“Sinh lão bệnh tử “ là một vòng tuần hoàn quẩn quanh kiếp người, chúng ta vốn dĩ vẫn sợ hãi khi nghe thấy người thân, bạn bè hay một ai đó xung quanh bị căn bệnh ung thư nhào tới gõ cửa, vô tình đón nhận bản án tử nghiệt ngã cho một cuộc đời.
Việt Nam hiện đang xếp trong top những nước có tỉ lệ mắc ung thư cao nhất trên thế giới. Từng ngày đất nước chúng ta có khoảng 257 người tử vong bởi các bệnh về ung thư, mỗi giờ trôi qua đã có hơn 10 người vĩnh viễn xa rời cuộc sống này.
Những con số mà bất kể ai nhìn vào cũng đều ái ngại. Một thực tế đáng buồn và đáng báo động khi mà hằng ngày hàng giờ chúng ta vẫn đang ăn phải những thức ăn nhiễm hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm thiết yếu bị vấy bẩn bởi những kẻ mang dã tâm, bán mình cho đồng tiền, kiếm chác lợi nhuận. Khí hậu biến đổi ngày một khắc nghiệt, những ống khói từ các nhà máy xí nghiệp vẫn không ngừng hoạt động hết công suất ngày đêm. Môi trường sống đang bị đe dọa, ô nhiễm nặng nề và ngay cả thuốc phòng ngừa ung thư cũng tràn lan thuốc giả. Thử hỏi chúng ta có thể làm gì để bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của chính bản thân mình trước nguy cơ bệnh tật?
Ung thư là cái gì đó nhỏ nhoi nhưng lại vô cùng tàn nhẫn và ác độc. Dù trẻ nhỏ, thanh niên hay người già, dù là công nhân, bác sĩ… bệnh tật đều có thể ẩn mình, ung thư sẽ chẳng biết nề hà một ai.
Ung thư có thể làm cạn kiệt sức lực của một cơ thể đang dần yếu mòn theo thời gian nhưng nó không thể đánh bại được ước mơ và hi vọng của con người. Ung thư có thể khiến cho thể xác con người ta đau đớn tột cùng, chìm vào hôn mê sâu và có thể chẳng bao giờ tỉnh lại nữa nhưng nó không thể làm phôi phai đi tình yêu và kí ức. Nó không thể nào chế ngự được niềm tin lòng dũng cảm và sức sống mãnh liệt trong tâm hồn mỗi chúng ta.
Đối mặt trước căn bệnh hiểm nghèo ấy, chẳng ai có thể đoán định được mình còn bao nhiêu thời gian để sống.
Nhìn những con người đầu không còn sợi tóc qua những lần điều trị quặn thắt ruột gan, lồng ngực, dáng vẻ gầy sạm đi, thể lực ốm yếu dần, đôi mắt thâm trũng vì thức trắng đêm không ngủ nhưng họ vẫn cố gắng vượt lên số phận. Họ kể nhau nghe tuổi ấu thơ, thời thanh xuân đẹp đẽ, những kí ức mãi in dấu trong tim. Chia nhau phần cơm bệnh viện hay động viên an ủi nhau trước giờ hóa xạ trị liệu đớn đau.
Hơn ai hết chỉ có những người bệnh ung thư mới thấu hiểu thời gian được sống quý báu như thế nào? Họ sống, chiến đấu mãnh liệt và gan góc. Họ không chỉ sống vì chính mình, vì người thân mà còn thắp lửa hi vọng cho hàng trăm người cùng cảnh vượt qua cơn bạo bệnh. Họ cũng đau buồn và tuyệt vọng khi phải nhận lấy bản án tử nghiệt ngã nhưng thay vì chọn một cuộc đời tạm bợ, phó mặc mọi thứ cho hoàn cảnh, chờ ngày tháng trôi đi trong vô nghĩa thì họ sống, đấu tranh cho niềm tin và mơ ước, dám sống một phần đời luôn tiến về phía trước dù cho hôm nay trút hơi thở cuối cùng.
Họ ý thức được sự ngắn ngủi cho những dự định còn dang dở, lúc ấy họ ước giá như còn được sống thêm 1 năm 3 năm hay lâu hơn chút nữa để được nhìn con cái lớn khôn hay yêu thương trân quý phút giây hạnh phúc bên cha mẹ bởi bao năm khóa bản thân ràng buộc với cơm áo gạo tiền. Có người khi cận kề sinh tử, họ bản lĩnh thực thụ, họ là chiến binh quả cảm dám giành giật từng hơi thở, sự sống từ tay tử thần. Họ tiếp nhận điều trị dù cơ thể bị bào mòn quá nửa và hi vọng sống mong manh, họ tự tạo cho mình sự lạc quan tin tưởng vào những điều tốt đẹp, cùng tình yêu thương chăm sóc của gia đình.
