Trẻ con ở Việt Nam đang bị 'tước đoạt' những gì?

Câu cửa miệng của ông bà, bố mẹ mỗi khi thấy con muốn chơi đất cát là “Bẩn lắm, đừng có chơi”. Kết quả là rất nhiều đứa trẻ lớn lên ngại bẩn, sợ bẩn, không biết đến những trải nghiệm lấm lem bùn đất.

1. Thiếu cơ hội để rèn kỹ năng quan sát thực tế ở giai đoạn ấu thơ

Khoa học cho rằng giai đoạn trước 3 tuổi là giai đoạn đứa trẻ thông minh nhất, tiếp thu mọi kiến thức tốt nhất, nên dạy học đọc, kiến thức trước 3 tuổi trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu hơn. Điều ấy có thể đúng, nhưng liệu có phải là điều quan trọng nhất mà trẻ cần ở giai đoạn còn nhỏ, đặc biệt là trước 3 tuổi không nhỉ?

Những nhà giáo dục thì đưa ra một chứng mình rằng trước 3 tuổi, năng lực cần rèn luyện cho trẻ nhất chính là "Năng Lực Quan Sát". Mà muốn nuôi dưỡng năng lực này điều quan trọng nhất chính là cho trẻ được trải nghiệm bên ngoài với thiên nhiên, sự vật xung quanh.

Ở giai đoạn ấu thơ trước khi đi học vì ít được cha mẹ cho những trải nghiệm quan sát thực tế, được tiếp xúc với thiên nhiên nên không có gì lạ khi học sinh bây giờ viết văn miêu tả lại kém thực tế đến thế. Cũng giống như nhà văn muốn viết được thì phải đi nhiều, vốn sống và vốn trải nghiệm thực tế phải phong phú, thì con trẻ cũng thế. Khi mà vốn trực quan từ thực tế không có thì những bài văn miêu tả con gà, cây chuối…các em viết ra mới khiến người lớn phì cười đến vậy.

Bên cạnh đó, nền giáo dục quá máy móc khi bắt học trò thành phố phải miêu tả con gà, con lợn, cây chuối khi mà nhiều bé chưa từng được biết nếu không được cha mẹ cho về quê hay cho quan sát thực tế. Vậy thì có thể thay bằng miêu ta những cái đó sao không cho trẻ em thành phố miêu tả cái ô tô, miêu tả khu phố, trẻ em nông thôn miêu tả con gà, con lợn…mà tốt hơn nữa thì hãy để những đề tài mở để các em thỏa sức sáng tạo như miêu tả cây hoa em thích, kể lại kỉ niệm một lần đi chơi, du lịch…

2. Thành phố có rất ít công viên cho trẻ

Đô thị hóa chưa bao giờ diễn ra với tốc độ chóng mặt như ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ở đâu cũng ngổn ngang xây dựng, cũng chung cư đô thị với những lời quảng cáo rất hấp dẫn về không gian thoải mái tiện ích cho cả gia đình. Thế nhưng, thực tế thì những chung cư mọc lên, người ta dành quá ít quỹ đất cho việc xây dựng không gian xanh để người dân có thể thư giãn, giải tỏa stress trong lòng thành phố đông đúc chỉ người và phương tiện xe cộ này.

Và ở một đất nước mà trẻ em không phải là ưu tiên hàng đầu thì việc trẻ em được quan tâm xem chúng chơi ở đâu, chơi gì quả là một thứ xa vời. Trẻ con thành phố không có không gian để chạy nhảy, leo trèo; không có thiên nhiên cây cỏ để trải nghiệm, chính là thực tế đáng buồn ở Hà Nội.
       
Trẻ con thành phố không có không gian để chạy nhảy, leo trèo; không có thiên nhiên cây cỏ để trải nghiệm, chính là thực tế đáng buồn ở Hà Nội.

3. Trẻ đến trường nhưng không được chạy nhảy tự do

Những trường mầm non với quy mô nho nhỏ cũng không có được sân chơi riêng, còn những trường công có sân chơi rộng và đồ chơi nhiều thì trẻ con lại bị nhốt ở trong lớp. Ở Việt Nam, hình ảnh những đứa trẻ đến trường mẫu giáo, việc của chúng là ngồi ngoan trên ghế, dạ cô ạ khi cô gọi, nó đối lập hoàn toàn với hình ảnh những trường mẫu giáo ở Nhật hay các nước phát triển khác, nơi mà trẻ con đến trường với nhiệm vụ là được chơi tự do càng nhiều càng tốt. Vì khoa học đã chứng minh, càng chơi bộ não của trẻ càng thông minh. Càng chơi nhiều chúng càng có tính tự lập, và tự chủ trong suy nghĩ cũng như hành động.

