Ở đời “tốt khoe xấu che” là sự thường. Nhưng trong cái khoe cũng tùy tâm tính con người, tùy hoàn cảnh sự việc mà người ngoài soi chiếu. Có cái khoe nhẹ nhàng, thể hiện niềm tự hào chính đáng; ngược lại có cái khoe của kẻ hãnh tiến xu thời, khoa trương quá đáng và trở thành phản cảm.
Tuần qua, trên các báo có hai chuyện “khoe” đáng nhớ. Báo Thanh Niên đăng loạt bài về em Trần Thị Diệu Liên, con gái chị lao công được học bổng trị giá gần 7 tỉ đồng của Đại học Harvard, trong đó có những giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ, có niềm tự hào của người cha làm nghề thiết kế bảng quảng cáo “khoe” gia tài là các bằng khen của 2 cô con gái treo đầy trên tường của căn nhà xập xệ giữa Sài Gòn.
Một số báo mạng khác lại khoe chuyện ganh đua độ lớn và đắt tiền của 2 nồi lẩu. Đầu tiên là nồi lẩu 2 triệu đồng ở Hà Nội rồi chưa đầy 2 ngày sau, từ Cà Mau xuất hiện “siêu lẩu” giá gần 50 triệu đồng. Chủ nhân của nồi lẩu “khủng” này là nhóm chơi mô tô khá nổi tiếng cho rằng họ không có ý định chơi nổi hay lãng phí mà chỉ để kỷ niệm 1 năm thành lập nhóm. Tất nhiên, những người tạo nên khay lẩu ngập đầy hải sản đắt tiền ở Cà Mau và Hà Nội cũng nhận những lời tán dương lẫn cả những “gạch đá” của dư luận, nhất là khi chủ nhân khay lẩu Cà Mau đưa ra lời kêu gọi các tỉnh, huyện khác phá vỡ kỷ lục của khay lẩu dài 2 mét này.
Không ai ngăn cản việc đưa hình ảnh vật dụng đắt tiền, cảnh sinh hoạt đời thường lên các trang cá nhân, nếu những hình ảnh này không vi phạm thuần phong mỹ tục, không ảnh hưởng không gian văn hóa của cộng đồng. Ai có tiền có của thì có quyền khoe giàu, khoe của, khoe chuyện vui chơi, miễn đừng xúc phạm người khác. Thế nhưng cũng cần phải hiểu có sự giới hạn để “cái sự khoe” ấy không đến ngưỡng lố bịch, kệch cỡm, “lùn” văn hóa; song giới hạn này nhiều lúc không rõ ràng mà phải là người tinh tế, thanh lịch thì họ biết mức độ nào là vừa phải, chấp nhận được, chứ “trọc phú” thì đành chịu, khó sửa được tâm tính.
Một thuộc tính phổ biến của người Việt là chuộng hình thức, thích “hơn người” nên những trò khoe mẽ lại có người hưởng ứng, tán dương, tuy nhiên số này không nhiều, bởi dân trí ngày càng cao, biết lựa chọn những giá trị đích thực, vững bền. Nếu muốn khoe, nhất là các bạn trẻ, hãy khoe những sinh hoạt lành mạnh, những thành tích học tập, thể thao, văn nghệ, khoe với sự hồn nhiên, tinh nghịch. Đó là những nỗ lực được tưởng thưởng chính đáng, dễ thương, đầy khích lệ.
Nhìn lại các tỉ phú hàng đầu thế giới, sẽ thấy họ lớn lao chừng nào với sự khiêm nhường, giản dị. Bill Gates chỉ nghỉ mát ở thị trấn nhỏ ven biển Croatia nhưng Quỹ Từ thiện Bill & Melinda Gates năm 2014 có nguồn vốn lên tới 42 tỉ USD. Warren Buffett dành 99% giá trị tài sản của mình cho hoạt động từ thiện. Còn ông chủ Facebook thường mặc áo thun xám, quần jeans ngồi trong chiếc xe Acura cũ kỹ.
Mạng xã hội và các báo mạng tràn ngập thông tin là xu hướng tất yếu của thời đại internet. Qua câu chuyện khoe mẽ, càng thấm thía với nhận định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tại hội nghị ngày 14-6: “Trách nhiệm của báo chí là tìm kiếm sự thật, hạn chế gây hại bằng những thông tin bỏng mắt, đắng lòng, bất chấp đạo lý”.