Cuối cùng điều kì diệu đã xuất hiện, trong “đoàn binh không tóc” ấy có người đã chiến thắng, đẩy lùi căn bệnh ung thư quái ác vì sự bền bỉ kháng chiến trường kì. Vừa lĩnh án lại dám kháng án, dám giằng co quyết liệt, không chịu lùi bước trước số phận, nghị lực ấy đã hóa nỗi đau khổ tột cùng thành một niềm hạnh phúc bất diệt.
Người trẻ chúng ta vẫn thường than vãn: “có những ngày đến thở thôi cũng thấy mệt”. Nhưng chỉ khi đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, chúng ta mới cảm nhận được mỗi một hơi thở chúng ta đang có nó quý báu nhường nào.
Bao người vẫn giữ thói quen xấu trong sinh hoạt, vẫn lao đầu vào những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng, lúc tỉnh lúc mê, say xỉn, lê lết. Hàng ngàn người vẫn hút thuốc lá trước cảnh báo trên bao bì rằng thuốc lá có hại cho sức khỏe. Không bất kể riêng ai khi ngày ngày lu bù công việc, hòa mình vào những bon chen vồ vập xã hội mà có khi cơ thể mệt mỏi muốn đình công, con người ta vẫn mặc nhiên chịu đựng, để chen chúc nhau trong guồng quay vội vã ấy. Chúng ta đã và đang không biết quý trọng thời gian, quý trọng bản thân mình. Chúng ta vẫn thờ ơ khi sức khỏe mình lên tiếng, vẫn thức trắng hàng đêm miệt mài với khối lượng công việc đang chất chồng.
Bao năm cuộc sống vốn chẳng dễ dàng gì, công việc, tiền bạc, những mối quan hệ xã hội nhập nhằng, con người ta vẫn nghĩ lăn lộn kiếm tiền, khi có được mọi thứ: nhà cửa mặt phố, xe cộ sang chảnh, áo quần đắt tiền… Ta những tưởng rằng tất cả đã là hạnh phúc. Nhưng khi bệnh tật tìm đến, ta suy sụp tinh thần, rơi vào hố sâu tuyệt vọng, ta lại không thể ngủ ngon trong căn nhà cao rộng đầy đủ tiện nghi ấy, quần áo hàng hiệu mặc vào cũng không thể nào yên giấc trong đêm. Lúc này chúng ta lại cố dang tay ra để níu kéo hi vọng sống còn, phải chăng là đã muộn?
Khoảng cách giữa sự sống và cái chết đôi khi quá đỗi mong manh, sinh mệnh vô thường. Chúng ta lại càng cảm phục và tôn vinh những “chiến binh quả cảm” ngày đêm vẫn chống chọi giành giật từng hơi thở trong cuộc chiến quyết liệt với tử thần. Hãy nhìn những tấm gương kiên cường, đầy nghị lực ấy và ngẫm lại chính mình. Đừng để bản thân nuối tiếc khi giật mình thức tỉnh trong mê muội đắm chìm, đừng để một cuộc đời trôi đi trong vô nghĩa.
Theo Khai Tâm
Xem thêm: 94.000 người chết do ung thư mỗi năm, gấp 9 lần TNGT; Mỗi ngày 257 người Việt chết vì ung thư; Bảng xếp hạng ung thư của các quốc gia trên thế giới
Xem thêm: 94.000 người chết do ung thư mỗi năm, gấp 9 lần TNGT; Mỗi ngày 257 người Việt chết vì ung thư; Bảng xếp hạng ung thư của các quốc gia trên thế giới
Thực phẩm có tính axit và tế bào ung thư trong cơ thể
"Không có một căn bệnh nào, ngay cả ung thư có thể tồn tại trong môi trường kiềm" |
Otto Heinrich Warburg, một nhà hóa sinh nổi tiếng người Đức từng đoạt giải Nobel năm 1931, đã giành nhiều năm cuộc đời mình nghiên cứu về ung thư.
Ông đã phát hiện nguyên nhân của căn bệnh này. Theo đó, ung thư đến từ sự thiết hụt oxy của tế bào gây ra tình trạng cơ thể tích lũy axit. Ngược lại, cơ thể có nồng độ axit cao lại gây ra tình trạng thiếu oxy.
"Tất cả các hình thức của ung thư được đặc trưng bởi hai điều kiện cơ bản: Nhiễm axit và giảm oxy. Thiếu oxy và tính axit là hai mặt của một đồng xu. Khi bạn có mặt này, tất yếu mặt bên kia phải tồn tại", Warburg giải thích.
Đặc điểm của tế bào ung thư là: Nó không hấp thụ ôxy mà hấp thụ gluco, môi trường tốt cho trạng thái này là môi trường axit (ngược lại tế bào khỏe mạnh cần nhiều ôxy, tức là cần môi trường có tính kiềm).
