“Suối nguồn” và sự hỗn loạn, kệch cỡm của xã hội Việt Nam hiện nay

Gần đây tôi đang đọc lại quyển “Suốinguồn” của Ayn Rand. Ngay từ lần đầu tiên đọc “Suối nguồn” đã trở thành cuốn tiểu thuyết yêu thích của tôi. Trong cuốn sách ấy không có một chữ nào là thừa thải cả, không có một nhân vật nào là vô ích. Họ là tất cả những gì họ đại diện.

Tôi từng nói về việc Howard Roak nhân vật chính là một vị thần theo đúng nghĩa tinh thần của từ “thần”. Nhân cách và con người của anh ta là sự hoàn mỹ mà trên thực tế là không thể đạt được. Vì vậy nên chỉ có Howard Roak là con người chân chính còn tất cả chỉ là một dạng tồn tại thứ sinh trong một hiện thực thứ sinh như Ayn Rand đã quan niệm.

Nhưng hôm nay tôi sẽ không nói về Howard Roak và ca ngợi sự thần thánh của anh ta. Tôi nghĩ tới bối cảnh của “Suối nguồn” và dường như nó rất giống với xã hội của chúng ta hiện nay.

Xã hội của “Suối nguồn” là một nơi chốn hỗn loạn, giả tạo và trống rỗng. Nhưng nó được dựng nên trên nền một nước Mỹ đang bước vào giai đoạn cực thịnh, và sự cực thịnh đó chính là cái nền để mọi thứ cuồng loạn hơn, đạo đức giả hơn và rỗng tuếch hơn. Đọc tới đây nhiều người sẽ tự hỏi thế thì giống quái gì với xã hội của ta (hẳn ý họ là ngoài chuyện hỗn loạn, giả tạo và trống rỗng) vì chúng ta đang xuống dốc còn gì. Nhưng mà hãy nhìn lại một chút, Việt Nam đang bước vào chính giai đoạn đó. Chúng ta đang sản sinh ra một tầng lớp nhà giàu mới, những người giàu rất nhanh, những người mà có lẽ theo lý lẽ thông thường thì không xứng đáng để giàu (nhưng đây là thực tế ai lại nói chuyện xứng đáng hay không, không thiếu những chuyện kỳ lạ vẫn xảy ra trên cõi đời này). Nước Mỹ trong suối nguồn cũng đầy rẫy những con người như vậy, những người đã dùng đủ mọi phương cách để giàu, những kẻ xuất thân chả có gì nổi bật rồi làm nên cơ nghiệp, những kẻ thừa kế lại sự giàu có…

Điều này tương tự ở Nga trước đây và hiện đang xảy ra với Trung Quốc và Việt Nam hiện tại. Đó là rất nhiều người giàu xuất hiện kèm theo với rất nhiều người nghèo, sự chênh lệch đang bị đào sâu. Và đáng ngạc nhiên là hai tầng lớp này song hành với nhau, họ dựa vào nhau mà tồn tại. Và những hiện tượng như thế này sẽ làm nền cho những điều ngu ngốc, điên rồ mà chúng ta đang chứng kiến ở xã hội này.

Đầu tiên hãy nói về cái tầng lớp giàu có nhanh chóng kia. Vì giàu quá nhanh nên người ta chưa có dịp thích nghi với điều kiện hiện tại của mình. Đừng ngạc nhiên, tiền bạc cũng là một thứ cần phải thích nghi, đẳng cấp cũng tương tự như vậy. Thượng lưu không phải chỉ là một từ, nó còn là một phong cách sống. Nhưng khá nhiều người giàu ở Việt Nam hiện nay còn chưa học được điều đó.

