Đây là một câu hỏi và tất nhiên phải có một câu trả lời. Câu trả lời chắc chắn phải đưa ra một sự lựa chọn. Sự lựa chọn giữa hai con đường, hai lối sống biểu trưng cho hai luồng tư duy, hai cách suy nghĩ bao hàm cả tôn giáo và triết lý.
Bài viết này cố gắng tìm một câu trả lời và phân tích về hai con đường, thoạt nhìn thì như đối nghịch nhau, hai phương trời hầu như cách biệt, hai thế giới gần như tách rời.
Một bên thì mang tính cách rất dương, đầy dương khí, năng động, luôn sôi sục, bốc lửa như mặt trời bừng lên ở phương Đông, mọi sự sống cùng theo đó mà vươn lên, biến chuyển, luôn thay đổi, muôn màu sắc, muôn diện mạo, như một bản hòa tấu với cung trầm, cung bỗng, cung thương, cung bình, khúc biệt ly, khúc hội ngộ, khúc hoan ca, khúc ai oán, khúc đoạn trường, khúc hùng tráng, như một vở kịch có bi có hài, như một cuốn tiểu thuyết có tình yêu và hận thù, như một cuốn phim có hòa bình và chiến tranh, có người hùng và kẻ hèn, có hiệp sĩ và tướng cướp, có hoàng tử và lọ lem, có công chúa và hạ dân, có giai nhân và dã thú, có tỷ phú và ăn mày, như một đấu trường đầy thách thức, như một sân khấu để phô trương tài năng và sắc đẹp, luôn ao ước lộ mặt, khát khao hưởng thụ, tìm cầu khoái lạc, phục vụ năm giác quan, say đắm dục tình, hướng đến số nhiều, nhiều tình, nhiều tiền, nhiều sức khoẻ, nhiều thành quả, muốn vượt lên, danh vọng hơn, hạnh phúc hơn, tăng cường độ, tăng tốc độ, đạt kỷ lục, đạt thành tích, không ngừng chạy đua với thời gian. Đó là Đời.
Một bên thì như ánh chiều tà, nơi phương Tây, mặt trời bắt đầu lặn, âm khí lan tỏa, hơi lạnh bốc lên, mọi sự, mọi vật như chìm trong tĩnh lặng, dường như không thay đổi, không biến chuyển, quanh năm vẫn một màu áo, một khuôn mặt, điềm đạm, chậm rải, đóng cửa các giác quan, chế ngự thân tâm, không cần hơn, không cần nhiều, không cần nhanh, không cần thành đạt, không cần danh vọng, không phô trương, không lộ liễu, không năng động, không sôi sục, không bốc lửa nhưng không vì thế mà tối tăm mù mịt, trái lại, có ánh sáng của mặt trăng chiếu soi, rạng rỡ mà không chói chang như muốn nói lên cái sự việc rút về, ẩn mình trong bóng tối nhưng cái bóng tối được chiếu tỏ bởi ánh sáng của tâm linh, của đạo đức, của thế giới siêu hình, siêu nhiên. Đó là Đạo.
Trước tiên hãy nói về Đời. Đời là thế! Câu này dường như ai cũng có thốt lên một lần trong đời! Nó nói lên cái ngán ngẩm, chán chường, thất vọng về một điều gì đó, sự việc gì đó hay về con người nào đó mà hành động, lời nói hay tư tưởng của người này đã không đáp ứng kỳ vọng, không làm thỏa mãn sự mong chờ, ao ước.
Không ai thốt lên “Đời là thế” hay “Thế mới là Đời” với cái ý tôn trọng, ngợi khen cả. Nhưng nếu nói “Đạo là thế” hay “Thế mới là Đạo” thì lại mang cái ý khâm phục, ngưỡng mộ.
Đời là cuộc đời nói tắt, nói gọn lại. Đời cũng là cuộc sống của con người, của mọi người có mặt trên quả địa cầu này hay trên cõi thế này. Và cuộc sống của con người không thể nào là một cuộc sống lẻ loi mà là một cuộc sống có liên hệ với một con người khác, với nhiều người khác, với một nhóm người, một cộng đồng, một xã hội, một quốc gia, một dân tộc và từ từ lan ra gồm nhiều dân tộc, nhiều quốc gia, toàn thể con người cùng có mặt trên quả đất này.
Tầm nhìn của con người càng ngày càng phải phóng xa hơn cái chỗ mình đang đứng, đang ở. Từ một căn nhà, lan ra xóm làng, thành phố, băng qua rừng, qua núi, qua đại dương, vượt trùng khơi, xuyên cả không trung. Ranh giới vật chất được mở rộng thì các quan hệ cũng nhân rộng, tăng thành số đông, số nhiều.
Như một thành phố càng phát triển, càng văn minh thì càng tấp nập, nhộn nhịp, đông đúc.
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm (1)
Cuộc sống càng ngày càng trở nên “náo động” và tâm thức của con người cũng náo động theo, từ những trạng thái xôn xao bình thường, con người vượt lên tốc độ của sự cuồng nhiệt hay cuồng loạn, điên khùng. Triệu chứng của các căn bệnh tâm thần chỉ tăng mà không giảm. Các tín đồ hay “fans” trên mọi lãnh vực, tôn giáo, chính trị, thể thao hay nghệ thuật, nhất là âm nhạc, đều có thể trở thành, cũng như đã trở thành những kẻ cuồng tín, chứa chất bạo động, bạo hành.
