chúng ta rất ấn tượng. Còn cá thì sao? Cá có một đời sống thường ngày là ở khe nước nguồn. Hai câu hát làm chúng ta liên tưởng đến cái tạm bợ, cái khoảnh khắc của loài chim và cá. Cái tạm bợ này có phải là của chúng ta không?
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời
Í …a …í …à …í...à …a…
Câu trả lời đã rõ ràng. Con người cũng như con chim, con cá. Tôi cũng là tác giả nhưng cũng là bất kì ai trong chúng ta. Kiếp người là một cái gì đó vô thường lắm. Ta ở nhà ta đấy, nhưng liệu đó có phải là nhà ta không? Hay rồi thì kết cục cũng “trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”. Cuộc đời con người nói riêng và của muôn loài liệu có trường cửu? Hay nó cũng chóng tàn? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết
Đời đã khép và ngày đã tắt
Em hãy ngủ đi
(Em hãy ngủ đi)
Cuộc sống trần gian này là đau khổ vì con người khó thoát khỏi ba chữ tham, sân, si. Dấn thân vào vòng danh lợi nhiều liệu có làm cho mình vui? Hay sau “Bao nhiêu năm làm kiếp con người” thì “Cho trăm năm vào chết một ngày”? Cuộc sống với bao con người thân quen, gặp mặt nhau bao nhiêu người, để rồi xa nhau. Nhà thơ Bùi Giáng đã viết
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Trần gian này liệu ai còn nhớ đến ai? Cái gì sẽ đợi chờ con người sau này? Xin thưa, đó là “miên trường” là giấc ngủ dài mà thôi!
Sương kia ở đậu miền xa
Con gió ở trọ bao la đất trời
Miền xa …í …a
Trời đất …í …a
Mạch thơ như tiếp tục về kiếp ở trọ. Sương, gió là cái có trước ta từ rất lâu. Thế nhưng, cũng như loài chim và loài thú, sương hay gió cũng “ở đậu”. Khi mặt trời hết năng lượng, nguội tắt thì trái đất cũng là một hành tinh chết. Sương gió rồi cũng “đời đã khép và ngày đã tắt”.
Nhân gian về trọ nhiều nơi
Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng
Í …a …í …à …í...à …a…
Kiếp ở trọ có phải luôn là “đời mãi đêm và ngày mãi buồn” không? Không phải như vậy. Vẫn có cái gì khiến ta lưu luyến. Cõi đời, nơi người ở vẫn có “những đôi môi rất hồng” để mà buâng khuâng. Cuộc đời dù là cõi tạm nhưng vẫn đáng khát khao, đáng sống lắm chứ.
Mây kia ở đậu từng không
Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người
Từng không …í …a
Người xinh …í …a
Tim em người trọ là tôi
Mai kia về chốn xa xôi cũng gần
Í …a …í …à …í...à …a…
Về hai câu thơ “Mây kia ở đậu từng không / Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người” nhà văn Bùi Vĩnh Phúc nhận định “Có phải Trịnh Công Sơn đã lấy mắt người để đo thời tiết không? Mưa nắng ở trong mắt. Và mắt ấy là mắt của một người con gái. Ở đây, không phải con người nằm trong thiên nhiên mà, ngược lại, thiên nhiên nằm trong con người. Nhìn vào em, tôi thấy thiên nhiên và tất cả mưa nắng cuộc đời.”[1; 141] Tôi thì lại có một cách nhìn khác. Mưa nắng ở đây nên hiểu là tính cách, là bản chất của con người.
Ta hay nói “người này mưa nắng thất thường”, có nghĩa là người này có tính cách thất thường, lúc thế này, lúc thế kia, không biết trước được. Ngạn ngữ phương Tây có câu “Beauty is in the eye of the beholder”, dịch ra là “Hồng nhan nằm trong đáy mắt của kẻ si tình”. Bạn đẹp hay không là do cách nhìn của người khác về bạn. Bạn có nhan sắc không đẹp nhưng người thích bạn, mến bạn thì vẫn luôn cho bạn là đẹp. Tính cách của mình, con người của mình, bản chất của mình không phải nằm trong cách suy nghĩ của mình mà nằm trong mắt người khác. Cái đẹp, cái bản chất, cái tính cách của con người của mình nằm trong mắt của người khác liệu có tồn tại mãi mãi theo thời gian? Cha ông ta nói “Yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau trái bồ hòn cũng méo”. Con người lúc yêu thì đẹp lắm, lúc hận nhau, ghét nhau rồi thì cái gì cũng xấu. Thời gian làm cho con người thay đổi. Chúng ta chỉ đẹp trong mắt người một cách tạm bợ mà thôi. Không ai dám đảm bảo hôm nay mình tốt, mình đẹp trong mắt người mà ngày sau mình còn tốt, còn đẹp trong mắt họ cả. Vì thế “mưa nắng ở trọ” chứ không phải là “mưa nắng vĩnh cửu”.
