Sao con người phải nhớ những gì muốn quên. Sao tôi không thể xóa chuỗi ngày đã thuộc về ký ức xa xăm buồn tủi. Tại sao tôi không thể quên hình ảnh cha nằm đau trên giường bệnh. Làm sao tôi xóa được dáng mẹ nhỏ nhoi rớt lại khi chiếc xe chở mình lao về phía trước.
Nhớ như in những buổi lũ con co ro trong tấm chăn chiên thấm lạnh, nghe tiếng động, mở mắt đã thấy ánh đèn dầu liu riu, mẹ nhẹ nhàng dắt xe đi trong hiu hắt mưa gió. Cha không làm gì chừng ấy vẫn dậy, tiễn mẹ khuất hẳn mới vào khép cửa, lặng lẽ nằm xuống thao thức.
Cuộc mưu sinh kéo tôi xa dần nguồn cội. Những lần gặp người đàn bà tóc bạc lượm rác hay với một gánh hàng rong, tôi lại nhớ mẹ. Đã qua thời nghèo khó, mẹ không làm gì ngoài chăm sóc mảnh vườn, chợ búa tự nấu nướng rồi khuây khỏa dạo quanh xóm, nhưng hình ảnh mẹ suốt đời làm lụng vất vả mãi in trong tâm thức tôi. Gắng học đi con, cha mẹ lo được. Học cho giỏi sau này có cái nghề ở thành phố, thoát vùng quê lam lũ. Bao công sức cha mẹ đổ lên cánh đồng, vét khoai sắn chắt chiu gửi cho con ăn học. Những lúc nhận tiền, hồi đó tằn tiện đến cả cuộc gọi, tôi tưởng đến cảnh đầu dây ở bưu điện xã, khuôn mặt mẹ vui như gặp lại đứa con xa. Tôi quên luôn bao khó khăn sẽ đến, quên những cà dưa mắm muối làm sẵn mẹ cha vẫn ăn hàng bữa. Tôi quên những ngày rét căm mẹ nhổ rau bên vồng khoai về chăm con heo mau lớn. Tôi quên đôi gót chân nứt nẻ nhiều lúc rỉ máu của cha thường hơ bên bếp lửa cho đỡ ngứa. Bây giờ lũ con đã lớn, có chồng vợ, đã công ăn việc làm, lại xa quê quán, thật lâu mới òa về trong nỗi khát khao của mẹ.
Cha đi rồi. Một ngày mưa tháng mười se lạnh. Tôi nhìn mẹ gầy rom lại thêm quặn lòng. Kiệt sức vì lũ con, vừa có cái ăn khấm khá cha bỗng từ biệt cõi đời. Có lẽ căn bệnh của cha phát lâu lắm, mà đến mẹ cũng không biết. Người quê thật thà quá đỗi lại thường sợ con lo lắng. Chúng ở xa, mỗi lần về phải xin phép, bị trừ lương, rồi mấy đứa cháu còn nhỏ biết ai chăm sóc, bao nhiêu việc đình trệ. Cha âm thầm chịu đựng đến lúc cơn đau cương phát dữ dội. Con một hai đòi đưa cha đến viện lúc trái tim kia ngừng đập, tay chân đã lạnh và khuôn mặt dường như chưa mãn nguyện với kiếp sống này. Mẹ không tin đó là sự thật. Sự thật luôn có hình bóng của hai người trong ngôi nhà ngói cũ. Sự thật phải là bữa cơm với hai chén và hai đôi đũa. Sự thật phải có người đàn ông mỗi ngày vẫn chăm bón cho mấy vồng rau trong vườn. Mẹ lấy chồng sống trong ngôi nhà này, chết cũng ở đây, sẽ không đi đâu, không ở với đứa con nào hết. Sống, mẹ chăm sóc thân cha. Chết, mẹ chăm sóc linh hồn ấy.