Cùng dưới một bầu khí quyển, một bầu trời xanh, mà sự ô nhiễm càng ngày càng tăng, mỗi con người tự nhận ra mình đang sống cái được gọi là “đời mình” và với ngày tháng vụt trôi, sự việc qua nhanh, các biến cố dồn dập, sự đổi thay liên miên, con người cảm thấy mình như đang trôi theo một dòng nước, lênh đênh, đôi khi lặng lờ, đôi khi sóng gió, đôi khi bão tố, và thân phận mình cũng theo đó mà đôi khi bình lặng, đôi khi êm ả, đôi khi hạnh phúc, đôi khi đau khổ, đôi khi chao đảo, đôi khi chìm lỉm, ngụp lặn trong lo âu, trong tất bật, trong phiền muộn, trong mất mát, trong tuyệt vọng.
Con người nói đó là “dòng đời”.
Con người chỉ nhận thức mình đang trôi vào dòng đời này khi khôn lớn và phải va chạm với bên ngoài, người chung quanh, xã hội. Tuy rằng từ khi mở mắt chào đời là con người đã đương nhiên hòa nhập vào cái dòng đời này rồi.
Từ tấm bé đến lúc khôn lớn con người được chuẩn bị để “xông pha” vào dòng đời, để biết tự lèo lái con thuyền của thân phận và định mệnh trôi trên dòng đời này.
Sự chuẩn bị đó hầu như đều giống nhau đối với bất cứ một con người nào trên mặt đất qua sự chỉ bảo từ người gần nhất là cha mẹ, người thân trong gia đình, rồi đến trường lớp, cô giáo, thầy giáo và cả bạn bè. “Học thầy không tầy học bạn”
Con người thường cho rằng với sự chuẩn bị một hành trang có kiến thức, học thức, nghề nghiệp hay sản nghiệp, gia tài được để lại và thừa hưởng là mình yên ổn bước vào đời, hay dòng đời. Con người nghĩ mình sẽ làm chủ tất cả vì mình vừa có hành trang vật chất vừa có một ý chí, một định hướng rõ rệt cho mình.
Hành trang mà con người mang theo để bước vào dòng đời chỉ là những phương tiện để đối phó với dòng đời trắc trở này. Bởi vì trắc trở cho nên chưa chắc những hành trang mang theo là những hành trang phù hợp để đối phó với mọi biến cố bất ngờ xảy đến. Điều này được thấy rõ với những người phải chịu cảnh ly hương. Từ một giáo sư đại học ta cũng có thể phải chịu làm công nhân xí nghiệp. Từ một tiểu thư đài các, ta cũng có thể trở thành người giúp việc…Mọi chuẩn bị như sự học hành, học nghề, tạo cơ sở, làm ăn, thu góp tiền bạc, của cải đều chịu áp lực của dòng đời đe dọa! Nếu không có một áp lực gì hết thì con người sinh ra sẽ thong dong, tự tại, không cần làm gì hết, rong chơi ngày tháng! Sung sướng thay!
Nhưng đó không phải là Đời!
Con người được trang bị để đối phó với dòng đời và con người chỉ thấy mình là người chủ động tất cả với cái ý muốn của mình. Mình sẽ tạo ra một cuộc đời cho mình, như mình muốn. Và tất cả mọi cố gắng là dồn vào sự tạo dựng này. Nhưng rồi không một ai có thể nói là mình thật sự thành công và đã sống cuộc đời như mình mong muốn cả. Và con người kết luận cuộc đời là như thế, là bất toàn, là bất như ý, là hoàn toàn tương đối. Hạnh phúc lẫn đau khổ. Con người bằng lòng với cuộc đời này.
Bằng lòng có nghĩa là chấp nhận. Chấp nhận là thuận theo. Thuận theo những đòi hỏi, những nhu cầu, những sở thích và cả những điều không thích, không muốn, những luật lệ gò bó, giới hạn sự tự do nhưng con người không thể làm gì hơn là nhận, là lãnh, là nắm giữ, là không thể buông bỏ mà tuân theo, phụng hành.
Như một con thuyền lênh đênh giữa dòng, là người lái thuyền thì phải biết giữ tay lái, giăng buồm như thế nào để con thuyền phăng phăng lướt gió, vượt qua bão dông. Nơi dòng đời cũng không khác, con người dùng sức lực, tài năng, trí thông minh và sự khéo léo để vượt qua mọi chông gai, cản trở, mọi hoản cảnh bất trắc, bất như ý của cuộc sống.
Sự tương quan thật vi tế giữa những gì đến từ bên ngoài với những gì tự nơi bản thân con người được vận dụng để đối phó trước mọi tình huống, tình thế, hoàn cảnh trước mắt. Xét cho kỹ, con người sống trên đời dường như chỉ là để đối phó và tự vệ! Khá mệt mỏi. Đôi lúc con người chán nản và bỏ cuộc. Cuộc đời thật đáng chán. Ta không tha thiết gì nữa cả. Tới đâu thì tới.
Đó là tư tưởng tiêu cực đối diện với Đời. Nhưng vẫn là thiểu số. Phần đông vẫn mang đầy hứng thú và nhiệt tình tranh đấu để làm cho đời mình tiến tới cái đích mà mình đã vạch ra ban đầu.
Làm trai cho đáng nên trai
Xuống đông, đông tĩnh, lên đoài, đoài tan. (2)
…
Đã sinh ra kiếp đàn ông
Đèo cao núi thẳm, sông cùng quản chi. (3)
Ca dao có những câu như thế nhưng không thể dựa vào đó mà cho rằng người nữ không có tính can cường, lòng quả cảm, sức chịu đựng, xông pha chiến đấu mọi nơi, mọi thời, mà cũng có tham vọng, có lý tưởng, có trách nhiệm và cũng biết đương đầu hay chỉ huy người khác y hệt người nam.
Sinh ra nơi cái cõi Ta Bà này thì ai cũng như ai, ai cũng can cường và chịu khó chịu khổ như nhau. Bởi vì cõi Ta Bà, gồm nhiều thế giới khác nhau mà trong đó có quả đất và nhân gian này của chúng ta, theo thuật ngữ Phật giáo là một nơi chốn mà đời sống không có gì dễ dàng, cần phải kham nhẫn, chịu đựng, chịu khó.
