Sau một thời gian dài phát triển thiếu quy hoạch và buông lỏng quản lý, kiến trúc đặc sắc của Đà Lạt đã chịu nhiều biến dạng.
Trong bức tranh chung đáng buồn ấy, có không ít những công trình kiến trúc giá trị của “thành phố ngàn hoa” đã và đang chịu sự tàn phá của thời gian và con người. Nhiều ngôi biệt thự cổ bị bỏ hoang hoặc biến thành chung cư, nhà trọ; nhiều ngôi nhà xây dựng trái phép, nhiều công trình quy mô lớn phá vỡ cảnh quan; nhiều ngôi nhà ống, nhà hộp dày đặc ở khu vực trung tâm; nhiều khu rừng nội ô bị tàn phá và nhiều diện tích hồ bị thu hẹp do tình trạng san lấp, khai phá đất đai.
GS.TS.KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN cho biết, cần hết sức tỉnh táo, kiên nhẫn. Nếu chỉ nhất nhất phụ thuộc, nghe theo nhà đầu tư vì cái lợi trước mắt..., chúng ta sẽ mất Đà Lạt.
Chỉ nhất nhất phụ thuộc, nghe theo nhà đầu tư… sẽ mất Đà Lạt
“Nếu mất rừng thông, thác, suối, đồi, hoa và sương mù… sẽ mất thế mạnh mà thiên nhiên ưu đãi cho Đà Lạt”, đó là lời cảnh báo từ lâu của giới chuyên gia trên nhiều lĩnh vực. Và, “nếu để cho quá trình đô thị Đà Lạt phát triển tự phát, ta sẽ mất tất cả”, là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo “Phát triển đô thị Đà Lạt gắn với bảo tồn theo định hướng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Xây dựng và Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức mới đây.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S và TS Lê Văn Thương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM đồng nhấn mạnh việc “bảo tồn di sản kiến trúc và cảnh quan đô thị cho Đà Lạt” là vấn đề cốt tử. Do vậy, tôn tạo giá trị “trục di sản” cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm.
TS.KTS Lê Quang Ninh nêu ý kiến, “thử tìm vài lối đi cho vốn di sản đặc thù của thành phố Đà Lạt trong vài thập niên 2020 đến 2050” vì nơi đây xứng đáng được công nhận là “Đô thị di sản của cả nước và thế giới” với cảnh quan thiên nhiên, khí hậu tuyệt vời, với những công trình kiến trúc Pháp đã được xếp hạng bảo tồn (Dinh, biệt thự, Ga, Trường Cao đẳng Sư phạm…) và nhiều công trình mang yếu tố bản địa sau này (Chợ Đà Lạt, Viện Hạt nhân, chùa Tuyền Lâm…).
GS.KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) kêu gọi hãy “bảo tồn các đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc trong phát triển đô thị Đà Lạt” khi “cả nước hiện có 810 đô thị và tốc độ đô thị hóa trên 37%, nhưng chưa có đô thị nào được như Đà Lạt, vì nơi đây có nhiệt độ trung bình quanh năm lý tưởng từ 17 đến 20 độ, có những tán rừng thông 3 lá đặc biệt với thế giới, có những chuỗi hồ, đồi, núi, thảm thực vật phong phú… tạo nên vẻ đẹp thơ mộng, tinh tế”… Phát triển Đà Lạt đừng chỉ bàn đến khu cốt lõi trung tâm, mà bỏ quên các đô thị vệ tinh: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng... và “cần hết sức tỉnh táo, kiên nhẫn, nếu chỉ nhất nhất phụ thuộc, nghe theo nhà đầu tư vì cái lợi trước mắt mà xây những nhà chọc trời, cao to làm cho cảnh quan trở nên chật hẹp, chúng ta sẽ mất Đà Lạt…”.
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn cảnh báo: “Các tòa nhà hộp, nhà kính, nhà cao tầng sẽ phá nát Đà Lạt, nên rất cần phân định các khu riêng cho phát triển đô thị cho hàng trăm năm sau khi dân sinh ngày một lớn”. Bàn về “Chiến lược bản sắc cho Đà Lạt: Quy hoạch tầm nhìn trăm năm cho khu trung tâm”, nên quy hoạch khu trung tâm theo triết lý quy hoạch cho phù hợp “chứ không theo tư duy địa giới hành chính, địa chí phường, xã nếu chỉ nghĩ đến việc quy hoạch riêng khu trung tâm Hòa Bình Đà Lạt hiện nay thì quá ngắn”. Phải xác định quy mô thế nào là vừa để chung sống hòa đồng với thiên nhiên, không để những công trình kiến trúc quá lớn, mà theo phương châm: “Những đỉnh cao làm nhà thấp, những đỉnh thấp làm nhà cao…”.