Trở về nhà dạo cha bệnh nặng, không tin mình có thể tự tay thay đồ, lau sạch hình hài cha, ra giếng múc nước, vào bếp trông nồi thuốc sắc, đỡ cha dậy ngồi ngắm khu vườn, tôi lén nhìn những giọt nước mắt âm thầm chảy xuống khuôn mặt không biểu lộ nhiều lắm cảm xúc. Không thể chịu nổi ngần ấy công việc và ngần ấy niềm thương cảm nếu không có mẹ. Và chính tôi, trong chuỗi ngày ngắn ngủi đã thực sự san bớt cơn đau tim của mẹ. Bước vào nhà lúc trời còn tối, tôi đã thấy mẹ hom hem bợt bạc, khuôn mặt của một người chịu đựng... nhưng rồi cha đi trước. Có lẽ cha thương mẹ quá, muốn sớm rời bỏ dẫu là một mình về nơi xa lắc. Phải chăng quãng thời gian cha nằm viện, tôi hạnh phúc nhất? Hạnh phúc bởi an ủi phần nào nỗi ân hận từ nhỏ đến lúc lập gia đình chưa một lần săn sóc cha dài ngày như thế.
Nhìn cha ăn từng muỗng cháo, chòm râu trắng cước rung rinh, tôi ước sao hình ảnh đó sống lại dẫu chỉ một lần. Tất cả đã tan. Tôi ôm riết con, ôm riết người bạn đời như sợ cũng tan mất sau một đêm ngủ dậy. Trong cơn mê sảng tôi từng thấy mình đứng trên mặt băng đang tan dần mỏng dần. Đừng yêu thương quá đỗi có phải hơn không. Liệu gia đình tôi có được đoàn tụ cho đến lúc tất cả hòa vào hư vô cùng thời điểm không lệch giây phút nào.
Tình thương của mẹ dành cho cha nhuốm lên đời tôi. Chưa bao giờ tôi lùi ra âm thầm nhìn mẹ trong nỗi bất lực về sinh mệnh nhỏ nhoi giữa dòng thời gian bất tuyệt như vậy.
Chưa bao giờ tôi quý tiếc từng ngày trôi đi trong đời cha như vậy. Chưa bao giờ tôi tưởng về dòng máu mẹ đang khô dần theo từng hơi thở. Có lần gọi điện, mẹ không bắt máy. Nghĩ mẹ đang đãi gạo hay lui cui dưới bếp. Chốc gọi lại, cũng vắng. Tôi gọi liên tiếp mấy cuộc. Mỗi lần nỗi lo càng tăng. Sợ lắm một cú trượt ngã, mẹ chới với trong ngôi nhà đã trở nên quá rộng ngày vắng cha. Tôi gọi vào số máy bàn, chuông thường kêu rất to, cũng không ai cầm máy. Gọi anh trai. Anh tất tả chạy xe hơn mười cây số về xem thử. Nóng lòng đợi. Anh gọi bảo mẹ bên hàng xóm, máy quên ở nhà, tôi trách mình nghĩ quẩn, nhọc công anh đường xa vất vả. Ờ thì mẹ còn đó, sao tôi thấy quá đỗi hụt hẫng. Nhớ bận mẹ ngồi bên cha, không rơi lệ, nhưng nhìn đôi mắt đỏ hoe ấy, khuôn mặt sầu khổ ấy tôi thương ngàn lần.