Do đó, mang thân người nam thì có cái khổ phải chịu đựng của thân nam, người nữ thì có cái khổ phải chịu đựng của người nữ. Nhưng người nào cũng chịu đựng được hết mọi gian khổ. Thậm chí không muốn cũng đành cam chịu, như sanh, lão, bệnh, tử vậy.
Từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, nếu con người không cố gắng thì sẽ không thành gì hết. Ngay lúc còn bé, nếu chỉ có ăn, chơi và ngủ thì sung sướng biết bao, buổi sáng phải thức dậy cắp sách đi học cũng thấy lười biếng, nếu không bị mắng bị la, bị kéo chân ra khỏi giường chắc là sẽ nằm ngủ cho tới trưa, lúc mặt trời đã lên cao và trong đầu thì chỉ nghĩ chuyện trèo cây hái trái ăn xem ra thú vị hơn là đến trường! Thời buổi hiện đại này thì khác, chỉ nghĩ đến chuyện chơi game!
Nhưng rồi ai cũng phải cố gắng, trẻ nít cố gắng chuyện trẻ nít, người lớn cố gắng chuyện người lớn. Tất cả mọi sự cố gắng tựu trung và trước tiên, đều xoay quanh những nhu cầu mà cái thân vật chất đòi hỏi như ăn ở, ăn mặc, ngủ nghỉ, thuốc thang. Ai cũng phải làm lụng để đổi lấy miếng ăn, manh áo. Ai cũng lo thuốc men, tẩm bổ để đẩy lùi bệnh tật. Ai cũng cần một nơi để nương thân. Tiếp đến là làm tròn nhiệm vụ của gia tộc, nối dòng nối dõi. Cái thân vật chất yên ổn một bề thì cái thân tâm lý cần được quan tâm. Con người cần thoải mái tâm tư, giải trí, giải sầu, xả căng thẳng, cộng vào đó, biết quan tâm và phục vụ người khác, làm lợi ích, đem an vui, hòa bình, an lạc cho xã hội thì phần tinh thần càng được thoải mái gấp bội lần hơn nữa. Con người còn tiếp tục thăng hoa, cao hơn, xa hơn nữa qua mọi lãnh vực như văn chương, nghệ thuật, kỹ thuật, khoa học, chính trị và cả tôn giáo.
Do ra sức cố gắng và phấn đấu mà con người mới đạt được thành quả mong muốn, đó chính là phần thưởng dành cho sự chịu khó chịu nhọc của bản thân và con người cảm thấy hạnh phúc, bằng lòng với chính mình.
Tiến trình vào đời của một con người bình thường được phác họa như trên thì quá tốt đẹp, không có gì để nói thêm, để chê bai hay bác bỏ. Nhưng đáng tiếc thay, đó chính là Đời mà Đời lại không phải như thế!
Tại sao lại mâu thuẫn như thế nhỉ?
Chính vì dòng đời không lặng lờ êm ả mà sóng gió, bão dông. Chính vì đường đời không bằng phẳng mà chông gai và đầy hầm hố của cạm bẩy mà con người sẽ phải sa lầy.
Bản chất của cuộc đời không có gì xấu. Con người sinh ra phải lo cái thân của mình là chuyện đương nhiên. Tiếp đến là lo cho gia tộc. Cũng là chuyện đương nhiên. Bước tiếp sau là lo cho nước nhà, xã hội, người chung quanh. Điều này quá đẹp, quá tốt. Bước xa hơn nữa thì cũng…khá xa nhưng thực hiện được thì con người trở thành vĩ nhân! Đó là bước thứ tư của cụ Khổng đề xướng: Bình Thiên Hạ!
Trong bốn bước, tạm thời chỉ nhắc đến bốn bước phổ biến nhất, của cụ Khổng đề ra: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, mà bước thứ nhất là Tu Thân thì nhấn mạnh nơi phần tinh thần, đạo đức, tu sửa tâm tánh, hoàn thiện bản thân chứ không phải là lo cho cái thân mình no ấm, mạnh khoẻ. Tu thân làm nền tảng cho các bước tiếp theo. Con người ở đời thì thường quên cái phần tinh thần này mà chỉ chăm chú bảo vệ cái thân xác vật chất của mình cho béo tốt, mạnh khoẻ, sống lâu để hưởng thụ mà thôi! Đây chính là điều sai lầm lớn nhất mà con người vấp phải. Và chỉ cần sai nơi cái điều căn bản, nền tảng, gốc gác là sai hết mọi chuyện!
Cha không tu thân thì không thể dạy con. Một vị quốc thủ không tu thân cũng chẳng thể điều hành việc nước và lan rộng ra, thế giới cũng không thể có hòa bình.
Từ cái chuyện không tu thân mà tất cả mọi hành động của con người đều mang tính ích kỷ và nặng trĩu lòng tham, tính sân và sự ngu si, thiếu hiểu biết. Tất nhiên là rước tai họa cho mình và gieo tai họa cho người. Vì từ cái chuyện chỉ nghĩ đến mình trước mà gây mâu thuẫn với người khác, chỉ một vài lời nói qua lại mà có thể dẫn đến bạo hành, ẩu đả, chém giết, rốt cuộc là tù tội, khổ sở, tàn một đời.
Tính ích kỷ này cũng cần được hiểu rộng và thông qua sự việc chỉ biết che chở, bảo vệ hay phục vụ những gì có liên quan trực tiếp, gián tiếp đến mình như gia đình, bạn bè, xóm làng, công việc, công ty, phe, nhóm, nước nhà của mình…v.v…chứ không hẳn là chỉ lo cho bản thân mình. Thật ra, làm gì thì làm, con người cũng không chạy thoát…vòng tay của Ngã!