Còn trẻ con Việt Nam, ngay từ khi học mẫu giáo chúng đã chịu sự kìm kẹp của môi trường giáo dục rồi, còn đâu cơ hội để rèn tư duy tự chủ, và sáng tạo. Nhiệm vụ của trẻ con Nhật là sẽ được chơi tự do ngoài trời cả buổi sáng ít nhất là 1 tiêng rưỡi đến 2 tiếng mỗi sáng. Còn ở Việt Nam, trẻ con chỉ kịp nhếnh nháng tập thể dục 30 phút là lại phải vào lớp ngồi.

Ngoài ra cũng chính vì ít có cơ hội vận động, lại được bổ sung quá nhiều dinh dưỡng đến mức thừa mứa mà tỉ lệ những đứa trẻ thành phố bị mắc chứng béo phì của Việt Nam là rất cao.

4. Mọi sân chơi đều nhân tạo

Khi về Việt Nam mình quan sát thấy hầu hết nhà trẻ, nhiều công viên của Việt Nam sẽ lát sân bằng sân bê tông hoạc sân gạch, hay dùng cỏ nhân tạo thì ở bên Nhật mọi công viên đều để sân đất hoặc cát nguyên cho trẻ chơi. Mỗi công viên đều có một khu chơi nước, hoặc là những dòng suối nhỏ rải sỏi đá để trẻ trải nghiệm. Nghĩa là mọi yếu tố nhân tạo sẽ bị hạn chế tối đa, để trẻ được tiếp xúc với những gì thiên nhiên nguyên sơ nhất. Vì chính những tiếp xúc trực tiếp với vật liệu tự nhiên, mới giúp trẻ nuôi dưỡng 5 giác quan và kích thích sự tò mò. Sức mạnh của thiên nhiên nằm ở đó.

Khi xung quanh đều bê tông hóa, đứa trẻ chỉ cần ngã là đã bị thương, bị trầy xước nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro. Thế là ông bà, ba mẹ xót con xót cháu cấm tiệt việc cho trẻ được chạy. Ngày xưa đường làng, công viên còn nền đất, cát thì chúng ta được chạy nhảy tự do. Còn trẻ em ngày nay, chúng lớn lên mà chẳng biết thế nào là ngã đau, chẳng biết thế nào là được tự do chạy nhảy cả.

5. Thiên nhiên hoang sơ bị tàn phá, nhường ngôi cho thiên nhiên nhân tạo

Ở Việt Nam càng ngày càng có nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng nhân tạo được dựng lên. Nhưng với con trẻ thì trải nghiệm ở những khu nghỉ dưỡng nhân tạo đó chưa hẳn đã là điều tốt. Nước Nhật đã trải qua thời kì giống như Việt Nam bây giờ, với những khu resort nhân tạo đã làm thay đổi diện mạo tự nhiên của cảnh quan môi trường.

Nhưng bây giờ các nhà giáo dục Nhật cũng như các nhà hoạt động môi trường đều đang kêu gọi hãy để lại trạng thái nguyên sơ cho thiên nhiên, và khuyến khích ba mẹ hãy cho con trải nghiệm với thiên nhiên nguyên bản nhất. Một dòng suối nhân tạo trong một khách sạn đắt tiền chưa chắc đã cho trẻ nhiều cảm giác thích thú, tò mò hơn so với một dòng suối hoang sơ.

Những con sông, ao hồ đã bị bê tông hóa hai bên bờ làm sao còn chỗ trú ngụ cho các loài côn trùng, ốc, cua sinh sống, mà nó lại là một phần trong những trải nghiệm với sông nước, ao hồ.

6. Ngay cả nông thôn môi trường sinh thái cũng đang bị hủy diệt

Có lẽ đã phải gần 20 năm, từ khi bắt đầu trào lưu người ta dùng cái dí điện để đi đánh bắt cá nhỏ ở mương, kênh, sông ngòi. Thay vì phải dùng tay để bắt, để mò thì chỉ cần khoác cái bình điện cùng cái gậy dính sẵn cái vợt, con người có thể dễ dàng thu về bao nhiêu cân cá trong vòng 1-2 tiếng đi bắt. Nhưng hậu quả của việc dùng điện để đánh bắt cá tràn lan là sự suy giảm về số lượng của các loài sinh vật ở vùng nông thôn. Bên cạnh việc dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ bừa bãi cũng là nguyên nhân khiến cho các loài như ốc, cua, ếch, nhái, giun, kiến, bướm và đom đóm đều bị suy giảm dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.

Bây giờ về quê, hiếm mà bắt được bữa cua đồng để ăn, chỉ còn cua nuôi trong bể mà thôi. Đom đóm thì gần như đã không còn thấy nữa, vì sông ngoài kênh rạch bị ô nhiễm thì đom đóm là loài sinh vật đầu tiên bị ảnh hưởng. Chỉ mới 15 năm nhưng diện mạo tự nhiên của cả đô thị lẫn nông thôn Việt Nam đã thay đổi chóng mặt. Điều đáng tiếc là người lớn chúng ta đã đánh mất rất nhiều giá trị quý báu của thiên nhiên để cho con trẻ trải nghiệm.