Mấy ngày trước tôi có thấy một người bạn chia sẻ trên face bài báo về “cung điện” của một tỷ phú Việt Nam và so sánh nhà của ông này với Mark ông chủ facebook. Tôi không quan tâm nhà của Mark như thế nào hay giản dị ra sao, tôi không đem anh ta ra so sánh vì tôi thấy điều đó thật vớ vẩn. Nhưng tôi tự hỏi liệu những ngừoi có khiếu thẩm mỹ trên cõi đời này có ai gọi tòa nhà của vị tỷ phủ Việt Nam là đẹp. Quá phô trương và thừa mứa, quá rườm rà và hoàn toàn lạc điệu. Tôi đã xem cách người ta trang trí nội thất bên trong và tôi không hiểu là có thứ gì mà vừa phô trương vừa đắt giá lại vừa rẻ tiền hơn thế không. Không hề có cái gọi là khiếu thẩm mỹ hay vẻ đẹp hay sang trọng. Chỉ có một màu chói lóa của bất cứ thì gì có thể chói lóa.

Cứ nhìn vào nôi dung cả trong lẫn ngoài thì hẳn ta sẽ nhận ra dụng ý của chủ nhân ngôi nhà là thể hiện cho mọi người thấy đẳng cấp của mình. Việc thể hiện đẳng cấp thì tôi không có ý kiến, người ta có quyền thể hiện cái mà mình có. Nhưng cái đẳng cấp này được thể hiện quá dở.

Theo kiểu phối cảnh cua tòa nhà ấy tôi hẳn sẽ phải xấu hổ nếu bị bắt sống trong đó, một phong cách quá kệch cỡm và phô trương.

Tương tự như vậy trong “Suối nguồn” kiến trúc của nước Mỹ cũng phô ra một bộ mặt tương tự. Người ta chạy theo sự phô trương và xây nên những tòa nhà thừa mứa các vật trang trí. Những loại phong cách a dua, lai căng, rỗng tuếch. Phong cách của nó là một thứ hỗn tạp, không nguồn gốc và toàn sao chép từ kẻ khác. Và những con người ở trong đó đều là những người giàu có, đều là thượng lưu. Nhưng họ giả tạo và trống rỗng. Tương tự như vậy các kiến trúc sư xây dựng nên những công trình đó cũng trống rỗng. Nhưng mọi người trong giới thượng lưu đều tôn thờ họ.

Vấn đề với Việt Nam hiện tại là người ta giàu nhưng chưa đủ chín chắn trước sự giàu có của mình. Vì họ không hề có phong cách, vì có lẽ đêm qua họ vẫn còn phải luồn lách ở đâu đó và hôm nay đã làm nên cả một sự nghiệp. Họ quá nhanh nhảu trong việc khẳng định nên thành ra đã phô bày những gì mà mình muốn che giấu nhất.

Và tôi còn thấy những điểm tương đồng về các môn nghệ thuật khác trong “Suối nguồn” và xã hội Việt Nam hiện nay. Và sự tương đồng lý thú tới nỗi tôi nghĩ mình đã thích cuốn sách hơn bao giờ hết.

Trong “Suối nguồn” có một nhân vật là nhà văn chuyên viết những cuốn sách rẻ tiền và chẳng mang một ý nghĩa nào. Đó là một quyển sách đầy những từ vô nghĩa vần với nhau hoặc một quyển sách kể về quá trình một viên sỏi mật bị hòa tan trong thận của một người nào đó. Và độc giả hoàn toàn không hiểu cô nhà văn này viết gì hay viết như vậy có ý nghĩa gì. Nhưng sau lưng cô là một kẻ chống lưng tài năng. Là cả một hệ thống truyền thông để đưa tên tuổi cô lên. Nên nghiễm nhiên cô phải là một tên tuổi lớn trên văn đàn. Người ta đọc tác phẩm của cô rồi tán thưởng bởi vì có ai đó đã đọc về nó, vì ai cũng đọc và khen ngợi nó. Như những cái máy họ phát ngôn lại lời của người khác mà không hề có một ý kiến cá nhân nào. Và người ta cứ tung hê nhau như vậy. Rồi cả một tổ chức được lập ra với cô nhà văn trên làm chủ tịch, tổ chức đó quy tụ toàn những thành phần như vậy của văn đàn. Những con người ấy không sáng tác, không làm điều gì cho đúng với cái danh nhà văn của mình. Nhưng họ phát biểu, họ nói những thứ đao to búa lớn. Nên mọi người đều coi họ là vĩ đại.