Cuộc đời có thể đẹp nhưng rồi đã trở nên đen tối đầy đau khổ nguyên do từ cái tôi ích kỷ và không tu thân.
Chỉ một người không tu thân mà tai họa và khổ đau cũng đã nhiều huống hồ một nhà, một nước, nhiều nước, toàn thế giới không ai tu thân cả thì có thể quả địa cầu này trở thành…địa ngục chăng?
Dòng đời nổi dông nổi bão cũng từ đây. Đường đời không bằng phẳng cũng từ đây. Nghĩa là từ sự quá lo cho cái thân vật chất mà quên đi cái phần tinh thần. Tinh thần là nói đến đạo đức, tu dưỡng tâm tánh và cả tâm linh nữa chứ không đơn giản là cái tinh thần vui vẻ, thoải mái, bằng lòng, hòa đồng. Cái tinh thần theo nghĩa đơn giản này thì dễ làm, dễ có. Các hoạt động thể thao, thể dục, các cuộc giải trí, hát karaoké, nhảy đầm, xem phim, chơi game, nhóm họp bạn bè, cụng ly nâng chén, đều có thể đem lại sự vui vẻ, thoải mái nhưng chẳng phải là cái tinh thần tu thân thực sự đem lại bình an cho mình và cho người.
Một yếu tố khác làm cho dòng đời sóng gió là định luật vô thường len lõi khắp nơi, từ con người, bao gồm cả thân và tâm, đến sự vật, sự việc và cả thiên nhiên. Không có gì là cố định và bất di bất dịch.
Hôm nay tôi xinh đẹp, ngày mai, chỉ cần một cơn bịnh là tôi xấu xí, xanh xao, nhợt nhạt. Hôm nay tôi yêu em, ngày mai tôi chán em. Hôm nay tôi hăng hái, ngày mai tôi hết hứng thú. Hôm nay tôi lương thiện, ngày mai tôi quỷ quyệt. Hôm nay tôi thành thật, ngày mai tôi giả dối. Hôm nay tôi là bạn, ngày mai là kẻ thù. Hôm nay được việc, ngày mai mất việc. Hôm nay buôn bán đắt đỏ, ngày mai ế ẩm. Hôm nay lộng lẫy, ngày mai điêu tàn. Hôm nay sum họp, ngày mai chia lìa. Hôm nay hòa bình, ngày mai chiến tranh. Hoa tươi vừa nở ban sáng, chiều tối đã vội héo khô…
Vô thường gây đau khổ, lo âu, phiền muộn, chán chường, thất vọng. Đứng trước sự đổi thay mà đôi lúc không thể lường trước hậu quả hay tai họa, con người sinh hoảng hốt, không làm chủ được tình thế, yếu đuối, thiếu suy nghĩ hoặc quá nhiều áp lực sẽ có những hành động đi ngược với đạo đức, làm tổn hại chính mình hay người chung quanh, ảnh hưởng đến cả cộng đồng hay xã hội. Đó là những bất trắc của cuộc đời.
Bộ mặt của cuộc đời thì thay đổi liên miên không ngừng. Từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ văn minh này đến văn minh khác. Từ văn hóa này sang văn hóa khác. Từ chế độ này sang chế độ khác. Từ luật lệ này thành luật lệ khác…Con người phải rán chịu đựng và thích ứng, hoặc là chống đối, nổi loạn thì cũng chỉ làm cho dòng đời của mình càng thêm sóng gió mà thôi.
Với thời gian, không có gì là không thay đổi, đứng lì một chỗ. Người người, lớp lớp thay nhau. Tre già măng mọc. Có mới nới cũ. Người già được cám ơn, rút về bóng tối. Tuổi trẻ tiếp nối con đường. Mọi sự mọi việc luôn đổi khác, càng ngày càng nhanh, đôi khi con người hụt hẫng và choáng váng vì không theo kịp đà tiến triển. Có những hoàn cảnh mà con người phải đối mặt với cô đơn, vì trăm ngàn lý do mà người này không thể chấp nhận người kia, ngay trong gia đình, người gần mình nhất, người thân nhất cũng không được cảm thông để rồi chết đi trong sự quên lãng, thờ ơ hay lãnh đạm của người khác.
Xem ra chính yếu tố vô thường là chủ chốt, đã quyết định mọi bất trắc, bất như ý xảy đến với con người. Con người ai cũng vạch cho mình một con đường trơn tru để được hạnh phúc, cho dù một con đường đơn giản nhất, xây quanh một người để yêu, để xây dựng tổ ấm, một việc làm để nuôi thân và giúp đỡ người chung quanh vậy mà cái điều ao ước giản dị này cũng không dễ dầu đạt được. Không phải ai sinh ra đời cũng thân căn đầy đủ, không tật nguyền, có sức khoẻ và trí thông minh, có người để yêu, có việc để làm, có của cải để tiêu xài…
Nhưng cũng mâu thuẫn thay là cũng có những người đạt được những gì mình mong muốn thế rồi lại chìm đắm trong đó, chỉ biết hưởng thụ, sống ích kỷ, thiếu vị tha, nhân đạo. Tuy nhiên sự hưởng thụ này cũng có giới hạn vì bóng dáng vô thường vẫn lấp ló đằng sau lưng. Đúng nhân đúng duyên, đúng thời đúng khắc thì sự đổi thay, biến chuyển vẫn vận hành. Thương yêu cũng sẽ phải chia lìa. Ghét ai hay ghét điều gì đó rồi cũng có ngày phải đối mặt. Mong cầu điều gì cũng có thể là không toại ý. Vật đổi sao dời. Nương dâu thành biển cả. Đồng cỏ xanh mướt biến thành sa mạc. Chưa kể những tai họa, hoạn nạn bất ngờ xảy đến dọc đường, không thể tránh không thể lường trước. Và rồi cái già nua, bệnh tật và cái chết làm thế nào mà tránh được? Cho dù hưởng thụ mà vẫn bất an. Cho dù có tha thiết, đắm đuối, say mê với những gì hay, đẹp, ngon ngọt, đáng yêu, đáng quí nhất của cuộc đời nhưng trong sâu thẳm của đáy lòng vẫn nơm nớp lo sợ cái ngày phải chấm dứt.