Tim em người trọ là tôi
Mai kia về chốn xa xôi cũng gần
Trịnh Công Sơn lúc sinh thời cho rằng “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng.”[2; 11] “Tim em người trọ là tôi.” Ở đây, đáng lẽ nhạc sĩ viết, “người trọ tim em là tôi” thì nhạc sĩ đã sử dụng biện pháp đảo ngữ nhằm nhấn mạnh đến tình yêu giữa hai người. Trong mắt người nhạc sĩ, tình yêu đó là cái gì thủy chung son sắt. Khi “trở về cát bụi” thì cũng xin “cát bụi” ở gần “cát bụi”. Câu thơ mang đậm chất triết lí làm chúng ta phải suy nghĩ.
Môi xinh ở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều
Người xinh …í …a
Kiều xinh …í …a
Ngay cả các bộ phận của con người cũng là cái gì tạm bợ đối với con người. “Môi xinh” cũng chỉ “ở đậu người xinh”. Lời ăn, tiếng nói của người đẹp (môi xinh) liệu có tồn tại mãi mãi? Không, nó cũng chỉ mang tính vô thường mà thôi. Trịnh Công Sơn có một cách miêu tả rất hay bằng các hình ảnh hoán dụ về tính cách (mưa nắng), về lời ăn tiếng nói (môi xinh) của con người và thậm chí cả cách đi đứng. “Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều”. Với cách nói bộ phận để nói cái toàn thể, người nhạc sĩ đã làm tôn thêm kiếp ở trọ của con người về nhiều mặt.
Xin cho về trọ gần nhau
Mai kia dù có ra sao cũng đành
Í …a …í …à …í...à …a…
Trong lời ăn, tiếng nói, cách hành xử của mình, Trịnh Công Sơn luôn là một người chừng mực. Ca từ của ông cũng vậy. Trần Hữu Thục nhận định “Nghệ thuật cũng là một cách lí giải đời sống. Thay vì dùng một chuỗi luận lý để tìm cách chứng minh, thuyết phục, ở đây, Trịnh Công Sơn dùng từ ngữ và hình ảnh, biểu tượng để … hát. Ông lặp đi lặp lại mãi cùng một số ý. Một thứ triết học nhẹ nhàng như ca dao hay lời ru con, như ông phát biểu. Rõ ràng là tư tưởng Phật giáo, Lão giáo, học thuyết âm dương của Chu Dịch, cả dưới dạng bình dân lẫn bác học, có một dấu ấn sâu đậm và tự nhiên trong tâm thức ông. Đó là lẽ vô thường. Đó là vòng thời gian sinh tử. Đó là một cõi “sinh ký tử quy”, sống gửi thác về. Đó cũng là âm dương tương sinh, tương khắc”. [3; 77]
Trong bài “Cát bụi”, người nhạc sĩ cũng dùng từ xin “Xin úp mặt bùi ngùi”. Bài hát này thì “Xin cho về trọ gần nhau”. Từ “xin” rất nhẹ nhàng khiến người ta dễ đồng cảm, lắng nghe và chia sẻ. Câu hát là lời mong mỏi, là ước muốn của nhạc sĩ nhưng dường như đó cũng là tâm gan của chúng ta. Nếu con người biết thương yêu, chia sẻ, biết “gần nhau” thì thế giới sẽ không còn chiến tranh, thế giới sẽ hòa bình. Con người dù có màu da khác nhau, dù có ngôn ngữ khác nhau, nhưng chúng ta tất cả là một. Theo quan điểm Lão giáo, “vạn vật trong vũ trụ đều đồng nhất”, là nhất thể. Tại sao chúng ta lại không thể “gần nhau”? Con người rồi cũng trở về cát bụi. Cái còn lại trên cuộc đời này là gì? Có lẽ là tình yêu giữa người và người.
Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn
Ngàn năm …í … a
Buồn như …í …a
Bằng cách miêu tả tuần tự như miêu tả chim, cá; sương, gió, mưa nắng hay tính cách, lời ăn tiếng nói, Trịnh Công Sơn đã khắc họa được cảnh “ở trọ” của “kiếp người”. Thêm vào đó, người nhạc sĩ còn đề cập đến thời gian “Trăm năm ở đậu ngàn năm”. Thời gian ít “ở trọ” trong thời gian nhiều. Tuy nhiên, “trăm năm” còn có một nghĩa khác, đó là vòng sống của chính chúng ta. Đời sống của chúng ta là hữu hạn. Chúng ta cũng chỉ là “ở đậu” của cõi đời này mà thôi. Hình ảnh hoán dụ này đầy sâu sắc và đáng để suy ngẫm.