Nêu vấn đề “phát huy giá trị kiến trúc Pháp trong phát triển đô thị Đà Lạt gắn với bảo tồn theo định hướng quy hoạch chung”, KTS Trương Thị Thanh Trúc (Đại học Kiến trúc TP.HCM) đã khẳng định: “Cùng với Huế, Đà Lạt được coi là một trong hai đô thị trên toàn quốc có đủ cơ sở để vào diện Đô thị - di sản”. KTS Trần Văn Việt cho biết: “Đà Lạt không chỉ là Bảo tàng sống của kiến trúc Pháp mà còn có nhiều công trình Á Đông làm sau này. Hiện có 80 ngôi biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước và còn nhiều biệt thự thuộc sở hữu của cá nhân, cộng đồng mà chưa có điều kiện đánh giá”…
Tại Hội thảo, theo nhiều đại biểu, Đà Lạt cần phát triển ưu tiên lên phía Bắc vì ít phải đền bù, giải tỏa. Khi chỉnh trang phía Nam, cần bảo tồn cấu trúc. Các tuyến đường xưa bên cảnh quan thiên nhiên đồi, núi, hồ nước… cần được cân nhắc bảo tồn.
Nên quy hoạch khu trung tâm theo triết lý quy hoạch cho phù hợp “chứ không theo tư duy địa giới hành chính, địa chí phường, xã nếu chỉ nghĩ đến việc quy hoạch riêng khu trung tâm Hòa Bình Đà Lạt hiện nay thì quá ngắn”. Phải xác định quy mô thế nào là vừa để chung sống hòa đồng với thiên nhiên, không để những công trình kiến trúc quá lớn, mà theo phương châm: “Những đỉnh cao làm nhà thấp, những đỉnh thấp làm nhà cao…(TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn)
Cần tạo điểm nhấn trong hiệu quả gắn kết tổng hòa
ThS Trần Thanh Nam, Trưởng khoa Mỹ thuật Đô thị (Đại học Kiến trúc TP.HCM) cho rằng: “Mỹ thuật đô thị Đà Lạt và tại các vùng phụ cận cần nương theo vẻ đẹp thiên nhiên, tạo điểm nhấn trong hiệu quả gắn kết tổng hòa”. Trên thực tế, một đô thị văn minh, hiện đại luôn cần đến sự điều chỉnh hài hòa trong một quy hoạch thống nhất. Điểm nhấn của mỗi thành phố hiện đại thường là các tòa nhà đẹp, những quảng trường, đài phun nước, những công viên, bờ hồ, thảm cỏ, bồn hoa, đại lộ, không gian công cộng thoáng đãng với siêu thị, cửa hiệu, cửa hàng, quán ăn…
Và, hiển nhiên không thể thiếu những các công trình điêu khắc mỹ thuật: tượng đài, phù điêu, tượng trang trí ngoài trời bằng các chất liệu bền vững (đá, đồng, kim loại tổng hợp, bê tông…) cùng những công trình tranh hoành tráng, tranh ghép gốm… chịu được mưa, nắng, thời gian. Bên cạnh đó, là các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng trong không gian đô thị: từ tấm biển chỉ đường ghi tên mỗi con phố; từ bến, bãi đậu xe đến những chiếc thùng đựng rác công cộng; từ chiếc ghế dài ngồi nghỉ thư giãn nơi công viên, mẫu mã các du thuyền lướt sóng trên mặt hồ… đến hệ thống pano, poster với hình ảnh quảng cáo lắp đặt ngoài trời; từ hệ thống biển hiệu cửa hàng, siêu thị, quán ăn… đến cờ, phướn, khẩu hiệu…
Và nên thành lập Hội đồng Quốc gia về Quy hoạch Kiến trúc, Mỹ thuật… với những chuyên gia có uy tín để tư vấn, tham mưu, xác định kỹ lưỡng “không gian đặt để” cho các công trình mỹ thuật, đồng thời tổ chức các Trại sáng tác điêu khắc và các cuộc thi mang tầm quốc gia – quốc tế về kiến trúc, mỹ thuật đô thị… nhằm thu hút sự tham gia của đông đảo các nghệ sĩ, nhà thiết kế, kiến trúc sư trong và ngoài nước...
Để Đà Lạt xứng đáng là đô thị nghỉ dưỡng và đô thị di sản có thương hiệu đặc biệt trong hệ thống du lịch Việt Nam, vùng Tây Nguyên và tỉnh Lâm Đồng rất cần sự chung tay của nhiều cấp, Bộ, ngành. Với đặc thù riêng, dù chặt một cái cây, hay san ủi một quả đồi tại đây thế nào cho phù hợp cũng là điều cần được cân nhắc kỹ. Cần phối hợp gắn kết chặt chẽ, thật sự cùng nhau trong một ý tưởng và hành động chung. Cần có nhạc trưởng “đủ tâm”, “đủ tầm”, đủ uy quyền để gắn kết các nhà chuyên môn: di sản, quy hoạch, cảnh quan, môi trường, kiến trúc, xây dựng, mỹ thuật đô thị… trong phát triển Đà Lạt.