Cũng do bất an mà con người tìm đến các đấng tối cao, quyền năng hơn con người. Con người cảm thấy yên tâm và được che chở. Song vẫn không có gì thay đổi giữa dòng đời. Vẫn hoạn nạn thiên tai, vẫn chiến tranh giặc giã, vẫn nhọc nhằn ưu tư, vẫn đổ mồ hôi để đổi lấy bát cơm, vẫn đầy dẫy bất công, hỗn loạn, bạo lực, vẫn muôn vàn tai họa, thảm thiết, rùng rợn, dã man, con người vẫn phải luôn đương đầu với vô vàn nghịch cảnh, oan trái.
Đối mặt với thử thách, có người buông xuôi, chạy trốn trong rượu, thuốc, hút sách, trác táng. Cũng có người đối phó bằng những hành động bất thiện. Rốt cuộc vừa hại mình vừa hại người.
Ở đây cho thấy, cái điều căn bản là tu thân hoàn toàn vắng mặt, vì không hề được giáo dục. Một nền giáo dục dựa trên việc tu thân không hề có trong gia đình, nơi học đường. Một xã hội do đó được xây dựng chỉ dựa trên sự thành đạt về mặt vật chất mà cái Ngã của con người được tôn vinh và sự thụ hưởng mọi khoái lạc là chính yếu.
Tất cả mọi cố gắng tìm tòi, nghiên cứu, phát minh đều nhằm phục vụ cái thân xác của con người, cho con người được tiện nghi hơn, được thoải mái hơn, được khoẻ mạnh hơn, được sung sướng hơn khi mắt nhìn thấy các hình ảnh cực kỳ xinh đẹp, lộng lẫy, khi tai nghe những thứ âm thanh tuyệt vời, khi mũi ngửi những mùi thơm kỳ diệu, lưỡi nếm những món ngon tuyệt hảo và thân thể, da thịt đụng chạm thật êm ái, vô cùng sảng khoái. Nhan nhãn, bước ra đường hay chỉ cần bấm nút vào máy thu thanh, truyền hình hay vi tính là con người được mời gọi để tiêu thụ những sản phẩm tốt nhất nhằm phục vụ cho cái thân xác vật chất của mình. Điều đáng tiếc là con người đã đi quá trớn, quá phí phạm, quá xa xỉ không cần thiết, quá lạm dụng thiên nhiên, phá hoại môi trường và chắc chắn hậu quả sẽ không ít.
Con người sa lầy lúc nào không biết, không còn nhận thức, phân biệt gì nữa, chỉ thấy trước mắt sự việc phục vụ cho thân xác mình là đúng, là hợp lý, không sai, không cần chối từ, không cần phủ nhận, bác bỏ. Có khi còn bị chê là ngu vì không màng đến việc hưởng thụ và chăm sóc cái thân xác mình.
Rõ ràng yếu tố vô thường đem lại khổ đau cho con người nhưng cái việc không tu thân mới là cái điều làm cho con người lún sâu thêm trong khổ đau khi con người vì thiếu hiểu biết, thiếu giáo dục, vì lòng tham, sự phẫn nộ, không hài lòng, đã tạo những hành động sai trái, lầm lẫn, được gọi là những nghiệp ác. Nghiệp ác xiềng xích con người vào cái vòng nhân quả khó lòng thoát ra. Lưu manh gian xảo, cướp của giết người thì cũng có ngày tù tội hoặc bị hại bị giết lại. Oán thù, vay trả chẳng biết bao giờ xong mà theo luật nhân quả của đạo Phật thì còn kéo dài sang đời sau, kiếp khác. Luân hồi cũng chỉ vì không ai buông tha ai. Kẻ bị giết thì nuôi hận, phải truy tìm thủ phạm để trả thù cho được. Chủ nợ thì nhất quyết phải đi tìm kẻ quỵt nợ để đòi. Kẻ bị phản bội thì mong chờ cơ hội để phản bội lại. Nợ máu, nợ tiền, nợ tình. Có vay thì có trả. Cứ như thế mà luân chuyển.
Xét ra, luân hồi bắt nguồn từ cái tâm thức, đối với vật chất hay tình cảm, đều trĩu nặng lòng lưu luyến, sự gắn bó, không nỡ xa, không nỡ rời, không thể buông bỏ, buông tha mà cứ muốn níu kéo, muốn đeo đuổi, và như thế là cứ hẹn ngày tái ngộ, tốt đẹp, hướng thiện thì hẹn gặp lại nơi Thiên đường hay Cực Lạc, ngược lại, không cao thượng, chỉ muốn “ăn thua đủ” thì hẹn nhau nơi trần thế! Với những ai chỉ thấy yêu đương là tuyệt vời thì sẽ cùng nhau thề thốt kết “duyên nợ ba sinh”!
Nghĩ xa hơn một chút nữa, chúng ta thấy luân hồi thật ra không đáng sợ mà cái đáng phải sợ nhất chính là cái tâm thức không buông tha, không xả bỏ, không bao dung. Chính nó đẩy chúng ta đi luân hồi để “đúng hẹn” với con nợ của ta, với thủ phạm sát hại ta, với kẻ phản bội, lường gạt ta hay là để cùng tái ngộ với kẻ mà ta quá yêu thương, quá gắn bó.
Như vậy thì luân hồi hay không là đều do nơi chính mình, từ cái tâm thức buông xả hay không buông xả. Giải thoát là từ nơi cái tâm thức buông xả này. Tu hành không ngoài mục đích buông xả cái tâm thức giữ lại, níu lại, bám theo, đuổi theo, đòi nợ, đòi được đền bù, đền mạng…Buông xả là chấm dứt luân hồi. Nhưng điều này không dễ làm và con người trôi lăn mãi trong vòng sinh tử là vậy.