Bùi Vĩnh Phúc cho rằng “Trịnh Công Sơn cũng có những lúc sử dụng những câu bỏ lửng, chưa toàn vẹn ý ở một mức độ nào đó. Có thể những câu loại này không hẳn là hay hoặc thật hay, nhưng chắc chắn chúng tạo một nét lạ. Và trong nghệ thuật, ai là người tránh khỏi sức hấp dẫn của những điều lạ, nếu ta đủ lòng tin rằng mình là người có khả năng để tạo ra chúng”. [1; 156]
Ngàn năm …í … a
Buồn như …í …a
Buồn như thế nào? Chúng ta không biết. Đây là một cách viết mà Trịnh Công Sơn rất hay sử dụng trong các bài hát của ông. Ví như “Người tình kia mất con đường về / Và trời kia mất em từ độ”. Cách viết như thế làm ta phải chú ý. Trong cuộc sống, chúng ta thường hay nói “Đừng có lấp lửng như thế”. Tuy nhiên, về phương diện nghệ thuật, Trịnh Công Sơn đã thành công khi tạo được một câu hỏi trong lòng độc giả. Cách viết bỏ lửng này được một số văn nghệ sĩ cùng thời Trịnh Công Sơn hay sử dụng. Nhà thơ Bùi Giáng là một điển hình. Có phải Trịnh Công Sơn cũng ảnh hưởng Bùi Giáng hay không?
Xin chào nhau giữa lúc này,
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
(Xin chào nhau - Bùi Giáng)
Cây cối và gì nữa? Ta không hay. Ở trên, Bùi Vĩnh Phúc cho rằng, lối viết này nhằm tạo ra một nét lạ. Nhưng theo một số nhà nghiên cứu khác, thì cách viết của Trịnh Công Sơn và cách viết của Bùi Giáng, thường nhằm để thỏa mãn luật bằng trắc của câu thơ mà thôi. Nó giúp cho người nhạc sĩ cũng như nhà thơ bắt vần tạo câu một cách dễ dàng, không tốn thời gian suy nghĩ nhiều. Đây cũng là một cách nhìn mà chúng ta nên lưu tâm.
Ơ hay là một vòng sinh
Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời
Í …a …í …à …í...à …a…
Í …a …í …à …í...à …a…
Nhạc sĩ đã sử dụng từ rất bất ngờ “Ơ hay”. Ơ hay là bất thình lình là khoảnh khắc. Bao nhiêu năm làm con người, chợt một ngày chúng ta nhận ra “vòng sinh”. Tại sao lại là “vòng sinh”? Vòng sinh làm ta gợi nhớ đến vòng sinh tử, vòng luân hồi trong phật giáo. Theo phật giáo, vạn vật sinh rồi diệt, diệt rồi sinh. Có sinh rồi ắt sẽ có tử. Có tử rồi ắt sẽ có sinh. Sống chết là bánh xe quay tròn, vô thủy vô chung. Khi ngộ ra điều này, người nhạc sĩ cảm thấy cô đơn, quạnh quẽ “Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời”. “Lênh đênh” tức là trôi nổi nay đây mai đó, không có hướng nhất định. Tục ngữ có câu “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh” để nói đến cái khổ đau là vậy. Cõi đời là cõi tạm, con người thì vô phương hướng không biết đi đâu về đâu. Trịnh Công Sơn đã từng viết “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Cái bất hạnh, cái thăng trầm của cuộc đời là điều mà không ai trong chúng ta tránh khỏi.
Bài hát “Ở trọ” là một bài hát đầy tính triết lí sâu sắc. Con người sống trong cõi đời cần nhận biết được tính vô thường để từ đó tìm cho mình được tính chân thường, lòng yêu thương của con người. Bài hát còn là một trong lời nhắn nhủ dù kiếp người là sự đầy ải, là đớn đau nhưng chúng ta nên cám ơn cuộc đời đã ban tặng cho ta có mặt trong cõi nhân gian này. Trịnh Công Sơn đã nói “Tôi đang yêu thương cuộc đời bằng nỗi lòng của tên tuyệt vọng”. Liệu còn gì quý hơn khi đang tuyệt vọng mà vẫn thương yêu cuộc đời?
Nguồn: nguyenngocgiang.net
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bùi Vĩnh Phúc, Trịnh Công Sơn, ngôn ngữ & những ám ảnh nghệ thuật, Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, 2008.
[2] Trịnh Công Sơn, Tuyển tập những bài ca không năm tháng, Nhà xuất bản Âm nhạc, 2008.
[3] Trần Hữu Thục, Một cái nhìn về ca từ Trịnh Công Sơn, in trong tạp chí Văn học tháng 10 & 11/2001 California, Hoa Kì.
[4] Lê Đình Kỵ, Thơ mới những bước thăng trầm, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 1989.
[5] Ban Mai, Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng, Nhà xuất bản Lao động Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2008.