Hoang mang trong khu vườn cũ. Gà hàng xóm bới tung vồng rau, tôi không buồn đuổi nữa. Cây na, cây ổi cha trồng từ lúc lũ con còn nhỏ, giờ mẹ đều chít khăn cho chúng. Những đứa con trở về rồi ra đi. Tôi ở lại với mẹ ít ngày, rảo quanh vườn hái rau dại nấu canh, bắt đầu buổi đầu tiên ăn chay trong bốn chín ngày để nhớ về cha. Bữa cơm không ai nói gì. Trên bàn thờ mâm cúng chay đơn sơ vài món rau củ. Tôi muốn bỏ việc và ở lại với mẹ mãi mãi, rau cháo qua ngày cũng đủ lắm rồi. Ngày xưa khốn khó bội phần, sáng không có nổi khoai sắn phải ăn cám rang đỡ đói lòng; bây giờ niềm mơ ước về cuộc sống đã phình ra, vượt khỏi sự tưởng tượng của tôi thuở nào, trong lúc mẹ vẫn quanh quẩn với mấy thứ rau tập tàng. Thấy mình tồi tệ. Gia đình nhỏ không thể thiếu tôi. Những thành viên thân thương không thể theo tôi về đây. Mẹ càng không thể bỏ ngôi nhà, mảnh vườn thưa lên phố. Mẹ còn hàng xóm, còn con chó già dẹo dọ bước và con mèo mắt đã mờ đục thường nằm lì trên mái nhà tắm nắng.
Những đứa con trở về thoáng chốc như cơn gió. Mẹ chạy ra đón tận ngõ bế cháu, đứa lớn vẫn đòi bồng như hồi lọt lòng. Mấy mươi năm ở nhà, mẹ quen mọi thứ như khuôn mặt cha không thể thiếu vắng. Mẹ nhớ mùi chè gừng vẫn nấu mỗi giao thừa khi bầu trời tắt hết những giọt sáng, dẫu bây giờ nấu ra không còn cảnh cả nhà quây quần ăn trong nỗi say sưa dịu ngọt, đầm ấm rồi lên giường đợi trời sáng đón ngày đầu tiên của năm mới. Tôi không hiểu nổi mình tại sao không bận bịu vẫn không về nhà. Tôi không hiểu nỗi đợi chờ của mẹ cha đêm giao thừa nó cháy khát nhường nào. Mẹ kể năm ngoái ra ngó trời đất, vào ăn chè cha mày bật khóc. Vắng quá mà! Mẹ giờ cũng đợi con cháu về mỗi dịp lễ, Tết. Tính từng ngày.
Những đứa con ào về, mẹ hỏi han thích ăn gì, rồi xào nấu say sưa. Con dâu thành phố dĩ nhiên nấu ngon hơn mẹ, những đứa con cũng quen với bao món, lúc ăn không để ý chê món của mẹ là mẹ im lặng. Tôi bưng bát cơm bước ra phía sau, biết mẹ buồn nhiều lắm. Tất cả tình cảm dồn trong nồi canh; tôi hiểu món dưa mẹ muối, hiểu nồi chè mẹ vo om trong bếp trấu. Rồi những đứa con lại ra đi. Không chỗ nào trong nhà con cháu không xáo xào đảo lộn. Mọi đồ vật vốn yên lành đâu nằm đó nay bề bộn lăn lóc. Cơn gió nhẹ ào tới khiến lòng mẹ mát rượi. Giờ còn lại sự quạnh quẽ nao lòng, với một bãi đồ chơi con trẻ, mọi thứ vương vãi trên tủ xuống gầm giường. Mẹ mang ra giặt, những chiếc chăn nặng trĩu so với đôi tay gầy. Phơi phóng, mẹ lại cất chúng vào bao đợi những lần khác lũ con trở về.
Có ai ở lại để chứng kiến nỗi buồn của mẹ. Căn nhà mới vui nhộn nói cười ê a tiếng trẻ đó bỗng lặng phắt. Chỉ bó nhang những đứa con thắp lúc ra đi là điều duy nhất nhắc nhở mẹ về sự hiện diện vô hình của một linh hồn. Hôm xong đám, mẹ tiễn những đứa con ra cổng. Tôi đứng ở góc vườn, sau gốc khế nhìn ra. Mẹ cười vẫy tay, rồi khi chiếc xe vút đi, mẹ kéo áo lau nước mắt, để tôi không thấy được nỗi buồn ấy, để khéo nhắc tôi yên tâm rằng cha mẹ già rồi, tình cảm vợ chồng cũng nhạt… Đêm sâu hút. Tôi nằm bên bàn thờ, ánh đèn hắt lên khuôn mặt cha đỏ au, mẹ trở dậy ba lần sợ nhang tắt mất. Bữa ăn sáng nhà quê, mẹ nói mai mốt mẹ không cúng cơm trên bàn thờ như người khác, mẹ vẫn dành cơm cho cha trên mâm này. Chừng ấy đủ thấm tim tôi đau nhói, nuốt cơm không nổi nữa.