Một bộ mặt khá bi quan của cuộc đời! Nhưng xin chớ vội nản lòng!
Chắc chắn là còn có những người biết suy nghĩ, biết làm chủ thân và tâm để không bị cuốn trôi theo dòng đời sôi sục đầy bất trắc này. Chính ở nơi lòng cuộc sống đầy sôi động, nóng như lửa này, chứ không phải ở nơi nào khác, với những người biết suy nghĩ này, mà con đường Đạo được mở ra. Chính ở nơi khổ đau mà tìm ra một giải pháp cho sự khổ đau!
Xưa kia, đức Phật Thích Ca, lúc còn là một thái tử sống trong nhung lụa, hưởng thụ dục lạc mà rồi, qua một cuộc dạo chơi ngoài hoàng cung mới đối mặt với các cảnh tượng già nua, bệnh tật, cái chết của thân xác và nhân đó, mới tự ý thức về một con đường giải thoát cái khổ của già nua, bệnh tật và chết chóc mà con người phải lãnh chịu.
Trong kinh A Di Đà, các đức Phật ngợi khen đức Thích Ca đã trong đời “ngũ trược ác thế” (4) mà thành đạo quả. Đó là một điều hết sức khó làm và khó tin.
Như vậy Đạo gắn liền với Đời. Không có Đời thì chẳng có Đạo. Chúng ta đã nhận thấy bộ mặt của Đời thì đau khổ nhiều hơn là hạnh phúc, ác nhiều hơn thiện và vô thường là một định luật mà con người không thể làm gì, chẳng thể xoay ngược chiều vô thường, biến đổi nó thành thường hằng, bất di dịch. Đạo hay Đời đều nằm trong vô thường cả. Chỉ có một điều khác biệt là nơi Đời, vô thường gây đau khổ và con người mất tự chủ, tạo nghiệp ác thì nơi Đạo, vẫn đối mặt với vô thường nhưng con người làm chủ và từ chối, nhất định không chịu tạo nghiệp ác. Đúng như lời Phật dạy:
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành. (5)
Đạo là phần mà con người đã quên lãng khi quá chú trọng đến cái thân xác. Đó là cái phần Tu Thân làm nền tảng cho một con người đạo đức nhưng con người đã dẹp nó qua một bên để cho cái Ngã và dục vọng tung hoành. Chỉ giản dị là thế. Phần Tu Thân này trong con người ai cũng có nhưng cái khó là “chịu” xử dụng nó, áp dụng nó trong đời sống mà thôi.
Tiếp đây, chúng ta hãy đem Đạo trở về đúng vị trí căn bản của nó là làm mẫu mực cho con người đang lặn hụp trong dòng đời, là lối thoát cho con người bị giam hãm, tù túng trong cái thân nặng trĩu với bao thứ nhu cầu, đòi hỏi, khát khao, ước vọng. Đạo không ở đâu xa cả, không từ không trung mà rơi xuống. Đạo nằm ngay trong thân xác con người và được nhận thức qua cái phần tinh thần. Tuy thế mà không phải ai cũng nhận ra. Chỉ dần dà mới được khai mở. Do đó mà có thánh nhân ra đời.
Theo đức Phật thì con người đã bị một lớp vô minh dày đặc che phủ tâm tánh nên mờ ám, khó lòng tự mình nhận ra sự sai lầm và lại huân tập lâu đời lâu kiếp những nghiệp sai lầm này nên khó lòng sửa đổi, đã vậy lại gặp thêm chướng ngại vì phải chịu ảnh hưởng của luật nhân quả, phải đối đầu với quả báo, phải chống chọi để sinh tồn, thật lao đao khổ sở, đã mê mờ lại càng mê mờ thêm.
Bình thường, khi nói đến con đường Đạo là chúng ta nghĩ ngay những người tu hành, bất cứ tôn giáo nào, tu sĩ, đức cha, đức ông, giáo hoàng, giám mục, thầy tu, hòa thượng, đại đức, sư cô, dì phước, các “xơ”…với y phục, đầu tóc khác biệt hoàn toàn với người đời. Những vị này sống riêng biệt trong các tu viện, chùa chiền. Chủ trì các nghi lễ mang hình thức tôn giáo.
Tùy mỗi tôn giáo với sự khác biệt quan điểm, giáo lý, mà các vị này truyền dạy lại cho người đời con đường Đạo mục đích chỉ là đem hạnh phúc an lạc, trút bớt nỗi khổ hiện tại của người đời đang gánh chịu, đem đến cho con người niềm tin và hi vọng.
Theo Thiên chúa giáo thì niềm tin là sẽ được Thượng Đế rước mình về Thiên đàng để không còn khổ. Phật giáo cũng có niềm tin tương tợ, niềm tin sẽ được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Con người vẫn chỉ mang một lòng tin và thân mình thì vẫn còn nằm giữa dòng đời ô trược. Tuy rằng đạo Phật giải thích tường tận rằng Niết Bàn là một trạng thái an lạc có thể thực chứng ngay trong đời này cũng như thành Phật thì ai cũng có thể thành nhưng hai điều này không dễ thực hiện và con người chọn giải pháp thích hợp cho mình nhất là niềm tin vững chắc vào vị Phật đã phát nguyện cứu độ chúng sinh và rước về cõi mình, tức là Phật A Di Đà.