Cuốn tiểu thuyết đầy rẫy những nhà văn không viết, kiến trúc sư không xây dựng, họa sĩ không vẽ tranh. Thay vì làm việc họ lập ra những tổ chức để bảo vệ nhau, khen ngợi nhau, những người này luôn nói mình phục vụ số đông con người. Và quả là họ phục vụ số đông con người thật, họ thỏa mãn những thứ hời hợt, nhỏ nhen của đám đông. Đổi lại đám đông tôn thờ họ.

Tới đây tôi tự hỏi, liệu ở Việt Nam hiện nay có bao nhiều người như vậy? Bao nhiêu nhà văn không viết, bao nhiêu họa sĩ không vẽ? Bao nhiêu người không hề làm những gì thuộc về cái danh hiệu mà thiên hạ hay chính họ tự phong cho mình.

Và cuối cùng là cái số đông quần chung nhân dân trong xã hội hỗn loạn này. Cái số đông này hiện ra cũng chẳng khá hơn là bao nhiêu cũng rỗng tuếch và đầy sự a dua. Không phải vì họ yếu đuối và không có tiếng nói. Mà là vì họ không suy nghĩ về việc mình đang nói gì. Cứ thử dạo một vòng, cứ thứ nhìn xung quanh, hãy nhìn những gì báo chí đang hiến dâng cho đám đông quần chúng này. Họ quan tâm đến những gì, đó là những thứ rẻ tiền, kệch cỡm. Trong “Suối nguồn” ông chủ của tờ “Ngọn cờ New York” đã nêu ra phương châm của mình “Hãy làm cho họ dâm dật và hãy làm cho họ cảm động, làm được như vậy ta sẽ có họ trong tay”. Nếu câu đó không nói đúng về tình trạng báo lá cải, báo mạng của chúng ta hiện nay thì tôi không rõ câu nào mới đúng. Và trong một mặt bằng xã hội như vậy những con người thật sự suy nghĩ bằng cái đầu của mình đều bị chống lại, không ai có tiếng nói nếu họ không nói theo số đông.

Thỉnh thoảng tôi lại dạo lòng vòng trên vài trang mang tiếng là đem đến tiếng nói dân chủ trên facebook ví dụ như cái trang mà dân tình khối người đang hâm mộ như Việt Tân chẳng hạn. Ở trên đó họ vạch trần khá nhiều nhưng chẳng hơn báo lá cải là bao, và cái phương châm của họ hết sức mơ hồ và toàn là thứ nhai đi nhai lại chán phèo. Nhưng nếu ai đó thử vào comment như vậy xem. Lập tức một lô, một lốc những kẻ không biết từ đâu ra sẽ nhảy vào chỉ trích. Nếu có từ nào đó diễn tả đúng tình trạng này thì phải là “đấu tố”. “Đấu tố” thời Internet, một phát ngôn trái ý ngay lập tức bị vùi dập không cần biết đúng sai. Và không có chính quyền, admin nào ra tay cả, người ra tay là “quần chúng nhân dân” ngoài kia. Và còn một thứ khác mà họ tích cực làm nữa là chụp mũ, ai nói khác thì sẽ bị phê phán ngay là “Dư luân viên”. Cứ như Nhà nước hay gọi mấy ông dám cãi mình là “Phản động” vậy. Chà nếu vậy thì hóa ra bên này và bên kia cũng chả khác gì nhau.