Giá biết rằng ở cõi bên kia cha đang rất vui vẻ, thăm thú ông bà nội ngoại mất sớm, giá biết cha đang ăn rất ngon lành và căn bệnh nan y đã lành. Giá biết mai mốt, mẹ vẫn đủ sức cười với cha trong di ảnh… Những buổi sáng hiếm hoi ở lại nhà, tôi thường ở cửa nhìn ra, nơi cha từng ngồi trên chiếc ghế nhìn mẹ dọn vườn lúc mặt trời chiếu xiên hàng đậu ve lấm nắng. Vùng hoa giấy rực màu tươi rói, sao bây giờ trông buồn vậy. Mẹ quét chỗ hoa rụng đêm qua, vàng, hồng và trắng, ba sắc màu hòa với vành khăn tang chít đầu thọng xuống. Góc sân mai lại thêm một lớp màu héo úa. Đời người dài lắm sao ai cũng hối hả bon chen, vồn vã sống. Mỗi lần tính về quê tôi phải dự liệu trước rất lâu, nhưng rồi mọi việc vẫn bề bộn. Có ai thanh thản trước lúc về cõi khác?
Tóc xanh rồi bạc. Đâu phải ai cũng về già, bệnh rồi chết. Người còn trẻ bỗng đột ngột ra đi; kẻ mang căn bệnh nằm liệt giường mấy mươi năm nhức thấu trời xanh; lại có người phát hiện bệnh cũng là thời điểm kết thúc thọ mạng. Chao ôi đời người, biết dùng chữ nào đúng hơn sự vô thường. Trên dòng đời mọi thứ đều dang dở chăng? Tôi và mẹ lật hết đồ đạc của cha. Đống sách vở đen thui ủ mối, mẹ và tôi lật dở từng trang.
Chợt nhận được bức thư cha viết cho tôi hơn mười năm trước; viết rồi gấp lại trong một cuốn vở, chắc cha có việc rồi quên luôn, cứ ngỡ nó đã được gửi. Nếu nhận bức thư ấy tôi lẽ nào không hồi âm?
Cha bảo làng mấy ai đậu đại học, mấy ai có cơ hội thoát cảnh chân lấm tay bùn suốt ngày úp mặt vào ruộng nương. Con yên tâm gắng học, cha mẹ có bán vài thứ lặt vặt đủ trang trải… Mẹ đọc lướt bức thư là hiểu.
Tôi thấy nước mắt mẹ rớt trên những dòng chữ ướt nhòe. Con ơi cha viết thư lúc gửi tiền tháng cho con đó. Lúc cha vừa bán quan tài! Thứ đáng giá nhất trong ngôi nhà tuềnh toàng phên nứa. Tôi không để ý, kể cả những lần về quê vào những dịp nghỉ học; tôi không hề cảm thấy trong ngôi nhà thiếu vắng một thứ gì. Chiếc giường được xê dịch, và tôi quên nơi ấy từng có một đồ vật linh thiêng đặt nằm ngang gọn ghẽ.
Khóc nức lên, tôi quỵ xuống trước bàn thờ ngút khói nhang. Ngày trở về mọi thứ đã được khằn trong những tấm ván dày. Mẹ nói đôi mắt cha chờ mãi con, cái đầu nghẹo ra phía cửa… Mẹ nói thôi cha ngủ đi, con nó không về kịp đâu, mãi cha mới chịu ngủ. Tôi muốn hét lên, muốn tan vào lòng mẹ cảm nhận cơn đau vĩnh hằng trong nỗi sinh tồn khắc khoải.