Các vị tu hành sống cuộc đời bình lặng hơn người thường, không bon chen, không làm lụng vất vả, không gánh vác gia đình, không âu lo như những giám đốc công ty, người buôn bán ở những cửa hàng hay những nông dân chân lấm tay bùn, thợ thuyền, công nhân lao động ở xí nghiệp hay cả những vị trí thức, giáo viên, giáo sư, kỹ sư, bác sĩ…v.v…Chắc chắn là không có những mối lo, bận rộn sinh sống như người đời thường và vẫn có những mối lo về vật chất như có câu nói “Có thực mới vực được đạo” nhưng không thể giống như mối lo của người đời cho dù cũng vướng phiền não, ưu tư.
Tuy rằng cũng có một số tu sĩ lao động như một người thường nhưng căn bản các vị này vẫn là người tu và sau công việc thì họ trở về tu viện, không sống chung chạ với người đời. Họ có thì giờ tĩnh tâm, xa cái ồn ào náo nhiệt của người đời. Sống gần gũi với người đời, lao động như người đời, thí dụ các ni cô, dì phước hành nghề y tá, nhờ đó hiểu rõ hơn người đời về những vấn đề và nỗi khổ của họ, có thể trực tiếp giúp đỡ người đời một cách thiết thực. Sống giữa Đời mà không ô nhiễm bụi bặm của Đời. Chúng ta thấy, Đạo ở đây đi sát Đời và làm lợi ích cho Đời. Có thể là một lý tưởng chăng?
Đi sát đời nhưng không hòa nhập. Nghĩa là không bị những tham vọng, dục tình và phiền não làm rối loạn. Tâm của người tu hành vẫn là tâm của người tu hành. Người tu thì bất cứ hoàn cảnh, môi trường nào cũng phải luôn cảnh giác mình để rủ bỏ những gì làm con người điêu đứng, không phục vụ các giác quan, chế ngự tình cảm, không dính mắc vào những liên hệ ràng buộc làm trở ngại con đường thanh tịnh thân và tâm.
Như vậy, tu là cốt ở nơi cái Tâm, thì người đời ai cũng tu được và cái áo tu có quan trọng không? Chiếc áo không làm nên thầy tu mà?! Đúng vậy, nhưng chiếc áo của người tu cũng giống như cái áo giáp của kẻ ra trận, sẽ giúp người chiến sĩ tránh những mũi tên, lằn đạn gây tử vong. Cũng thế, chiếc áo của người tu hành che chở cho vị này những cạm bẫy, cám dỗ nơi đời. Vừa nhắc nhở vị này là mình đang khoác chiếc áo thanh tịnh để giữ gìn giới luật, không tự mình làm ô uế vừa giúp cho người khác nhận ra mình là người tu hành, xin tôn trọng, đừng quyến rũ và làm tôi ô uế!
Đến đây, bài viết này sẽ chủ yếu dựa trên phương pháp tu hành của Phật giáo để bàn sâu hơn về con đường Đạo.
Có những người muốn tu nhưng sợ hãi những qui luật khắc khe, kham khổ hoặc vì chữ tình làm chướng ngại. Không thể cắt đứt tình cảm gia đình cũng như không thể dẹp bỏ hoàn toàn bản năng tình dục. Cũng có những lý do khác như hoàn cảnh, sức khoẻ, công việc…v.v…Nhưng hạng người này vẫn có thể bước từ từ vào con đường Đạo và được gọi là hàng cư sĩ tại gia.
Như đã đề cập ở phần trên, con đường tu thân của cụ Khổng không phải là con đường Đạo theo nghĩa tâm linh. Dù cũng là dựa trên căn bản đạo đức như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, tu thân theo Nho giáo không thể so sánh với người tu Đạo, dù chỉ là ở nơi ngưỡng cửa của Đạo với Tam Qui, Ngũ Giới có nghĩa là qui về nương tựa nơi Phật Pháp Tăng và nguyện không làm các điều ác, xấu như: sát hại, trộm cắp, tà dâm, dối trá và say rượu. Với thời đại này thì sự việc mê mẩn với những chuyện vô bổ, có hại, lãng phí thì giờ quí báu qua các phương tiện truyền thông như internet, những trò chơi game, hay ma túy cũng được xem là một loại say, nghiện.
Đạo phải được hiểu đầy đủ qua hai phương diện đạo đức và tâm linh. Đạo đức thì cũng như tu thân, thanh tịnh thân khẩu ý, giữ gìn giới hạnh. Cuộc sống ở đời, các mối quan hệ, giao tiếp giữa người với người sẽ dễ dàng, tốt đẹp, hạnh phúc hơn vì không có tranh chấp, bạo hành, phản bội, lừa dối, gạt gẩm, giết hại nhau. Phần giới hạnh được giữ gìn và thực hành xong thì hành giả hướng tâm thức sâu hơn, xa hơn lúc đó mới thực sự đi vào Đạo.
Sau khi đã qui ngưỡng Phật Pháp Tăng và nguyện thực hạnh các giới hạnh, dứt trừ các điều xấu ác và được học hỏi giáo lý của đức Phật như Bốn Chân Lý, thuyết Duyên khởi, Nghiệp, Nhân quả, Vô thường, Vô ngã… qua sự truyền dạy của Tăng đoàn thì hành giả sẽ phát 4 Nguyện Lớn (Tứ Đại Nguyện) như sau:
Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành. (6)
Bốn nguyện lớn này thâu tóm con đường Đạo vào 2 điểm trọng yếu: “Tự giác và Giác tha” nghĩa là giác ngộ cho mình và phát tâm bồ đề cứu độ chúng sinh. Con đưòng đầy đủ cả hai mặt: từ bi và trí tuệ.
Chỉ lúc nào hành giả chân thành, thực sự ý thức, chứ không phải lập lại, đọc lại theo nghi thức, phát được nguyện lớn như vậy thì hành giả mới thực thụ đi trên con đường Đạo. Con đường Đạo mới thực sự mở ra ở đây. Bằng không thì sự tu hành chỉ để có công đức và tái sanh tốt, chưa phải là con đường giải thoát, rốt ráo, đúng nghĩa.