Và cái dư luận này tung hê những kẻ như Nah aka Nguyễn Vũ Sơn thì phải. Nghe anh này nói về chính trị thì phải nói là cứ như Trấn Thành, Việt Hương diễn vỡ Hamlet, nhảm nhí, phô trương, nửa mùa và toàn khôn vặt. Nếu người ta có thể coi đó là một nhà dân chủ thì tôi thật sự nghĩ sẽ chả ra cơm cháo gì ráo. Vấn đề là cần phải quên quá khứ đi hãy nhìn vào hiện tại, tương lại tình hình. Đừng nói về chiến tranh hai miền nữa vì tôi nghe chán lắm rồi. Và hãy nói cái gì đó mới mẻ, cái gì đó thật sự quan trọng, cấp thiết và làm cho người khác hiểu được sự cấp thiết của chúng, hơn hết là hãy biết điều. Đừng kêu ngừoi ta tin mình với sự cao ngạo đó vì những con người và tổ chức trên chưa đủ khả năng, trình độ cũng như tư cách mà cao ngạo. Hơn nữa sự cao ngạo của cá nhân sẽ giết chết mọi phòng trào.

Như trong “Suối nguồn” xã hội nay đang diễn hài mà không biết. Và ai mà nhìn họ và cười thì họ sẽ nghĩ là bị thần kinh.

Nhưng đừng cho rằng tôi tức giận gì xã hội chúng ta. Tôi vẫn luôn cho bản thân là người chấp nhận cái thực tế của hoàn cảnh sự việc. Xã hội chúng ta đã đi tới bước này, cũng như nước Mỹ và Phương Tây đã đi tới (đối với họ đó là thập niên 20-30, có vô khối tác phẩm văn học nói về thời kỳ này mà điển hình là Gastbyvĩ đại (click vào link này để tải sách) chẳng hạn và hình dung chung của các nhà văn đều là sự hỗn loạn của xã hội). Vì chúng ta vẫn “đang phát triển” và đây là sự hỗn loạn đỉnh cao của cái “đang phát triển” ấy. Chúng ta hãy cầu mong cho những điều tốt đẹp ví như đám nhà giàu sau này, những người được thừa hưởng sự giàu có từ ông cha mình hoặc những người giàu chậm hơn (chứ không phải chính đáng hơn) sẽ có gu thẩm mỹ tốt hơn (đừng mong họ tốt bụng hơn, vì nó viễn vông). Họ sẽ thượng lưu đúng kiểu hơn chứ không làm ta xốn mắt vì những công trình, các nghĩa trang hết sức rẻ tiền mà họ xây nên. À mà thêm nữa là chính quyền các địa phương cũng có gu mỹ thuật hơn, nếu mà có làm cái gì đó tốn tiền thì họ sẽ làm nó thật là đẹp và nghệ thuật.

Các nhà gì đó (gồm nhà văn, nhà thơ, nhà họa sĩ, nhà phê bình) sẽ làm việc nhiều hơn vì cuối cùng thiên hạ sẽ chán ngấy các phát biểu của họ.

Và đám đông quần chúng nhân dân sẽ thật sự có tiếng nói chứ không phải làm lóa phát thanh cho ai đó.

Những điều trên là các viễn cảnh tốt đẹp mà chỉ có thời gian mới cho ta biết là có xảy ra hay không. Đừng mong chờ một người như Howard Roak xuất hiện, anh ta không thực tế và không xứng đó cho loài người trong giai đoạn này. Vì anh ta là hiện thân thuần khiết của linh hồn con người cái mà Plato đã khẳng định là chỉ có thể tiệm cận chứ không bao giờ đạt được trong khi còn sống.

Bạn muốn hiểu rõ bộ mặt của chính chúng ta hiện nay, hãy đọc “Suối nguồn” bạn sẽ thấy vị trí của mình trong đó.

Tôi không dùng xã hội để nói về quyển sách, tôi đang dùng quyển sách để bình luận xã hội. Và điều đó hoàn toàn chính đáng.

Bạn có thể đọc sách “Suốinguồn” của Ayn Rand: TẠI ĐÂY hoặc download – tải sách: TẠI ĐÂY
Previous Post
Next Post