* * * * *
Có thể nói, môi trường axit là một trong những môi trường lý tưởng, thuận lợi cho sự phát triển của tế bào ung thư nhất. Nó cũng là một trong những nguyên nhân chính làm phát sinh ra nhiều căn bệnh ung thư mà nhiều người xem là “án tử hình”.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, lối sống hiện đại và chế độ ăn uống đã tạo nên lượng lớn axit trong cơ thể. Nhiều loại thực phẩm có tính kiềm hoặc bản chất là trung tính, nhưng qua quá trình chế biến công nghiệp trở thành tạo axit. Những thứ này thường được giới truyền thông quảng cáo ca ngợi là tiện lợi và tốt cho sức khoẻ và được bày kín trên các kệ hàng trong siêu thị.
Ảnh hưởng của axit đối với cơ thể
Cơ thể chúng ta luôn có xu hướng axit hóa do những hoạt động của cơ thể như hô hấp, trao đổi chất hay tập thể dục. Khi đó, nếu thay vì bổ sung những thực phẩm tạo kiềm để tái cân bằng lại cơ thể mà chúng ta lại dùng thêm nhiều thức ăn tạo axit sẽ gây ra sự dư thừa axit trong máu, kéo theo nhiều hệ quả không tốt cho cơ thể.
Tình trạng axit hoá sẽ làm giảm khả năng hấp thu khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác, khiến tế bào giảm khả năng tự sửa chữa, cơ thể giảm khả năng sửa chữa các tế bào ung thư, giảm khả năng giải độc kim loại nặng, làm cho tế bào khối u phát triển mạnh, và làm cho có thể dễ bị mệt mỏi và bệnh tật.
Dấu hiệu nhận biết cơ thể có tính axit
- Có vấn đề về da (mụn, eczema, chốc lở...); hơi thở có mùi khó chịu và lưỡi bị đóng trắng; lo âu, trầm cảm, kích động, hoang mang, choáng váng, nhức đầu; mệt mỏi, muốn ngủ nhiều, yếu ớt, năng lực kém hoặc giảm hoạt động. Nhức toàn thân, đau cơ, đau khớp; buồn nôn.
- Các biểu hiện khác bao gồm: tiêu chảy hoặc táo bón, ợ nóng, sưng phù, nước tiểu khai và có màu sẫm; nhịp tim bất thường, tuần hoàn kém, khó thở, lạnh tay chân; dị ứng với thức ăn và hóa chất.
Cách điều chỉnh axit trong cơ thể
Chúng ta cũng có thể điều chỉnh axit cơ thể bằng cách ăn uống những loại thực phẩm có tính kiềm, và quan trọng là có những hoạt động tạo nên kiềm tính như tập thể dục, thở sâu, thư giãn, thiền...
Thực phẩm chứa axit và thực phẩm chứa kiềm (Danh sách thực phẩm có tính axit và tính kiềm này chưa có sự thống nhất nên tham khảo thêm nhiều nguồn đáng tin cậy khác)
Thực phẩm có tính axit
1. Thịt, cá, trứng.
2. Trà, cà phê, rượu.
3. Các loại gia vị, thức ăn, giấm, nước sốt.
4. Các loại tinh bột và hạt, đặc biệt là các loại tinh bột đã qua chế biến (cơm, bánh mỳ, bánh quy…).
5. Hành, tỏi, nấm.
6. Một số loại đậu đỗ.
7. Các loại dầu, các loại thức ăn béo, đồ rán.
8. Các thức ăn có đường: Mứt, xi rô, bánh ngọt
Thực phẩm có tính kiềm
1. Các loại rau, đặc biệt là rau có lá xanh và canh nấu từ các thứ rau này.
2. Sữa, bơ. Mặc dù, có tính kiềm nhưng sữa và bơ là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho tế bào ung thư phát triển.
3. Mật ong, mật mía.
4. Các loạt hạt như hạnh nhân, hạt dẻ.
5. Đậu nành là nguồn dinh dưỡng có tính kiềm cao nhất. Tuy nhiên đậu nành rất khó tiêu dầu nấu lâu hay hầm kỹ và rất âm, cần nên cho qua quá trình lên men để chuyển hóa thành đạm dễ tiêu cho cơ thể như: tương, miso, natto, tamari, nước tương…
6. Các loại trái cây như: đu đủ, táo, dứa, cà chua, chuối, dừa, chanh… và nước ép trái cây, đặc biệt là loại trái cây chứa nhiều nước.
Sau khi biết được axit chính là nguyên nhân và là môi trường thuận lợi để ung thư phát triển. Việc phòng ngừa và điều trị ung thư có lẽ sẽ trở nên đơn giản hơn. Vì vậy, đừng bao giờ để lượng thức ăn mang tính kiềm mà bạn đã ăn vào như trái cây, canh rau… ít hơn lượng các thức ăn mang tính axit và tinh bột.