7. Không được nghịch bẩn

Câu cửa miệng của ông bà, bố mẹ mỗi khi thấy con muốn chơi đất cát là “Bẩn lắm, đừng có chơi”. Kết quả là rất nhiều đứa trẻ lớn lên ngại bẩn, sợ bẩn, không biết đến những trải nghiệm lấm lem bùn đất. Có lẽ vì trải qua một tuổi thơ khốn khó, cực khổ và bây giờ điều kiện kinh tế của mọi gia đình đều khá hơn trước nên người lớn không muốn để con trẻ phải chịu khổ, chịu bẩn.

Mọi người mặc nhiên coi việc chơi đất chơi cát, chơi ngoài trời nắng gió là không tốt, bao bọc đứa trẻ trong lồng kính, mà quên mất rằng bản thân mình lớn lên khỏe mạnh và vững vàng được như thế là nhờ những trải nghiệm lấm lem bùn đất đó.

8. Không có cơ hội được trải nghiệm khổ cực

Nếu mọi người đã đọc phần người Nhật cho trẻ chịu khổ cực như nào, thì sẽ cảm nhận rất rõ rằng trẻ con ở Việt Nam đang bị mất dần khái niệm thế nào là “trải nghiệm khổ cực”. Dường như cuộc sống càng sung túc hơn, thì người lớn càng sợ để cho con cái mình được nếm trải qua những “gian khổ”.

Cực khổ là liều miễn dịch tốt nhất cho ý chí. Thiên nhiên, khí trời là liều kháng sinh tự nhiên tốt nhất cho cơ thể. Vậy nhưng trẻ chơi ngoài trời nắng chút thì sợ con bị ốm, trời hơi lạnh chút thì phải mặc thật ấm cho con hoặc giữ con trong nhà không cho ra ngoài. Rất nhiều phụ huynh mình tiếp xúc đều than thở rằng, sống cùng ông bà nhiều khi mệt lắm vì cháu chỉ mới ho hắng một chút thôi là ông bà lại bắt nghỉ học ở nhà không cho ra ngoài.

Có những đứa trẻ cả tuổi thơ chỉ làm bạn với bốn bức tường, với thuốc kháng sinh, với quần áo dài tay, khăn quấn cổ.

Những đứa trẻ 2 tuổi rồi nhưng đi chưa vững, và rất lười tập đi, kỹ năng đi và chạy rất kém chỉ bởi vì chúng không có môi trường để được luyện tập đi bộ, tập chạy nhảy. Nhưng trên hết chính là vì ông bà, ba me quá bao bọc và không chịu rèn cho trẻ những kỹ năng này.

Mình vẫn nhớ hình ảnh cuộc đua xe đạp thăng bằng cho trẻ ở lứa tuổi mầm non, vì trời nắng nên rất nhiều ông bà bố mẹ tay cầm quạt để quạt cho con, điều mà không bao giờ mình nhìn thấy ở Nhật. Hay hình ảnh những ống bà mẹ còng lưng dắt xe dưới trời mưa để đứa con lớn tồng ngồng ngồi trên xe, thay vì cho trẻ được trải nghiệm lội bộ trong nước. Tình yêu thương không đặt đúng chỗ, đôi khi có thể sẽ làm cản trở cơ hội để trẻ được trải nghiệm và lớn lên.

Ngày nay từ thành phố đến nông thôn, học sinh cấp 2-3 nào hầu như cũng được sắm xe đạp điện. Thử hỏi tụi trẻ con còn biết gì là trải nghiệm mướt mát mồ hôi đạp xe dưới trưa nắng để về nhà như ba mẹ chúng ngày xưa. Mà ba mẹ vô tình quên mất rằng chính sự khó khăn đó đã là môi trường hun đúc nên ý chí và tinh thần vượt khó cho thế hệ của mình.

9. Chôn vùi tuổi thơ ở những lớp học thêm

Ngay cả ở Nhật, những đứa trẻ vẫn không thoát khỏi tình trạng bị nhồi nhét ở những lớp luyện thi, những lớp học thêm để thi vào những trường nổi tiếng, là tấm vé an toàn cho một công việc mơ ước sau này. Nhưng ở Việt Nam, áp lực học hành lên con trẻ thì nhiều hơn ở Nhật rất nhiều. Trẻ con không có cơ hội được đi chơi công viên hay đi chơi xa cuối tuần, chỉ bởi vì chúng còn bận đến lớp học thêm Toán, tiếng Anh.

Có lẽ rất nhiều điều trong số này cha mẹ lại cảm thấy rất bình thường và coi nhẹ. Đặc biệt là yếu tố cho trẻ được khổ cực, được rèn đi bộ.

Nguồn: beyeu.com
Previous Post
Next Post