Mọi người rất sợ bị người khác xem thường, vì vậy chỉ cần khi bản thân cảm thấy thấp kém hơn, liền đi chê bai hạ thấp người khác. Đó là một kiểu tâm lý ‘bồi thường’.
Tự đưa mình lên cao ở trên người khác, để mà cảm thấy ưu việt hơn người ta, nhưng mà vì sao phải cần cảm thấy ưu việt? Chính là tự ti, phải không? Thì giống như đi mua về một tấm biển “cảm thấy ưu việt”, nhưng mà là cái thương hiệu “ưu việt” ấy đến từ lòng mặc cảm tự ti!
Người ta vì sao lại thích đi nói xấu người khác? Mỗi khi chúng ta đang chỉ trích, phê bình một ai đó, sẽ khiến bản thân cảm thấy ‘cao hơn’ người ta một tầng. Điều này rất giống bơm hơi vào cái bánh xe cho căng phồng lên. Khi chúng ta đang chỉ ra những khuyết điểm, những sai lầm hay tội ác của người khác, chính là ta đang tự bơm mình lên, tự đề cao chính mình.
Chẳng qua là không được bao lâu thì khí trong cái bánh xe ấy sẽ lại một lần tự tản mát bay đi, nguyên nhân vì nội tâm của chúng ta có cái lỗ hổng, mà vì để “bù đắp” lỗ hổng ấy thì lại một lần nữa làm phương hại, làm thương tổn đến người khác mới thoải mái.
Người ta vì sao ưa thích nổi nóng? Cũng lại vì tính tự ti. Nóng giận là để có thể che giấu đi phía không có năng lực, chỉ cần nổi nóng, ai dám đụng bạn? Chỉ cần dùng lực vỗ xuống bàn, ai dám hoài nghi “năng lực” của bạn?
Đó chính là lý do vì sao rất nhiều người thà rằng tức giận cũng không nguyện lòng nhận sai. Bởi vì để nhận sai cần phải có dũng khí rất lớn, đó nhất định phải là người có tự tin cao mới có thể không sợ nề hà gì.
Tự cao là thể hiện bên ngoài, tự tin phải đến từ bên trong nội tâm. Người có lòng tự trọng thấp thường tỏ ra kiêu ngạo, tự cao tự đại, kỳ thực bên trong ‘hư không’, vô cùng yếu đuối, biểu hiện của cái vẻ tự phụ ấy chỉ là che giấu đi sự tự ti. Người càng tự ti càng chuộng sĩ diện hão, sợ mất mặt, và lại càng giỏi thổi phồng khuếch trương thanh thế hơn.
“Thường thì người mặc cảm tự ti tại phương diện nào nhất sẽ chú tâm ở phương diện ấy nhất.“
Chuyện kể rằng:
Khỉ và Hồ ly đã mấy ngày liền bị nhịn đói chưa tìm được thứ gì vào bụng, trên đường đi chúng phát hiện ra một cái hang động, bên trong động có một tượng Phật và hai cái bình.
Hồ ly cầu xin tượng Phật: “Chúng con đã đói mấy ngày liền chưa ăn uống gì cả, nếu cứ thế này nữa thì sẽ đói mà chết mất..”
Tượng Phật nói: “Ở đây có hai cái bình, một cái bình bên trong đựng đầy đồ ăn, một cái bình là rỗng không, ngươi chỉ được phép dùng cách quan sát để chọn một trong chúng.”
Hồ ly liền quay về phía hai cái bình và nói: “Trong hai cái bình có một cái đựng đầy ắp đồ ăn, còn một cái là rỗng không, ta thấy xem ra hai cái bình này khẳng định đều là bình không.”
Nghe xong câu này, một cái bình mở miệng lên tiếng: “Ta mới không phải bình không..…..”
Hồ ly ta thoáng nghe xong, liền sải tay lấy ngay cái bình còn lại kia ôm đi. Nắp bình vừa mở ra, quả nhiên bên trong đều đầy ắp những đồ ăn.
Khỉ kia thấy khó hiểu mới thắc mắc hỏi: “Làm sao mà bạn biết bên trong cái bình này có đồ ăn?”
Hồ ly cười khoái trí nói: “Người mà trong lòng rỗng không, sợ nhất là người ta nói họ là cái bình không; người mà trong lòng có của, bạn nói cái gì họ cũng không bận tâm.”
Người thường mặc cảm tự ti tại phương diện nào nhất sẽ khiến họ chú tâm vào phương diện ấy nhất. Hãy suy nghĩ một chút, một người tự tin, cần chứng minh điều gì với người khác không? Không, nếu bạn là thái dương, bạn căn bản không cần phải đốt lên thật nhiều ngọn nến để tăng thêm ‘ánh sáng’.
Một người mà có năng lực thật sự, cần biểu hiện sự cứng rắn không? Đương nhiên không cần. Bạn tuy không nhìn thấy gió, nhưng mà gió lại có thể thổi bật ngã cây đại thụ; nước nhìn tựa như nhu mềm nhất, nhưng có thể chảy xuyên thấu hòn đá cứng rắn kiên ngạnh (nước chảy đá mòn).
Sự thật thì nơi thế giới này người ôn nhu nhất cũng chính là người cường mạnh nhất, ví như Chúa Giêsu, Đức Phật Thích Ca, Lão Tử, các bậc thánh hiền,…… vì trí huệ của những bậc giác ngộ này đều như biển cả bao la.
Hai người đang tranh cãi nhau, giữa chừng một bên nhún nhường trước, hỏi ai là có phong độ cao hơn? Hai người đang trách cứ oán giận nhau, giữa chừng một người nhận lỗi trước, hỏi ai là có phong thái và sự độ lượng hơn?
Chỉ người có thực chất bên trong mới có thể đặt xuống thể diện, buông bỏ sĩ diện, chỉ người có tự tin mới có thể khom được cái lưng xuống, người có tự trọng mới đủ khả năng nhún nhường.
Lão Tử nói: “Dĩ kỳ bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh” (không tranh với ai cho nên thiên hạ không ai tranh với mình). Sông, biển không kén chọn dòng nhỏ mới có thể rộng lớn thành như thế. Núi cao không kén chọn đất mềm mới có thể cao thành nhường ấy.
Cho nên “lùi” kỳ thực lại là “tiến”, bởi vì bạn vĩnh viễn không cách nào đánh bại được một người mà họ vốn không hề muốn ‘thắng’, muốn so tài cao thấp với bạn!
Theo Epochtimes
Tâm Nguyễn biên dịch