Đỉnh cao của con đường Đạo là hạnh nguyện của các Bồ Tát, các ngài nguyện song hành cùng chúng sinh, còn chúng sinh nào chưa thành Phật thì các ngài cũng không thành Phật. Các ngài ở trong lòng Đời để cứu khổ, ban vui và giáo hóa con đường giải thoát.
Chúng ta nhận ra rằng, đi trên đường Đạo không nhứt thiết phải xa lánh cõi thế tục, phải xuất gia, phải khoác chiếc áo tu sĩ. Bất cứ ở đâu, bất cứ mọi hoàn cảnh nào, sau khi qui y Phật Pháp Tăng, thọ trì giới hạnh và ý thức được việc giải thoát cho mình ngang hàng với việc giải thoát chúng sinh là chúng ta đang ở trong Đạo, sống Đạo và thực hành Đạo.
Oai nghi của một vị Tăng, Ni thì ai cũng nhận ra nơi chiếc áo, nơi hình tướng bên ngoài, diện mạo, đầu tóc nhẳn nhụi, sớm tối kinh kệ, ăn uống đạm bạc, cho dù chúng ta không thể biết cái tâm của vị ấy như thế nào, và cũng không cần phải tìm hiểu, nhưng chúng ta cũng mang lòng kính trọng bậc tu hành vì hình ảnh ấy đại diện cho đức Phật đã không còn tại thế và Pháp mà các vị ấy truyền trao cho chúng ta.
Chúng ta nhận được Pháp là điều quan trọng nhất và chúng ta phải tu tập, thực hành ngay lúc còn trôi nổi giữa dòng đời hỗn loạn, không chờ phải có oai nghi như nguời xuất gia mới tu.
Vẫn mang tấm áo của người thường ở đời, vẫn sống bình thường, lo cơm áo gạo tiền, vẫn chồng, vợ, con cái đoàn tụ nhưng không vì thế mà không thực hành được Đạo. Nếu biết thiểu dục, tri túc, không đắm say dục lạc quá độ, biết điều chế thân và tâm, biết kiểm soát thân, khẩu và ý, không làm điều ác, chỉ làm điều thiện, biết tâm niệm thường xuyên bốn điều theo như lời Phật đã dạy:
Thân bất tịnh
Thọ thì khổ
Tâm vô thường
Pháp vô ngã. (7)
Và phát thêm Bốn Nguyện Lớn như đã đề cập phần trên, là như thế, ở trong Đời mà có Đạo, không cần phải đi tìm đâu xa.
Rốt cuộc chẳng có sự lựa chọn nào ở đây cả. Không cần bỏ Đời theo Đạo hay ngược lại, bỏ Đạo theo Đời.
Đạo mới chính là nguồn an ủi lớn nhất của con người. Không có Đạo thì Đời đã khổ chỉ khổ thêm. Bồ Tát Quán Âm cứu người thoát khổ nạn nhưng không quên nói Pháp cho họ được giải thoát. Đây mới là điều quan trọng.
Pháp chính là giáo lý, là Phật Pháp. Thông hiểu Pháp, sống như lời Pháp dạy. Đó chính là đang đi trên con đường Đạo.
Do đó, một khi thông hiểu Pháp và thực hành Pháp, không chần chờ, không đợi cơ hội hay hoàn cảnh thuận tiện, thì không cần phải lựa chọn. Đạo đã ở trong Đời và Đời mãi mãi có Đạo. Hình thức bên ngoài, như khoác chiếc áo tu, núp bóng dưới mái chùa cong cong, chẳng phải là điều quan trọng, chỉ là tùy nhân duyên và thuận theo nghiệp báo.
Câu hỏi được đặt ra “Đời hay Đạo?” và câu trả lời không là một sự lựa chọn, theo bên này, bỏ bên kia. Chỉ cần ý thức rằng sống ở Đời mà có Đạo thì thực sự hạnh phúc và sống Đạo để cứu Đời thì mới thật là Đạo.
Chú thích:
1. Kiều. Nguyễn Du
2. Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca Việt Nam. Vũ Ngọc Phan
3. Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca Việt Nam. Vũ Ngọc Phan
4. Cõi trần thế mà ác nhiều hơn thiện gồm 5 điều ngăn che, chướng ngại: kiến trược, kiếp trược, mạng trược, phiền não trược, chúng sinh trược. Đó là chướng ngại từ nơi cái kiếp mình đang sống, sinh ra. Từ nơi cái nhận biết, ý kiến, định kiến hay tà kiến và chấp vào đó. Từ nơi tham sân si, gây ra mọi thứ khổ não, khổ tâm, khổ thân. Từ nơi cái mạng sống, phải lo sự mưu sinh, sinh tồn mà tạo nghiệp. Từ các cõi, trong đó có con người, trời, thần, súc sinh hay ngạ quỉ, địa ngục đều phải chịu những nỗi khổ chung và riêng biệt của mọi loài.
5. Không làm các điều ác, Làm tất cả các điều lành. Kệ Pháp Cú
6. Bốn Nguyện Lớn: Chúng sinh nhiều không số kể, nguyện cứu độ hết. Những điều gây khổ tâm thì nhiều vô tận, nguyện dứt trừ hết. Các Pháp Phật, những phương tiện để độ sinh thì cũng nhiều không đếm hết được cũng xin nguyện tu học. Thành Phật là cứu cánh cao nhất, không gì bằng thì nguyện phải đạt được.
7. Cái thân xác thì ô uế, nhơ nhớp. Thụ hưởng thì sẽ khổ. Cái tâm thì thay đổi luôn, yêu ghét, ghét yêu, vui buồn, buồn vui, không thủy chung, trước sau như một. Không có một cái tôi bất biến, thường hằng, đời đời không tiêu diệt, riêng biệt và độc lập ở đâu cả.